Một kỷ niệm về niềm tin từ câu Tin Mừng Ga 13:13

Một kỷ niệm về niềm tin từ câu Tin Mừng Ga 13:13

Tác giả: Hoàng Ngọc Tấn

nguồn:thanhlinh.net

Tôi còn nhớ năm 1979, lúc đó tôi đi học chuyên ngành để ra đi làm. Trong chương trình học có một môn học mà bài học mở đầu nó mang một tựa đề rất dài, mãi cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ từng chữ từng lời: “ Không phải Thượng đế tạo nên con người nhưng chính con người đã dựng nên Thượng đế: Thượng đế chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người.” Để truyền đạt bài học này, người ta đã mời một người thầy của một trường lớn ở xa về. Bằng một kiến thức rộng, nhất là về khoa học, người thầy đó đã thuyết phục các học viên rằng không có thượng đế hiện hữu và thượng đế chỉ là sản phẩm trí tưởng tượng của con người.

Không biết bây giờ người ta đã thay đổi chương trình học hay chưa, nhưng những năm sau năm 1975 thì những ai từng học đại học và trung học nghề đều phải trải qua cái bài học này. Những người trẻ chuẩn bị đi vào đời đã được trang bị những kiến thức như vậy.  Lúc đó bản thân tôi cũng chưa có gì gọi là niềm tin; chỉ có một lòng tự ái nổi lên vì mình cũng là dân Công giáo, là Catholic vậy mà người ta bảo rằng không có Thượng đế, không có Thiên chúa trong cái vũ trụ này; thế thì những truyền thống Công giáo mà mình đang thực thi đây là vô nghĩa sao? Và lúc đó thầm trách mình sao chưa đủ kiến thức để thấu đạt mọi vấn đề.

Đó là chuyện đã qua của ngày xưa.

Lúc đó sống ở môi trường tập thể. Sinh hoạt văn hóa những năm đó thật nghèo nàn, muốn tìm cái gì đó đáng đọc thì cũng chẳng có gì để mà đọc. Gia tài tình cờ may mắn có được quyển Tân Ước nho nhỏ mà truớc năm 1975 người Tin Lành thường hay phát không trong các bệnh viện. Thế rồi những lúc rảnh rỗi cũng cầm lên đọc, và đọc cũng chỉ để mà đọc. Đọc dần thuộc rất nhiều, nhận ra sự giống nhau và khác nhau giữa các quyển tin mừng, nhất là sự khác biệt của tin mừng thánh Gioan. Sau này mới được biết trong giáo hội đã có tư tưởng ví tin mừng thánh Gioan như cánh phượng hoàng bay vút trên cao. Có lẽ vì là người môn đệ được Chúa thương yêu nhiều nhất nên điều này đã góp phần để thánh nhân cảm nhận được cái sâu thẳm, cao vời mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và toát lên trong quyển tin mừng thứ tư tuyệt vời này. Và một ngày nọ trong lúc đọc đến tin mừng thánh Gioan đoạn 13:13 mà nguyên văn được dịch là: ” Các con gọi ta bằng Thầy bằng Chúa, các con nói phải vì ta chính thật là như vậy.”. Có thể đoạn tin mừng ấy đã đọc qua nhiều lần nhưng chỉ lần đó một cảm giác kỳ lạ tràn ngập tâm hồn mình, một sự giật mình để thốt lên trong lòng rằng: Vậy là Chúa có thật sao?; và cũng tự mình trả lời:”Phải rồi Chúa là có thật rồi.” Nếu ai từng đọc tin mừng của thánh Gioan; đọc một mạch từ đầu chương 13 đến cuối chương 17, tức là từ đầu đến cuối bữa tiệc ly sẽ luôn cảm nhận nơi những đoạn tin mừng này toát lên cái man mác của tâm tình biệt ly, cái vời vợi của bao nhiêu nổi niềm mà Chúa Giêsu muốn chia sẻ cùng các môn đệ của Ngài-những người đã đi theo Chúa với một tấm lòng mà có thể chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Ngài. Một chí sĩ đã có câu rằng: “Con chim sắp chết hót tiếng bi thương. Con người sắp mất nói lời tâm huyết.” Một lát nữa đây Chúa Giêu Ngài sẽ một thân một mình bước vào cuộc thương khó, còn các môn đệ thì tan tác. Rồi đây các ông sẽ không còn được nhìn thấy Chúa thường ngày nữa. Thầy trò sẽ không còn cùng nhau rong ruổi trên những nẻo đường của đất Palestina để truyền giảng tin mừng nữa rồi. Bữa tiệc này là bữa tiệc sau cùng, bữa tiệc của biệt ly. Chính trong bối cảnh đó Chúa Giêsu đã khẳng định lại một điều quan trọng mà ơn của Chúa vào thời điểm đọc đoạn tin mừng đó đã tuôn đổ, khai sáng, đánh động để lòng mình cảm nhận ra một cách trọn vẹn rằng Chúa là có thật và để những năm tháng sau này khi đọc hoặc nghe đoạn tin mừng trên lòng lại bồi hồi, rưng rưng nhớ lại là từng có một thuở Chúa đã dùng đoạn tin mừng trên để cho mình sự nhận biết về Ngài.

Và những dòng này đã được viết ra:

“ Con muốn khóc vì tràn đầy vui sướng

Con muốn ca lên vang dậy cả núi đồi

Con thổn thức vì tin, yêu, hy vọng

Con xao xuyến tâm hồn vì Chúa đã thương con.”

Trong đời sống tập thể những năm tháng ấy, tôi cũng chứng kiến có người từng hung hăng trong vô tín, thành khẩn, lâm râm với nén nhang trên tay trước một chuyến xe đi xa mà có lần đã suýt chết. À thì ra trước cái may rủi mong manh của đời người, trước cái chết người ta cũng run sợ; cũng cảm nhận ra cái gì đó linh thiêng vượt trên giới hạn của con người.

Niềm tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là món quà cho không của Ngài dành cho con người. Niềm tin cũng là cả một tiến trình trải nghiệm, cảm nghiệm qua những biến cố, những sự kiện xẩy ra trong cuộc đời của mỗi người, rồi soi rọi nó dưới ánh sáng của tin mừng, của lời Chúa. Niềm tin cũng sẽ chỉ đến đối với những ai trải lòng mình ra một cách đơn sơ, chân thành để đón nhận.

Vậy thì trước những luận thuyết phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa cho rằng Ngài không tồn tại trong cái vũ trụ này bạn và tôi ta cùng cứ trải lòng mình ra để đón nhận, để tìm hiểu về cuộc đời của một con người mang tên là Giêsu cùng với những tư tưởng, giáo huấn của Ngài. Ngài là một nhân vật có thật trong lịch sử, sinh ra ở miền đất Palestina vào đầu công nguyên. Nhưng có một điều rất quan trọng, vô cùng quan trọng. Đó là Ngài không đơn thuần chỉ là con người. Ngài là con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài đã chịu nhiều nhục nhằn bất công mà đáng ra Ngài chẳng cần phải chịu. Chỉ vì tình thương đối với con người, những con người mà Ngài đã nhào nặn nên từ bụi đất đó, Ngài đã cam chịu chết để bạn và tôi cùng được cứu, cùng được có diễm phúc được làm con, làm bạn hữu với Ngài. Rồi từ trong cõi chết Ngài đã sống lại để những ai tin vào Ngài cũng có được niềm hy vọng sẽ sống lại trong quê hương của chính Ngài. Rồi trong suốt hai ngàn năm qua, Giáo hội mà Ngài đã gầy dựng nên ấy, Giáo hội đó có sự thánh thiện và cũng có khiếm khuyết, những khiếm khuyết mà những tư tưởng muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới này đã dùng nó để làm lung lạc niềm tin ngay cả đối với những người đã tin vào Ngài. Cũng trong suốt hai ngàn năm qua, đã có biết bao con người dành trọn cuôc đời mình dấn bước ra đi vun đắp niềm tin về Ngài nơi những người anh em đồng loại của mình.

Với sự trải lòng mình ra để đón nhận Đức Giêsu Ki-tô và tìm hiểu về cuộc đời của Ngài như vậy; qua thời gian, qua tiến trình được vun đắp, một niềm tin sẽ dần lớn lên trong tâm hồn của bạn và tôi. Rồi một ngày nào đó trong tương lai chúng ta lại nghe nói đâu đó trong cái thế giới này có ai đó đưa ra luận thuyết này, luận thuyết nọ bảo rằng không có Thượng đế, không có Thiên chúa trong cái thế giới này đâu. Có thể khi đó bạn và tôi ta sẽ chỉ mỉm cười mà trong lòng mình tràn ngập bình an, mạnh mẻ tự nhủ rằng: “Điều mà người ta nói đó chẳng có nghĩa gì với tôi đâu, chẳng làm bận lòng, chẳng làm lung lạc được tôi đâu; bởi vì chính tôi đã gặp được Ngài rồi. Tôi đã gặp được Ngài trong những giây phút nguyện cầu; đã gặp được Ngài và nhận ra Ngài qua những biến cố, những sự kiện trong cuộc đời của chính bản thân tôi; rồi mai này tôi cũng mang một niềm tin, một niềm hy vọng sẽ gặp lại được Ngài ở buổi họp mặt sau cùng đầy vinh hiển và vĩnh cửu trong quê hương của chính Ngài.”

Khi Stephen Hawking nhà vật lý học nổi tiếng trình bày trong cuốn “ Sự thiết kế Vĩ đại” rằng vũ trụ này đã được hình thành dựa trên những quy luật, những định luật vật lý mà không cần có bàn tay của Thiên Chúa; người ta lại nhao nhao lên rằng: Đấy bác học Stephen Hawking lỗi lạc đã bảo là không có Thiên Chúa trong vũ trụ này đâu!

Có một em bé mà vào dịp lễ Giáng sinh, đứng bên cạnh hang đá Bêlem nhìn vào trong đó; nơi có máng cỏ, có Chúa Hài Đồng. Dưới cái nhìn của em bé đó thì Thiên Chúa Ngài cũng đơn sơ, thân thương, gần gủi qua hình hài trẻ thơ bé nhỏ như vậy. Rồi đứa bé đó thầm thì bên tai Chúa Hài đồng những ao ước của mình, những ao ước có lẽ cũng đơn sơ như chính tâm hồn của nó hiện giờ.

Và cũng có một cụ già; cụ chẳng biết gì về khoa học, chẳng biết gì về những triết thuyết phức tạp của con người. Từ mấy mươi năm nay cụ đã được truyền đạt và tiếp nhận rằng có một Chúa cứu thế Giêsu người Nazarét đã chết cho cụ và cho mọi người. Cũng từ mấy mươi năm nay cụ vẫn hằng liên lỉ nguyện cầu với đấng Cứu thế ấy. Giờ đây ở buổi xế chiều của thân phận con người, cụ vẫn mong, vẫn tin sẽ gặp được Đấng mà cụ vẫn tôn thờ.

Dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, một Stephen Hawking lỗi lạc được ngưỡng mộ kia có thể lại không bằng cụ già hay em bé đây đã có cái nhìn đơn sơ về Thiên chúa nhưng tin cậy nơi Ngài. Niềm tin vào Thiên Chúa luôn gặp nhiều thách thức từ bên ngoài nhưng cũng chính điều này càng làm cho niềm tin ấy trở nên có giá trị và được chúc phúc.

Một niềm tin mà chính vì nó chúng ta đã hiện diện trong cái thế giới này, có mặt trong cuộc đời này như lời của Đức Thánh Cha Gioan XXIII cũng là Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã viết trong “Nhật ký tâm hồn” của ngài: “Sống ở đời chỉ là để nhận biết, để yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa mà thôi.” Và lời này cũng có thể trở nên là một trong nhiều câu trả lời mà Kytô giáo có thể dành cho khoa học, dành cho triết học về cái trăn trở ngàn đời của con người: Chúng ta là ai? -Chúng ta từ đâu tới?- Chúng ta sống để làm gì? -Chúng ta đi về đâu?.

Hoàng Ngọc Tấn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay