Đức Tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ

Đức Tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ.Ý Nghĩa

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài chia sẻ cho Tối Tĩnh Tâm Mùa Vọng Thứ Hai ngày 10/12/2012

ở Cộng Đoàn Westminter Giáo Xứ Blessed Sacrament,

và đã được Nguyệt San Hiệp Nhất phổ biến ở số báo Tháng 1/2013)

Mùa Vọng hay Advent có 2 ý nghĩa chính: ý nghĩa thứ nhất, nếu căn cứ vào 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm trông đợi Đấng Thiên Sai của Cựu Ước thì Mùa Vọng là Mùa Phụng Vụ Chờ Mong Chúa đến; ý nghĩa thứ hai, nếu căn cứ vào chính chữ “Advent – Đến” thì Mùa Vọng là Mùa Phụng Vụ về Mầu Nhiệm Chúa Đến trên gian nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh như một EmmanuelThiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thế nhưng, lịch sử cho thấy Chúa Kitô đã đến rồi. Bởi thế, hai ý nghĩa trên đây của Mùa Vọng liên quan đến Cựu Ước nhiều hơn Tân Ước. Tuy nhiên, vì Phụng Niên của Giáo Hội là để cử hành tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô, từ khi Người Nhập Thể Giáng Sinh đến thế gian lần thứ nhất cho tới khi Người đến lần thứ hai trong vinh quang “để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”, mà Phụng Niên không thể thiếu Mùa Vọng.

Do đó, việc cử hành Mùa Vọng của Giáo Hội theo ý nghĩa Tân Ước đây bao gồm một ý nghĩa lưỡng diện bất khả phân ly, ở chỗ Mùa Vọng liên quan chẳng những đến Mầu Nhiệm Giáng Sinh mà còn đến cả Mầu Nhiệm Tái Giáng: Thiên Chúa “đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14) nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh, và cũng là Đấng “sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mathêu 28:20) khi Người Tái Giáng.

Đó là lý do ngay Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, các bài đọc của phần Phụng Vụ Lời Chúa, nhất là bài Phúc Âm, bao giờ cũng mang ý nghĩa của Mầu Nhiệm Tái Giáng, một mầu nhiệm mà chung con người và riêng Kitô hữu cần phải mong đợi trong “tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể thoát được những việc sẽ xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Luca 21:36; xem cả Mathêu 24:42 và Marco 13:33,37).

Dụ ngôn sâu xa của cuộc Chung Thẩm cũng đã chất chứa cả hai Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Tái Giáng: Tại sao khi Tái Giáng trong vinh quang Chúa Kitô lại phán xét kẻ sống và kẻ chết theo tiêu chuẩn bác ái liên quan đến thành phần anh chị em hèn mọn nhất của Người – nếu không phải là vì Người là Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người, đã nên giống nhân loại mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, đã trở thành một con người khốn cùng nhất hay sao?

Tuy nhiên, trong Cuộc Chung Thẩm này, cả hai thành phần chiên và dê, tiêu biểu cho thành phần “kẻ sống (chiên) và kẻ chết (dê)” được Chúa Kitô Tái Giáng phán xét, đều thưa cùng Người một câu giống nhau, đó là chúng tôi có thấy Chúa đâu (xem Mathêu 25:37,44). Vậy tại sao chỉ có chiên mới được rỗi còn dê lại bị hư đi, nếu không phải cả hai khác nhau ở chỗ “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gallata 5:6), tức không thấy mà cứ sống bác ái!

Đúng thế, đức ái là dấu hiệu của đức tin, là hoa trái của đức tin và là tầm mức của đức tin, và phần rỗi của chung con người và riêng Kitô hữu hoàn toàn lệ thuộc vào đức tin. Trong Năm Đức Tin nói về đức tin thì rất thích hợp, nhưng tại sao đức tin lại liên quan đến vấn đề bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ, một đề tài dường như rất lạ lùng trong Mùa Vọng là thời điểm Giáo Hội đang hướng tới và long trọng tưởng niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô?

