Tìm sự sống đời đời

Tìm sự sống đời đời

Tác giả: Anmai, CSsR

Mỗi người có một suy nghĩ, một cái nhìn về cuộc đời. Có những người đi tìm vinh quang chóng qua ở cõi tạm nhưng cũng có những người đi tìm sự sống đàng sau cái chết, đàng sau sự sống hiện tại.

Hôm nay, chúng ta nghe một người thông luật chất vấn Chúa Giêsu : : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.

Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của ông, Chúa Giêsu lại hỏi : “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “. Nhanh mồm nhanh miệng, ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”

Nghe ông nói rất chính xác và Chúa Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tiếp đoạn thoại của Chúa Giêsu với người thông luật, Thánh Luca thuật lại cho chúng ta về dụ ngôn người Samari nhân hậu (29-37)

Con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô băng qua sa mạc. Đây là đoạn đường không an toàn, thường xuyên bị các đám cướp tấn công. Một người vô danh, không rõ địa vị, nòi giống, quốc tịch và tôn giáo, đã rơi vào tay bọn cướp. Ông bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc bên vệ đường giở sống giở chết: đây là một tình cảnh hết sức quẫn bách. Nói rằng một con người ở trong tình cảnh ấy cần được giúp đỡ, và ai giúp đỡ người ấy là thân cận của người ấy, điều này thật rõ ràng trước mắt mọi người. Thầy tư tế và thầy Lêvi đã thấy con người nằm đó dở sống dở chết, nhưng đã sang bên kia đường mà tiếp tục bước đi. Sự bận tâm đến sự an toàn và sự tiện nghi thì mạnh hơn lòng đồng cảm đối với người bị nạn. Lối xử sự của người Samari khác hẳn. Ông hành động cách gương mẫu, ông đẩy mọi sự khác vào bình diện thứ hai và chỉ còn thấy tình trạng cần kíp của con người đang nằm trên đường dở sống dở chết. Ông đau lòng trước tình cảnh đáng thương, ông tìm mọi cách để kéo anh ta ra khỏi tình trạng nguy kịch càng nhanh càng tốt. Ông đã tận dụng tất cả những gì ông có để cứu giúp người bị nạn (dầu, rượu, con lừa, bạc).

Chúa Giêsu đã cố ý chọn mẫu người bị nạn là người Samari. Hạng người lạc đạo ấy, không hể có kiến thức của nhà luật học, cũng không có phẩm cách của vị tư tế hay thầy Lêvi, lại tỏ ra hết sức nhân ái và đạo đức. Ông đã thực hành hai điều răn lớn của Cựu Ước về dức mến. Do đó, chính ông mới đáng được gọi là người Ít-ra-en chân chính.

Chúa Giêsu cho thấy rằng không thể vạch ra một giới hạn trong tình yêu thương đồng loại. Chúa Giêsu cũng không đặt ra những tiêu chí, xác định một con số giới hạn gồm những kẻ mà ta phải yêu thương. Như trong nhiều bài dạy khác, Ngài luôn mở rộng tầm nhìn cho con người về lòng bác ái, về tình yêu thương.

Nghe xong câu chuyện, vị thông luật hồ hởi hỏi : “Ai là người thân cận của tôi, kẻ mà tôi phải yêu thương?”.

Chúa Giêsu lại hỏi ngược lại người thông luật : “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Như thế, Chúa Giêsu đã đảo ngược cái nhìn bình thường của người đời. Dụ ngôn và câu hỏi của Chúa Giêsu chính là lời đáp trả về vấn nạn sự sống đời đời của người thông luạt.

Sau khi minh giải bằng câu chuyện hết sức thực tế, giản đơn và dễ hiểu, Chúa Giêsu mời gọi ông ta :  “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37).

Chúng ta thấy ông thông luật này cũng hay. Ông bận tâm về sự sống đàng sau cái chết. Có những chẳng hề quan tâm tìm biết là sau cái chết, sự sống có tiếp tục chăng và chuyện này xảy ra như thế nào. Nhiều người quá bận lòng với nhiều chuyện bận bịu với cuộc sống hiện tại rồi, nên không muốn nặng lòng với những mối bận tâm về sự sống đời đời. Đàng khác, người ta không biết được gì chắc chắn. Nhiều người trong chúng ta vẫn luôn tìm cách thỏa mãn các nỗi niềm chờ mong của mình trong đời sống hiện tại, chứ không quan tâm đến một sự sống đời đời.

Nếu sống và mang thái độ đó trong tâm trí nghĩ suy thì Chúa Giêsu đánh giá là “ngu” (Lc 12,13-21).

Với Chúa Giêsu, sự sống đời đời là một thực tại quyết định ngay ở đời tạm này. Giả như  không có sự sống đời đời, nếu không có trách nhiệm trước Thiên Chúa hằng sống, thì rốt cuộc người ta hành xử như thế nào với người bị nạn chẳng có gì phải bận tâm, phải nặng lòng.

Qua câu chuyện người bị nạn này, chúng ta không có quyền suy nghĩ và nói rằng người thân cận của chúng tai có thể còn là người bà con gần với chúng ta; người cư ngụ cùng đường phố với chúng ta; người cùng làm việc trong một xí nghiệp với chúng ta; người có thiện cảm với chúng ta, v.v.”.

Chúa Giêsu không chấp nhận những giới hạn cho tình yêu thương đối với người khác. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải giúp đỡi bất cứ ai xuất hiện trên đường chúng ta đi đang ở trong tình trạng quẫn bách. Khi ấy không cần phải suy nghĩ đắn đo rằng họ có phải là người ta phải lo hay không.

Muốn thực sự giúp đỡ người lâm nạn, người ta phải dấn thân vào trọn vẹn. Việc ấy có thể làm cho ta phải mất thì giờ, tốn phí tiền bạc, gây phiền toái, làm xáo trộn sự yên tĩnh cũng như chương trình, thậm chí có thể kèm theo một nguy hiểm cho mình nữa. Nhưng đấy chính là thực sự yêu thương người thân cận, một tình yêu đưa đến sự sống đời đời. Như thế, phải luôn mở mắt và có trái tim sẵn sàng để nhận ra được rằng ai đang thật sự cần được tôi giúp đỡ và tôi phải giúp đỡ người ấy thế nào. Hôm nay trên đường đời, vẫn còn có vô số “kẻ cướp”, nên sẽ còn vô số người rơi vào tay “kẻ cướp”, nằm trên đường ta đi, và chờ đợi ta trợ giúp.

Tác giả: LM Anmai, CSsR

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay