Tôi, đứa con người tù “học tập cải tạo” (Kỳ cuối)-Lê Xuân Mỹ

Ba’o Tieng Dan

Lê Xuân Mỹ

18-4-2024

Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 và kỳ 3

Để xoa dịu mẹ con chúng tôi, lần đầu tiên K2 có tổ chức một đám ma tù nhân tương đối đàng hoàng. Có rất nhiều tù nhân chết ở đây. Toàn bộ được bó vào các manh chiếu mây tre rách rưới và được vùi sơ sài trong các khuôn đất trống bên trong trại. Ba có lẽ là người đầu tiên đưọc ưu tiên có hòm làm bằng gỗ ván thông mỏng dính. Chôn theo với ba là mấy bộ đồ rách bươm. Cũng có 4 người tù khiêng quan tài. Phía trước và phía sau có 4 công an đi cùng. Cũng có ly hương là cái chén ăn cơm cũ kỹ.

Tôi cầm bài vị là một bức ảnh căn cước nhỏ xíu của ba còn sót lại trong trại. Mẹ đi sau quan tài. Đoàn đưa tang gồm 10 người lặng lẽ đi về phía 1 đồi trọc xa xa, phía ngoài hàng rào trại K2. Trên đường đi, tôi để ý thấy có những gò đất với rất nhiều ngôi mộ vô danh. Nơi chôn ba là một ngọn đồi, chỉ có một cây đa thật to. Những người tù đào vội 1 lớp đất không sâu lắm, hòm được đặt xuống và lấp lại. Thế là xong!

Ba tôi, một sĩ quan cảnh sát miền Nam Việt Nam Cộng Hòa “thua cuộc”, cuối đời nằm ở đây, một vùng đất gần tận cùng biên giới Việt-Trung. Một mình, lạnh lẽo. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Suốt buổi nhìn trừng trừng. Một khuôn mặt tưởng như vô hồn, nhưng tràn đầy oán hận. Một nỗi hận đến vô cùng. Tôi cắn chặt môi đến tươm máu. Thôi ba ơi, hãy yên nghỉ tạm nơi đây, con sẽ quay trở lại một ngày không xa.

Trước khi trở về, tôi cẩn thận ghi dấu vị trí ngôi mộ với một chữ thập ghép bằng hai nhánh tre và khắc tên ba trên gốc cây to trước mộ.

Tin “chồng bà bún bò Huế chết trong trại học tập cải tạo” lan truyền một cách nhanh chóng khu Hồ Tắm Chi Lăng và cả khu chợ Cây Quéo, Phú Nhuận. Có thể có những người chết trước ba nhưng có lẽ ở khu phố Lam Sơn, Phú Nhuận ba tôi là sĩ quan đầu tiên chết trong trại cải tạo được gia đình chôn cất đàng hoàng.

Từ lúc trở về mẹ tôi ngày nào cũng đi khắp xóm. Gặp ai cũng khóc cũng kể về cái chết của ba, về nỗi uất ức của một người đàn bà đi cả ngàn cây số để cuối cùng không gặp mặt chồng trước khi lìa đời. Xa ngàn dặm và chỉ gần một bước chân mà vợ chồng không thể gặp nhau lần cuối. Đớn đau và tàn nhẫn quá. Mẹ khóc, mẹ kể với sự đồng cảm của bạn bè, của thân nhân và của cả những người không quen biết. Công an phường và cảnh sát khu vực nhiều lần gặp mẹ, an ủi, xoa dịu và cả đe dọa, nhưng mẹ không từ bỏ.

Con người khi đã mất đi phần đời yêu quý nhất của mình thì còn nỗi sợ nào hơn. Tôi thì rất lo dù sao tôi vẫn đang làm việc. Các em đang còn nhỏ dại. Nếu bị trả thù hay mẹ bị bắt vì “tội phản động” thì gia đình sẽ ra sao? Nhưng khuyên cách mấy cũng không làm mẹ thay đổi. Tính mẹ tôi thuở nào cũng như vậy. Khi bà muốn làm điều gì thì làm cho bằng được. Đã nhiều lần bị đưa ra “kiểm điểm” trong các buổi “họp tổ dân phố” nhưng mẹ vẫn như cũ. Gặp ai cũng kể, gặp ai cũng khóc, cho đến ngày chúng tôi nhận được giấy triệu tập lên phường.

Lo sợ có chuyện không lành xảy ra cho gia đình, tôi báo tin và xin chú cùng chúng tôi lên phường. Không biết có phải vì muốn xoa dịu chúng tôi hay không, hôm đó phường mời chúng tôi lên chỉ để đọc “quyết định trả quyền công dân” cho ba. Công an phường sau khi thuyết giảng tràng giang đại hải về “lòng khoan dung của đảng và nhà nước đã trao cho mẹ giấy trả quyền công dân vì thành tích học tập tốt của ba trong thời gian trong trại cải tạo”. Sau này tôi mới biết qua người bạn tù của ba, ba là người thường xuyên bị “kỷ luật và biệt giam”. Thường xuyên không tuân thủ “nội quy trại”. Trả quyền công dân cho một người đã chết, thật quá tức cười và quá nỗi đắng cay.

Cuối cùng với những vất vả lo toan cho cuộc sống, qua thời gian, mẹ và chúng tôi cũng phải làm quen những ngày tháng không có ba. Các em vẫn hằng ngày cắp sách đến trường. Vợ chồng chúng tôi đã có đứa con đầu tiên. Đứa cháu ra đời chưa bao giờ thấy được ông nội bằng xương bằng thịt. Mỗi khi nhìn con, tôi lại nhớ đến ba. Cháu bao nhiêu tuổi, bấy nhiêu năm ba rời xa chúng tôi. Cho đến bây giờ sau bao nhiêu năm tháng, tôi vẫn không quên khuôn mặt ốm nhom ốm nhách của ba trong trại K2 năm nào.

Những năm sau đó, dù vất vả, cuộc sống khó khăn, chúng tôi cùng mẹ cũng kiên cuờng sống tiếp nuôi các em ăn học. Có những ngày ăn bo bo thay cơm. Có những ngày liên tiếp không có gạo, chỉ có bột mì (thời đó tại Sài Gòn chúng tôi phải làm quen với chế độ tem phiếu như ngoài Bắc). Tùy theo lúc, có khi được cấp gạo, có khi nhận toàn bột mì, có khi cả tuần nhận toàn bo bo. Số lượng nhận tùy theo nhân khẩu của mỗi gia đình. Mẹ xoay xở chế biến thành đủ thứ món ăn bằng bột mì cho đỡ ngán.

Dù sao thì cũng không thể gian khổ bằng ba trong những ngày trong tù miền Bắc. Tôi tự an ủi như vậy để sống. Mẹ bề ngoài rất can trường nhưng trong lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về ba. Mẹ ray rứt nghĩ về nơi lạnh lẽo ba nằm, về nắm mộ hoang phế nơi tận cùng biên giới. Mẹ thường nói, không biết ba mày nằm ngoài đó như thế nào. Đêm nào mẹ cũng khóc một mình. Càng ngày càng héo hon. Mẹ lúc nào cũng ao ước đem được ba về. Hết than ngắn lại thở dài.

Ba chết chưa đầy 3 năm, quá sốt ruột, thương mẹ và thương ba nằm lạnh lẽo hiu quạnh, tôi xin nghỉ phép cùng mẹ ra Hà Nội một lần nữa. Lần này với ý định đem ba về chôn cất tại Huế, bên cạnh ông bà ngoại. Nhờ người giới thiệu, tại Hà Nội chúng thuê được một người chuyên về đào mộ cùng đi.

Từ sáng sớm, ba người chúng tôi lên ga Hàng Cỏ và đến tối thì chúng tôi đến trại K2. Sáng hôm sau chúng tôi gặp cán bộ trại, xin đào lấy xác ba đem về chôn tại quê nhà và bị từ chối. Lý do, phải có giấy cho phép của cấp trên. Thời gian chờ đợi ít nhất cũng phài trên 3 tháng. Không còn cách nào khác, không lẽ về tay không, chúng tôi quyết định đào trộm.

Đến lúc này, mỗi khi nhớ lại tối hôm đó tôi vẫn còn rùng mình. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại quyết định liều lĩnh như vậy. Đào mộ chui, chết hoặc ở tù như chơi. Có lẽ phần vì còn trẻ liều lĩnh, phần thương ba và một phần do sự khuyến khích của tay đào mộ thuê. Cũng may là ngôi mộ của ba nằm ngoài vòng đai trại; nếu không, ai biết trước việc gì sẽ xảy ra cho chúng tôi.

Đêm đó, đợi lúc trời chạng vạng tối, trời mưa lất phất, ba người chúng tôi đi đến khu mộ ba. Tôi vẫn nhớ rất rõ đường đi. Vẫn không thay đổi gì nhiều, chỉ khác là cỏ mọc um tùm hơn. Cây thánh giá trước mộ vẫn còn đó, xiêu vẹo. Dấu khắc trên cây vẫn còn, dù có mờ đi. Và cũng chỉ một mình ngôi mộ của ba nằm ở đó, lạnh lẽo, hiu quạnh. Chung quanh không có ngôi mộ nào khác. Có lẽ chỉ một mình ba tôi là có thân nhân đến tiễn đưa khi chết.

Chúng tôi bắt đầu công việc bốc mộ trong cái ánh đèn cầy leo lét. Người đào mộ làm việc chuyên nghiệp và nhanh chóng chạm đến nắp hòm. Nén xúc động, tôi mở nắp quan tài. Ba nằm đó bộ xương còn nguyên vẹn với da thịt và tóc chưa phân hủy hết. Chúng tôi đem bộ xương ba lên theo thứ tự đầu, chân, tay, bên phải bên trái. Mẹ nức nở vừa khóc vừa rửa xương ba bằng nước cánh hồi, sau đó bỏ vào hai bao lác mang theo. Một bao tôi xách gồm phần đầu và phần tay chân bên trái. Bao lác của mẹ gồm xương sống và phần tay chân bên phải. Người đào mộ dặn, phải làm như thế để khi về đem chôn trở lại với hình hài còn nguyên vẹn.

Chúng tôi lặng lẽ vượt 30km lên đường trở ra ga Ấm Thượng trong đêm. Về đến ga Hàng Cỏ Hà Nội thì cũng đã xế chiều hôm sau. Mệt lã người vì thiếu ăn và thiếu ngủ nhưng chúng tôi rất vui vì đã đem ba về an toàn. Bây giờ tôi mới cảm thấy đói. Hai mẹ con ngồi tựa cột đèn trước ga, mỗi người ôm chặt một bị lác chứa xương người. Chúng tôi ăn những ổ bánh mì dai nhách, uống những ly chè xanh đắng chát, nhưng thật ngon lành.

Đang nằm thiu thiu ngủ, bỗng dưng tôi thấy tay mình nhẹ tưng, bừng tỉnh cũng là lúc tôi thấy một bóng người phóng qua mình tôi về phía trái. Ôi cái bị lác của tôi. Tôi phóng người đuổi theo, vừa chạy vừa la: Xương người, xương người. Đứa bé ăn trộm bị tôi đuổi kịp quăng bị lác xuống đất, chạy vào bóng đêm mất dạng. Tôi lượm bị lác lên và ôm chặt vào lòng. Đêm đó hai mẹ con ngồi tựa cột đèn, thức trắng. Lại một đêm thật dài, dài vô tận.

Trời mới tờ mờ sáng, chúng tôi đáp chuyến tàu đầu tiên xuôi nam và đến ga Huế vào nửa đêm. Nhà ông bà ngoại tôi nằm dưới chân núi Ngự Bình, cách lăng Thành Thái không bao xa. Ngôi nhà cổ với sân vườn sau là các ngôi mộ của gia tộc bên ngoại. Về nhà nửa đêm nhưng đã có rất đông họ hàng, các em cùng vợ con tôi về Huế từ ngày hôm trước. Và có cả ông Cặn hàng xóm, người chuyên môn lo về đám ma với hòm rương, nhang đèn đầy đủ.

Đám ma của ba tôi được tổ chức đơn giản nhưng với đầy đủ thủ tục lễ nghĩa như với một người vừa mới qua đời. Xương của ba được sắp xếp lại theo thứ tự tay chân trái phải và được đặt vào quan tài cùng với các đồ dùng còn sót lại của ba. Bà con hàng xóm láng giềng khu vực An Lăng có mặt thật đông.

Hôm đó mẹ đã khóc ngất đi nhiều lần dù ba qua đời gần 3 năm. Dù sao mẹ cũng đã mãn nguyện thực hiện được ước muốn từ bao năm qua: Đưa được ba về, nằm ấm cúng trong mảnh vườn nhỏ gia tộc bên cạnh ôn, mệ. Hôm đó tôi đã khấn trước mộ ba: Ba ơi, hãy yên nghỉ, chúng con thương ba vô cùng. Ba có linh thiêng xin phù hộ cho mẹ và các em được bình an.

Tôi tin là có một thế giới, nơi ba đang sống, thật gần với chúng tôi, luôn theo dõi phù hộ chúng tôi. Độ 3 tháng sau ngày đem ba về Huế, gia đình tôi bỗng nhận được tin về đứa em gái kế. Người duy nhất trong các anh em tôi ra đi tại bến Bạch Đằng 6 năm về trước… Chúng tôi nhận được thư của em gái kèm tờ giấy bạc 50 dô la. Không thể nào kể hết được nỗi xúc động và sung sướng của gia đình chúng tôi lúc đó. Đã sáu năm trôi qua, tưởng chừng như đã mất em vĩnh viễn. Hạnh phúc lớn nhất kể từ ngày ba mất đi.

Ngoài niềm vui về đứa em gái, số tiền 50 đô la đối với gia đình tôi hồi đó là một tài sản đáng kể. Kể từ ngày liên lạc được với gia đình, thỉnh thoảng, em tôi gửi về lúc thì tiền, lúc thì xà phòng, kẹo bánh, đồ dùng điện tử. Quà nhận được, hầu như tất cả đều được đem bán thành tiền để chi dùng trong gia đình. Họa hoằn lắm thì chúng tôi mới giữ lại một vài gói kẹo M&M. Chia cho các em thì mỗi đứa cũng được độ 5-10 viên nhỏ xíu. Hồi đó cái gì từ Mỹ cũng quý vô cùng.

Dù không biết về thế giới bên kia, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng có ba luôn ở quanh quẩn đâu đây, cùng với gia đình và luôn phù hộ cho mẹ con chúng tôi. Cuộc sống gia đình chúng tôi từ cuối năm 1981 trở đi bớt cơ cực hơn. Tôi ngoài giờ đi dạy học ở trường Bưu Điện, còn đi dạy luyện thi vào đại học tại nhà học sinh trong xóm. Vợ tôi nhờ “quan hệ tốt” với các cán bộ trong trường, khi thì mua thêm được gạo, khi thì mua thêm được thịt, các bữa ăn trong gia đình cũng được khá hơn lên.

Các em, kể từ ngày ba “được trả quyền công dân”, sự phân biệt đối xử tuy vẫn còn nhưng không quá nhiều như ngày đầu sau 1975. Mẹ tôi mở gánh bán bún bò tại nhà. Gia đình không dư giả giàu có gì nhưng cũng sống được qua ngày một cách hiền lành, lương thiện.

Sau ngày ba mất, chú tôi thi thoảng có ghé thăm nhưng tôi vẫn cảm thấy một nỗi ngượng ngùng nào đó trong quan hệ của chú cháu chúng tôi. Mỗi lần nhìn hình ba trên bàn thờ tôi lại nhớ đến khuôn mặt gầy gò, râu tóc bạc phơ ngày nào trong trại K2 Vĩnh Phú. Đôi mắt trừng trừng tức tưởi của ba cứ ám ảnh trong tôi hằng đêm. Còn lâu tôi mới có thể tha thứ cho chú được. Giá mà ngày đó chú thu xếp để mẹ tôi ra thăm ba sớm hơn thì có lẽ ba sẽ không ra đi như thế. Nghĩ như vậy nhưng tôi biết, dù có thương ba bao nhiêu, chú cũng không thể làm gì khác được.

Trong những đứa em của tôi, đứa thứ ba là đứa ít nói nhưng ghét chú và căm thù chế độ Cộng Sản nhiều nhất. Thái độ bất mãn trong học hành và trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là với các “cán bộ” miền Bắc, khiến tôi vô cùng lo lắng, bất an. Em thường có những lời nói và biểu hiện mà các “cán bộ” cho là phản động. Có khuyên mấy cũng không được. Lo sợ em gặp sự không may, tôi bàn với mẹ đưa em ra Đà Nẵng sống với gia đình người chị, con bà dì ruột. Và từ Đà Nẵng em là người đầu tiên trong gia đình tôi vượt biên sang Mỹ sau 1975.

Năm 1982, chúng tôi nhận giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Chúng tôi nộp đơn xin đi Mỹ và ngay năm đó cả hai vợ chồng cùng nhận giấy tờ cho thôi việc. Lý do: “Anh chị đã nộp đơn đi nước ngoài, không còn đủ tư cách làm việc tại cơ quan Bưu Điện được nữa”.

Đây là điều chúng tôi đã luờng trước nhưng không ngờ đến quá nhanh như vậy. Vào những năm 81-82, gia đình có thân nhân ở nước ngoài được xem là “phản quốc”. Nhất là với những người có tư tưởng ra sống ở nước ngoài như chúng tôi. Chấp nhận bị đuổi việc một cách bình thản, vợ chồng chúng tôi bắt đầu khoảng thời gian lăn lóc với đủ thứ nghề để kiếm sống và tồn tại.

Thời đó nhờ những lần đi chầu chực lãnh quà từ nước ngoài tại phi trường Tân Sơn Nhất rồi đem bán tại chợ đồ ngoại cuối đường Nguyễn Thông, tôi làm quen với nhiều bạn hàng và cả những người đi lãnh quà như tôi. Mới đầu bán đồ của mình, sau đó mua lại của những người khác, tôi bắt đầu gia nhập hàng ngũ những người mua đi bán lại. Có mặt từ sáng sớm tại phi trường, theo chân những người lãnh hàng về tận nhà, mua rồi đem ra chợ bán kiếm chênh lệch. Hàng hoá từ kẹo, bánh đến nước hoa, đồ điện tử. Thượng vàng hạ cám, bất kỳ thứ gì miễn là của Mỹ là mua, là bán. Làm cái công việc không dính dáng gì đến cái bằng cấp tốt nghiệp của mình. Chỉ cần cái miệng thật dẽo, thật trơn tru. Một đôi khi nhớ lại những ngày tháng trước năm 1975, thấy mình thật nhiều thay đổi. Cái hiền lành chơn chất thuở nào như không còn nữa. Thật buồn, thật tiếc nuối.

Cũng may, tôi vẫn còn duy trì lớp dạy sửa chữa Radio TV tại nhà vào buổi tối. Đó là thời khắc vui nhất trong ngày của tôi. Ít nhất là lúc đó tôi còn thấy mình còn có ích, còn giống đứa con của ba mẹ thuở nào. Lớp ít học sinh nhưng tôi đã giảng dạy một cách say sưa…

Trong những năm giữa thập niên 80, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện hàng điện tử second hand. Đây là những mặt hàng điện tử như tivi, tủ lạnh, radio cassette hư cũ, đã qua sử dụng, được các thủy thủ tàu viễn dương đem về bán lại. Các tàu chở hàng đậu ngoài cảng xa. Mỗi khi có hàng về, chúng tôi đi từng nhóm, dùng thuyền nhỏ cặp ra tàu lớn, mua lúc từ 5 đến 10 cái. Dĩ nhiên đây là buôn bán “trái pháp luật nhà nước”. Bị bắt thì hàng bị tịch thu, phạt tiền và ở tù. Nhưng nếu thoát được thì kiếm tiền nhiều. Đem về sửa lại rồi đem ra chợ bán.

Thời đó có ăn nhất là chuyển hệ TV để xem hình có màu trên TV. Dĩ nhiên không đẹp và rõ như bây giờ nhưng thời đó là cái mốt của các “cán bộ” miền Bắc có tiền. Chợ trời điện tử Huỳnh Thúc Kháng hình thành và lớn mạnh trong khoảng thời gian đó. Sau đó là một loạt các chợ trời Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Chợ Lớn được thành hình, giúp những người có một chút tay nghề về điện tử như tôi sống sót và tồn tại.

Nhưng cũng chỉ một thời gian. Lúc đầu, buôn bán rất khá, lợi nhuận cao, sau đó càng ngày càng khó khăn khi mà có nhiều tay trùm có quá nhiều tiền nhảy vào. Họ không mua từng 5-10 cái như chúng tôi, mà họ mua nguyên cả tàu khi vừa cập cảng. Những tay trùm cán bộ có thế lực và có rất nhiều tiền. Họ có quan hệ và quyền lực mà những người ít tiền như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Phải là con ông cháu cha. Phải đợi chia lại hàng từ những trùm lớn hơn. Đôi khi phải qua trung gian 2, 3 cấp. “Chất lượng” hàng cũng kém đi rất nhiều.

Bỏ nghề điện tử, nhảy qua buôn Trầm từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Nói là buôn Trầm cho oai chứ mình làm gì có tiền nhiều như thế. Thường chỉ ra Đà Nẵng nhận Trầm từ ngươi quen, đem vào Sài Gòn giao cho mối, ăn tiền chênh lệch. Đi được chục chuyến có lời, dù cũng rất vất vả. Lúc thì lăn lóc trên xe đò khi thì la lết trên tàu chợ Nam Bắc. Tôi càng ngày càng ốm nhom, ốm nhách. Mặt mũi đen thui. Chỉ lạ một điều là thời đó dù đi nhiều, tôi lại rất ít gặp người quen, bạn bè. Nếu có gặp, bạn bè chắc cũng không nhận ra chàng kỹ sư hiền lành chơn chất trắng trẻo thư sinh thuở nào.

Đi thoát được khoảng chục lần, đến lần thứ 11 thì tôi bị “Quản Lý Thị Trường” bắt. Trầm bị tịch thu, riêng tôi bị giam tại nhà tù Công An Quảng Ngãi. Hai ngày trong trại tạm giam, tôi đã suy nghĩ thật nhiều về những ngày tháng đã qua trong cuộc đời. Hình như tôi đã thay đổi quá nhiều, không còn là tôi của năm xưa. Cái được thì quá ít, cái mất đi thì quá nhiều…

Tôi cay đắng nhận ra rằng nếu tôi không dừng lại, tôi cũng sẽ mất tôi vĩnh viễn trong một thế giới không thuộc về tôi. Một thế giới bụi bặm, lường gạt và xảo trá, khác xa với thế giới ngày tôi sinh ra, lớn lên. Tôi biết, ba ở một nơi nào đó đã rất buồn.

Bỏ nghề buôn bán, bỏ qua ý tưởng làm giàu nhanh chóng, tôi quay lại nghề dạy điện tử của mình. Vẫn là nghề phù hợp với mình nhất. Dù không có nhiều tiền nhưng 1+1 là 2 thì vẫn dễ hơn là 1+1 = 3. Vẫn là vợ tôi bên cạnh trong những thời khắc khó khăn với những an ủi và chia sẻ. Nàng luôn ủng hộ tôi trong những quyết định quan trọng và chúng tôi có đứa con thứ nhì. Con gái. Tôi thầm nghĩ, ba đã cầm tay, dẫn dắt tôi bắt đầu làm lại.

Năm 1988, gia đình được gọi đi phỏng vấn ở Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài gòn. Với giấy tờ đầy đủ, hợp lệ, cuộc phỏng vấn đáng lẽ đuợc diễn ra một cách nhanh chóng, đột nhiên bị dừng lại khi có phái đoàn cấp cao từ Thái Lan ghé thăm, lúc đó trong phòng, mẹ đang chuẩn bị trả lời. Vị trưởng đoàn có vẻ ngạc nhiên khi đọc hồ sơ của gia đình, nhất là chuyện liên quan đến ba tôi, người sĩ quan cảnh sát chết trong trại cải tạo sau 2 năm 6 tháng học tập. Ông ta có vẻ ngạc nhiên về tờ “giấy trả quyền công dân của ba tôi”. Có lẽ là lần đầu tiên ông thấy được một loại giấy tờ như vậy. Giấy trả quyền công dân cho một người đã chết.

Mẹ tôi vừa khóc vừa kể chuyện của ba. Câu chuyện về một cái chết và một chuyến đi thăm nuôi tức tưởi đã làm người lãnh đạo đoàn thanh tra ODP cảm động. Chỉ một thời gian ngắn mẹ và các em tôi được giấy chấp thuận đi Mỹ theo diện HO, thay vì theo diện đoàn tụ gia đình, dù rằng ba tôi ở tù chưa đến 3 năm. Tôi biết có sự can thiệp đặc biệt của phái đoàn từ Thái Lan và tôi thầm tin có sự phù hộ của ba. Riêng vợ chồng chúng tôi ở lại vì lúc đó có gia đình và sổ “hộ khẩu” riêng.

Vài tháng sau Mẹ và các em tôi đi Mỹ. Vợ chồng chúng tôi ở lại với hai con nhỏ và bà cô em ông nội không chồng. Cũng may, nếu tôi cùng đi thì không biết bà cô sẽ ra sao.

Cuộc sống sau những năm 1990 của chúng tôi ngày càng ổn định. Lúc này, ngành điện tử và điện toán bắt đầu phát triển. Các công ty nước ngoài bắt đầu thiết lập các văn phòng đại diện và quan hệ buôn bán tại Việt nam. Tôi được tuyển vào làm việc lần lượt tại các văn phòng đại diện của Hewlett Packard, Brother, AT&T và cuối cùng là AMP tại Việt Nam.

Đó là khoảng thời gian tôi sống sung túc nhất kể từ ngày mất nước 1975. Thời kỳ này, tôi sống và làm việc đúng với khả năng, với kiến thức từ khoa điện trường Đại Học Phú Thọ. Nếu không có thời kỳ này, nếu không có những công ty nước ngoài, có lẽ suốt đời, tôi đứa con một sĩ quan cảnh sát chế độ cũ, đã sống một cách tối tăm và mất hút đâu đó trên chính quê hương đen tối của mình.

Vào những năm 90, tiền lương 700 đô la của tôi là một con số không nhỏ nếu không muốn nói là lớn. Quan trọng hơn, đó là khoảng thời gian tôi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua những chuyến đi học tập ngắn ngày tại Tân Gia Ba, Thailand, Mã Lai Á, Nam Dương và Phi Luật Tân.

Đi học và về, tôi liên tục tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu các sản phẩm và công nghiệp mới của HP, Brother, AT&T và AMP tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… Tên, hình ảnh tôi được đăng trên báo. Ra đường tôi đã có quyền ngẩng cao đầu. Ba tôi chắc chắn đã rất sung sướng, tự hào về tôi. Một khoảng thời gian hạnh phúc và có ích. Tôi đã tìm lại chính con người thật của mình.

Năm 1998, tôi được chấp thuận đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Bấy giờ tôi đã có ba đứa con với cuộc sống rất ổn định, sung túc. Những chuyến đi nước ngoài thường xuyên. Có nhà riêng. Con đầu đang học đại học. Mọi chuyện suông sẻ, thuận lợi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Đi hay ở. Một quyết định không dễ dàng. Với tuổi gần 50, làm gì nơi đất khách quê người. Đã quá già để làm lại từ đầu…

Xin hoãn ngày đi 3 tháng rồi cũng đến lúc phải quyết định, nếu không hồ sơ sẽ được xếp lại. Cơ hội đi đoàn tụ sẽ không còn. Phải từ bỏ tất cả thật sự là một quyết định quá khó khăn. Và còn mộ ba ở đây nữa, ai lo? Phải, có rất nhiều lý do để ở lại, không đi. Đã nhiều lần đứng trước bàn thờ ba, mong ba một lời khuyên. Đi hay ở. Quá khó.

Cuối cùng tôi chọn giải pháp ra đi. Không phải vì vợ chồng riêng tôi mà vì gia đình, vì mẹ, vì các em, vì tương lai các con của tôi và vì lời hứa với ba, “Mãi mãi thay ba vì cái gia đình này”. Tôi biết những ngày sắp đến tôi sẽ phải bắt đầu trở lại một cuộc phiêu lưu mới. Sẽ không dễ dàng với một người quá tuổi như tôi trên một đất nước hoàn toàn lạ lẫm và quá xa xôi. Nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận về quyết định của mình. Cũng còn một lý do thật sâu kín không ai biết, ngoại trừ vợ tôi: Vết thương mất cha ngày nào trong “trại học tập cải tạo” mãi mãi không lành.

Mỗi lần nhìn những tay công an, những “cán bộ” Cộng Sản, tôi lại nhớ đến khuôn mặt gầy gò, cặp mắt đau thương tuyệt vọng của ba lần gặp mặt trên đường đến trại K2 mười mấy năm về trước. Muốn quên nhưng khó có thể quên được. Muốn tha thứ nhưng không thể nào tha thứ được. Vẫn mãi mãi một mối căm thù.

Vợ tôi hiểu điều đó, chấp nhận cùng chồng đối diện một cuộc thử thách mới trên đất khách quê người, bỏ lại bên kia bờ đại dương một mẹ già và một người em gái yêu quý. Tôi biết tôi đã nợ em, một mối ân tình thật sâu đậm.

Những ngày cuối năm 1998, máy bay chở gia đình chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Kết thúc quảng đời 23 năm sống dưới chế độ Cộng Sản và để bắt đầu một cuộc hành trình không biết sẽ ra sao nhưng tôi tin, chắc chắn sẽ tốt đẹp và bình an hơn. Và, dù ở cách xa ngàn dặm, ba vẫn sẽ luôn theo dõi, phù hộ mẹ và chín anh em chúng tôi.

Ba ơi, nếu có một kiếp sau, chúng con vẫn sẽ là những đứa con ngoan của ba: Người tù “học tập cải tạo” chết ở miền đất tận cùng biên giới Việt-Trung năm 1979. Hưởng dương 54 tuổi!


 

Tôi, đứa con người tù “học tập cải tạo” (Kỳ 3)-Lê Xuân Mỹ

Ba’o Tieng Dan

Lê Xuân Mỹ

18-4-2024

Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Tiếp tôi trong căn nhà khách K2 là một công an mặt áo vàng, gương mặt gầy nhọn, non choẹt và giọng nói rặt Bắc Nghệ An. Tôi đưa giấy tờ chứng nhận là “cán bộ giáo viên trong Nam ra công tác Hà Nội, tranh thủ thăm cha đang học tập cải tạo” ngoài này.

Sau khi xem giấy tờ, tên cán bộ hỏi, tại sao tôi biết nơi này. Không lẽ nói do tự tìm kiếm, tôi nói do chú là trung tá chính ủy chỉ đường. Thái độ có vẻ nhã nhặn hơn nhưng gã ta cho biết là tôi không thể thăm ba tôi lần này được với lý do: “Ông nhà đang trong thời kỳ bị kỷ luật do vi phạm nội quy của trại, đang bị biệt giam”.

Thú thật nếu không gặp mặt ba ngoài kia, chắc chắn tôi đã phải tin lời, quay về. Tôi biết hắn đang làm khó dễ. Tôi nắm chặt bàn tay dằn cơn giận dữ, xuống nước:

– Nhưng thưa cán bộ, tôi mới gặp ba tôi ở ngoài kia.

Tên cán bộ gằn giọng:

– Anh có chắc không? Ông đang bị biệt giam, ai cho ra ngoài, chắc anh nhìn lầm.

Sao có thể lầm ba với ai được… Dù có bị đày đọa cỡ nào, dù ba có thay đổi bao nhiêu, thì tôi vẫn không bao giờ lầm ba với ai khác. Cặp mắt ấy, con người ấy với tôi là duy nhất. Đuối lý nhưng tay công an vẫn khăng giữ vững ý định không cho tôi gặp ba. Nhiều lý do được đưa ra: Thứ nhất, đây không phải là mùa thăm nuôi; thứ hai tôi cũng không có giấy phép (hèn chi các nhà khách tôi đi qua vắng như chùa bà đanh).

Tôi cố gắng trình bày là đi công tác “đột xuất”, hơn nữa đường đi xa xôi, đã lỡ đến đây rồi, xin cán bộ thông cảm. Làm ra vẻ tử tế, lão cán bộ chép miệng:

– Thật ra tôi cũng muốn thông cảm cho anh, không phải tôi làm khó dễ nhưng thú thật không thể cho anh gặp được.

Tôi càng năn nỉ, tên cán bộ càng cứng rắn. Lão nỗi nóng:

– Nhưng tôi nói không gặp được là không gặp được, anh về khi nào có giấy tờ thăm nuôi thì chúng tôi sẽ giải quyết.

Nhìn khuôn mặt tên “cán bộ” mặt mày lấc cấc, máu tôi sôi lên, tôi muốn đấm cho nó một cái, ra sao thì ra. Nhớ đến ánh mắt của ba ngoài kia, cặp mắt ngây dại của ba đang co cụm dẫy chết. Nhớ đến đôi vai gầy gò run rẫy trong gió lạnh ngoài kia, lòng tôi dịu lại, tự nhiên tôi bật khóc, khóc ngon khóc lành. Vừa khóc tôi vừa năn nỉ tên cán bộ đáng tuổi em mình.

Tiếng khóc động đến lòng trời, đúng lúc một tay cán bộ nữ bước vào. Có lẽ khuôn mặt một người đàn ông đang khóc nhìn thê thảm, xấu xí và cảm động quá. Sau khi bàn bạc, cán bộ nữ đồng ý cho tôi được gặp ba nhưng chỉ được gặp đúng 15 phút mà thôi. Dù sao đàn bà vẫn là đàn bà, vẫn tình cảm hơn.

Chờ khoảng một tiếng, một tên công an đi vào, theo sau là ba tôi. Lúc này tôi mới có cơ hội nhìn rõ ba. So với hồi ở nhà, hoàn toàn khác hẳn. Khuôn mặt đen sạm, tóc tai bạc trắng, râu dài tới ngực, mặc bộ đồ tù cũ kỹ, tay cầm chiếc nón lá rách tả tơi.

Không kềm được tôi phóng người về phía ba, hai tay dang rộng. Ba giật mình bước tránh qua một bên miệng lắp bắp: “Dạ thưa cán bộ, tại con tôi không biết”. Nói xong, ba lầm lũi theo tên công an đến chiếc bàn tre chính giữa phòng. Đợi tên công an ngồi xuống chiếc ghế ở giữa hất đầu ra lệnh, ba ngồi xuống ở chiếc ghế đầu kia đối diện với tôi. Tên CA hất hàm:

– Anh có 15 phút để nói chuyện với ông.