Thật ra Đức Tin là Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ là đề tài rất hay trong Mùa Vọng là thời điểm sửa soạn cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Bởi vì, nếu Mầu Nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm “Lời đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14), đã mặc xác làm người thì sức khỏe và sự sống thể lý của con người trần gian chúng ta đã không hề liên quan gì với Mầu Nhiệm Giáng Sinh hay chăng, hay cả hai còn có một chiều kích thần linh và có một giá trị vô giá hơn nữa!

Chính vì sức khỏe và sự sống của con người chúng ta đã được thần linh hóa hết sức cao trọng như vậy nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Vị Thiên Chúa đã Hóa Thân Làm Người nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta cần phải trân trọng sức khỏe và sự sống thể lý, chẳng những của chính bản thân mình mà còn của cả tha nhân nữa, nhất là thành phần anh em hèn mọn nhất về thể lý được liệt kê trong cuộc Chung Thẩm (xem Mathêu 25:35-36,42-43).

Sống trong xã hội Hoa Kỳ này, nhiều người trong chúng ta, nhất là những người đi làm cho các hãng xưởng, đều có bảo hiểm sức khỏe, và không ít mua thêm bảo hiểm nhân thọ. Thế nhưng, thực tế cho thấy không một hãng bảo hiểm sức khỏe hay nhân thọ nào có thể bảo đảm sức khỏe và sự sống của chúng ta. Do đó, không thể nói các hãng ấy bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm nhân thọ mà chỉ có thể nói họ bảo hiểm về sức khỏe hay về nhân thọ.

Trong khi đó, đức tin không phải chỉ là một thần đức hay một nhân đức đối thần, hoàn toàn có tính chất siêu nhiên và thần linh, không hề có liên quan dính dáng gì tới thể lý, tới đời sống tự nhiên, tới thân xác của con người. Trái lại, nếu Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh là để cứu chuộc cả linh hồn lẫn thân xác của con người vướng mắc nguyên tội thì Đức Tin quả thực là một thứ Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ đúng nghĩa nhất và tác hiệu nhất.

Không phải hay sao, chính nhờ đức tin mà con người Kitô hữu mới có thể chẳng những sống mạnh khỏe ngay trên trần gian là nơi sinh lão bệnh tử này mà còn được hưởng sự sống vinh phúc trong cõi vĩnh hằng nữa. Thực tế đã không cho thấy hay sao đã có những con người Kitô hữu nhờ đức tin đã sống thật khỏe mạnh hầu như không bệnh nạn, thậm chí khỏe mạnh ngay cả khi mắc bệnh, đôi khi còn được khỏi bệnh, và cải tử hoàn sinh.

1- Đức tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe

Tôi có một người bạn mà trong suốt 16 năm quen biết (1966-1982), hầu như không bị bệnh gì hết, ngoại trừ một lần duy nhất hơi bị cảm, cho dù hằng năm cộng đồng chúng tôi chung sống có nhiều người bị cúm rất hay lây lan. Cho tới này, sau 30 năm gặp lại, những người sống gần với con người này vẫn làm chứng rằng chẳng thấy anh ấy bị bệnh nạn gì. Trong khi đó, anh có một thân xác gầy gầy, nhỏ nhắn, ăn ít, ngủ không nhiều mà lại làm việc nhiều. Đặc biệt là lúc nào cũng cười, không một ai bắt gặp anh có bất cứ một phản ứng tự ái nào, với bất cứ một ai, dù người đó trẻ hơn anh hay cố ý chọc tức anh. Trong số bạn bè, người tôi khâm phục nhất là anh về đời sống thánh thiện của anh, một đời sống thánh thiện có thể nói đã chi phối cả đời sống tự nhiên liên quan đến thâm xác hầu như phi bệnh nạn của anh.

Kinh nghiệm tu đức nơi đời sống đạo của Kitô hũu chứng thực cho thấy rằng đức tin quả thực là một thứ bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ cho họ trong cuộc hành trình đức tin của họ trên trần gian này nữa. Ở chỗ, nhờ đức tin, họ có thể sống bình an trong tâm hồn, không bị các chứng bệnh tâm thần (mental health) thường xẩy ra như căng thẳng (stress) hoặc lo âu (anxiety) hay trầm cảm (depression) v.v.

Và cũng nhờ đức tin, họ sống khỏe mạnh cả về phần xác, chẳng những ăn được ngủ được mà còn dồi dào nghị lực để hăng say hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi nữa. Kết quả của một con người có được một hồn an và xác mạnh như thế là ở chỗ họ sẽ được hưởng một tuổi thọ hơn bình thường, bởi ít bị bệnh trầm trọng, hay cho dù có bị bệnh nan y, họ cũng có sức chịu đựng và chết một cách an bình.

Thật vậy, trong đời sống đạo của Kitô hữu, đức tin là bảo hiểm về sức khỏe, ở chỗ, họ nhận biết sức khỏe là vàng, là tặng ân Chúa ban cho, cần phải trân quí và gìn giữ hết sức cẩn thận, để nhờ đó có thể phụng sự Ngài trong đời sống cộng đồng của xã hội trần thế cũng như của Giáo Hội hiện thế. Nếu Kitô hữu chỉ gìn giữ và trau dồi sức khỏe với mục đích duy nhất để khỏe mạnh và đỡ bệnh tật hơn là để phục vụ thì cũng chưa đủ, vì sức khỏe của họ chẳng khác gì như nén bạc còn nguyên, không bị con người chủ thể lạm dụng và tác hại, nhưng vẫn không sinh lợi nên vẫn bị trừng phạt (xem Mathêu 25:26-27).

Do đó, về phương diện tiêu cực, họ tránh những gì gây nguy hại cho sức khỏe của họ, chẳng hạn họ không bao giờ nghiện ngập gây tác hại cho sức khỏe của họ, hay không bao giờ chạy xe ẩu kẻo bất ngờ gây ra tai nạn khiển bản thân bị thương tật hay thậm chí mất mạng cho cả bản thân mình lẫn người khác, hoặc cầm hãm những đồ ăn thức uống, cho dù rất ngon miệng đến đâu chăng nữa, nhưng không hợp với tình trạng sức khỏe của họ, nhờ đó có thể tránh được những chứng bệnh nguy tử rất thông dụng ngày nay như cao máu (high blood pressure), cao mỡ (cholesterol) hay tiểu đường (diabetes)…

Trái lại, về phương diện tích cực, họ liên lỉ bảo tồn và trau dồi sức khỏe của mình, không phải chỉ để đỡ bệnh tật mà nhất là để có sức làm việc cho Chúa và phục vụ gia đình, xã hội cùng cộng đồng Dân Chúa. Việc bảo tồn và trau đồi sức khỏe của họ có thể kể đến những việc rất thực tế như ăn uống và ngủ nghỉ điều độ, tập thể dục thể thao hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ để kịp phòng bệnh hơn chữa bệnh (nhất là các thứ ung thư hầu như bất khả kiểm soát) v.v.

Như thế, chính khi Kitô hữu ăn uống và ngủ nghỉ điều độ, tập thể dục thể thao hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ, ở một ý nghĩa nào đó, là việc họ sống đức tin, chứ không phải chỉ là những việc thuần túy bảo tồn và trau dồi sức khỏe về phần xác mà thôi. Thậm chí, chính khi họ thực hiện những việc làm để bảo trì và trau dồi sức khỏe có vẻ thuần phần xác như thế, ở một nghĩa nào đó, họ đồng thời cũng thực sự sống bác ái yêu thương đối với gia đình của họ, và đang âm thầm gián tiếp làm việc tông đồ đối với cộng đồng xã hội và Giáo Hội của họ.

Đức tin chẳng những giúp Kitô hữu sống khỏe mạnh phi bệnh nạn mà còn khỏe mạnh khi bị bệnh hoạn nữa. Ở chỗ, sau khi họ đã cố gắng hết sức tránh lánh tất cả những gì có thể gây nguy hại cho sức khỏe của mình, và liên lỉ bảo trì cùng trau dồi sức khỏe cho công ích, chẳng may họ bị tai nạn khiến họ bị thương tật, hay mắc phải một chứng bệnh nguy tử, với đức tin sẵn có được áp dụng vào mọi lãnh vực của cuộc sống đời thường như thế, họ vẫn có thể sống một cách hềt sức an bình và vui tươi, cho dù thân xác của họ có quằn quại đớn đau đến thế nào chăng nữa, và họ chấp nhận một cái chết tự nhiên khi tới giờ của Chúa chứ không chấp nhận một cái chết triệt sinh trợ tử hay triệt sinh an tử.

Đúng thế, trong khi xã hội văn minh vật chất theo cá nhân chủ nghĩa, duy nhục dục và phá thai, thì không phải là hiếm thấy trường hợp thai mẫu sẵn sàng chịu khổ và chịu chết cho thai nhi của mình được sống. Thành phần Kitô hữu thai mẫu hiếm hoi này không phải là đã nhờ đức tin sống khỏe mạnh hơn những người chị em thai mẫu đương thời của mình không bị đớn đau vì thai nhi nhưng vẫn sát hại đứa con trong bụng của mình hay sao!?

Tôi có quen với một nam Kitô hữu, nay vẫn còn sống ở Orange County . Ông là một trong những thân chủ của tôi khi tôi còn làm việc cho Vietnamese Community of Orange County (1982-1985), với vai trò là Counselor for Handicapped – Cô Vấn cho Người Khuyết Tật. Vào năm 1983, tôi đã giúp ông xin tiền Trợ Cấp Tật Nguyền SSI và sau 3 lần ông mới được hưởng tiền này cho tới nay. Tuy nhiên, trước khi được hưởng tiền SSI, ông mượn tiền GR (General Relief) của Orange County để có thể sống tạm. Mỗi tháng County này cho ông mượn tiền trả tiền nhà, và cho mượn thêm 85 Mỹ kim để ăn uống và tiêu xài các thứ khác trong tháng. Với 85 Mỹ kim này, ông chỉ được tiêu pha 3 Mỹ kim một ngày cho 3 bữa ăn, chưa kể tiền mua sắm quần áo v.v. Trong khi đó, ông bị đủ mọi thứ bệnh tật, nhất là những thương tật từ khi còn ở trên trại tỵ nạn Thái Lan gây ra bởi đám dân địa phương ở đây. Ông sống cuộc đời tỵ nạn ở Hoa Kỳ rất cô đơn (vợ con chết hết trên biển) và khổ sở (bởi bệnh tật hành hạ). Thế mà, có lần, ông đã trích ra 20 Mỹ kim, gửi về Đền Thánh Khiết Tâm Đức Mẹ ở Carthage Missouri của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ để xin khấn. Không phải xin cho được khỏi bệnh nạn tật nguyền mà là xin cho được giữ vững đức tin.

Đức tin chẳng những là một thứ bảo hiểm sức khỏe trong đời thường của Kitô hữu mà còn được chứng thực trong Thánh Kinh nữa, nhất là trong Phúc Âm, điển hình nhất là hai trường hợp sau đây:

Trước hết là trường hợp được Phúc Âm Thánh Marcô, ở đoạn 5 từ câu 25 đến câu 34, thuật lại rõ nhất (trong bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm, dù cũng được thuật lại ở Phúc Âm Thánh Mathêu 9:20-22 và Luca 8:43-48) về “một người đàn bà trong miền bị bệnh loạn huyết suốt 12 năm trường” (câu 25), không bác sĩ nào chữa khỏi, trái lại bệnh trạng “càng trở nên tồi tệ hơn nữa” (câu 26), cho đến khi bà nghe về Chúa Giêsu thì cố gắng chen đến cho bằng được “ở đằng sau của Người giữa đám đông” (câu 27), với ý nghĩ trong đầu rằng: “Chỉ cần tôi sờ vào áo của Người thì tôi sẽ được lành mạnh” (câu 28), và quả nhiên “lập tức máu cầm lại và bà cảm thấy toàn thân được lành mạnh” (câu 29).

Và tác dụng vô cùng thần hiệu “đức tin của con đã cứu con” này nơi người phụ nữ bị bệnh loạn huyết 12 năm ấy đã được chính Đấng cảm thấy có một lực gì đó xuất ra khỏi mình và tìm kiếm trong đám đông chen lấn chung quanh Người xem “ai đã chạm đến áo của Thày?” (câu 30), đến độ cái đụng chạm nhẹ nhàng hết sức kín đáo ấy có thể gây ra cái biến động đột xuất nơi cơ thể của Người như vậy, cho tới khi ánh mắt của Người “thấy người phụ nữ đã làm điều này” (câu 32), khiến bà hoảng sợ và “phục xuống trước mặt Người mà thú thật tất cả mọi sự” (câu 33), để được Người khẳng định rằng: “Chính đức tin của con đã chữa cho con được khỏi – your faith that has cured you” (câu 34).

Sau nữa là trường hợp cũng được Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại ở đoạn 10 từ câu 46 đến 52, với một số chi tiết đặc biệt hơn đoạn cũng được Thánh Luca thuật lại (18:35-43), về “một người ăn xin mù loài tên là Bartimê ngồi ở vệ đường” (câu 46) lúc “Chúa Giêsu đang rời thành Giêrico” (câu 46), và “khi nghe thấy đó là Đức Giêsu Nazarét thì bắt đầu kêu lên rằng: ‘Ngài Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi‘” (câu 47), để rồi càng bị “nhiều người nạt nộ bảo im lặng thì anh ta lại càng la lớn hơn nữa: ‘Ngài Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi‘” (câu 48). Có lẽ vì tiếng la to của anh ta được Chúa Giêsu nghe thấy nên Người “đã dừng bước mà bảo: ‘Hãy gọi ông ta tới đây‘” (câu 49).

Khi nghe thấy “Người gọi anh kìa!” (câu 49) thì “anh ta đã lập tức quẳng chiếc áo khoác qua một bên, nhẩy chồm ngay đến với Chúa Giêsu” (câu 50), Đấng đã lên tiếng hỏi anh ta rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh đây?” (câu 51), và anh đã bày tỏ ước vọng sâu xa của mình rằng: “Lạy Thày, tôi muốn được nhìn thấy” (câu 51). Niềm ước mong chính đáng này của anh, sau khi anh chân thành bày tỏ cùng Chúa Giêsu bằng thái độ tin tưởng mảnh liệt của của anh bất chấp áp lực của đám đông, vứt bỏ những gì mình đang có và hớn hở đến với Đấng anh van xin, đã được toại nguyện “lập tức lấy lại nhãn quan của mình” ngay sau lời Người phán: “Anh hãy đi. Đức tin của anh đã chữa lành cho con – Your faith has healed you” (câu 52).

Đức tin là bảo hiểm sức khỏe được tỏ hiện một cách hiển nhiên nhất trong thời đại văn minh về khoa học và kỹ thuật duy thực dụng này ở chỗ các phép lạ chữa lành phần xác nhờ đức tin của thành phần bệnh nhân bất khả trị hay nguy tử ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Âu Châu. Chẳng hạn như đã xẩy ra 68 phép lạ được Giáo Hội chính thức công nhận trên tổng số 1858 trường hợp (từ năm 1858 là năm Đức Mẹ hiện ra cho tới năm 2012) ở Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức. Hay như ở các trường hợp tin tưởng nhờ lời chuyển cầu của các vị đáng kính trước khi được phong chân phước, như của Chân Phước Têrêsa Calcutta hay của Chân Phước Gioan Phaolô II.

3- Đức tin: Bảo Hiểm Nhân Thọ

Trên đây là hai trường hợp điển hình cho thấy Đức Tin quả thực là một thứ bảo hiểm sức khỏe – health insurance, ở chỗ không phải đóng vai tác nhân (agent) trong việc chi trả cho vấn đề tốn kém từ những thứ chữa trị bệnh tật, mà là một năng lực phi thường có thể chữa lành được cả các thứ bệnh tật về phần xác, như thbệnh loạn huyết nơi người đàn bà trong Phúc Âm mà các bác sĩ đã bó tay, hay thứ tật mù lòa bất trị nơi người đàn ông chỉ còn biết ngồi ăn xin bên vệ đường.

Sau đây là một trường hợp cho thấy đức tin còn là bảo hiểm nhân thọ – life insurance nữa, không phải ở chỗ như là một tác nhân cần phải chi trả một số tiền tượng trưng nào đó theo hợp đồng qui định cho thân nhân của người quá cố, mà là một quyền lực siêu việt có thể cải tử hoàn sinh cho cả  thân xác con người đã chết 4 ngày bắt đầu xông mùi rữa nát, như nơi trường hợp của Lazarô, người anh em của Matta và Maria trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 11 từ câu 1 đến 44.

Thật thế, trong trường hợp Lazarô được cải từ hoàn sinh, đức tin không xuất phát từ chính bản thân Lazarô, vì Lazarô bấy giờ đã chết và đang ở trong mồ, vào lúc Chúa Giêsu xuất hiện trước mồ của anh. Vậy thì đức tin nào đã giúp anh nhờ đó được cải tử hoàn sinh, nếu không phải là đức tin nơi bà chị ruột Matta của anh, người chẳng những tin thân xác của loài người sẽ phục sinh vào ngày tận thế (xem Gioan 11:24), mà còn tin Chúa Kitô “là sự sống lại và là sự sống, và ai tin vào (Người) thì dù có chết cũng được sống…” (Gioan 11:25-26), cho dù người chết đã được chôn cất trong mồ “4 ngày, hẳn là xông mùi hôi thối” (xem Gioan 11:39-40).

Vấn đề mua bảo hiểm nhân thọ, thực tế ở xã hội Hoa Kỳ hiện nay cho thấy, nếu là thành phần cao niên và có tiền, thì do chính họ tự lo, để khỏi phiền nhà đến con cái, nhưng nếu là thành phần con cái thì được bố mẹ mua cho. Trong trường hợp đức tin của Matta đã giúp cho người em Lazarô của chị nhờ đó được cải tử hoàn sinh cũng có thể so sánh với trướng hợp người thân trong gia đình mua bảo hiểm nhân thọ cho nhau. Tuy nhiên, đức tin là bảo hiểm nhân thọ trong trường hợp của Lazarô không phải là một số tiền bồi hoàn 10 ngàn hay 100 ngàn Mỹ kim từ một tác nhân bảo hiểm nào đó cho cái chết của anh mà là chính sự sống về phần xác của anh đã được thực sự hồi sinh “bước ra khỏi mồ” (Gioan 11:44).

Vào giữa thập niên 1990, khi còn làm cho Regional Center of Orange County, cơ quan phục vụ thành phần chậm phát triển (serving developmentally disabled population) ở Orange County, với vai trò là một Phối Hợp Viên Dịch Vụ (Service Coordinator), tôi đã đến thăm một gia đình Việt Nam ở Orange để thăm một trong cả trăm thân chủ (client) lớn nhỏ của tôi. Thân chủ này là một em gái bấy giờ 7 tuổi, bị chậm phát triển, gây ra bởi tình trạng trục trặc ngay lúc được sinh vào trần gian.

Theo lời của cha mẹ trẻ trung khoảng ngoài tam thập nhi lập của cháu kể lại thì bấy giờ gia đình cháu còn ở bên Louissiana, khi mẹ cháu chuyển bụng thì gọi xe đến đưa gấp vào nhà thương. Tuy nhiên, mãi hai tiếng đồng hồ sau xe mới tới. Trong thời gian đó, nước ối trong bào thai đã tuôn ra hết nhưng thai nhi vẫn còn trong tử cung của người mẹ. Tức là cho tới khi người mẹ sinh con thì bào thai bị ngộp vì không còn nước ối như khi được cưu mang, do đó bộ óc của thai nhi đã bị hư hại ngay trước khi sinh ra, và trở thành một bé gái bị chậm phát triển, khờ khạo, cả đời chỉ ở trong tình trạng đơn sơ hồn nhiên như trẻ nhỏ. Tôi đã an ủi cha mẹ em là người Công giáo rằng: Nước Trời đã thuộc về em ngay trên trần gian này, vì em vĩnh viễn là một trẻ nhỏ không biết đến tội lỗi là gì!

Thế nhưng, vấn đề ở đây liên quan tới đề tài Đức Tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ không phải là bé gái thân chủ bị chậm phát triển này của tôi mà là đứa em trái của cháu. Tiện kể lại câu chuyện về đứa con gái đầu lòng hết sức tội nghiệp của mình, cha mẹ cháu còn kể cho tôi nghe cả câu chuyện về đứa con trai của anh chị nữa. Theo anh chị thì khi cháu được cưu mang, bác sĩ sản phụ khoa của mẹ cháu khuyên cha mẹ cháu phá thai. Lý do là vì chị cháu bị dị tật bẩm sinh chậm phát triển thì cháu cũng sẽ bị như thế. Theo tâm lý, như được thấy nơi một số gia đình có con bị chậm phát triển tôi được hân hạnh phục vụ, thường không dám có thêm đứa thứ hai, vì chỉ sợ lại sinh ra một đứa con bị “tàn tật” nữa, vừa tội nghiệp cho nó vừa nặng gánh cho mình.

Cảm thấy lo âu về tương lai của đứa con thứ hai của mình trước lời khuyên của bác sĩ, hai vợ chồng cảm thấy buồn và suy nghĩ cầu nguyện rất nhiều, để rồi, khi nghe bác sĩ (Công giáo!) của mình khuyên giục đến lần thứ 3, anh chị đã nhã nhặn nhưng cương quyết trả lời rằng: “Chúng tôi là người Công giáo, chúng tôi không được phá thai!” Và chính nhờ quyết định mãnh liệt rất Công giáo này mà đứa con trai thứ hai của anh chị, bầy giờ đứng trước mặt tôi, quả thật là một cháu trái kháu khỉnh và khỏe mạnh tốt lành. Như thế, trong trường hợp này, nều nhờ đức tin của bố mẹ mình mà cháu trai này đã được thoát chết, thì đức tin không phải là một thứ bảo hiểm nhân thọ hay sao?

Thực tế cũng cho thấy đức tin quả thực là một thứ bảo hiểm nhân thọ nữa nơi những Kitô hữu sống bởi đức tin. Thật vậy, vào ngày mùng 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy một người đàn ông 40 tuổi nằm chết trong một chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong một sân chùa ở Miền Nam California, bỏ lại 1 người vợ … và 2 con trai. Người đàn ông tự tử này chính là Thi sĩ … có tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung và Khu Tiểu Sài Gòn nói riêng. Anh rời Việt Nam năm 1980 ở Pháp và sang Mỹ năm 1981, định cư ở Orange County . Thi Sĩ … bắt đầu làm thơ từ thiếu thời, … từ năm 1966 khi mới lên 14 tuổi…  Thế nhưng, thơ của anh chỉ nổi tiếng khi thơ của anh được một số thầy giáo gửi đăng báo của nhà văn Mai Thảo, và được nhạc sĩ Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang phổ nhạc… Thế rồi, cuộc đời của một thi sĩ trẻ khá tiếng tăm như vậy đã kết thúc bằng một cái chết được coi là tự tử vì thất tình!

Sau thời gian này một thời gian khoảng 4 năm, tôi có một người bạn khá nổi tiếng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, lớn hơn thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên 6 tuổi. Cũng có vợ và 2 người con trai, thế nhưng bị vợ bỏ ở vào tuổi ngũ tuần. Ở trong tình trạng mất cả vợ lẫn con, lại long đong lận đận về nghề nghiệp, anh đã cảm thấy buồn khổ đến cùng tận. Có đêm anh không ngủ được và đã gọi đến nói chuyện với tôi để tâm sự trong nước mắt đầy những nghẹn ngào, tìm một chút an ủi nơi tôi là người bạn hết sức thông cảm với anh và tìm cách an ủi nâng đỡ tinh thần cho anh.

Anh đã thú nhận với tôi rằng: “Tâm lý chẳng giúp gì mình được, chỉ có đức tin mà thôi!”. Đúng thế, trong trường hợp của người bạn này, đức tin quả thực là bảo hiểm nhân thọ cho anh ta, bằng không, anh cũng có thể rơi vào trường hợp của Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên khi số phận oan khiên đầy nghiệt ngã đẩy anh vào ngỏ cụt “no way out” của cuộc sống bằng cái chết đáng thương như người thi sĩ ấy. Đức tin trong trường hợp của anh bạn này phải nói là một thứ super therapy – siêu trị liệu, nhờ đó, anh bạn của tôi chẳng những không nản chí buông xuôi tất cả mọi sự, mà còn nhờ đó biết mình hơn và biết Chúa hơn bao giờ hết, bằng lời tuyên xưng sâu xa rằng: “Con biết Chúa nghe con!”.

Thế nhưng, để làm sao có được một đức tin là bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ như thế, là một thứ siêu trị liệu – super therapy như vậy, là một quyền lực có thể ảnh hưởng đến cả phương diện thể lý của Kitô hữu, nếu không phải ở chỗ Kitô hữu sống đức tin của mình bằng chính việc hết lòng trân quí, cẩn thận bảo trì và nỗ lực trau dồi sức khỏe của mình được trời ban cho để nhờ đó nó trở thành phương tiện hữu dụng và đắc lực phục vụ Chúa và Giáo Hội của Ngài!?

Tuy nhiên, cho dù con người có cẩn thận gìn giữ và trau dồi sức khỏe là vàng mấy đi nữa, bởi hậu quả của nguyên tội và định luật đào thải của thiên nhiên theo bản tính hữu hạn của tạo vật, con người cũng vẫn không thể nào trường thọ bất diệt trên trái đất và trần gian mau qua tạm gửi này được. Trong khi đó, tận thâm tâm của con người, qua nỗi lo sợ bị chết đi, hằng khao khát được trường sinh vĩnh phúc.

Bởi thế, một con người dồi dào sức khỏe và sống lâu trăm tuổi mà làm gì cuối cùng không được sống vinh phúc trong cõi vĩnh hằng thì chỉ là vô nghĩa và đáng tiếc. Không có một hãng bảo hiểm nào có thể bồi thường cho tình trạng đời đời hư đi vô cùng khốn nạn của họ. Chỉ có một bảo hiểm duy nhất có thể bảo đảm sự sống đời đời của chung con người và riêng Kitô hữu mà thôi, đó là đức tin, một thứ bảo hiểm nhân thọ không phải về phương diện tự nhiên mà là về lãnh vực siêu nhiên, một thứ bảo hiểm cần phải được họ mua bằng đức bác ái của họ: vì “đức tin hoạt động qua đức mến” (Galata 5:6), để nhờ đó họ được bồi hoàn 100% trong cuộc chung thẩm cho cả thành phần chiên lẫn dê (xem Mathêu 25:31-46).

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay