5 chị em ruột thịt … TRỞ THÀNH CÁC NỮ TU TRONG CÙNG MỘT CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

 Peter Vũ Thoại

Khi đã nhận ra Chúa Giêsu kêu gọi dâng mình cách trọn vẹn cho Người, 5 chị em ruột thịt … TRỞ THÀNH CÁC NỮ TU TRONG CÙNG MỘT CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

“Thiên Chúa có chương trình của Ngài và Ngài biết thời gian và địa điểm dành cho mỗi người”

[trích từ lời chia sẻ của một trong năm vị nữ tu]

Cả 5 người đều xuất thân trong cùng một gia đình gồm bảy người con (6 cô gái và 1 chàng trai), mỗi người theo đuổi cuộc sống riêng của mình và cả 5, không hẹn mà gặp lại nhau … ở cùng một cộng đoàn tu trì – đó là Hội dòng chiêm niệm Iesu Communio tại Burgos, phía Bắc của Tây Ban Nha.

Người đầu tiên gia nhập Hội dòng Iesu Communio là Jordán (1), năm tiếp theo là Francesca (2) và Amada de Jesus (3), hai tháng sau đó thì đến lượt Ruth María (4) – người lớn nhất trong số 5 người và Nazareth (5) là người sau cùng chọn gia nhập cộng đoàn tu trì này sáu tháng sau đó.

Sơ Amada de Jesus đã chia sẻ: “Đây là một điều ngạc nhiên thú vị đối với mọi người khi Chúa đã gọi tất cả 5 chị em chúng tôi vào Hội dòng trong vòng hai năm.”

Không hề có sự bàn luận giữa các chị em về việc thực hiện ơn gọi về tình yêu, mỗi người đã khám phá ra bản thân mình được lôi cuốn bởi đời sống thánh hiến và một cách đáng kinh ngạc (kể cả với bản thân họ) là… gia nhập cùng một cộng đoàn.

Liên quan về việc này, Sơ Amada có thổ lộ như sau: “Chúng tôi không biết rằng Chúa Thánh Thần đã khơi dậy cơn khát này nơi mỗi người chúng tôi. Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài và Ngài biết địa điểm và thời điểm thích hợp cho mỗi người”.

Jordán là người đầu tiên gia nhập cộng đoàn tu trì Iesu Communio ở tuổi 23. Khi sức khỏe mong manh của người em trai của Sơ mà Sơ thường đồng hành ở bệnh viện, đã ghi dấu Sơ cách sâu sắc.

“Giữa nỗi đau khổ này tôi đã tự hỏi ‘Thiên Chúa ở đâu?’ Tôi có một nỗi buồn sâu xa mà tôi không thể diễn tả được. Bên ngoài, tôi có vẻ tràn đầy niềm vui nhưng trong bản thân tôi, tâm hồn tôi như đã chết rồi. Và tôi nghĩ rằng cái chết này, nỗi đau đớn này, đã biểu lộ ước muốn được Chúa yêu thương của tôi.”

Với hành trình riêng, mỗi Sơ đã làm chứng về niềm hy vọng mà tiếng gọi của Chúa Kitô đã mở ra. Sơ Amada de Jesús chia sẻ:

“Sự dâng hiến cho Chúa là một món quà bất khả sánh. Sau 13 năm sống đời chiêm niệm, trước tiên tôi vẫn ở đây vì tình yêu đối với Ngài và tôi cảm thấy tình yêu tràn đầy mà Ngài yêu thương tôi này, cách nhưng không.”

Sơ Amada de Jesus kể rằng sơ đã nuôi dưỡng “mối quan hệ rất đơn sơ” với Chúa ngay từ nhỏ, nhưng không dễ để phân định và đón nhận lời kêu gọi vào đời sống tu trì:

“Tại một thời điểm nào đó, tôi biết rằng Chúa muốn tôi vì Ngài, và chỉ khi nghĩ đến điều đó lòng tôi tràn đầy niềm vui, nhưng tôi cũng nghĩ rằng ơn gọi là một sự từ bỏ để trở thành một người vợ và người mẹ. Tôi đặt mình trước mặt Chúa và tôi xin Chúa đừng gọi tôi từ bỏ vì điều này”.

(…)

– sói thanh –

[dựa theo https://hdgmvietnam.com/…/nam-chi-em-gia-nhap-cung-mot…]


 

NỖI OAN THẾ KỶ

 LVan Le is with Hồng Chí Diệp

Giữa những ngày mùng Tết, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký trong loạt phim hoạt hình “Khát vọng non sông”. Truớc đó, hai tập phim này cũng bị loại bỏ bởi đài truyền hình Cần Thơ. Sự loại bỏ này, nhìn từ bên ngoài, giống như sự tiếp nối của hành động cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” của nhà biên soạn uy tín Nguyễn Đình Đầu!

Cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký thật có những điều khiến nhiều người thảo luận. Nhìn chung người đời sau xét ông trên hai phương diện: phương diện học thuật và phương diện chính trị. Dù có quan điểm của riêng mình, bài viết này không chủ ý trình bày quan điểm đó mà tìm hiểu về thái độ của xã hội đối với các quan điểm khác nhau về ông.

Tôi nhớ những ý kiến về công và tội của ông Trương Vĩnh Ký trước năm 1975. Trước tác của các bậc tiền bối như các ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Trương Bá Cần ở phương Nam, các ông Nguyễn Văn Tố, Vũ Ngọc Phan ở phương Bắc còn sẵn đó trên các giá sách Sài Gòn. Tôi chỉ xin nhắc lại rằng thời đó, ở Miền Nam, sự trình bày quan điểm về ông Trương Vĩnh Ký là không giới hạn. Hai vị giáo sư trường trung học Trương Vĩnh Ký là hai ông Nguyễn Xuân Hoàng (dạy Triết) và Nguyễn Minh Nhựt (dạy Sử), thảo luận với học sinh về đề tài này. Quan điểm của hai ông giống nhau: Trương Vĩnh Ký có công lớn về học thuật, về mở mang chữ quốc ngữ trong dân chúng, xây dựng nền tảng để người Việt sử dụng lợi khí này. Ông Trương Vĩnh Ký cũng có điều không nên là nhận lời cộng tác với vua Đồng Khánh, cần nhớ rằng vị vua này được Pháp đưa lên để an định xã hội khi vua Hàm Nghi vì chống Pháp phải bôn đào Tân Sở.

Hai vị Thầy dạy trong ngôi trường mang tên ông Trương Vĩnh Ký mà có thể bộc bạch những suy nghĩ không ủng hộ ông như vậy cho thấy xã hội thời đó tôn trọng tự do học thuật, tự do ngôn luận tới chừng nào. Trong trường cũng có những vị giáo sư không phê phán việc ông Trương Vĩnh Ký cộng tác với vua Đồng Khánh, các thầy với ý kiến khác biệt thảo luận trong tinh thần bè bạn và học hỏi nhau. Hai vị Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Minh Nhựt lắng nghe lập luận trái chiều từ đồng nghiệp, từ cả những học sinh lớp 11, lớp 12 như chúng tôi. Hai vị đó, dù có lập trường phê phán hành động của ông Trương Vĩnh Ký, vẫn tự hỏi: hay tiền nhân có ý gì sâu xa mà chúng ta không thấu hiểu? Cái tâm thế hoài nghi khoa học đó khiến hai ông rất sẵn sàng học hỏi, giúp hai ông ngày tiệm cận với chân lý, giúp chúng tôi mở mang tầm mắt và phương pháp luận khoa học, giúp xã hội an bình, không ai là thế lực thù địch của ai…

Các sự việc loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” cho thấy bầu không khí bây giờ hoàn toàn khác xưa. Bây giờ, xã hội Việt Nam do chính người Việt tổ chức quản lý mà sao không khí học thuật và ngôn luận lại hẹp hòi, ngột ngạt hơn thời trước tới dữ vậy?

Học giả Trương Vĩnh Ký, người được mời vào câu lạc bộ mười tám nhà bác học của Pháp “Savants du Monde”, người để lại cho đời trên trăm trước tác về văn học, sử địa, từ điển, dịch thuật… đích thị là một nhà khoa học am tường nhiều lãnh vực tư tưởng. Chắc chắn tầm tri thức và tư cách trí thức của nhân vật này cách xa những người đang cấm đoán và phán xét ông hôm nay!

Tư cách trí thức của Trương Vĩnh Ký cao như vậy, chắc hẳn ông luôn tôn trọng tinh thần hoài nghi khoa học. Bây giờ ông chịu sự phán xét của những người chỉ biết phe phái mình, chỉ đọc sách một chiều, chăm chăm cấm cửa các thảo luận tự do… thì đúng là ông chịu Nỗi Oan Thế Kỷ!

Miền Nam yêu mến và tôn trọng hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Miền Nam là quê hương sinh ra hai ông, Miền Nam gần gũi và hiểu rõ hai ông! Tấm lòng này của dân Miền Nam được bộc lộ rõ ràng. Tên tuổi hai nhân vật đó bị vùi dập mấy chục năm nay. Cho dù đoạn sau này có nhẹ tay hơn một chút thì thái độ thô lỗ đó còn cách rất xa với tấm lòng tôn trọng, yêu quý hai ông của người Miền Nam. Xử tệ với hai ông có phải chính là xử tệ với tấm lòng và kiến thức Miền Nam? Nếu như vậy thì Nỗi Oan Thế Kỷ có là Nỗi Đau Thế Kỷ?

Cũng có thể nói, Nỗi Oan Thế Kỷ này đâu chỉ một ông Trương Vĩnh Ký chịu!

Lê Học Lãnh Vân,

ngày 18 tháng 2 năm 2024


 

 Mã độc trộm tiền trên iPhone tấn công người dùng Việt Nam

 RFA
2024.02.17

trojan GoldPickaxe.iOS hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương,

 Tạp chí TT&TT

Công ty an ninh mạng quốc tế Group-IB cảnh báo về một trojan iOS mới được thiết kế để đánh cắp dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, tài liệu nhận dạng và chặn SMS đang tấn công người dùng Việt Nam và Thái Lan.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 17/2 dẫn giải thích cảnh báo từ Group-IB rằng, Trojan, được đơn vị Threat Intelligence của Group-IB đặt tên là GoldPickaxe.iOS, là do một tin tặc nói tiếng Trung Quốc có tên mã là GoldFactory phát triển.

Theo báo cáo chi tiết của Group-IB, GoldFactory đã phát triển một họ trojan cực kỳ tinh vi nhắm mục tiêu vào các ứng dụng ngân hàng cực kỳ tinh vi, bao gồm GoldDigger được phát hiện trước đó và GoldDiggerPlus, GoldKefu và GoldPickaxe mới trên Android.

Các nhà nghiên cứu của Group-IB đã phát hiện ra rằng trojan GoldPickaxe.iOS hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể là Thái Lan và Việt Nam, mạo danh các ngân hàng địa phương và các tổ chức chính phủ.

Đại diện Group-IB tại Việt Nam cho biết, một người dùng Việt Nam đã trở thành nạn nhân của loại trojan độc hại này. Theo đó, vào đầu tháng 2/2024, nạn nhân đã thực hiện các hoạt động mà ứng dụng yêu cầu, bao gồm cả quét nhận dạng khuôn mặt. Kết quả, tin tặc đã rút số tiền tương đương hơn 40.000 USD.

Tháng 10/2023 đại diện Group-IB tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo mặc dù hiện tại, GoldDigger chủ yếu tập trung vào các mục tiêu ở Việt Nam, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy mối đe dọa này có thể mở rộng phạm vi ra khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tới cả các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Điều khiến GoldPickaxe trở thành một trojan nguy hiểm hơn chính là khả năng khai thác dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp. Từ dữ liệu này, tin tặc sử dụng công cụ AI để tạo ra deepfake bằng cách thay thế khuôn mặt của chúng bằng khuôn mặt của nạn nhân nhằm để truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân hoặc dữ liệu khác được bảo vệ bằng nhận dạng khuôn mặt hoạt động như 2FA. Khi nạn nhân phát hiện mọi chuyện thì có thể đã quá muộn.

Các chuyên gia của Group-IB khuyến cáo để bảo vệ iPhone, người dùng nên tránh cài ứng dụng từ nguồn không tin cậy, hạn chế tải ứng dụng qua TestFlight vì nền tảng này không được kiểm duyệt như App Store.