Dù tự nhủ phải cố gắng bình tĩnh nhưng vẫn không thể được, tôi oà khóc như một đứa bé… Trong khi đó ngoài trừ cặp mắt ánh lên một nỗi niềm khổ đau vô hạn, ba bình tĩnh hơn tôi nhiều. Ba nói trước, ba hỏi thăm về mẹ, về các em. Cũng vẫn là lời lẽ như trong các thư ba gửi về. Thỉnh thoảng dù rất cố gắng kìm lại nhưng ba vẫn húng hắng ho. Tiếng ho vẫn đục như có đàm chận trong cổ. Vừa khóc, vừa trả lời, tôi mãi nhìn ba, muốn nhảy đến ôm ba vào lòng. Nhưng khoảng cách hai đầu chiếc bàn quá xa và tên công an ngồi chính giữa như một bức tượng lạnh lùng, đe doạ. Tôi để cho ba hỏi, ba nói và tôi trả lời. Có nhiều điều muốn hỏi, muốn kể với ba nhưng nỗi xúc động làm tôi không nói được nên lời.

Thật ra nếu nhớ ra, có hỏi, chắc chắn cũng là câu “Cách mạng khoan hồng, ba học tập tốt sẽ được cho về”. Nhìn ánh mắt ba, tôi biết sẽ không bao giờ ba “học tập tốt” được, ngày về sẽ còn xa lắc xa lơ.

Tôi lấy từ trong túi xách, mấy gói thực phẩm khô, chuối khô do mẹ làm, một ít bánh đậu xanh, mấy hộp diêm một tút thuốc lá đen đẩy về giữa bàn về phía Ba. Ba đẩy tất cả về phía tên CA, miệng nói: “Nhờ cán bộ giữ giùm”. Cặp mắt sáng lên, mặt bớt lạnh lùng, tên CA đem các món đồ vào chiếc tủ nhỏ ở góc phòng. Không biết ba sẽ nhận được lại các món này hay không, tôi không có tâm trí để nghĩ đến.

Tôi cứ mãi nhìn người đàn ông gầy gò tội nghiệp và yếu ớt đang ngồi trước mặt mình không nói được lời nào. Nước mắt cứ không ngừng tuôn. Nói chuyện được khoảng 15 phút, tên công an lạnh lùng đứng dậy tuyên bố hết giờ. Ba chậm chạp đứng lên, cặp mắt nửa như ngây dại, nửa thảng thốt, nửa tiếc nuối nhìn tôi, bước theo tên công an ra khỏi nhà khách.

Không kìm được, tôi vùng chạy tới, ôm choàng lấy ba khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi thấy mặt gã công an như dịu lại, quay mặt ra nơi khác. Bây giờ thì ba cũng khóc. Không biết chúng tôi đứng bên nhau được bao lâu cho đến khi tên CA kéo tay ba tôi đi. Ba lủi thủi đi không quay lại. Cái dáng đi khòm khòm, nhẫn nhục đến tội nghiệp. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp ba. Còn sống.

Sau chuyến đi gặp ba trở về, biết được địa điểm, lo lắng về tình trạng sức khoẻ của ba, mẹ suốt ngày hối thúc tôi đưa mẹ đi thăm ba. Thời đó, người dân bình thường nếu muốn ra Bắc phải làm đơn ra phường xin phép. Với gia đình “ngụy quân ngụy quyền” như gia đình tôi, xin giấy phép càng khó khăn hơn, thời gian chờ đợi lâu hơn. Phường thì bảo, phải có giấy phép thăm nuôi từ trại gửi về mới cấp. Đợi giấy phép thì không biết đến khi nào. Lên gặp chú thì chú chỉ ngược về phường. Cũng như không. Mẹ thì cứ sốt ruột, đi ra đi vào. Suốt ngày mẹ như lửa đốt, bỏ ăn bỏ làm. Các em thì còn nhỏ dại, cũng chỉ hai vợ chồng chúng tôi trăm phương nghìn kế, tính đủ mọi cách cũng chưa biết phải làm thế nào.

Tình cờ (đến lúc này thì tôi tin có những sự tình cờ do ơn trên sắp đặt), tôi được “lệnh ra Hà Nội tham gia lớp tập huấn dành cho giáo viên môn mạch điện tử”. Lấy lý do là lần trước vợ tôi chưa đi Hà Nội, tôi xin phép hiệu trưởng cho vợ tôi được nghỉ phép cùng đi. Do “quan hệ tốt” và có lý do chính đáng, hiệu trưởng đồng ý ký giấy phép, dù bây giờ vợ tôi mới sinh con đầu lòng, sức khoẻ còn yếu lắm.

Thật ra chúng tôi đã có kế hoạch từ trước. Giấy phép đi Hà Nội có ghi rõ tên tôi và vợ tôi NGUYEN THI CUC, “cán bộ Trường Bưu Điện Thành Phố ra Hà Nội công tác”. Chữ trên giấy phép do chúng tôi điền và đưa hiệu trưởng ký. Chữ CUC sau này được sửa thành chữ LOC, tên của mẹ tôi… Thế là tôi và mẹ có giấy phép ra Hà Nội “công tác”, dĩ nhiên chính là để thăm cha.

Lần trước khi thăm ba, do không biết đường đi, cũng như không hy vọng gặp được ba, tôi chỉ đem một ít đồ dùng. Kỳ này mẹ chuẩn bị chu đáo hơn. Bao nhiêu tiền dành dụm, mẹ đem ra mua hết. Sữa đặc, cơm khô, thịt chấy, bánh đậu xanh, áo quần, thuốc lá (nên nhớ hồi đó mọi nhu yếu phẩm, gạo cơm, thức ăn đồ dùng đều được cung cấp theo chế độ tem phiếu, có tiền cũng rất khó mua). Chúng tôi phải dùng mọi cách, từ vay mượn đến năn nỉ, xin xỏ, gom góp cũng được khoảng hai bao tải gần 60 kg.

Hai mẹ con ra Hà Nội bằng xe lửa. Sau khi sắp xếp xong công việc cuối tuần, hai mẹ con cùng người gánh hàng thuê lên tàu chợ hướng Cao Bằng, Lạng Sơn về ga Ấm Thượng. Do đã biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi này diễn ra suông sẻ, nhanh chóng hơn lần trước. Vượt 30 km đường bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà khách K2 vào lúc nửa đêm. Mẹ chịu đựng gian khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc gặp lại ba vào ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được.

Tiếp chúng tôi là một tay công an khá lớn tuổi với khuôn mặt rất “hình sự”. Tôi trình bày lý do, giấy tờ và xin phép được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói: “Rất tiếc không thể để hai người gặp tù nhân này được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức ăn và đồ dùng lại, chúng tôi sẽ chuyển cho ông”. Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ. Gã một mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.

Càng bị từ chối, nỗi uất ức càng lớn, bà càng lớn tiếng. Không có nỗi đau nào bằng nỗi thất vọng lúc này của chúng tôi. Khóc hết nước mắt vẫn không lay chuyển, mẹ tôi càng la càng hét. Gã công an lúng túng không biết xử như thế nào với tình thế phát sinh lúc này. Mẹ tôi lúc này như một người mất trí, khuôn mặt nhuể nhoại mồ hôi. Cặp mắt đỏ ngầu. Những người đến thăm nuôi và cả những “cán bộ” của các bàn bên cạnh đều hướng về phía bàn chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến nỗi đến tai cấp chỉ huy trại. Một sĩ quan công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối cùng viên sĩ quan đến gặp chúng tôi, dịu giọng:

– “Thật ra chúng tôi rất muốn giúp bà nhưng quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỷ luật, bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa. Thôi bà về đi. Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ để thức ăn và đồ dùng, chúng tôi hứa sẽ đưa tận tay ông nhà, không thiếu một thứ gì”.

Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng không lay chuyển tên “cán bộ quản giáo”, tôi nghĩ chắc là hết cách… Chắc phải ở lại Hà Nội thêm một tuần. Nhìn khuôn mặt hiền lành của viên sĩ quan công an, tôi nghĩ gã đã rất thiệt tình. Tôi nói nhỏ với mẹ, mình về thôi. Tuần sau lên lại, hy vọng họ giữ lời hứa cho gặp được ba lâu hơn.

Trong khi quay lại bàn tiếp tân để làm thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè xanh cho những người đến thăm nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi chầm chậm về phía chòi vệ sinh sau khi ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt nhấp nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã cán bộ công an đi vệ sinh.

Bước vội nhanh vào phía trong vừa kịp thấy dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào, nhìn quanh chòi vệ sinh được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh cửa nửa kín nửa hở. Tôi ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có linh cảm, hình như người tù nhân muốn cho tôi biết một điều gì đó. Tôi nhìn quanh, quả đúng như linh cảm, trên góc đòn tre phía trái, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nguệch ngoạc một dòng chữ: “Ông D. bệnh nặng”.

Hoảng hốt, tôi vội chạy ngược vào phòng tiếp tân. Dù rất xúc động nhưng tôi vẫn còn giữ chút bình tĩnh kéo mẹ ra góc phòng báo tin. Mẹ vững vàng và khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại bàn tiếp tân và nói:

– Xin cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng mất hai ngày. Gã cán bộ nói láo trơn tru:

– Ông bị biệt giam, không được, phải cả tuần chúng tôi mới đưa ông nhà ra gặp bà được.

Đến lúc này nỗi uất ức trong lòng mẹ tôi bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn:

– Mấy ông nói láo, tôi biết chồng tôi đau nặng, đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp. Các ông có còn là con người không?

Đến lúc này thì mẹ tôi không còn biết sợ là gì nữa, tất cả những oán hận chất chứa trong lòng bao lâu này được dịp thoát ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào. Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắc. Gã cán bộ chạy vào trong và đi ra cùng với viên sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói với chúng tôi:

– Xin bà bình tĩnh, mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết.

Nói xong gã ra lệnh cho hai công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phía trong. Có lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện. Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài nhiều. Viên sĩ quan công an nói:

– Bây giờ tôi xin nói thật về tình trạng của ông nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà đã biết, tôi sẽ thu xếp cho bà vào gặp ông. Ông nhà đang nằm ở bệnh xá, tôi sẽ cho người dẫn ông bà đi. Xin ông bà đợi một lát.

Nói xong gã bước ra, nói nhỏ gì đó với tay công an trực. Tay công an bước đi thật nhanh. Khoảng 40 hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp. Lại thì thầm to nhỏ với viên chỉ huy.

Linh cảm không hay đến với tôi. Lần này viên sĩ quan trầm giọng:

“Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị, nhưng vì sức yếu, ông nhà vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với bà. Chúng tôi sẽ lo chôn cất ông nhà đàng hoàng tử tế”.

Nghe tin dữ, mẹ tôi như điên cuồng. Bà nằm lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không đem ra. Không nhân vật nào bà không đem ra chửi. Vừa chửi vừa khóc, khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại. Tôi ôm mẹ không nói được nên lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt. Ôm mẹ với trái tim nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi!

Ảnh người cha của tác giả, ông Lê Xuân Điềm, từng là Thiếu tá Cảnh sát, thuộc Bộ tư lệnh Cảnh Sát Sài Gòn. Đã bỏ mạng tại trại cải tạo K2, Tân Lập, Vĩnh Phú ngày 10-2-1979, hưởng dượng 54 tuổi. Nguồn: Lê Xuân Mỹ

Chúng tôi được dẫn đi gặp ba lần cuối. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là bệnh xá nằm sâu trong K2, cách nhà khách khoảng 30 phút đi bộ. Ba nằm trên một giường tre, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương khô. Hàm râu lởm chởm có lẽ được cắt ngắn một cách vội vàng, không dài thòng như lần đầu tôi gặp. Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc yên lặng ngồi xuống đất với tay ôm lấy ba. Tôi ngồi xuống phía bên kia. Hai mẹ con ôm chầm lấy ba.

Vẫn còn hơi ấm của một cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt mắt ba. Mắt trừng trừng nhìn ba. Hình như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu. Sẽ không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh của ba mẹ tôi trong bệnh xá trại K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi kéo mẹ đứng lên.

Sau này qua một người bạn tù của ba, lúc mẹ con tôi đến thăm trại, đang hấp hối nhưng ba tôi biết. Lúc đó ba rất yếu. Ba nói, ba sẽ cố gắng sống để gặp mẹ một lần và ba cố gắng húp được một muỗng cháo trắng. Muỗng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Giá mà tay cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp ba một lần sau chót. Chỉ cần một lần mà thôi, của một cuộc tình ba mươi mấy năm.

Tôi biết ba đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc, chỉ còn cách một bước chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời yêu thương sau chót, để được nghe một lời trăn trối sau cùng… Tức tưởi và uất hận lắm ba. Mà thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ ba và chúng con sẽ lại gặp nhau một nơi nào đó, trên Thiên Đàng. Chúng ta sẽ lại có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau như thuở nào.

(Còn tiếp)


 

CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN – Bs. Đặng Ngọc Thuận

Bs. Đặng Ngọc Thuận

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, tôi đã đủ 90 tuổi. Nhìn lại cuộc đời trôi nổi từ Bắc xuống Nam rồi sang Quebec, tôi thấy Ông Trời sắp đặt cho tôi một số phận thật nhiều ‘vào tử ra sinh’. Chỉ xin kể lại đây những sự việc quả thật ‘chết 7 còn 3’ mà thôi. Để rồi xin kết thúc bằng câu chuyện ‘chết đuối trên cạn’ xảy ra cho tôi mới mấy tuần trước, ngay trên giải đất Canada ‘đất lành chim đậu’ này ! Thế nhưng các bạn trượt tuyết trên núi coi chừng tuyết đổ ầm ầm từ trên cao xuống chôn kín người, ngộp mà chết. Trường hợp của tôi khác hẳn.

Năm 1945, tôi mới 11 tuổi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học hành dốt nát từ trường tiểu học Hàng Than đến trường trung học Chu Văn An. Song tôi đã thấy tận mắt cảnh Cộng Sản đội lốt Việt Minh, cướp đoạt chính quyền Quốc Gia. Rồi thực dân Pháp lăm le chinh phục lại Đông Dương, khởi đầu là những đô thị lớn như Saigon, Hà Nội. Gia đình tôi phải tản cư mới đầu đến làng Đại Từ là quê ngoại của tôi thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, dần dà trôi dạt đến một làng mà tôi quên mất tên, thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Tại đây tôi mắc bệnh thương hàn. Thời ấy đã ai biết Tifomycine là món thuốc gì nên bệnh nhân chỉ còn uống nước cháo vì sợ lũng bao tử và… nằm chờ chết ! Thầy mẹ tôi mướn một bà lão lưng còng mắt toét thường trực chăm sóc tôi bên giường. Thật sự tôi như một con cá  mắm luôn miệng hỏi ‘Mấy giờ rồi hả u ?‘ Bà lão thì thầm với bố mẹ tôi ‘Cậu ấy hỏi giờ để đi đấy’. Đi đâu ? Tôi còn trẻ quá mà ! Thế rồi như có một sức mạnh vô hình thúc dục, con cá mắm ngồi dậy đòi ăn và xuống giường biến thành một bộ xương biết đi trong nhà. Tôi ăn lại bữa người béo tròn trùng trục, tóc rụng hết nên đầu trọc lốc như một nhà sư. Sau khi xém chết vì bệnh thương hàn, tôi lại chỉ nghĩ đến chuyện đi học lại.

Cả huyện Ý Yên chẳng có lấy một trưòng trung học song may thay tôi có ông cậu ruột là Bs. Nguyễn Đình Hoằng cho tôi được theo học cùng cô con gái do chính ông chỉ dẫn vô cùng tường tận. Trí óc tôi bỗng mở toang ra để hiểu thế nào là Toán học, thế nào là Hóa học, vân vân và vân vân.… Một lần tôi thoáng nghe ông kể công với mẹ tôi “Chị có biết tôi là người đã kéo thằng Thuận ra khỏi vũng bùn lầy của sự ngu dốt không ?”

Cuộc chiến Việt-Pháp ngày càng khốc liệt. Máy bay của đoàn quân viễn chinh áp dụng một chiến thuật khủng bố rất kỳ quặc và dã man để xua dân về thành thị họ đang chiếm đóng cho thêm tấp nập và phồn thịnh. Ấy là từ trên không, dùng súng liên thanh bắn bừa bãi xuống đám dân lành ở dưới đất. Một bữa tôi theo mẹ tôi đi phiên chợ làng, đang ở trong chợ thì nghe tiếng súng nổ liên hồi khắp nơi và tiếng la hét : Máy bay, máy bay, Tây nó bắn !…

Mẹ con tôi vội vàng bỏ chợ theo một con đường đất chạy về làng. Song một chiếc máy bay đuổi theo bắn một tràng đại liên về hướng chúng tôi, mẹ con tôi đã nằm rạp xuống mặt đường. Tôi đứng dậy và thấy rõ ràng trên mặt đất một lằn đạn giữa mẹ tôi và tôi. Mẹ con tôi vừa xém chết trong giây phút. Thật là hú hồn ! Riết rồi gia đình tôi cũng phải cuốn gói‘’dinh tê’’ về Hà Nội. Tôi xin được vô học trong trường trung học Pháp Albert Sarrault, một trường ‘quí phái’ trước kia chỉ dành cho’con ông cháu cha’ mà thôi. Tôi học một lèo thi đậu Tú Tài toàn phần Pháp rồi PCB và lên Đại Học Y khoa. Tất cả mất khoảng 15 năm trời.

Ngày cấp bằng Y Khoa Bác Sĩ ở Saigon tôi chẳng vui chút nào mà trong lòng rầu rĩ vô cùng vì nghĩ đến cha mẹ và các em tôi bị kẹt lại ở miền Bắc. Quả thật năm tôi học năm thứ 2 Y khoa thì Hiệp Định Genève giữa VM và Pháp đã cắt đôi nước VN làm 2 miền Bắc Nam bất khả liên lạc. Tôi theo trường vào Nam, hứa chắc với cha mẹ sẽ ra Bác Sĩ và trở về với gia đình. Song thời thế đã không cho phép tôi giữ lời hứa và tôi đã gia nhập Quân Lực VNCH, cùng lúc với biết bao đồng nghiệp khác.

Trong khi phục vụ tại QYV Qui Nhơn, một hôm ông Chỉ huy trưởng Y Sĩ Đại Úy có hỗn danh là Bếp (do ngoại hình và cá tính mà ra) cho biết tuần tới tôi phải lên Pleiku đi trưng binh, song ông ta đã phản đối với cấp trên. Vậy tôi cứ yên tâm làm việc. Thật ra ông chẳng phản đối chi cả và đi Pleiku tôi cũng chẳng ngại ngùng gì. Ông chỉ muốn không phải thay thế tôi săn sóc các thương bệnh binh mà để vì tư lợi thản nhiên đi làm phòng mạch tư của ông. Xế chiều ngày giáp chót phải trình diện tại Pleiku, ông mới lạnh lùng ra lệnh

– “Nội đêm nay toa phải lên Pleiku trình diện. Moa cho toa mượn tài xế và chiếc xe Jeep của moa, lấy đường số 9 mà đi”. 

Lúc ấy đường số 9 do VC chiếm đóng và kiểm soát. Vào đó số tử là cái chắc và ra sinh cũng là tù binh (nhập tử xuát sinh) của quân Bắc Việt. Nói chuyện với Bếp hoàn toàn vô ích vì ông nổi tiếng là có môt thứ bướng bỉnh nhà quê một cách kỳ lạ. Song có thân muốn giữ thì phải tự lo liệu lấy. Tôi vội chạy đi tìm một người bạn thân là Đại Úy Minh, sĩ quan liên lạc viên giữa tướng Đính và Chỉ Huy Trưởng, Tiểu đoàn trực thăng Mỹ đóng tại Qui Nhơn. Anh Minh rất tốt chạy ngay đi yêu cầu người Mỹ cho một chiếc trực thăng để tôi bay thẳng lên Pleiku một cách an toàn. Thế là tôi thoát chết.

Công tác hoàn tất xong, tôi từ Pleiku bay thẳng về Saigon trình diện tướng Hoàn, Chỉ huy trưởng cục Quân Y để xin xóa bỏ báo cáo láo tôi đào ngũ của Bếp. Tướng Hoàn ôn tồn nói tôi về nhà nghỉ ít ngày rồi sẽ được bổ nhiệm phục vụ tại Viện Bài Lao Ngô Quyền ở Thủ Đức.

Thời gian phục vụ tại Viện Bài Lao Ngô Quyền tôi được yên ổn làm việc. Không những thế tôi còn được du học ở Tripler General Hospital, Hawai và tôi còn mở được một cái phòng mạch tại chân cầu Tân Thuận, nhỏ bé song đông khách không ngờ.Thế rồi hạnh phúc lớn đã đến với tôi. Trong khi đi lại giữa 2 nơi làm việc là quận Thủ Đức và cầu Tân Thuận, tôi thấy trong một nhà thuốc mới mở ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có một cô bán thuốc xinh đẹp rất hợp mắt tôi. Tôi giả đò vô nhà thuốc hỏi mua thuốc song thật ra để làm quen với cô ta. Thế rồi tôi say mê nàng lúc nào không biết, chỉ biết một hôm tôi xin hỏi cưới nàng và được nhận lời ngay.

Thế là tôi đã có gia đình. Rồi tôi được biệt phái làm bác sĩ thường trú tại BSV Hùng Vương. Tôi dời phòng mạch về ngay xế cửa BSV Hùng Vương chuyên khám về sản phụ khoa. Nhà tôi sanh cho tôi 2 babies thật cute (xinh xắn và dễ thương) mặc dầu là con trai. Cháu đầu tiên được đặt tên là Kỳ Nam để ca tụng Miền Nam kỳ diệu và cháu thứ hai là Kỳ Phát để đánh dấu quãng đời xây dựng sự nghiệp bỗng nhiên thành công và phát triển 1 cách kỳ lạ. Sau này Kỳ Nam ra bác sĩ cấp cứu (urgentologue) và Kỳ Phát là luật sư chuyên về tài chánh (financial attorney-at-law).

Thế nhưng, chẳng mấy lúc mà tất cả những gì tôi đã xây dựng được đều tiêu tan như nước lã ra sông ra biển. Đấy là kết quả năm 1975 Việt Cộng chiếm đoạt toàn thể Miền Nam vì người Mỹ bỏ rơi VN Cộng Hòa. Ông Giám đốc cùng đa số bác sĩ đã cao chạy xa bay. Với tư cách là bác sĩ thường trú, tôi ngẫu nhiên là nhân vật đứng đầu bệnh viện song trong lòng đầy lo lắng và buồn rầu. Tôi ra trước cửa bệnh viện nghe ngóng tình hình thì bỗng nhiên nghe nhiều tiếng nổ xuất phát từ trại lính bên cạnh bệnh viện rồi một tiếng xoạt rất mạnh ngang vành tai trái tôi. Đường đạn lạc chỉ trật sang phải một ly là tôi ngã gục xuống chết bất đắc kỳ tử tại chỗ ! Thật ra thì đám lính tan hàng ngay sát bệnh viện đã nổ súng bậy bạ, gây thêm hỗn loạn trong thành phố đang thất thủ. Riêng tôi thì xém chết, không biết lần nầy và bao nhiêu lần khác nữa.

Tôi bị bắt đi học tập cải tạo. Khi được thả về, đến nhà là vợ chồng tôi nghĩ ngay đến chuyện vượt biên bằng đường biển trốn ra nước ngoài, như nhiều người đã làm thành công… Chúng tôi bị lừa nhiều lần tiền bạc sắp ráo cạn. Cho đến mãi cuối năm 1979 cả nhà mới đi thoát được. Song trên chiếc tàu chứa hơn 300 mạng người lạc đường, hỏng máy, lênh đênh cả tháng trời trên biển, gia đình chúng tôi bị đói khát cùng cực thêm cướp biển Thái Lan hoành hành lấy hết của cải.

Một lần có 1 chiếc tàu cướp biển còn dở trò nhân đạo, bỏ neo cách tàu chúng tôi khoảng 200m, giơ đồ ăn thức uống ra dứ chúng tôi, muốn thì phải lội sang lấy. Tôi chẳng giỏi giang gì về món bơi lội, song thấy vợ con đói khát, tôi liều nhảy xuống biển bơi sang tàu giặc, xin được 1 gói ni lông đựng đồ ăn. Tôi đeo vô cổ rồi bơi về. Song lượt đi thì còn sức, chứ lượt về thì nửa đường mệt nhoài đến muốn chết chìm. Tuy nhiên như có 1 phép lạ, tôi trôi về tàu mình và bám vào thân tàu mà không leo lên được. Mọi người trên tàu phải lôi tôi lên và vợ con tôi mới có mấy nắm cơm ăn cho hồi sức. Còn tôi thì được nếm mùi xém chết chìm giữa biển khơi !

Thế rồi mấy ngày sau, bỗng nhiên trước mũi tàu của chúng tôi hiện ra một chiếc thuyền hors bord điều khiển bởi một chàng thanh niên lực lưỡng mình trần, miệng không nói năng chi cả. Chàng đứng trên thuyền tay cầm một cuộn dây thừng cỡ lớn, lẳng lặng quăng lên tàu và ra dấu cho chúng tôi cột dây vào tàu để chàng kéo đi. Lũ thuyền nhân chúng tôi đa số kể như sắp chết, líu ríu tuân lệnh và được chàng trai xa lạ cho chiếc hors bord kéo vô bờ Mã Lai. Ai nấy mừng rỡ vì đã thoát hiểm, chen nhau lên cạn, bỏ mặc chàng trai ân nhân thản nhiên đưa chiếc thuyền cứu mạmg quay mũi ra khơi trở lại.Thật là quái lạ nếu không tin là có Ơn Trên sai khiến chàng trai trẻ tuổi xuống trần gian cứu nhân độ thế.

Chúng tôi được đưa về trại tị nạn Kota Baru để chờ các phái đoàn các nước tự do đến phỏng vấn và chọn lựa. Gia đình tôi được Canada và Pháp chấp nhận. Chuyện chúng tôi được Canada chấp thuận thật khác thường. Khi phái đoàn còn ở trong trại, tôi không thể chen vô gặp họ được. Cho đến khi thấy người đại diện Quebec ra ngoài đường sắp sửa mở cửa lên xe, tôi mới liều mình tông đại cửa trại chạy ra níu áo ông ta mà xin định cư tại Quebec. Ngạc nhiên vì trình độ Pháp ngữ của tôi, ông nhận lời song chỉ ghi tên họ tôi trên một mảnh giấy cỏn con. Tuy nhiên tôi vẫn hớn hở trở về trại. May thay Canada đã gọi chúng tôi lên đường trước Pháp chỉ có một ngày.

Chúng tôi được đưa bằng xe bus lên Kuala Lumpur để tụ tập cho nhà nước Canada thuê bao nguyên môt chiếc máy bay đi Canada.

Chúng tôi đến phi trường Mirabel một ngày đầu thu lạnh lẽo, cây cối trụi hết lá và đường xá vắng tanh, khiến nhiều người trong bọn tỏ vẻ thất vọng.

Chúng tôi được đưa về tạm trú tại trại lính Longue Pointe để chờ người bảo lãnh đến nhận và xuất trại.. Vì tôi thông thạo Pháp ngữ nên gia đình tôi được hội Richelieu nhận bảo lãnh về Berthierville trong tỉnh bang Quebec sinh sống. Dân Berthelais thật hiền hậu và tử tế khiến tôi tưởng tới người miền Nam mình cũng giản dị và thật thà như thế. Tôi xin được việc làm điện thoại viên trong một nhà dưỡng lão.

Công việc nhàn rỗi song tôi mong muốn trở lại nghề cũ. Tôi cần có nhiều thì giờ để học hành ôn tập sách vở đi thi lấy giấy phép hành nghề y sĩ. Chỉ một năm sau tôi đã thi đậu cả phần Pháp văn và Anh văn.

Gia đình tôi dọn về Montreal để tôi đi học thực hành như một y sĩ nội trú tại tổng y viện Montreal General Hospital rồi tôi mới được chính thức nhìn nhận là một bác sỉ thực thụ. Tôi đi nhận việc ở Mount- Sinai Hospital tại St-Agathe-des-Monts. Lương bổng khá cao song tôi phải xa nhà nên tôi từ chức và về làm cho Hôpital-des-Convalescents ngay tại Montréal. Sau cùng tôi dành toàn thời gian chỉ làm việc tại phòng khám bệnh Minh-Châu đầy khách mà đa số là dân tị nạn VN. Đến năm 74 tuổi tôi mới nghỉ hưu hẳn.

Đấy là những ngày tháng hạnh phúc nhất của gia đìnth tôi, kéo dài trong nhiều năm. Nhà cao cửa rộng, xe hơi sang trọng cho vợ con sung sướng thụ hưởng. Tôi hoạt động trong cộng đồng người Việt, đi thuyết trình về nhiều vấn đề, nhiều lần, nhiều nơi. Chúng tôi cũng tham dự nhiều partys do bạn bè tổ chức, ca ¸hát khiêu vũ tưng bừng… Song tôi bị suy thận nên quá mêt mỏi.

Đến năm 74 tuổi phải về hưu. Rồi 1 đêm tôi bỗng bị mê man bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện cứu cấp, bác sĩ Goupil chuyên môn về khoa thận học, quyết định xài máy lọc máu Hémodialyse để cứu sống đời tôi. Bữa đó là ngày 20-02-2020, chỉ sau đại dịch Covid-19 có ít ngày.

Kể từ ngày đó tôi mới thể hiện được mìmh đã già nua, phải đi lọc máu cứu mạng mỗi tuần 2 lần, khác với người ta phải đi 3 lần mỗi tuần.

Được như vậy là nhờ bác sĩ Isabelle Chapelaine thấy tôi đã lớn tuổi nên muốn cho tôi có thời gian sống với vợ con bạn bè mấy năm còn lại, trước khi về chầu Trời. Tôi có gắng tự trị, tự lập (autonomie) trong hoạt động hàng ngày (daily living activities hay ADL) cho nhà tôi đỡ cực nhọc giúp đỡ tôi. Để cuộc sống về chiều còn phần nào phẩm chất (qualité de vie) chúng tôi thường tụ tập xoa bài mạt chược.

Mạt chược theo quan niệm của tôi, là một môn giải trí giao tế ngoài xã hội(socialisation) và nhất là một phươmg pháp trị liệu tâm thần (psychothérapie) cho tâm trí được thảnh thơi, xa lánh mọi áp lực hay phiền muộn. Tiện đây xin cám ơn các bạn bè đầy thiện chí và nhiệt tình đến chơi mạt chược thường xuyên với vợ chồng tôi, khuyến khích tôi chống chọi với Tử Thần…

Lọc máu không phải là chuyện dễ. Cái máy hémodialyse rất mãnh liệt. Bệnh nhân phải nhẫn nại chịu đựng cái rét lạnh vô tận nó gây ra, cũng như khi lọc xong mệt nhọc quá đỗi, thêm cảnh đi đứng khó khăn xây xẩm, nên phải dùng gậy chống để khỏi té ngã hoặc có người đi kèm dẫn dắt. Tuy nhiên dần dà tôi khắc phục được mọi khó khăn và làm quen với cái máy, nên cảm thấy mình khỏe mạnh như người bình thường.

Thực ra tôi phải ăn ít để tránh lên cân và uống ít để chân tay khỏi sưng vù lên. Thế nhưng tôi vẫn ăn thật no bụng, uống nước ừng ực cho đả khát. Một hôm tôi thấy chân tay và mặt mủi sưng húp lên. Sáng hôm sau ngủ dậy tôi mệt đừ và rất khó thở. Nhà tôi muốn gọi xe cứu thương để đưa tôi vào bệnh viện, song tôi không chịu và muốn chết ở nhà. Nàng gọi điện thoại kêu con trai lớn về ngay vì cháu là bác sĩ cấp cứu.

Cháu Kỳ Nam xem xét tình hình và cương quyết đưa tôi đi bệnh viện ngay. Ở đây các bác sĩ chuyên về khoa thận học đồng ý là tôi giữ nước (rétention d’eau) quá nhiều trong cơ thể nên nước tràn ngập đến ngoại biên (surcharge périphérique). Nếu cứ ở nhà, nước sẽ tràn vào trung tâm cơ thể, nhất là 2 lá phổi và gây ra chứng phổi bị sũng nước (oedème aigu du poumon hay OAP.) Chứng nầy rất khó chữa trị và bệnh nhân sẽ ngộp thở mà chết, rất đau khổ. Nhưng con tôi đã đưa kịp bố vô bệnh viện. Bs. Genest ra lệnh hút bớt nước ra khỏi cơ thể bằng máy lọc máu và chích thuốc lợi tiểu Lasix trực tiếp vô tĩnh mạch. Tôi được cứu sống vì tránh được “chết đuối trên cạn’’.

Tôi không biết mình xém chết lần nầy là bao nhiêu lần, chỉ xin đổi câu : “Đời tôi đau khổ đã nhiều” thành “Đời tôi xém chết đã nhiều” và tiếp theo là “Đến khi chết thật, nhẹ nhàng mà đi”.

04-04-2024                    

Bs. Đặng Ngọc Thuận

From: TU-PHUNG


 

Lê-nin vẫn chưa chết!-Tác Giả: Nguyễn Thị Cỏ May

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Thị Cỏ May

Tượng Lenin bị vứt bỏ khi hết thời

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà xuất bản Pháp tung ra sách mới hoặc in lại sách cũ nhắc lại việc cướp chánh quyền của cộng sản đệ tam (bolchevique) và thiết lập chế độ độc tài toàn trị của Lê-nin ở Nga .

Năm 1945, một nhóm thanh niên Việt Nam, lối năm mươi tên, cũng theo đệ tam (bolchevique), thứ râu ria của Lê-nin, từ miền rừng Việt Bắc kéo về Hà nội cướp chánh quyền của Cụ Trần Trọng Kim, học theo mánh khóe Lê-nin hồi 1917 ở Nga và thiết lập chế độ độc tài ác ôn hiện nay vẫn còn ở Việt Nam.

Nay Pháp tung ra nhiều quyển sách nói về Lénine vì muốn chỉ ra Poutine là sản phẩm tinh ròng của Lê-nin mặc dầu Poutine nhiều lần phê phán Lê-nin sai lầm nghiêm trọng là đã tạo ra nước Ukraine độc lập để ngày nay, Poutine phải mở «cuộc hành quân đặc biệt» để thu hồi. Trái lại, Poutine chủ trương tôn thờ Staline và kết thân với Xi vì cùng ngưỡng mộ Mao sâu xa.

Riêng tuần báo pháp Le Point cho rằng Poutine là Staline cộng với Hitler. Hoặc Poutine là Staline nhưng gian ác hơn Staline nhiều.

Mỗi lần có dịp nói về Lê-nin, Cỏ May tôi không thể không nhớ hồi sau 30/04/75, nhiều tên vc dạy chánh trị cho dân Sài gòn, quả quyết Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đều có họ xa với Lê-nin. Cùng họ . Chúng còn nói rỏ ở ngoài Bắc « Cán bộ chúng tôi đều gọi Bác Lê-nin là Bác Sáu Lê-nin ».

Tên Lê-nin phiên âm theo chữ la-tin (tiếng pháp và cả tiếng việt) là «Vladimir Ilitch Lénine». Viết tắt thành «VI Lê-nin» . Đúng là «Sáu Lê-nin»!

Nói Lê-nin chưa chết vì ngày nay hảy còn lắm tên độc tài cộng sản như Xi, Ủn, Trọng hoặc độc tài mà không cộng sản như Poutine, tất cả đều cai trị rặp theo chủ thuyết Lê-nin.

Lê-nin hay Staline?

Cộng sản Pháp từ những năm 1930 đã từng đặt vấn đề độc tài toàn trị là của Lê-nin hay Staline? Boris Souvarine, lãnh tụ đảng cộng sản Pháp, sau trở thành người chuyên về Staline, phân biệt tách bạch về hai người, Lê-nin và Staline, thì cho rằng chính Staline mới đúng là tên bạo chúa cực kỳ ác ôn. Nhưng sau này, cả người cộng sản, những người có chút suy nghĩ, cũng đã phải thừa nhận chính Lê-nin mới đúng là nguồn gốc của thứ chế độ độc tài toàn trị ác ôn còn tồn tại ngày nay ở Tàu, Việt nam, Bắc hàn, Nga, …

Riêng hai sử gia Alexandre Sumpf và Stéphane Courtois chỉ rõ mọi dự án, suy nghĩ của Lê nin từ khởi đi, và ngay trong thực chất, đều là thứ độc tài toàn trị. Chất độc tài ác ôn đã có trong suy nghĩ của Lê-nin từ trước khi hắn cướp được chánh quyền. Những suy nghĩ từ trong đầu của hắn đã là thứ độc tài rồi. Đảng cộng sản đệ tam được huấn luyện nhuần nhuyễn những mánh khóe cực kỳ xảo trá để cướp chánh quyền của nhơn dân. Khi cướp được chánh quyền vào tay thì dùng kỷ luật sắt và sự gian ác để giữ chặt trong tay và nhờ đó kiểm soát toàn xã hội.

Sử gia Alexandre Sumpf giải thích rõ bản chất độc tài của Lê-nin đã bộc lộ ngay từ lúc lợi dụng cơ hội sau cách mạng 1905, Nga hoàng đã tuyên bố thoái vị, cướp được chánh quyền dân chủ non trẻ, giải tán Quốc hội Lập hiến, đàn áp nông dân nổi dậy, thành lập công an (Tchéka – tiền thân của KGB và ngày nay là FSB) .

Ngoài ra, phải thấy rõ cái ác ôn của Lê-nin chủ trương không phải chỉ giai đoạn, mà nó là thực chất của hệ thống cai trị, của chế độ. Sử gia Stéphane Courtois nhận định rỏ hơn những khác biệt giữa Lê-nin và Staline là thuộc về tầm vóc, về mức độ chớ không phải về bản chất. Vì cả hai đều có chung một bản chất là thứ độc tài cực kỳ ác ôn.

Lê- nin mới là kẻ cực kỳ tàn bạo

Năm 1917, vừa chôm được chánh quyền từ Alexandre Karensky ở Peter-sbourg, Lê-nin liền thiếp lập chế độ độc tài toàn trị cộng sản: dẹp bỏ mọi thứ tự do đã có, lập công an chánh trị, tàn sát kẻ chống đối hoặc không cùng phe cánh, gọi chung là « kẻ thù của nhơn dân », lập trại tập trung, giàn dựng những phiên xử án như Tòa án nhân dân. Hệ thống ác ôn của Lê-nin được Staline thừa kế và mở rộng ra bao trùm gần nửa thế giới trong thế kỷ qua.

Tháng 9 năm 2022, ở Thành phố La Courneuve, ngoại ô Đông-Bắc Paris, cũng như hằng năm, Đảng Cộng sản pháp tổ chức Lễ Hội « Nhơn Đạo » (Fête de L’Humanité) . Người tham dự rất đông . Dĩ nhiên có đủ các đảng phái thuộc cánh Tả của Pháp như đảng Cộng sản, đảng Xã hội chủ nghĩa, đảng Xanh, Pháp bất khuất, Lực lượng Thợ thuyền, Đảng Chống Tư bàn, Đệ Tứ,… . Các tổ chức tham dự đều dựng gian hàng, vừa giới thiệu tổ chức của mình, vừa bán sách báo hoặc sản phẩm của tổ chức để tuyên truyền. Ngoài ra còn có nhiều trò chơi và ăn uống.

Trên những lối đi tại lễ Hội L’ Humanité khai mạc năm 1930, có những pho tượng bán thân và hình ảnh Lê-nin thì nay đều biến mất, được thay thế bằng hình của anh chàng râu xồm Che Guevara, một tên xã hội chủ nghĩa nhưng tay chưa nhuộm máu như Lê-nin.

Suốt thời gian dài Lê-nin như bị bỏ quên, nhưng không phài vì thế mà thoát khỏi bị dư luận phê phán tội ác . Tại Lễ Hội « Nhơn Đao », Ông Philippe Bouyssou, Thị trưởng Thành phố Ivry- sur-Seine, nói về Lê-nin « Mọi người ai cũng thấy Lê-nin là tên độc tài tàn bạo và khát máu đã cướp đoạt chánh quyền của dân chúng . Staline chi có việc mở rộng áp dụng chế độ tàn bạo đã được Lê-nin thiết lập » .

Ông Philippe Bouyssou là đảng viên cộng sản Pháp. Năm 1982, ông gia nhập Đoàn Thanh niên cộng sản. Thành phố Ivry-sur-Seine, sát bên Paris Quận 13, có truyền thống cộng sản. Trước đây, Ông Georges Marrane, bạn Hồ Chí Minh, bố vợ của Cụ Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế của Chánh phủ Hồ Chí Minh 1946 (Ông NMH lại không theo cs), làm Thượng Nghị sĩ cs và Thị trưởng Ivry-sur-Seine suốt 36 năm. Nay Công trường thành phố mang tên Marrane.

Ở lều của phái đoàn Liên đoàn cộng sản Tỉnh Val-de-Marne cũng đồng thanh lên tiếng tố cáo « Lê-nin mới đúng là bạo chúa ác ôn dựng lên chế độ công sản được nhiều nước theo » .

Khi vừa nắm quyền ở Nga, Lê-nin liền đua ra tín điều « Hạ những ai chống đối, gán cho chúng là kẻ thù của nhơn dân » ngày nay hảy còn được Poutine, Xi, Trọng nhiệt tình áp dụng triệt để ở nước của họ.

Từ 20 tháng 12 năm 1917, Lê-nin tổ chức Công an chánh trị, có tên Tcheka – Ủy ban Đặc biệc, sau trở thành Guépéou, rồi NKVD và sau cùng là KGB. Tới Poutine đổi thành FSB. Công an của Lê-nin có quyền hạn vô biên, hành động ngoài pháp luật, chỉ biết tuần hành theo lời dạy của Lê-nin mà thôi. Dzerjinski, trùm Công an giải nghĩa « Công an là những người không biét điều gì hiệu quả hơn là cho ngay 1 viên vào đầu kẻ mà mình muốn nó im mồm đi».

Ra đời năm 1917, qua năm sau Công an Tcheka có 120 000 người. Năm 1921, tăng lên 280 000.

Công an đối với dân chúng cực kỳ dã man nhưng những hành động của chúng chưa bao giờ làm cho Lê-nin xúc động vì thấy tội nghiệp cho nạn nhơn. Trái lại, Lê-nin còn ưu đãi Công an hơn những Cơ quan khác.

Trước Đại hội Đảng, Lê-nin dõng dạc tuyên bố «Một người cộng sản uu tú cũng chính là một Công an xuất sắc».

Và nói về việc bảo vệ chế độ cộng sản, Lê-nin dạy « Một chế độ sẵn sàng thực thi khủng bố vô giới hạn thì không thể nào bị lật đổ ” (Simon LEYS, Essais sur la Chine, Robert Laffont, Paris 1998, trg.5) .

Cũng theo Simon LEYS (Essais sur la Chine, trg ), tron g những năm 1965-1969, Mao làm đại cách mạng văn hóa vô sản đã giết trên nửa triệu dân tàu, và qua các cuộc cách mạng, hắn đã giết tất cả hơn 80 triệu dân tàu nhờ áp dụng đúng chủ thuyết giết hàng loạt học được ở Lê-nin .

Năm 1932-1933, Staline, người kế nghiệp Lê-nin, đã cho dân Ukraine (Liên-xô) chết đói từ 4 tới 6 triêu người chỉ trong vòng 9 tháng bằng chánh sách tập thể hóa ruộng đất và tập trung quyền lực .

Ngay từ năm 1920, Lê-nin đã cho lập hằng trăm trại tù tập trung, gọi là « trại cải tạo » và liền có cả trăm ngàn dân nga được đưa vào học tập. Ở Việt Nam, từ thời Việt minh, Hồ Chí Minh cũng học lóm ở Lê-nin, cho tổ chức « Trại Đầm Dùm » ở Thanh hóa, dưới tên gọi hiền lành, dễ thương là « Trại Lao động Tiết kiệm » nhưng thật sự là trại tù, giam nhốt những người có tiền, có ruộng đất, làm công chức cho Tây, bắt họ làm việc cho đảng cộng sản đến gục ngã vì kiệt sức và đói .

Sau 30/04/75, học theo Bác Sáu Lê-nin, cộng sản hà nội lập trại cải tạo trên khắp Việt nam để nhốt hằng 300 000 dân miền nam, cũng bắt họ lao động cực lực, chết đói, chết bịnh không được chửa trị .

Đối vói tôn giáo vốn là thuốc phiện, Lê-nin cho giết hết 8000 tu sĩ Chánh thống giáo, số còn lại cho đi cải tạo và lao động sản xuất . Tiếp theo, năm 1930, Staline cũng gởi tới trại cải tạo hằng ngàn tu sĩ, đóng cửa hết 90% nhà thờ ở vùng quê .

Từ cách mạng Tháng 10, uy tín của Lê-nin trở thành vật thờ phượng mù quán của đảng viên cộng sản . Nhưng nó là một hiện tượng được đảng cộng sản bảo vệ và duy trì . Hình ảnh, tượng đài, bích chương , biểu ngữ, dựng lên, dán trên tường, giăng mắc khắp nơi trong nước .

Trước khi chết, năm 1922, Lê-nin còn giàn dựng lên vụ án 34 cán bộ lãnh đạo đảng vì dám

có ý kiến phê phán đường lối của hắn ta nhưng bị dư luận quôc tế kịch liệt phản đối nên phải

đem đi nhốt . Qua thời Staline, Staline cho đem đi bắn .

Ngày 21 tháng 1 năm 1924, Lê-nin chết nhưng chủ thuyết chánh trị của ông ta vẫn không chết theo hắn, nhứt là chánh sách khủng bố hằng loạt được Staline, Mao, Hồ Chí Minh tiếp tục ân cần áp dụng ở xứ sở của họ vô cùng hũu hiệu : cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, cải tạo tư sản, tập trung cải tạo, kinh tế mới,…

Lê-nin ở Nghệ an và ở Hà nội

Ở Việt nam, từ Hồ Chí Minh tới nay, đảng cộng sản vẫn bám sát Lê-nin để cai trị và khủng bố, đàn áp nhơn dân, áp dụng lời dạy của Lê nin «Một chế độ sẵn sàng thực thi khủng bố vô giới hạn thì không thể nào bị lật đổ” để bảo vệ chế độ .

Đúng là Sáu Lê-nin chưa chết ở Việt nam ! Ngày 3-4-2024 vừa rồi, Ban Tuyên giáo Nghệ An cho biết nhơn dịp kỷ niệm 154 năm ngày sanh của Sáu Lê-nin, tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk (Nga) sẽ tổ chức lễ khánh thành tượng Lê-nin đặt tại thành phố Vinh vào giữa tháng 4-2024, trên diện tích 1.036,5m2, bệ cao 3m, bằng thép. Mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “VI LÊ-NIN, 1870-1924”, mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga”. Tượng đặt ở giữa ngã tư đại lộ Lê-nin với đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh.

Nhưng có điều mới lạ là việc dựng tượng Lê-nin ngày nay đã gây nhiều tranh cải ở Trung ương đảng vì họ thấy ở Âu châu, nhiều nước cộng sản củ đang có phong trào hạ bệ tượng đài Mác, Lê-nin và nhứt là Staline . Và những người đưa ra ý kiến phê phán đó chưa thấy bị Công an thanh toán .

Sự phê phán rỏ hơn khi Ts Vũ Thị Phương Anh (trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng), giải thích “Theo tôi không nên nhìn nó nặng về góc độ văn hóa, mà nó phải xét dưới góc độ chính trị. Nó là một biểu tượng chính trị và đại diện cho một chế độ mà người dân thấy mình là nạn nhân cho nên muốn đập bỏ nó đi. Đây là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn cho mình một chế độ dân chủ hơn”. Theo nhà giáo Vũ Thị Phương Anh, những công trình như tượng đài Lê-nin đang là biểu tượng của một chế độ chính trị, và nó không phải là những công trình hiếm, mà nó có mặt hầu như mọi nơi ở các quốc gia cộng sản cũ ở Liên-xô và Đông Âu. Và nếu người ta không đập ở chỗ này thì họ sẽ dỡ bỏ nó ở chỗ khác… Một ý kiến khác nhìn đơn giản hơn theo hướng thời sự « củi – lò », rằng « không chắc chính quyền tỉnh Nghệ An yêu mến Lê-nin. Vấn đề là kế hoạch thực hiện này được thượng cấp phê duyệt thì thực hiện sẽ có tiền. Bị chỉ trích mà có cơ hội “phết, phẩy” thì vẫn hăm hở làm thôi » (Báo Thời Luận, ngày 11/04/24, Ca, Huê kỳ) .

Cũng chuyện Sáu Lê-nin . Ngày 3/4/2024, Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử và tuyên phạt ông Nguyễn Chí Dũng, 57 tuổi, một cựu quân nhơn chuyên rà phá bom mìn, 5 năm tù ở vì tội đem chất nổ phá hủy tượng Sáu Lê-nin ở Công trường Lê-nin, Hà nội, ngày 8/9/2023, làm bể đít và què cẳng Sáu Lê-nin . Chuyện cực kỳ quan trọng mà báo trong nước không nói rõ ông này ở đơn vị quân đội nào, tại sao làm chuyện động trời đó, mức độ thiệt hại thật sự và dư luận dân chúng phản ứng như thế nào,.. ?

Việc phá hủy tượng Sáu Lê-nin còn nghiêm trọng hơn cho nổ lăng Hồ Chí Minh ở Hà nội nữa vì « Lê-nin là Thầy, là cha, là người lãnh đạo cách mạng việt nam », Hồ Chí Minh viết trên báo như lời ai điếu sau khi Lê- nin chết mà không được dự đám ma trong lúc Hồ đang có mặt ở đó từ 30/06/1923.

Từ trước đến nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản không dung tha các hành động phỉ báng lãnh tụ cộng sản hay xúc phạm, hủy hoại các tượng đài của các lãnh tụ của chế độ, mặc dầu trên thế giới nhiều bức tượng Lê-nin ở các nước thuộc Liên-xô cũ đã bị giựt sập kể từ khi khối này tan rã vào năm 1991(VOA).

Gần đây hơn hết ở Ukraine, dân chúng hè nhau kéo Sáu Lê-nin sập xuống, đem vứt sạc .

Ở Việt nam, chúng có dựng tượng Hồ Chí Minh cũng chỉ vì kiếm chút cháo mà thôi. Nay mai đây, dân chúng vì từ lâu, bị công an khủng bố hằng loạt, đến một lúc không còn biết sợ nữa, sẽ noi theo gương sáng của Ukraine và Đông âu, cùng nhau kéo sâp tất cả tượng tên Hồ Chí Minh. Cả cái mả của hắn ở Ba Đình nữa. Để Lê-nin và Hồ cùng chết vĩnh viễn .

Cũng là tất yếu lịch sử thôi!

Nguyễn thị Cỏ May


 

Israel nhắm ‘drone’ vào Iran, bắn hỏa tiễn vào Syria

Ba’o Nguoi-Viet

April 19, 2024

ISFAHAN, Iran (NV) – Iran khai hỏa hệ thống phòng không vào một căn cứ không quân lớn và một cứ điểm nguyên tử gần thành phố trung tâm Isfahan sau khi dò được máy bay không người lái vào sáng sớm Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, làm dấy lên lo ngại Israel có thể tấn công trả đũa cuộc đột kích bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của Tehran nhắm vào Israel hồi tuần trước, thông tấn xã AP loan tin.

Chưa rõ liệu Iran có bị tấn công hay không vì không có viên chức Iran vào trực tiếp thừa nhận bị trả đũa và quân đội Israel cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang từ lúc Iran tấn công Israel hôm Thứ Bảy, 13 Tháng Tư trong bối cảnh quốc gia này đang chiến đấu với Hamas tại Dải Gaza và các cuộc không kích của chính Israel nhắm vào tòa lãnh sự Iran tại Syria.

Giới chức Hoa Kỳ từ chối bình luận vào sáng Thứ Sáu, nhưng các đài truyền hình Mỹ trích dẫn các viên chức Mỹ ẩn danh cho biết Israel thực hiện vụ tấn công. The New York Times dẫn lời các viên chức Israel ẩn danh tuyên bố vụ tấn công xảy ra vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 85 của Lãnh Tụ Iran Tối Cao Ayatollah Ali Khamenei

Bích chương tuyên truyền ở Tehran ngày 19 Tháng Tư, 2024 (Hình: AFP/Getty Images)

Lực lượng khẩu đội phòng không khai hỏa vào một số tỉnh do có nguồn tin cho biết máy bay không người lái đang quần thảo trên không, đài truyền hình nhà nước Iran loan tin.

Đặc biệt, Thông Tấn Xã Cộng Hòa Hồi Giáo IRNA cho biết lực lượng phòng không bắn vào một căn cứ không quân lớn tại Isfahan, vốn từ lâu là nơi đóng quân của phi đội F-14 Tomcats do Hoa Kỳ sản xuất – được mua trước Cách Mạng Hồi Giáo 1979.

Hãng thông tấn Tasnim sau đó công bố một đoạn phim từ một trong những phóng viên của họ, người này cho biết ông đang ở khu vực Zerdenjan gần “ngọn núi năng lượng nguyên tử” thuộc miền Đông Nam Isfahan. Đoạn phim cho thấy súng phòng không nằm ở hai địa điểm khác nhau và các chi tiết trong đoạn phim tương tự các đặc điểm của Nhà Máy Chuyển Đổi Uranium mà Iran từng công bố, tọa lạc tại Isfahan.

Nhà máy tại Isfahan vận hành ba lò phản ứng nghiên cứu nhỏ do Trung Quốc cung ứng, đồng thời vận hành sản xuất nhiên liệu và các hoạt động khác cho chương trình nguyên tử dân sự của Iran.

Isfahan cũng là nơi có các địa điểm liên quan tới chương trình nguyên tử của Iran, trong đó có cả cơ sở làm giàu uranium dưới lòng đất, Natanz, nơi từng nhiều lần bị tình nghi là mục tiêu Israel phát động các cuộc tấn công phá hủy.

Chương trình nguyên tử của Iran nhanh chóng tiến tới sản xuất uranium được làm giàu ở cấp độ gần như cấp độ võ khí từ lúc thỏa thuận nguyên tử với các cường quốc thế giới sụp đổ sau khi cựu Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định năm 2018.

Trong khi Iran khẳng định chương trình của họ là vì hòa bình, các quốc gia Tây Phương và Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế IAEA cho biết Tehran vận hành một chương trình võ khí quân sự bí mật cho tới 2003. IAEA cảnh cáo rằng Iran đang nắm giữ đủ số lượng uranium đã làm giàu để chế tạo vài võ khí nguyên tử nếu Iran quyết định làm điều này – mặc dù cộng đồng tình báo Hoa Kỳ khẳng định mục tiêu chính của Tehran không phải là bom nguyên tử.

Các hãng hàng không Emirates và FlyDubai đặt trụ sở tại Dubai bắt đầu đổi hướng quanh miền Tây Iran vào khoảng 4 giờ 30 sáng giờ địa phương. Họ không đưa ra lời giải thích nào, mặc dù các phi công nhận được báo động từ địa phương cho rằng nhà chức trách có thể đóng cửa không phận.

Iran sau đó hạ cánh các chuyến bay thương mại tại Tehran và khắp các khu vực ở miền Tây và miền Trung. Hành khách nghe được thông báo qua loa về nguy cơ giao tranh tại Phi Trường Quốc Tế Imam Khomeini tại Tehran, các đoạn phim trên mạng xã hội được cho là cũng đưa ra cảnh cáo. Iran sau đó cho dịch vụ hàng không hoạt động bình thường lại, nhà chức trách cho biết.

Hossein Dalirian, phát ngôn viên cơ quan không gian mạng của chính phủ Iran, đồng thời là nhà báo quen biết các viên chức quốc phòng Iran, cho biết trên X, từng là Twitter, rằng một số máy bay không người lái “quadcopter” nhỏ bị bắn hạ. Một phóng viên truyền hình quốc doanh tại Isfahan cũng cho biết điều tương tự trong một bản tin trực tiếp, nói rằng “có vài máy bay không người lái nhỏ đang bay trên bầu trời Isfahan sau đó bị bắn hạ.”

Vào khoảng thời gian xảy ra vụ khai hỏa tại Iran, hãng thông tấn SANA thuộc chính quyền Syria trích dẫn một tuyên bố quân sự cho biết Israel thực hiện một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhắm vào một đơn vị phòng không thuộc miền Nam Syria và gây thiệt hại hạ tầng cơ sở. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria đặt trụ sở tại Anh Quốc, cơ quan giám sát chiến tranh của phe đối lập, cho biết cuộc tấn công khai hỏa trúng radar quân sự của lực lượng chính phủ. Hiện chưa rõ liệu có thương vong hay không, Đài Quan Sát Nhân Quyền cho biết.

Khu vực miền Nam mà Syria trúng hỏa lực nằm ngay miền Tây Isfahan, cách đó khoảng 1,500 kilometer (930 dặm) và nằm về phía Đông Israel.

Trong một diễn tiến khác tại Iraq, nơi có vài lực lượng dân quân được Iran chống lưng đóng quân, người dân Baghdad nghe thấy nhiều tiếng nổ nhưng phát ra từ đâu thì chưa biết.

Vụ khai hỏa hôm Thứ Sáu tại Iran cũng làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột một lần nữa lại leo thang trên khắp các vùng biển Trung Đông, nơi đang chứng kiến các cuộc không kích của dân quân Houthi tại Yemen do Iran chống lưng nhắm vào thương thuyền đi qua Biển Đổ nhằm ủng hộ Hamas trong cuộc chiến tại Gaza. (TTHN)


 

Ghế của Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đang lung lay?

Tin đồn về Ông Võ văn Thưởng đã xảy ra chính xác. Nay đến tin đồn về củi tươi, củi gộc Vương Đình Huệ sẽ phải mất ghế. 

Ngày 17 tháng 4 năm 2024, trên trang Facebook cá nhân của ông Lê Trung Khoa loan tin, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Cộng sản vừa mới viết xong đơn từ chức. 

Theo (Facebook của) ông Khoa, ông Huệ được cho là người đứng sau Công ty Thuận An của Nguyễn Duy Hưng mới bị bắt vào ngày 15 tháng 4.

Cùng ngày 17 tháng 4, ông Huệ đã phải đến làm việc với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của ông Trần Cẩm Tú, và “suýt ngất” khi thấy chứng cứ sai phạm của mình đã quá đầy đủ, các chân rết của ông Huệ to như “càng cua”.

XUẤT HIỆN THÔNG TIN ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ VIẾT ĐƠN TỪ CHỨC

Ngoài ra, ông Huệ được cho là còn có liên quan với tập đoàn Thiên Minh Đức ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An của Khoa “Nam Phi”.

Trước thông tin của ông Khoa, một số dư luận bày tỏ vẫn chờ đợi nguồn tin của bà Lê Nguyễn Hương Trà. Bởi vì hai lần trước, khi ông Nguyễn Xuân Phúc, và ông Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch nước nộp đơn từ chức, bà Trà đã đưa rất chính xác trước bốn ngày xảy ra sự việc. Nhưng cho đến hiện tại Facebook cá nhân của bà Trà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Được biết, ông Huệ vừa kết thúc chuyến đi “sứ” sang Trung Cộng chưa được một tuần, thì sau đó, Nguyễn Duy Hưng, người được cho là “đàn em” của ông Huệ đã bị lính của Tô Lâm, Bộ trưởng Công an “ném vào lò”.

Trước đó, ông Bùi Thanh Hiếu đã đưa tin rằng, ông Huệ sẽ chuyển sang ngồi vào ghế trống của ông Võ Văn Thưởng để lại, do sức ép của phía Tô Lâm. Tuy nhiên, đến nay sự kiện này chưa xảy ra, mà sự kiện “oái oăm” khác đã xuất hiện.

Theo trang mạng “Trò Chuyện Linh Tinh”

Cuối ngày hôm nay, thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, Vương Đình Huệ đã viết đơn xin thôi tất cả các chức vụ trong đảng và chức Chủ tịch Quốc hội.

Như vậy Vương Đình Huệ có thể là nhân vật thứ ba trong “tứ trụ” khoá 13, sau Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, bị hạ bệ, truất phế. Huệ sẽ trở thành người thứ 5 trong Bộ Chính trị khoá 13 bị bức ép phải làm đơn xin “về vườn” khi còn hai năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ.

Sáng 7-4-2024, phái đoàn Vương Đình Huệ ra sân bay đi Trung Quốc, thì chiều tối cùng ngày, Bộ Công an đã “tóm” Nguyễn Duy Hưng và một số thuộc cấp của Hưng. Dù bị bắt từ hôm 7-4, nhưng tám ngày sau, chiều 15-4-2024, Bộ Công an mới công bố thông tin bắt giữ Nguyễn Duy Hưng.

Chiều 12-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Ngay khi vừa bước ra khỏi máy bay, ông Phạm Thái Hà, phụ tá thân cận của ông Huệ trong suốt 20 năm qua, thành viên trong phái đoàn đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an mời về trụ sở làm việc.

Phạm Thái Hà từng kinh qua các chức vụ: Thư ký Tổng Kiểm toán Nhà nước; thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; hàm Vụ trưởng, thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ; trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội; trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dự đoán Vương Đình Huệ sẽ viết đơn xin nghỉ. Nếu không làm như vậy, Huệ chắc chắn sẽ hứng tiếp “seri đòn” từ phía Bộ Công an để biến thành “củi”. Đến lúc đó, e rằng mọi thoả hiệp sẽ không còn giá trị. Khi vòng tố tụng mở rộng, nhắm đến cái tên Vương Đình Huệ, xem ra cái kết sẽ cay đắng hơn nhiều.

Trang Trò Chuyện Linh Tinh kết luận:

Nguyễn Phú Trọng hiện đang ôm đầu. Chiến dịch “đốt lò”, “không có bất kỳ vùng cấm” của ông Trọng đã cho “hổ” Tô Lâm quyền năng vô đối. Giờ ông Trọng bó tay, chịu trận. Các đồ đệ do ông dìu dắt, giới thiệu, bồi dưỡng, lần lượt biến thành “củi tươi”, bê bối và rơi rụng.

Ông Trọng học tập Trung Quốc để duy trì sự cai trị của đảng cộng sản, nhưng ông quên rằng Tập Cận Bình không bao giờ chia ghế Ủy viên Bộ Chính trị cho bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Công an, chứ đừng nói gì đến các vị trí chóp bu trong Thường vụ Bộ Chính trị.

Chiếc ghế A1, vị trí tối cao trong đảng luôn là mơ ước, tham vọng quyền lực của bất kỳ nhân vật nào trong đảng. Nhiều nhân vật đã phải chết hoặc “dở sống dở chết” khi tranh giành ngôi vị cao nhất này. Vương Đình Huệ sẽ bị phế truất bởi Huệ quá cao ngạo, xem thường tất cả, kể từ khi được ông Trọng đích thân quy hoạch ghế A1, nhiệm kỳ 2026-2031.

Ủy viên Bộ Chính trị “kinh qua một nhiệm kỳ” hiện tại chỉ còn bốn nhân vật: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Tô Lâm. “Minh chủ võ lâm” của đại hội khoá 14 đã bắt đầu lộ diện!

Trang mạng mới, theo dự luận được thực hiện từ nhóm tay chân Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, trang có tên là VuongHaMy.com, trong bài “Dậu đổ bìm leo” tố cáo đời tư của Vương Đình Huệ.

post-thumbnail

Hình bồ nhí của Huệ với 2 đứa con đang ở Mỹ

Vài Câu Hỏi Nhức Nhối Ngày 30 Tháng 4 – Từ Thức

Từ Thức

48 năm !

Gần một nửa thế kỷ trôi qua, vết thương vẫn chưa lành. Và chắc sẽ không bao giờ lành đối với hàng triệu gia đình, trong khi có những người khác, đứng đầu là nhà nước, có cơ hội “hát trên những xác người” để ăn mừng chiến thắng. Có cơ hội để khoe khoang, đánh bóng quá khứ, để dân quên thực tại đất nước không có gì đáng kiêu hãnh.

Vài câu hỏi nhức nhối nhiều người đặt ra, hay tự hỏi.

Thứ nhất, có nên tổ chức tưởng niệm ngày 30/4, nửa thế kỷ sau?

Thứ hai, có nên tiếp tục hoạt động chống Cộng, trong khi “càng chống, Cộng sản càng mạnh?”

Thứ ba, mỗi người, dù chân yếu tay mềm, dù không phải là anh hùng, có thể làm gì, đóng góp gì cho công cuộc chung? (1)

  1. CÓ NÊN TƯỞNG NIỆM MỖI NĂM?

Có người nghĩ nửa thế kỷ sau, có lẽ nên quên chuyện cũ, để hướng về tương lai.

Trái lại, muốn chuẩn bị tương lai, phải ôn lại quá khứ.

Một cộng đồng, một dân tộc không có quá khứ, sẽ không biết mình là ai, không biết phải đi ngả nào. Không có quá khứ, sẽ không có hiện tại, không có tương lai. Ôn lại quá khứ, rút tỉa những kinh nghiệm xương máu, để tìm đường đi cho mình và cho thế hệ sau.

Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư để không quên hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên rừng, trên đường mòn biên giới, trên biển cả với hy vọng được sống tự do.

Quốc gia văn minh nào cũng tưởng niệm những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế chiến, hay xa hơn nữa, bởi vì người chết bị quên lãng sẽ chết lần thứ hai.

Forgive, but not forget. Có thể tha thứ, không có thể quên.

Người Việt có phong tục rất hay, là cúng giỗ. Đặt bàn thờ, hương hoa, hay cả thức ăn, không phải là dấu hiệu của mê tín dị đoan, trái lại, là một cách rất văn minh, để chứng tỏ người chết vẫn ở đâu đó, bên cạnh. Người chết không bao giờ thực sự chết.

Ngày 30/4 là ngày giỗ của hàng triệu gia đình.

Người ta hy vọng, nhưng chắc khó toại nguyện, trong khi hàng triệu đồng bào của mình đang khóc những người chết oan, tức tưởi, những người khác, nhất là những người cầm quyền, không nên nhẫn tâm reo hò, nhẩy múa. Đó là một thái độ man rợ nhất.

Dù hăng say chiến thắng tới đâu, vẫn còn 364 ngày mỗi năm, để tha hồ reo hò, mạ lỵ, chửi rủa, đấu tố, oán thù.

Một lý do nữa để tưởng niệm ngày 30/4: nhắc lại cho thế hệ sau những gì đã xẩy ra nửa thế kỷ trước, cho gia đình, cho cha mẹ của họ.

Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển, với cái hy vọng mơ hồ là trôi dạt đến một nơi nào đó có tự do.

Bỏ nước ra đi là một chuyện kinh thiên, động địa với một dân tộc gắn liền với đất nước – đất và nước – đa số chưa hề rời làng mạc, khu phố mình đã sinh ra, lớn lên.

Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.

Người Cộng Sản, sở trường trong việc viết lại lịch sử, đã bôi nhọ những người ra đi là chạy theo Mỹ, và sau đó, khi cần tiền họ gởi về, thân ái phong cho họ là những “khúc ruột ngàn dậm”.

Howard Zinn nói “khi những con thỏ chưa có sử gia, lịch sử sẽ được viết bởi những người đi săn”.

Tưởng niệm ngày 30/4 là nhắc lại sự thực lịch sử. Lịch sử của chiến tranh, lịch sử của một trong những cuộc di cư lánh nạn khủng khiếp, kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

  1. CÓ NÊN TIẾP TỤC TRANH ĐẤU CHO TỰ DO?

Nhiều người tự hỏi: có nên tiếp tục tranh đấu chống Cộng hay không, bởi vì nửa thế kỷ sau, Cộng sản vẫn còn đó, hung hăng, tàn bạo? Chưa thấy một hy vọng tự do nào le lói cuối đường hầm.

Điều đó khó chối cãi.

48 năm sau, xã hội VN băng hoại hơn bao giờ hết.

Biển đảo bị chiếm đóng, môi trường bị huỷ hoại, bất công tràn lan, tham nhũng khủng khiếp, khiến người Việt, sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, “tự do, dân chủ, cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc”, chỉ hy vọng được trốn ra nước ngoài, để lấy chồng, để trồng cần sa, bán dâm, để làm nô lệ.

Trong bối cảnh đó, người Việt hoàn toàn thụ động.

Sau nửa thế kỷ cai trị miền Nam, 3 phần tư thế kỷ miền Bắc, Cộng Sản đã thành công trong công cuộc “thụ nhân” (trồng người), đào tạo một thế hệ vô cảm.

Một mặt, sự đàn áp dã man, chà đạp nhân quyền, ngồi xổm trên những quyền tự do tối thiểu của con người, chế độ đã tạo một dân tộc biết sợ. Và trên cả cái sợ, cái cùm tự kiểm duyệt, coi như đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống

Mặt khác, kinh tế phát triển nhờ nhân công rẻ, ngoan ngoãn, trong một thời đại hoàn cầu hoá, nhờ hàng chục tỷ dollars của các “khúc ruột ngàn dậm” đổ về, nhờ tiền xuất cảng lao động, xuất cảng phụ nữ, VN biến thành một xã hội tiêu thụ.

Một số người được tiêu pha, chơi bời thả cửa, có ảo tưởng được tự do, hài lòng với thân phận của mình, chấp nhận hay ủng hộ chế độ. VN trở thành một nhà tù lộ thiên, trong đó tù nhân không muốn vượt ngục nữa (2).

Trong bối cảnh đó, những phong trào tranh đấu cho tự do, dân chủ yếu dần.

Trong nước, những người tranh đấu bị đàn áp dã man; 10, 15 năm tù, cái án dành cho những người cướp của giết người ở những nước bình thường, chỉ vì đã lên tiếng chống cướp nhà, cướp đất, hay đòi quyền thở, quyền sống.

Ở đây, phải bày tỏ sự khâm phục đối với những người vô danh, hay nổi tiếng, đã can đảm tranh đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt, và nhất là trong sự cô đơn, giữa một biển vô cảm.

Ở hải ngoại, phong trào cũng yếu dần, vì chia rẽ, vì bệnh cá nhân chủ nghĩa, vì cái tôi quá lớn (3), vì tổ chức luộm thuộm, khái niệm rất mơ hồ về dân chủ, rất mơ hồ về sự hữu hiệu của mỗi hành động.

Nhiều người cho cảm tưởng họ chống nhau, hơn là chống Cộng. Sẵn sàng chụp mũ nhau là Cộng Sản, chỉ vì một câu nói vụng về, một câu trích khỏi một bài, trái hẳn với ý của người viết. Đôi khi chỉ vì tỵ hiềm cá nhân, vì ganh ghét, vì độc ác. Trong khi đó, Cộng Sản gộc, thứ thiệt, ngang nhiên mua nhà cửa, họp hành, ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình, lộng hành trước mắt bàn dân, thiên hạ, ngay giữa cộng đồng tỵ nạn.

Nhiều khi những người chống Cộng hăng say chống nhau, quên cả chống Cộng.

Quả thực là tình trạng đáng ngao ngán, khiến nhiều người muốn bỏ cuộc.

Nhưng suy nghĩ lại, có quả thực là các hoạt động có hoàn toàn vô bổ không ?

Nếu Việt Nam chưa phải là Bắc Hàn, bởi vì CS không muốn đóng cửa để mất nguồn ngoại tệ khổng lồ, nhưng cũng bởi vì có những người kiên trì tranh đấu ở hải ngoại, tiếp tay với những người tranh đấu trong nước, lên tiếng tố cáo các chính sách đàn áp, các hành động đàn áp dã man của nhà nước.

Cộng sản chùn tay, không phải vì muốn được kính trọng đôi chút, nhưng bởi vì còn muốn làm ăn, buôn bán với thế giới bên ngoài.

Những hoạt động hải ngoại, dù chưa đạt kết quả mong muốn, dù có nhiều khuyết điểm, vẫn chứng tỏ có những người không bỏ cuộc, nửa thế kỷ sau ngày 30/4/75.

Tại sao không thể bỏ cuộc lúc này. Bởi vì cuộc chiến trở thành một mặt trận văn hoá. Ai cũng nghĩ và mong có thay đổi chính trị ở VN, bởi vì một nhóm người cai trị gần 100 triệu dân, vô thời hạn, là một chuyện quái đản ở thế kỷ 21.

Nhưng chỉ có thay đổi nếu hội đủ 2 điều kiện.

Thứ nhất, người dân ý thức mình đang sống trong một nhà tù không tường, mặc dù được hưởng những tự do phù phiếm như ăn chơi, tiêu thụ. Thứ hai, mọi người nghĩ những thay đổi sẽ có hậu quả tốt cho chính mình, cho gia đình mình.

Dân chủ đối với đa số vẫn còn là một ý niệm mơ hồ, nếu không phải là đề tài để nhạo báng. Đa số vẫn chưa ý thức rằng tất cả những vấn đề của VN, từ bất công khủng khiếp, tới tham nhũng kinh hoàng, giáo dục bế tắc sẽ không bao giờ giải quyết được, nếu không có một thể chế dân chủ.

Việc thuyết phục người đồng hương là chuyện của mỗi chúng ta, mỗi ngày.

  1. MỖI NGƯỜI CÓ THỂ LÀM GÌ?

Không phải ai cũng là anh hùng, không phải ai cũng là những nhà hoạt động, sẵn sàng hy sinh. Nhưng mọi người đều có thể đóng góp.

Khi tôi gỉải thích cho con cháu lịch sử cận đại của VN, tôi đóng góp cho việc chống lại âm mưu viết lại lịch sử của tập đoàn cầm quyền.

Khi tôi kể cho bạn bè trong nước những sinh hoạt dân chủ nơi tôi đang sống, tôi đóng góp vào việc phát triển ý thức, và kiến thức dân chủ.

Khi tôi liên lạc với các giới chức, các hội đoàn nơi tôi đang sống, hay với những du khách tới VN, để nói về những vi phạm nhân quyền, tôi đóng góp vào việc cho thế giới bên ngoài biết về thực trạng VN.

Đó chỉ là những thí dụ. Còn hàng ngàn những chuyện khác, mọi người có thể làm. Nếu một triệu người làm những việc nhỏ, kết quả sẽ rất lớn.

Một câu nói nổi tiếng mà người ta gán cho Lão Tử: Hãy thắp một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Đôi khi chúng ta quên cả nguyền rủa bóng tối, vì còn say sưa nguyền rủa nhau.

Những khuyết điểm, những sai lầm của những người chống Cộng đã khiến hai chữ “chống Cộng” mất dần ý nghĩa.

Nhiều người xa lánh, không muốn liên luỵ tới những chuyện đánh phá cá nhân, bè phái.

Albert Camus nói cuộc đời là những cuộc tranh đấu, nếu không tranh đấu cho lẽ phải, không nổi giận trước những bất công, cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng Camus nói thêm: nổi loạn, hay phẫn nộ phải có đối tượng, không bao giờ mù quáng, vô vạ, miễn phí (la révolte est ciblée, jamais aveugle ni gratuite).

Chống Cộng, nửa thế kỷ sau, không phải vì oán thù, không phải vì bị cướp nhà cướp đất, nhưng bởi vì nghĩ rằng, biết rằng chế độ Cộng Sản đưa tới bế tắc cho dân tộc. Bế tắc và diệt vong.

Tôi chống Cộng bởi vì không muốn nước tôi không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ; không có văn hoá, chỉ có tuyên truyền; không có quyền làm người, chỉ có quyền tuân lệnh; không có quyền suy nghĩ, chỉ có quyền ăn chơi.

Hiểu theo nghĩa đó, chống Cộng là một nghĩa vụ trong sáng nhất, khẩn cấp nhất. Không phải là chuyện phù phiếm, như nhiều người nghĩ. Có người thành thực nghĩ như vậy, có người mượn đó là một cái cớ để buông tay, hay đồng loã với cái ác.

TỪ THỨC

tuthuc-paris-blog.com

(1) Bài này ghi lại và bổ túc bài nói chuyện trong cuộc hội luận ngày 29/4/2023 do Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Tự Do tổ chức, tại Paris, Pháp.


 

Nắng nóng lan rộng từ Nam ra Bắc, Tây Nguyên cạn nước, cây trồng chết khô

Ba’o Nguoi-Viet

April 18, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo Trung tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, nắng nóng sẽ lan ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sau đó đến Đông Bắc Bộ. Trong khi khu vực miền Trung và Tây Bắc Bộ dự báo có nơi nắng nóng trên 39 độ C.

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin cho hay dự báo bắt đầu từ ngày mai 19 Tháng Tư, thời tiết mưa mát ở Bắc Bộ sẽ nhanh chóng kết thúc thay bằng thời tiết nắng nóng mở rộng ra toàn khu vực phía Đông Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Từ ngày mai, nắng nóng lan rộng ra miền Bắc, miền Trung Việt Nam có nơi nóng trên 39 độ C. (Hình: C.Tuệ/Tuổi Trẻ)

Ông Nguyễn Đức Hòa, phó trưởng phòng Dự Báo Khí Hậu, Trung Tâm Dự Báo Thủy Văn Quốc Gia, cho biết trong vòng một tháng tới, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Đối với khu vực Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng gay gắt hơn. Dự báo có nơi nắng nóng “đặc biệt gay gắt” với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Trong khi đó, khu vực Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

“Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới,” cơ quan khí tượng dự báo.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên – Nam Bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu và khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Nhiều vùng trồng cà phê, hoa màu của người dân các tỉnh Tây Nguyên đã cháy sém, nông dân gồng mình trong nắng nóng, tìm nước tưới cho cây trồng.

Theo Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Đắk Lắk, đến nay đã có hơn 2,000 hécta cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước tưới và dự báo trong thời gian tới, sẽ tăng lên từ 5,000-8,000 hécta do thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Đáng lo ngại, hiện tại có 44/619 hồ chứa đã cạn kiệt nước. Số hồ chứa còn lại lượng nước cũng chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. Trong khi nguồn nước trên các sông, suối, đang tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Tương tự, theo Sở Nông Nghiệp Tỉnh Đắk Nông, đến nay có gần 10,000 hécta cây trồng trong tỉnh thiếu nước tưới đứng trước nguy cơ giảm năng suất, chết cây. Trong khi cả tỉnh có 255 hồ chứa nhưng đến nay có 31 hồ đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Rất nhiều hồ chỉ còn dung tích 30%-50% và sẽ cạn trong 1-2 tuần tới.

Nhiều hồ chứa nước ở tỉnh Đắk Nông trơ đáy. (Hình: Đức Lập/Tuổi Trẻ)

Hiện nay tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục bơm nước từ những khu vực ao hồ, sông suối về vùng hạn nhưng “nước xa, khó cứu hạn gần,” nếu thời tiết nắng nóng vẫn kéo dài.

“Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn trung bình tại các khu vực trên phạm vi cả nước, do đó nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao, đặc biệt khu vực Tây Nguyên-Nam Bộ,” ông Hòa cảnh báo. (Tr.N)


 

Phần cuối án tử hình Trương Mỹ Lan, sẽ lộ mặt Lê Thanh Hải?

Ba’o Nguoi-Viet

April 17, 2024

Nam Việt/SGN

Ngay trước khi kết thúc phiên xử sơ thẩm, người nhà bà Lan nói với hãng tin Reuters rằng luật sư sẽ nộp đơn kháng cáo.

Có nghĩa là trước khi có kết quả phán quyết, bà Lan và luật sư đã chuẩn bị nội dung sẵn để kháng cáo, như một nước cờ được tính trong cuộc chơi với luật pháp Việt Nam, mà bà Lan lúc này phải một mình gánh tội thay cho những bóng đen đứng sau cánh màn nhung sự nghiệp của mình.

Có rất nhiều nhà bình luận thời sự nhấn mạnh rằng, trong một nền kinh tế chỉ huy của nhà nước cộng sản, những kẽ hở trục lợi chỉ có thể được tạo ra bởi các quan chức, và phối hợp bên ngoài để làm giàu. Một mình bà Trương Mỹ Lan có tài thánh đến đâu cũng không thể tự mình mở lối đi từ địa phương đến Trung Ương thành tập đoàn như hôm nay, và cuối cùng, là người kinh tài cho nhóm cộng sản miền Nam.

Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS – Yusof Ishak Institute), ít nhất một lần nhắc đến khái niệm “bảo trợ chính trị” cho sự hình thành quy mô làm ăn của bà Lan. Còn nói toẹt ra, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A khẳng định “trong cơ chế nhà nước này, một mình bà Lan không thể nào làm nên chuyện như vậy được.”

Sự có mặt không quá nổi bật của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhiều năm trước, nhưng luôn hiện diện bên cạnh các quan chức miền Nam, cũng tạo nên lời xì xầm về một hệ thống kinh tài, nối dài đến Hong Kong, Trung Quốc, nuôi lớn những con cá mập gian tham, đứng đầu là ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư TP.HCM trong suốt nhiều năm.

Ông Hải có nụ cười hiền lành nhưng nham hiểm tột cùng. Trong chiến dịch đốt lò của Trọng, Hải liên tục đẩy đàn em ra chịu đòn, còn mình vẫn an toàn sau những cú đánh chí tử.

Từng làm ủy viên Trung Ương Đảng 3 khoá, trong đó có 2 khóa là ủy viên Bộ Chính Trị, nên ông Hải hiểu rõ mọi chuyện, và có đủ hồ sơ “đen” của những kẻ muốn hại mình, để tung ra khi cần thiết, vào ván cờ cuối.

Cụ thể một trong những bê bối năm 2006, vẫn được dân Hà Nội thì thào nói với nhau chuyện bí thư Hà Nội Nguyễn Phú Trọng là làm biến mất 3,000 tỷ đồng ngân sách, và món quà căn nhà trị giá cả triệu đô từ tập đoàn Ciputra, mà sau đó bán gấp để xóa dấu vết.

Ông Trọng cũng không phải sạch sẽ gì khi nắm toàn quyền, nên hiểu rõ ai là người nhìn thấy vết của mình, và thận trọng trong từng bước đi. Dĩ nhiên, ông Hải biết rõ và có lẽ cũng tạo điều kiện cho ông Trọng biết là mình có đủ hồ sơ. Chính vì vậy, trong cuộc chinh phạt “đốt lò” vinh quang của mình, ông Trọng không dám nhắc gì đến ông Hải. Nhưng cay thì chắc là rất cay.

Thói thường của hậu trường chính trị, khi biết ai nắm thóp của mình, tức kẻ đó phải bị tiêu diệt. Ông Trọng không muốn để yên cho ông Hải, và cũng muốn có một cước phá đảo, chiếm lấy lực lượng kinh tài cho phe cộng sản miền Nam, mà rành rành là bà Trương Mỹ Lan cùng tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chính vì vậy, vụ cướp đất Thủ Thiêm được ông Trọng cho mở lại, siết chặt ông Hải vào những sai phạm mà người dân ở vùng đất này bị màn trời chiếu đất mấy mươi năm, nguyền rủa và quyết đòi cho bằng được.

Đòn quyết định của Tổng Trọng đưa ra vào Tháng Ba 2020, là lúc cho Bộ Chính Trị khóa 12 xem xét kỷ luật đối với ông Hải, mức cao nhất mà ông Hải nhận được chỉ là “cách chức bí thư Thành Ủy” đã kinh qua.

Ngày 20 Tháng Ba 2020, tại trụ sở Trung Ương Đảng, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách chức nguyên bí thư thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 của ông Lê Thanh Hải. (hình: Facebook)

Chính ông Trọng cũng bất ngờ vì nghĩ rằng mình đã hạ được con cáo già này, nhưng ông Hải khéo léo “lobby” đủ từ trên xuống dưới, khiến cả hội nghị lúc đó, không ai đồng ý mức án cao hơn, mà vốn ông Trọng từ đầu nhắm tới là khai trừ Đảng và khởi tố.

Để bảo đảm sự an toàn cho mình, ông Hải chạy kiếm cái vé vinh danh 55 tuổi Đảng vào năm 2023, để ràng chặt sự nghiệp đen tối của mình với hình ảnh đảng cầm quyền. Đồng thời lúc đó, ông quyết định “bán” người bạn, vốn thân thiết như chị em – là bà Trương Mỹ Lan cho cuộc thâu góm của Trọng, để có thể an tâm rút về làm “người tử tế,” theo sách lược từng thỏa thuận của ông Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Trọng.

Chuyện bán Trương Mỹ Lan cho ông Trọng là phương án phòng thân của ông Hải. Phía tay chân của bà Lan cũng báo động những giả định sự gian ác của Hải, nên từ năm 2014, gia đình bà đã vài lần định thôi quốc tịch Việt Nam, nhằm chuẩn bị mọi bước rút nhanh khi Hải trở mặt.

Người trong cuộc giấu tên nói “Hải đã nói với bà Lan là: tui còn ở đây, chị không phải lo gì cả, bộ chị không tin tui sao?” Nghe thuyết phục nhiều lần, bà Lan cũng chần chừ cho đến khi ý định bí mật rời khỏi Việt Nam bị lộ, Hải là người báo cho Tô Lâm bắt, chận lại mọi thứ.

Việc chận bắt diễn ra ngay trên đường đi, chứ không phải tại nhà, và cũng bắt trước hai ngày theo tin công an đưa ra cho báo chí.

Giờ đây, khi án tử hình gọi tên bà Trương Mỹ Lan, mà không thấy bất kỳ sự vận động hay ra mặt nào của Hải, có thể phần kháng cáo của bà Lan sẽ vô cùng hấp dẫn với những tin tức mới mà chính Đảng Trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng muốn nghe, là cơ hội để làm bàn đạp quét sạch ông Lê Thanh Hải và đám cộng sản Miền Nam.

Còn chưa biết phiên phúc thẩm của bà Lan sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nếu bà chết, sẽ không chọn chết một mình. Và những giờ phút này, ông Hải đang toát mồ hôi lạnh từng ngày, chạy đôn chạy đáo để tìm một sự bảo đảm cho số phận của mình, cũng như có thể đang lên kế hoạch bịt miệng bà Lan, chẳng hạn như một cái chết bất ngờ trong trại?


 

Cầu mưa…-Thái Hạo

Ba’o Tieng Dan

Thái Hạo

18-4-2024

Cầu mưa là một thực hành văn hóa – tâm linh phổ biến của nhân loại trong quá khứ. Ngày nay, nhiều vùng trên thế giới vẫn còn duy trì truyền thống này, ngay cả ở các nước hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều sắc tộc thiểu số hiện vẫn còn lưu giữ.

Trên phương diện quốc gia, ngày xưa mỗi khi hạn hán kéo dài, vua sẽ đại diện cho cả nước đứng ra lập đàn cầu mưa. Lịch sử Việt Nam ghi nhận, từ thời nhà Lý nghi lễ này đã được tiến hành. Ngày nay, với văn hóa hiện đại, chúng ta nhìn lại thì thường có cảm nhận rằng đó là một tư duy mang màu sắc mê tín, lạc hậu, ấu trĩ… Tuy nhiên, không phải chỉ có thế.

Với quan niệm hữu thần và thiên – địa – nhân hợp nhất (trời, đất và con người là một thể), người ta khởi lên niềm tin rằng, thần thánh/ ông trời có thể tương dung, tương thông, nghe thấy được lời cầu xin của con người, chỉ cần họ có tâm chí thành.

Người ta nghĩ rằng, mọi tai họa dưới nhân gian là do sự sai trái, lầm lạc, xấu xa, độc ác của con người gây ra. Và người phải chịu trách nhiệm cao nhất chính là vua. Vì thế, trước khi cầu mưa (hay cầu những điều khác), nhà vua phải trai giới (ăn chay, tránh tà dâm, sinh hoạt trong giới đức…), phóng thích tù oan, thả bớt cung nữ, mở kho cứu đói cho dân, v.v.. Khi tất cả đã được thực hiện và giữ gìn tinh nghiêm sau một thời gian đủ dài, lúc đó lễ cầu mưa mới được tiến hành. Và người ta tin rằng, nếu cầu mà trời vẫn không mưa là do mình đã chưa chuộc hết tội lỗi, phải thành thật sám hối, tự kiểm điểm lại tất cả hành vi, phát tâm quyết rửa sạch và không ngừng hành thiện.

Không bàn tới sự phi lý trong quan niệm rằng mưa là do ông Trời ban cho và con người có thể cầu mà được; nhưng ít ra người xưa tin rằng mọi thứ nên hư tốt xấu xảy ra đều là do ở chính mình. Cái tư duy “tiên trách kỷ” này là một trong những nền tảng đạo đức quan trọng của người xưa mà nay đã trở thành xa xỉ. Vì nhiều lý do, có thể là nằm ngoài dự liệu, nhưng nó mang tới những suy nghĩ và hành xử có tính cảnh tỉnh và tự cảnh tỉnh, nó nhắc nhở con người biết sống thiện lương, tử tế, nỗ lực tạo công đức… Biết sợ (sợ thần thánh, sợ nhân quả, sợ luật pháp, sợ lương tri…), ở một một khía cạnh nào đó chính là đạo đức. Còn một khi đã “coi trời bằng vung” thì không việc ác nào không dám làm.

Nay thì không còn nữa. Không những “tự nhận lỗi” đã trở thành một món đắt đỏ bậc nhất mà hơn thế, sự vô sỉ và ý thức lưu manh đã chiếm thế thượng phong. Quan chức từ nhỏ đến lớn và rất lớn lũ lượt kéo nhau vào “lò” vì tham nhũng, tàn bạo, phá nát nền tảng văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước. Ngay cả khi bị “kỷ luật”, bị bắt, phải ra trước vành móng ngựa rồi vẫn trơ tráo, quanh co, lấp liếm, đổ lỗi…

Bỏ sang một bên những chuyện tâm linh thì vẫn phải thấy rằng đây là sự phá sản về đạo đức. Mà, thượng bất chính thì hạ tất loạn. Nếu “vua quan” hiểu rằng hạn hán có một nguyên nhân quan trọng là do phá rừng và không chăm lo trị thủy đúng mực thì họ sẽ nhận lỗi, “sám hối” bằng cách ban hành những chính sách phù hợp: Bảo vệ rừng, trồng mới rừng, đầu tư xây đập, đắp đê ngăn mặn, dồn tài lực phát triển hệ thống nước máy sinh hoạt, đình chỉ mọi thứ lãng phí vào tượng đại, cổng chào, lễ lạt… Nhưng không. Một huyện nghèo bỏ ra 230 tỉ đồng để làm một cái lễ kỷ niệm, đó là việc làm mà cả trời và người đều oán giận.

Trong một đất nước mà từ vua quan đến người dân đều luôn biết tự xét mình, cảnh tỉnh mình, sống có trách nhiệm và hành động đúng với chức phận mình thì chưa cần trời giúp cũng là đã tự giúp mình. Đó cũng là một dạng “trời người là một”: con người tự định đoạt lấy cuộc sống và số phận của mình, con người tự làm “ông trời” của chính mình.

Nay cái thiêng (tin vào trời đất thánh thần) đã mất mà đạo đức cũng đã suy bại. Biết dựa vào đâu?

Nói thêm: người xưa, có thể chỉ là vô tình nhưng đã chạm đến những nguyên lý rất hiện đại. Chúng ta biết rằng, vật lý lượng tử đã vén lên bức màn về sự “hợp nhất” giữa tinh thần (con người) và tồn tại (vật chất). Nó rất gần với phát biểu “vạn pháp duy tâm” trong Phật giáo. Tinh thần (niềm tin, ý chí, sự lương thiện…) sẽ ảnh hưởng một cách vô hình nhưng mạnh mẽ đến cái vũ trụ mà họ sống. Tinh thần có thể làm thay đổi “cảnh giới”. Ở đâu sự dối trá và cái ác ngự trị, ở đó bất an, tai họa trùng trùng; ở đâu lòng chân thật và sự lương thiện bao trùm, ở đó cây cối xanh tốt, chim muông mở hội, mưa thuận gió hòa.

Sự xuống cấp đạo đức không chỉ làm rối loạn xã hội do các hành vi sai xấu gây nên, mà sâu xa hơn: Phá hủy các nền tảng sâu về “đạo của vật lý”/ tâm linh. Khi không còn biết sợ quỷ thần như quan niệm sơ khai, cũng không còn biết sợ nhân quả, lại lạm dụng quyền lực trong một nền tảng luật pháp nhiều hạn chế, thì tất yếu sẽ phải dẫn đến những tai ương, không thể khác được.


 

7 sự tổn hại nặng nề đối với cơ thể khi nóng giận-BS. Hoàng Tuấn Long

SKĐS – Nóng giận không chỉ nguy cơ phá vỡ các mối quan hệ, làm xấu đi hình ảnh của bản thân, mà còn được biết đến như một “sát thủ giấu mặt” của bệnh tim, đột quỵ và nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác.

  1. Gây tổn thương cho gan: Có thể chưa biết, khi ta nóng giận, tự khắc cơ thể sẽ sản sinh ra chất “catecholamine”, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương, khi đó, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ tăng lên rất cao, từ đó axit béo, độc tố gây hại cho gan và huyết dịch cũng không ngừng được tăng lên.
  2. Khiến não nhanh chóng “già” đi: Khi tức giận, não sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ lượng huyết dịch ngày càng đổ rất nhiều về đây, điều này khiến cho lượng huyết dịch trong não tỉ lệ nghịch với lượng oxy cần thiết, gây hại cho não.
  3. Tổn thương dạ dày: Khi tức giận, tim sẽ tác động cùng với huyết quản, khiến cho lượng máu trong dạ dày và đường ruột giảm mạnh, làm mất cảm giác ngon miệng và thậm chí còn là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày.

Nóng giận gây tổn hại tới nhiều bộ phận cơ thể cùng lúc. HÌnh: Minh họa

  1. Tổn thương phổi: Khi tức giận, cơ thể sẽ thở nhanh và gấp hơn bình thường, phổi phải hoán đổi khí trong một tần suất quá cao. Lúc này, bao phổi không ngừng khuếch trương, thời gian thu co giảm xuống liên tục, do đó, phổi sẽ không có thời gian điều hòa, nghỉ ngơi mà phải làm việc liên tục. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra những tổn thương cho lá phổi.
  2. Hệ thống miễn dịch bị tổn thương: Khi tức giận cơ thể cũng sẽ tiết ra chất cortisol, nếu không kiềm chế được cơn tức giận, cơ thể sẽ liên tục tạo ra chất này và tích tụ trong một thời gian dài, gây ra vết thương cho hệ thống miễn dịch của bạn, khi đó sức đề kháng đối với các loại bệnh tật sẽ giảm đi, cơ thể sẽ yếu hơn, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và thậm chí cả ung thư.
  3. Thiếu oxy cho cơ tim: Lượng huyết dịch về tim khi tức giận sẽ chuyển rất nhiều lên não và phần mặt (mặt đỏ, nóng), do đó, lượng huyết dịch cần thiết cho vận hành của tim sẽ giảm đi. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu oxy lên tim, làm cho tim co bóp không còn nhịp nhàng như bình thường nữa, có thể gián tiếp dẫn đến bệnh mạch vành hoặc bệnh cơ tim.

Nóng giận có thể gây thiếu oxy cho cơ tim

  1. Các triệu chứng khác: Có rất nhiều cơ chế mà qua đó sự giận dữ mãn tính có thể ảnh hưởng và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khoẻ, bao gồm béo phì, đau nửa đầu, trầm cảm, lo âu, kho ngủ, cao huyết áp và đột quỵ, giảm chất lượng của các mối quan hệ, tăng khả năng bạo hành người khác về tình cảm hoặc thể chất hoặc cả hai…

Tức giận thực ra là tự hại chính bản thân mình nhưng vấn đề là những cơn nóng giận thường kéo đến rất bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm cách để chế ngự cơn nóng giận trước khi quá muộn.

7 cách nhằm chế ngự cơn nóng giận

  1. Hít thở sâu trong vòng 10 giây: Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây lại được đánh giá là một trong những biện pháp khá hiệu quả trong việc kiềm chế sự nóng giận. Khi cảm thấy bức xúc đang tăng lên, hãy dừng lại mọi thứ, nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây, bạn sẽ nhanh chóng kiềm chế được cảm xúc của mình và lấy lại bình tĩnh.
  2. Nghĩ kỹ trước khi nói: Dù đang tức giận đến đâu, muốn “xả” hết mọi thứ bạn nghĩ trong đầu ra đến đâu thì hãy cố gắng suy nghĩ về những gì định nói ra, xem liệu ta có hối hận về nó sau này hay không.
  3. Chia sẻ với người khác: Thay vì cố gắng “dằn mặt” kẻ thù, hãy nói chuyện, tâm sự với người bạn thân của mình, có thể sự tức giận sẽ giảm đi nhanh chóng và bạn cũng sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ bạn bè mình đấy.
  4. Tìm niềm vui: Đừng cố gắng thể hiện sự tức giận của bản thân qua hành động, lời nói, hãy tìm đến những gì bạn thích, xem một bộ phim hài hước, nghe bản nhạc tủ, bạn sẽ thấy yêu đời hơn.
  5. Hỏi chắc chắn trước khi nói: Khi bạn không hài lòng về lời nói của người khác, hãy hỏi lại chắc chắn xem ý của họ là gì?, để tránh hiểu nhầm mục đích của mọi người.
  6. Xem lại bản thân: Giảm cái tôi của mình xuống: Trong nhiều trường hợp, người khác chỉ muốn điều tốt cho bạn nhưng bạn lại có thể chưa hiểu và nghĩ rằng họ đang bêu xấu mình. Hãy xem lại thái độ, tác phong của bản thân mình xem mình có nên và có đáng tức giận với họ hay không. Nói chung, tức giận là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng với những tác hại mà nó đem đến cho cơ thể thì việc hóa giải thực sự nên hóa giải ngay, hay cố gắng tìm cách kiềm chế theo cách của riêng bản thân.
  7. Đọc sách và thiền định: Một cuốn sách hay và hữu ích có thể giúp thoát khỏi những cảm xúc bi quan, cũng nhờ vậy trở nên trầm tĩnh và lạc quan hơn.

Thiền định theo các nhà nghiên cứu gần đây đều khẳng định lợi ích về thiền định còn mang lại sức khỏe cho con người. Theo Viện đại học Cologne (Đức), thiền định giúp người ta bớt nóng nảy, hung hăng, giảm bệnh về tinh thần và ham muốn khống chế, cấm đoán, ngăn cản người khác, giảm tính bất định. Nó làm tăng sức hòa hợp, thân thiện với người khác, biết kính nể người và tự chế mình, tăng sự tự tin, thỏa mãn, khả năng chịu đựng trong tình huống xấu, tăng tính quả quyết, tự tin…

BS. Hoàng Tuấn Long

https://suckhoedoisong.vn/7-su-ton-hai-nang-ne-doi-voi-co-the-khi-nong-gian-169139711.htm

Vì sao cổ phiếu VinFast lao dốc hôm nay

Ba’o Tieng Dan

Yahoo News

Tác giả: Rich Smith và The Motley Fool

Dương Lệ Chi, chuyển ngữ

17-4-2024

Cổ phiếu Auto VinFast (NASDAQ: VFS) của nhà sản xuất xe hơi Việt Nam đã lên sàn chứng khoán đầu tiên (IPO) trong thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) hồi mùa hè năm ngoái, đã giảm 11,5% cho đến 11 giờ sáng thứ Tư, giờ miền Đông Hoa Kỳ, sau khi báo cáo không đạt được cả doanh thu và thu nhập trong quý đầu tiên của năm 2024.

Về thu nhập, các nhà phân tích vốn đã bi quan, dự đoán công ty sẽ lỗ 22 xu trên mỗi cổ phiếu, với doanh thu 450 triệu USD. Hóa ra, các nhà phân tích bi quan không nhiều lắm bởi VinFast lỗ tới 26 xu trên mỗi cổ phiếu và doanh thu chỉ đạt 302,6 triệu USD.

Doanh thu và thu nhập của VinFast trong quý 1 (bị thua “lỗ”)

Tin tức không hẳn tất cả đều xấu (chỉ phần lớn là xấu). Tổng doanh thu quý đầu tiên tăng 270% so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu từ bán xe tăng 324%. Biên độ lợi nhuận gộp được cải thiện từ âm 173% lên lên tới “chỉ” âm 50%. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục thua lỗ ở mức đáng báo động.

Và công ty cũng có thể đang mất đà. Doanh số bán xe điện tuy tăng 444% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 28% so với quý 4 năm 2023. Doanh số bán xe máy điện – trước đây là lĩnh vực kinh doanh chính của VinFast – đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 73% so với quý trước.

Có nên bán cổ phiếu VinFast trong năm 2024?

VinFast đang cố gắng khắc phục tình trạng sụt giảm doanh số bán hàng, tăng gần gấp ba số lượng đại lý ở Mỹ (lên tới 16 đại lý) với các đại lý mà hãng có mối liên hệ và đăng ký thêm đại lý ở Indonesia, Thái Lan và Oman.

Công ty cũng đã quay trở lại cội nguồn ban đầu của mình với chiếc xe đạp điện mới mà họ đang cố gắng bán ở Mỹ với giá 2.599 USD, cùng với việc chờ đợt bán hàng VF 9 EV bắt đầu cuối tháng này. Và họ hứa hẹn sẽ bán được 100.000 xe điện trên toàn thế giới trong năm nay.

Tuy nhiên, VinFast có thể không tồn tại cho tới cuối năm nay. Chỉ riêng dòng tiền mặt (cash flow) âm trong quý đầu tiên đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 717,3 triệu USD và theo sự thừa nhận của chính họ, công ty chỉ còn lại 123,3 triệu USD trong ngân hàng. Với tốc độ đốt tiền mặt như thế, VinFast có thể sẽ hết tiền – và hết may mắn – chỉ trong vài tuần, chứ đừng nói tới vài tháng.

Có nên đầu tư 1.000 USD vào VinFast Auto Ltd. Trong lúc này hay không?

Trước khi bạn muốn mua cổ phiếu của VinFast Auto Ltd., hãy cân nhắc điều này:

Nhóm phân tích của “The Motley Fool Stock Advisor” vừa xác định, 10 cổ phiếu tốt nhất mà nhà đầu tư nên mua hiện nay… và VinFast Auto Ltd. không phải là một trong số đó. 10 cổ phiếu lọt vào nhóm có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ trong những năm tới.

Stock Advisor cung cấp cho các nhà đầu tư một kế hoạch chi tiết dễ thực hiện để đạt được thành công, gồm hướng dẫn xây dựng danh mục đầu tư, cập nhật thường xuyên từ các nhà phân tích và hai lựa chọn mới về cổ phiếu mỗi tháng. Dịch vụ Stock Advisor đã tăng lợi nhuận hơn ba lần so với S&P 500 kể từ năm 2002.