Hôm 7/1/2024, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết tình trạng lừa đảo trên không gian mạng 2023 tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động và rất phức tạp.

Liên quan vấn đề này,ThS Philip Hùng Cao, Chiến lược gia và Nhà truyền bá về Zero Trust cho biết có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng trong khả năng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.


 

Duyên Kỳ Ngộ-Bài viết của Đặng Thái Sơn

(Giữa thầy Phùng Văn Phụng và học trò Đặng Thái Sơn, K’75)

Bài viết của Đặng Thái Sơn

Lời phi lộ: Tình cờ đọc Bản Tin của Cựu Học sinh Trường Lương Văn Can số 19, Xuân Mậu Tuất, năm 2018, thấy bài viết “Duyên Kỳ Ngộ” của Đặng Thái Sơn.

Nhớ lại lúc về từ trại cải tạo năm 1983, không có nghề gì để sống, đành phải đi bán vé số. Đến nhà người bạn thầu vé số nhận 200 tấm, sáng sớm, đi qua quận 5 hy vọng sẽ không gặp người quen nhất là học trò cũ vì vốn mắc cở. Đi thật xa khỏi quận 8, vừa cầm xấp vé số ra bán thì gặp ngay Đặng Thái Sơn. Chuyện được kể như dưới đây. Phùng Văn Phụng

***

Cách nay khoảng trên 30 năm, thường ngày, tôi và một số anh em hành nghề phu xích lô, cứ mỗi sáng gặp nhau uống cà phê ở một quán vĩa hè bên quận 5. Xong chầu cà phê thì anh em tản lạc, rong ruổi khắp nẻo đường để kiếm cơm.

Vào một buổi sáng nọ, đang ngồi uống cà phê, tôi thấy một người quen quen từ xa đi tới, trong lòng ngạc nhiên, chẳng lẽ thầy Phụng đây sao? Định thần nhìn kỹ, đúng là thầy Phùng Văn Phụng, dạy môn công dân ở trường mình. Thầy đến trước mặt tôi, tay thọc vào túi quần móc ra xấp vé số, mời mua. Tôi bối rối, nhưng không dám gọi bằng thầy, sợ thầy ái ngại! Tôi nói lớn: “Người bán vé số với dân đạp xích lô là anh em nhau cả, xin mời uống ly cà phê. Là dân lao động mời thật tình đừng ngại nha!…”

Thầy ngồi vào bàn, tôi mời thầy ly cà phê sữa nóng, cố ý để thầy tự nhiên. Sau vài ngụm cà phê, tôi nói: “Dạ thưa, thầy là thầy Phùng Văn Phụng, dạy môn Công dân, em là học trò của thầy đây. Em học chung lớp với Phùng Hoàng Kiệt, em của thầy…”

Lúc này thầy tỏ ra bối rối, ngại ngùng… Tôi nói lớn với anh em phu xe xích lô: “Đây là thầy dạy học của tôi, bây giờ bán vé số. Mời các anh em mua ủng hộ thầy tôi vài tờ cho vui!” Thế là ai nấy xúm lại mua ủng hộ giúp thầy.

Sau này tôi có gặp bạn Trần Minh Tùng, học cùng lớp kể cho Tùng nghe. Tùng hiểu chuyện vì Tùng với thầy Phụng khá thân nhau. Tùng nói rằng thầy Phụng sau khi đi “học tập cải tạo” về, không có việc làm nên đi bán vé số. Mà phải bán ở địa phương khác, không dám bán ở quận 8, sợ gặp học trò cũ hoặc người quen ngại lắm.

Thời gian sau, tôi chuyển qua bán cà phê ở trước nhà trên đường Phạm Thế Hiển hằng ngày lại thấy thầy Phụng đèo hai thùng nước ngọt trên chiếc xe đạp đi giao hàng tận nơi cho khách.

Rồi thầy định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình HO.

Lần đầu thầy về Việt Nam, tổ chức họp mặt giao lưu ở nhà hàng 241, gặp gỡ lại thầy cô và học trò năm xưa, trong đó có tôi. Đến lượt tôi kể thầy nghe giai đoạn bán vé số… Thầy đứng lên tỏ ra vui mừng khôn tả.!

  • Nhớ rồi, nhớ rồi!…
  • Thầy nói, chụp hình, chụp hình…
  • Thầy trò ôm nhau, mừng cuộc hạnh ngộ mà thầy cũng không ngờ trước! Thế là bao nhiêu ánh đèn loé sáng, ghi dấu kỷ niệm tình thầy trò. Rồi thầy hỏi thăm về cuộc sống của tôi, của bạn bè “phu xích lô” ngày xưa.

Trong buổi tiệc vui, thầy nói, nếu bây giờ đi bán vé số trở lại, vẫn dám làm, không ngại ngùng gì nữa, mà càng vui hơn…

Xin nói thêm rằng trước kia tôi cũng như thầy, làm phu xích lô hay bán vé số thì mắc cở lắm, sợ gặp người quen, bạn cũ. Đôi lúc thấy bạn hay người quen từ xa, vội kéo nón xuống tận mi mắt, cúi gầm mặt, để không ai phát hiện ra mình.!

Bây giờ nghĩ lại mới thấy mọi việc cũng bình thường. Đôi lúc đạp xích lô rong ruổi trên từng nẻo đường, gặp lại bạn cũ mừng lắm vì lâu ngày không gặp rồi vào quán uống cà phê, hỏi thăm nhau.: “ Có gặp thầy cô, bạn học cũ không mậy?”

Nhắc lại chuyện xưa, bây giờ mới kể, để cảm ơn người và tạ ơn Trời đã cho qua đi cái thời cơ cực và được tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đặng Thái Sơn


 

 Phố Hoa Garden Grove ‘bị’ tràn ngập áo dài đủ sắc màu, đủ kiểu

 Ba’o Nguoi-Viet

February 13, 2024

Đỗ Dzũng/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Phố Hoa trên đường Historic Main Street, Garden Grove, ngày Mùng Một Tết “bị” tràn ngập rất nhiều áo dài của thanh niên, thiếu nữ, và ngay cả người cao niên, tạo nên một hình ảnh nhộn nhịp giữa người và hoa, chưa từng thấy ở vùng Little Saigon từ trước tới nay.

Lối chính vào Phố Hoa trên đường Historic Main Street. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Phố Hoa năm nay là năm thứ nhì, nên đông người hơn năm trước.

Nhiều người không có chỗ đậu xe xung quanh Phố Hoa, đành phải đậu ở chợ Costco và Home Depot gần đó, rồi băng qua đường.

Hai xe cảnh sát chắn hai đầu Phố Hoa, một chiếc bên đường Garden Grove, một chiếc bên đường Acacia.

Hai chị em Christina (trái) và Cindy Nguyễn, cư dân Garden Grove, chụp hình tại một gian trưng bày của Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ngay lối vào chính bên đường Garden Grove là con số “2024” rất lớn, để trước một mô hình một cánh hoa khổng lồ, được làm bằng hàng chục bó nhang đủ màu, xung quanh có các chậu hoa cúc đại đóa bao bọc. Bên phải là một con rồng lớn, bên trái là một đàn ngỗng đang bay.

Hai bên đường của Phố Hoa là những gian làm bằng lá, bằng tre, bằng gỗ…có đủ các loại hoa, mô hình bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, thỏi vàng, nón lá, mẹt, quang gánh… xe Honda, xe Vespa, xe Lambreta, xe xích lô… những đồ vật mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Ông Phú Nguyễn, ủy viên Học Khu Fountain Valley, và gia đình trong trang phục áo dài chụp hình tại Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Nhìn vào con đường lịch sử của Garden Grove chỉ thấy toàn là hoa và người, đa số mặc áo dài đủ màu, đủ kiểu.

Mọi người, đa số mang theo cả gia đình, thay nhau ngồi hoặc đứng trong các gian để chụp hình. Các thiếu nữ trẻ đứng làm dáng, xoay qua xoay lại, để chụp hình và “selfie.”

Cha mẹ bế con cái, có những em còn rất nhỏ, trong các bộ áo dài rất dễ thương, đến Phố Hoa để chụp hình.

Nhiều người Mỹ cũng mặc áo dài truyền thống Việt Nam tham dự Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Rất tuyệt vời, đây là một sự kiện đoàn kết cộng đồng, cùng nhau chào mừng năm con rồng, và tôi rất vui khi thấy nhiều người mặc áo dài đủ màu đi ngắm phố hoa,” bà Lisa Kim, tổng quản trị Garden Grove, nói với phóng viên nhật báo Người Việt. “Tôi hy vọng năm tới Phố Hoa sẽ lớn hơn, cộng đồng chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn.”

Ông Phú Nguyễn, ủy viên Học Khu Fountain Valley, cùng vợ và ba người con, tất cả đều mặc áo dài, đi từng gian để chụp hình, cho biết ông ngạc nhiên khi lần đầu tiên đến Phố Hoa Garden Grove.

Không chỉ áo dài mà thiếu nữ Việt Nam còn mặc cả áo tứ thân tham dự Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Rất tuyệt! Tôi thấy làm Phố Hoa bên ngoài như vậy đẹp hơn, vì các cơ sở thương mại có thể bảo trợ và quảng cáo hữu hiệu. Phải nói là các cơ sở thương mại làm một công việc rất tốt. Nhờ đi Phố Hoa mà tôi biết thêm một số vật dụng của người Việt mình ngày xưa.”

Trong khi nhiều người mặc áo dài có hình con rồng, ông Charles Johnson, cư dân Garden Grove, mặc một áo dài có hình con cá.

Đông đảo khách du Xuân tham dự lễ khai mạc Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ông giải thích: “Tôi có vợ người Việt và ba đứa con. Vợ tôi mua cho tôi áo này năm ngoái. Con cá không nằm trong 12 con giáp, nên tôi có thể mặc năm nào cũng được.”

“Tôi rất vui khi thấy nhiều người mặc áo dài đi Phố Hoa, nhất là những chàng trai và cô gái rất trẻ, xếp hàng chờ chụp hình, rồi có người ‘selfie,’ trông rất hạnh phúc,” ông nói tiếp.

Cô Lisabet Bành, cư dân Calgary, Canada, cho biết cô cũng rất thích không khí vui nhộn ngày Xuân của Phố Hoa.

Charles Johnson: “Con cá không nằm trong 12 con giáp, nên tôi có thể mặc năm nào cũng được.” (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Tôi thấy có nhiều hoa đẹp, trang trí đẹp mắt, mọi người nói chuyện qua lay, ríu rít, ồn ào, nhưng vui nhộn. Tôi cũng thích nhiều gian trưng hoa quả, đồ vật ngày xưa, mang tính văn hóa và truyền thống,” cô Lisabet nói tiếp.

Ngồi chờ người nhà xếp hàng dài mua nước trong tiệm Phúc Long, cô Stacy Trần, cư dân San Jose, khen cảnh Phố Hoa rất đẹp và đầy tính văn hóa.

Một cô làm điệu để người nhà chụp hình ở Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

 Cô nói: “Trước hết là tôi thấy vui. Kế đến là trang trí rất đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, rất ngạc nhiên với Phố Hoa. Tuy không lớn bằng đại lộ Nguyễn Huệ của ngày xưa, nhưng lại có nét văn hóa rất cao. Điều đặc biệt nữa là chỉ có Little Saigon có Phố Hoa, chứ ở San Jose tôi chưa có. Có điều, ban tổ chức nên có thêm nơi bán thức ăn và nước uống, vừa để doanh nghiệp phát triển vừa để phục vụ khách du Xuân.”

Được biết ý tưởng thực hiện Phố Hoa là do ông Linh Nguyễn, chủ tịch Vietnamese Soccer Association of So Cal, đưa ra, theo bà Lisa Kim.

Mô hình một cánh hoa khổng lồ, được làm bằng hàng chục bó nhang đủ màu, xung quanh có các chậu hoa cúc đại đóa bao bọc ngay lối chính vào Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Lý do tôi muốn thực hiện Phố Hoa vì thấy những hội chợ trong cộng đồng Việt Nam không có nhiều hoa. Tôi muốn thấy hình ảnh gia đình đi chơi ngày Tết có hoa để chụp hình kỷ niệm, chưa thấy ở Mỹ,” ông Linh bày tỏ. “Trong khi đó, tôi thấy đường Main rất đẹp, rất phù hợp với Phố Hoa. Thế là tôi đề nghị với thành phố.”

Ông Linh cũng cho biết, lần đầu tổ chức vào năm 2023 bị lỗ nhiều, năm nay đạt được 70%, và “tôi hy vọng năm tới sẽ đạt 100% vốn.”

Bức tường hoa đủ màu sặc sỡ của Phố Hoa Garden Grove. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ông nói thêm: “Nhân đây, tôi cũng xin cám ơn các doanh nghiệp bảo trợ, những tình nguyện viên, các mạnh thường quân, giúp chúng tôi thực hiện Phố Hoa Garden Grove, qua công việc chuẩn bị từ ba tháng trước, nhất là trời lạnh trong mấy ngày qua.”


 

NHỮNG NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ

Theo báo mạng DH*Canada, ngày 6 tháng 2 năm 2024, Jakie Nguyễn, một phụ nữ chơi TikTok, đã cho hay là cô đã trả lại Costco môt cái sofa sau hai năm rưỡi sử dụng. Cô nói: “Tôi không thích nó nữa!” Cô còn ngang ngược chua thêm: “Điều đó rất khó chịu, nhiều người chăm chăm nhìn vào bạn, nhưng để ý làm quái gì (who cares?) Cứ trả lại đi. Họ có hệ thống rất đặc biệt. Hãy đọc trên “online”, tôi không nghĩ bạn có thể làm như thế với điện tử, thuốc lá, rượu mạnh.” Bà Jackie Nguyễn còn khuyên mọi người: “Nhưng nếu bạn mua đồ đạc trong nhà từ Costco, các cô gái ơi! Bạn có thể trả lại chúng khi không thích nữa.” Lời khuyên này chắc chắn đã phát ra từ tâm hồn của cô, vì theo dõi cái “clip” TikTok, thấy vẻ mặt cô tươi hơn hớn, không có gì là ngượng cả.

Tờ báo trên, sau khi đưa tin, đã không có lời bình luận nào, nhưng trên Youtube, MT1CC// Người Việt Trả Ghế Sofa Sau 2 Năm Sử dụng vì Không Thích Màu Sắc (1), người làm Youtube đã có những lời phê bình sâu sắc và nặng nề về vụ việc bần tiện này. Nói chung, việc làm này đã gây sự bất thiện cảm với người trả hàng, có thể nói là bất kỳ ai chứng kiến sự việc, không cần phải là nhân viên nhận hàng của Costco, cũng có cái nhìn khinh bỉ kẻ lợi dụng sự tử tế của Costco, nếu không muốn nói là tất cả chỉ nhìn qua mầu da, qua tên họ Nguyễn, mà trong thoáng chốc, đã gộp toàn bộ người Việt vào môt khối tầm thường, đáng xấu hổ.

Điều làm cho những người Mỹ gốc Việt có tư cách cảm thấy nhục khi cô nàng còn khuyến khích mọi người làm theo mình. Ngay cả những người Mỹ gốc Việt di tản được xứ sở này dung dưỡng vào lúc tuổi đã cao, không còn thời gian để đi học lại, cũng không có một ai hành xử kém cỏi như Jackie Nguyễn. Cách đây hai năm rưỡi, thì giá trị của cái sofa vải chỉ chừng hơn một, hai trăm đô la mà thôi. Số tiền này không thể nuôi Jackie Nguyễn cả đời, nhưng tiếng xấu thì cô nàng sẽ mang theo suốt kiếp.

Thật ra, việc mua Sofa xài đã rồi đem trả cũng  không nhục bằng mua hoa Cúc về trưng Tết, sau Tết đem trả lại. Nhục nhã vô cùng vì những nhân viên Costco nhìn người Việt mình như khi xưa, người Việt Nam nhìn người những dân tộc kém văn minh ở Á Châu, Phi Châu…

Trong sinh hoạt thường ngày, một số người Việt cũng có những hành động làm cho người bản xứ hoặc người của cộng đồng khác khinh khi. Một lần, đi chợ Đại Hàn mua trái cây, chính người viết bài này đã chứng kiến ba phụ nữ Việt bóc từng thùng Lê ra và chọn từng trái một, trái nào đẹp thì gom vào một thùng, trái nào không đẹp thì bỏ vào thùng khác, trong khi ngay trước mặt khu bán Lê đã có một tấm biển nhỏ đề chữ: “Pear sells in box. Don’t select” nghĩa là Lê bán theo thùng, không được lựa. Ba phụ nữ này, sau khi lựa xong môt thùng toàn trái ngon, đã cười hí hí, đắc chí, dắt tay nhau về.

Tuy không nói ra nhưng ai cũng đoán được họ nói thầm với nhau là: “Phen này trúng mánh”. Mấy người tham lam này, không biết rằng chợ có Camera, biết hết từng hành động của họ, nhưng nếu người Cashier cho qua, thì chỉ vì họ khinh dân tộc mình mà thôi. Nhưng không phải lần nào cũng thoát. Một lần kia, môt phụ nữ đứng tuổi đến chỗ Cashier, bầy hết trái cây, rau quả ra cho tính tiền, nhưng bất ngờ, cô Cashier hỏi: “Còn con dao nhỏ, bà chưa mang ra?” Lúc bấy giờ, bà này mới líu ríu lấy ra con dao nhỏ dấu trong ví của mình ra và để trên quầy. Người phụ nữ này đã làm mất danh dự của mình chỉ vì con dao giá hơn Một đôla.

Ồn ào nhất là tại các trung tâm thể dục như “24 fitness”, “Chuze”. Người Việt mình đam mê thể dục là điều đáng hoan nghênh, nhưng nếu hành xử không đúng sẽ làm cho người khác cười chê. Một phụ nữ trẻ chạy trên Treatmil, vừa chạy vừa nói điện thoại um xùm, chẳng may hụt chân, bị máy lôi xuống té nằm dài trên băng chuyền, một chân kẹt vào máy, la khóc inh ỏi. Mấy nhân viên chạy đến cố cứu cô ra, nhưng không làm được gì vì hai tay cô bám chặt lấy tay họ và gào thét kinh hoàng. Một thanh niên phải hét lên: “Shut up! Let me do it”, mấy người Việt đứng cạnh cũng bảo cô im đi cho người ta làm việc, cô mới ngậm miệng.

Trong phòng bơi và phòng xông hơi cũng thế, mấy bà mấy ông xồn xồn tán nhau ỏm tỏi, nhất là trong phòng Steam Room, phòng nhỏ xíu mà nói oang oang, người Mỹ họ bỏ ra hết. Một trung niên đứng úp mặt vào góc tường, dạng háng che chỗ hơi nước nóng phun ra, làm mấy người khác nhăn nhó, sợ hãi. Người viết phải nói nhỏ: “Anh đừng đứng như thế, nếu anh không muốn người khác phải hít phải hơi mồ hôi của anh!”, anh ta mới đứng dang ra.

Ngay trước cửa vào phòng xông hơi, đã có hai hàng chữ Anh và Việt: “Xin đừng đổ nước vào cái Sensor!” vậy mà các ông Việt ta cứ tỉnh bơ đổ nước vào cái Sensor để cho hơi nước nóng mau phun lên, làm như thế, cái Sensor chóng hư, cứ môt hai tuần, phòng xông hơi lại đóng cửa để sửa Sensor.

Cũng trong phòng xông hơi nhỏ xíu, có ba cái băng dài để dọc theo tường, cho khoảng 8,9 người ngồi, môt phụ nữ Viêt mặc Bikini hai mảnh, nằm tênh hênh trên một băng, chân co, chân duỗi, một tay để thòng xuống đất, một tay gác lên bụng trông thật chướng, trong khi những người khác phải đứng chờ chỗ ngồi. Cô nàng ngủ thật hay ngủ giả thì không biết, nhưng kiểu nằm như thế trông rất thô tục. Tại hồ nước nóng của Chuze Fitness ở Garden Grove, chỗ bậc bước xuống hồ, có gắn hai trụ “inox” hình chữ U cong cong để cho người bước xuống bậc có chỗ vịn, môt cô khoảng 40,50, mặc bikini, hai tay bám vào thanh inox đu đưa qua lại, có lúc cô ưỡn người chui qua chui lại, y như mấy cô vũ nữ xếch xi múa cột tại các Bar rượu.
Những hành động như thế cũng chưa nham nhở bằng một cô gái, khoảng 30, xinh đẹp, mặc bikini, ngồi trên thành hồ nước nóng, đong đưa hai chân dưới nước, ngay chỗ đám thanh niên đang đứng ngâm nước, nói tỉnh bơ: “Các anh ơi! Em đang available, anh nào ngon, nhào dô!” Mấy thanh niên chưng hửng, không đáp ứng, có lẽ đã có kinh nghiệm cho rằng em đã móc được ông chồng già nào đưa em sang Mỹ, để rồi em đá đít, đi kiếm trai tơ. (Chuyện bỏ chồng già để kiếm trai xẩy ra rất nhiều, không thể đếm).

Người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là thành phần di tản, thường mang theo mình dòng máu anh hùng, cho nên đã sản sinh ra một thế hệ thứ hai thành công về mọi mặt, đem lại danh dự rất lớn cho cộng đồng Việt.

Sau gần nửa thế kỷ, cộng đồng người Việt đã hãnh diện trên mọi phương diện: chính trị, văn hóa, xã hội, và nhất là về Quân Sự đã có nhiều cấp Tướng Lãnh trong Quân đội Hoa Kỳ. Bên cạnh Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh với chức vụ tương đương cấp Tướng, một phụ nữ Việt đã là Tướng Tư Lệnh môt Sư Đoàn chiến đấu thực sự, môt phụ nữ khác là Tổng Giám Đốc Hàng Không Mẫu Hạm.

Nhiều Khoa Học Gia gốc Việt đang được trọng nể không những trên toàn nước Mỹ mà cả thế giới. Năm 2024, trong cuộc bầu cử căng thẳng này sẽ có vài chục ứng cử viên gốc Việt với các họ Nguyễn, Trần… Cộng đồng người Việt di tản hoàn toàn không mang tiếng xấu như những người Việt ở trong nước đi làm ở nước ngoài, nhất là nước Nhật, khiến cho người Nhật đã phải viết bằng tiếng Việt “cấm ăn cắp”.

Cộng đồng Việt cũng không có phi hành đoàn buôn ma túy lậu, không tổ chức băng đảng như ở Đức. Cho nên, rất mong cộng đồng người Việt di tản đã mang dòng máu Việt anh hùng, cố gắng xử sự sao cho người Mỹ và các cộng đồng khác nể nang dân tộc Việt, không nên để các vết nhơ trong lịch sử người Việt hải ngoại, trên hết là tránh các cuộc đấu đá lẫn nhau, chỉ vì Tiền hay Danh do bọn nằm vùng bố thí, để thực thi Nghị Quyết 36, phá tan sự đoàn kết hải ngoại, khiến cho công cuộc đòi Tự Do, Dân Chủ cho dân tộc bị ngưng trệ.

From: giang pham & KimBang Nguyen

(MT1CC// Người Việt Trả Ghế Sofa Sau 2 Năm Sử dụng vì Không Thích Màu Sắc)


 

CHUYẾN THĂM GẶP ANH PHƯỚC CUỐI NĂM !!

Chau Trieu is with Khai Nguyen

Cô giáo Hà Lê thuật lại chuyến thăm chồng là TNLT Nhà giáo Đặng Đăng Phước trước ngưỡng cửa năm Giáp Thìn nhiều băn khoăn, biến động.

Xin chia sẻ cùng cộng đồng toàn văn bài viết của cô giáo Hà như chia sẻ một nỗi lòng của gia đình người yêu nước và xin gửi nơi đây lời chúc lành xuất phát từ lòng yêu thương quý mến đến tất cả các TNLT và gia đình. Mong năm Giáp Thìn sẽ mang đến niềm vui thắng lợi đoàn viên cho tất cả chúng ta và đất nước!

Trần Bá Khánh

04.02.2024

CHUYẾN THĂM GẶP ANH PHƯỚC CUỐI NĂM !!

Những ngày giáp tết dòng người xối xả ngược xuôi, đường phố tấp nập, kẻ mua người bán. Phía trong trại giam cũng vậy, thân nhân thăm gặp người thân của mình lỉnh kỉnh những món quà tết, và tôi cũng không ngoại trừ.

10 giờ sáng mẹ con, bác cháu tôi tới trại giam. Tôi làm thủ tục thăm gặp ngay, ghi những mặt hàng gởi vào cho anh nhưng không kịp gặp, vậy là phải lay lắt ở căn tin của trại giam với cái nắng chang chang, ăn tạm tô mì gói và chờ đợi tới 2 giờ chiều mới thấy anh ra.

Thấy hai con trai và mọi người anh mừng vui khôn xiết. Nhìn anh hồng hào, khoẻ mạnh, tác phong nhanh nhẹn tôi cảm thấy thật an tâm

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng những câu hỏi thăm sức khỏe, về tình hình sinh hoạt của anh và anh em cùng phòng, của tất cả anh em, bạn bè ở ngoài, mọi người đều mạnh khỏe nên ai cũng mừng. Chúng tôi trò chuyện với nhau vui vẻ, mà anh Phước cũng sướng thiệt á chứ, phía ngoài thì có anh em, vợ con cười nói, còn phía trong thì cán bộ trại giam ngồi sát bên híc…

_ Sao anh không viết thư về cho em ??

_ Anh không có giấy, bút !!

_ Sao anh không mua ở Căn tin của trại giam ??

_ Anh mua và chờ cả tháng rồi mà họ nói chưa có (Tôi hiểu), em mua giấy, bút gởi vào cho anh nha !!

_ Dạ, em sẽ mua và gởi qua đường bưu điện cho anh !!

Qui định của trại tháng này là được 30 phút trò chuyện, nhưng mới 24 phút là họ đã hối anh ra nhận đồ.

Trò chuyện trong vội vàng, nhận đồ trong vội vàng, những câu nói với theo trong vội vàng và những cái vẫy tay cũng rất vội vàng. Lần này tôi chẳng kịp nắm bàn tay anh chứ đừng nói tới ôm anh một miếng.

14 tiếng đồng hồ cho một chuyến đi để được nói chuyện với nhau 24 phút, thật là….

Cuối buổi trò chuyện anh Phước gởi lời thăm sức khoẻ, chúc bình an đến tất cả quý Thầy, quý Cha, quý Anh Chị Em Cô Dì Chú Bác ạ.

Tôi xin chân thành cám ơn quý vị đã luôn quan tâm, đồng hành và chia sẻ cùng gia đình tôi trong suốt thời gian qua.

Xin cám ơn !!

P/s:

_ Xà bông cục không cho gởi (mua ở căn tin).

_ Hạt điều, hạt hạnh nhân không cho gởi (mặc dù có nhãn mác và mã vạch).

_ đậu phụng hạt không cho gởi.

_ Hạt dưa, hạt hướng dương không cho gởi.

Vậy đó quý anh chị em!!


 

PHIẾM CUỐI NĂM: NGƯỜI GIÀ – PHONG CHÂU

PHONG CHÂU

Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên? Hồi xưa lúc còn ở Việt Nam tôi thường nghe nói đến những người từ 50 tuổi trở lên được (bị) gọi là người già. Chỉ gọi là “người già” chứ không ai gọi “người lớn tuổi” hay “người cao niên” như sau này. Ra đường thấy “người già” thì gọi “ông già” “bà già” chứ không ai gọi “ông cao niên” hoặc “bà cao niên”. Nhưng nói chung, cho dù gọi bằng thứ chữ nghĩa nào thì “ông già” vẫn là “ông già” và “bà già” vẫn cứ là “bà già”. Để biết được ai là người già, chỉ cần nhìn qua vóc dáng bên ngoài như tóc bạc, da nhăn, đi đứng chậm chạp, nói năng từ tốn, mắt kém, tai lảng…vân vân…Nhưng với những “xảo thuật” của văn minh nhân loại, người ta có thể biến “tóc bạc” thành “tóc đen”, biến “da nhăn” thành “da láng cón”, đôi mắt “lờ mờ” thành đôi mắt sáng, tai điếc thành tai hết điếc…Kể ra có rất nhiều món ăn chơi khiến mấy ông già bà già vực lại vóc dáng mĩ miều như xưa đôi chút và những cơ phận suy thoái trong cơ thể cũng được phục hồi phần nào.

Người già – đặc biệt là “các bác già gái” có thể ngụy trang bằng “tóc giả”, bằng “răng giả”, bằng “mắt giả”, bằng “tiền vệ giả”, bằng “hậu vệ giả…nhưng những bộ phận bên trong thì không thể nào có “đồ giả” được như trái tim, lá phổi, bộ não…Đó là chưa kể đến những thứ mà thời chưa phải là “ông già” hay “bà già” chưa có được, nay lại có để mang vào mình. Chẳng gì xa lạ! Đó là những “con bịnh”. Đây chính là kẻ thù của những ông già lẫn bà già. “Nam nữ bình quyền” nên “bịnh” không chừa một ai. Ba căn bịnh thông thường mà đa số người già thường mang “từ đầu đến chân” là: cao máu, cao mỡ và cao đường. Nhiều lần tôi nghe câu phán như đinh đóng cột này: “Ba cao một thấp” tức là ba loại “cao” nói trên cùng với một thấp là “thấp khớp”. Những bịnh khác đáng kể là đau cột sống, đau thần kinh tọa, trụy xương đầu gối… Đó là chưa kể một số bịnh “cao cấp” khiến ai cũng ngán như đau tim, liệt não, đau thận, ung thư…Có cả tá bịnh dành tặng cho người già kể ra không hết.

Đừng nói chi đâu xa, như tôi đây cũng được ông trời tự động cho đứng chung hàng ngũ với những người già mà không cần phải làm đơn cứu xét gì cả. Cách nay chừng hơn ba mươi năm lúc còn ở Việt Nam, một hôm đang ngồi nghỉ trưa ở ghế thì bỗng dưng nghe cái đầu bừng bừng khó chịu. Đi cho bác sĩ khám. Kết quả: cao máu! Ở Mỹ dạo còn đi làm, giờ nghỉ ăn trưa xong độ ba mươi phút sau thấy ruột cồn cào, người mệt, toát mồ hôi, về nhà mét vợ, vợ phán: tiểu đường! Khuya đang ngủ bỗng nghe ngón chân cái đau điếng như có ai lấy miểng chai rạch vào. Hôm sau đi bác sĩ lại nghe phán: gout! Đại khái đó là những con bịnh chính, còn những bịnh khác thì tính ra cũng kha khá chẳng hạn như có một ngày đẹp trời, lái xe ghé phòng bác sĩ khám mắt. Khám xong phán: mắt cườm! Phải mổ. Mổ thì mỗ. Mỗi tuần mổ một con. Rồi cầm cái toa đi làm kiếng, mỗi bên mỗi độ khác nhau. Lại bày đặt làm cái kiếng hai tròng. Tròng trên đeo vào để thấy đường lái xe. Tròng dưới mang vào để đọc sách, đọc email, đọc facebook, đọc đủ loại messages, messengers từ bốn phương trời gửi tới …nhưng không có ai gửi thư viết tay như thư tình chẳng hạn để đọc…Chưa hết…cũng vào một ngày đẹp trời…vợ từ dưới nhà gọi vọng lên lầu. Nghe thoang thoảng tưởng nàng đang cất giọng hát “anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ…Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…Và anh có nghe…”. Cứ tưởng tiếng ca du dương đang lọt vào tai nên cứ ngồi yên thưởng thức. Chừng phút sau tiếng hát trở thành tiếng quát “Anh có nghe hay không? Xuống bưng dùm nồi canh…” Thế là xuống lầu bê nồi canh nóng hổi ra khỏi bếp điện. Mà chẳng phải một lần đâu! Nhiều và rất nhiều lần như thế. Chán mớ đời! Cho đến một ngày vợ xúi đi bác sĩ khám tai. Đốc tờ làm hai ba cái test xong phán: điếc tai bên trái! Phải mang trợ thính! Mang thì mang sợ gì (chữ ‘sợ gì’ học được của ông Chính Đầu Đò). Nhét hai máy trợ thính vào hai tai thì nghe toàn những tiếng lao xao, xì xào, rột rẹt, cót két…đôi khi nghe như tiếng sắt tiếng chì khiến nhức cả cái đầu. Rồi ba lần bốn lượt thay đổi máy, vẫn đâu vào đấy! Cho đến một hôm cũng đẹp trời, con gái rõ chuyện nên mời bố già lên xe và chở thẳng vào nhà thương khám tai làm test rồi cũng phán: đeo trợ thính! Chiếc máy này giá cả làm tôi đau cái bụng quá nhưng đành phải mang vì con gái lo cho cha già nên nỡ nào không đeo. Ban đầu bà đốc tờ dụ khị mua hai cái và cho đeo thử, không thích thì mang trả. Mang được vài ngày nghe êm êm nhưng tai bên phải vốn nghe rõ, nay mang vào nghe cũng không tác dụng gì hơn, phí tiền nên mang trả. Kết quả là máy mới này khi đeo vào nghe nó êm tai chứ không còn nghe tiếng rì rào xột xoạt gì nữa. Tuy vậy nhiều lúc ở nhà cũng quên đeo nên vợ phải lên tiếng “gọi người yêu dấu xa vời…” Lúc đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè thì mang nhưng lắm lúc quên đeo nên bạn bè cứ nói và ta cứ làm bộ như đang nghe rõ và gật gật cái đầu như người đã hiểu chuyện. Vụ này có thể nào là tội “gian dối” với bạn bè? Nghĩ lại, bạn bè già nhiều khi chỉ nói những chuyện “trời ơi đất hỡi” nên không lọt vô hai lỗ nhĩ cũng không sao…

Chẳng những một mình tôi bị điếc mà tôi biết chính xác trong đám bạn bè của tôi cũng có cả đám điếc, có đứa mang máy, có đứa không nên cũng sinh ra nhiều chuyện tức cười. Hôm tháng mười tôi đi dự một đám cưới, có hai anh bạn tôi biết là điếc ngồi gần nhau, không biết có mang máy điếc hay không nhưng hai người nói chuyện ra điều tâm đắc lắm…nói nói cười cười và người nào cũng chăm chú nghe. Khi tan tiệc tôi hỏi anh A (giấu tên): bồ nói chuyện gì với ông B mà thấy vui quá vậy? Anh ta trả lời: “Có nghe mẹ gì đâu!”. Tôi lại hỏi anh B: Ông và ông A nói chuyện gì mà vui vẻ thế? Anh B trả lời: Có nghe mẹ gì đâu! Thật chán mớ đời cho mấy ông già điếc…như tôi.

Chuyện của người già là chuyện dài bất tận. Vui có. Buồn có. Nhưng vui ít buồn nhiều. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người lãnh vào người năm ba thứ bịnh khác nhau. Tôi có nhiều bạn ở khắp nơi, thường liên lạc nên biết người này mới bị đột quỵ, người kia mới mổ tim, kẻ ngồi xe lăn, người đi chống gậy…Mới đây tôi làm một chuyến du hành sang California để tham gia sinh hoạt hội đoàn vừa thăm viếng bạn bè. Đến San Jose có bạn bệnh nặng không ra ngoài gặp bạn bè được, người khác vừa mổ tim hai tháng, ốm tong teo như cây sậy, đang phục hồi. Một trự khác vừa gặp bèn cầm bàn tay tôi đặt vào ngực chàng, thì ra chàng đang mang máy trợ tim. Xuống tới nam California gặp người bạn thân mới biết anh bị đột quỵ nặng, chữa khỏi và sức khỏe kém xưa rất nhiều. Cầu cho các bạn tôi chóng phục hồi sức khỏe. Như vậy, so với một số bạn của tôi, tôi vẫn là người tuy có mang những bệnh trời cho nhưng sức khỏe của tôi vẫn hơn một số bạn bè.

Tiếp tục câu chuyện người già. Cũng không đâu xa. Nơi tôi ở cũng nhiều bạn bè, già có, trẻ có. Đặc biệt là các bạn già thân thiết. Vài trường hợp đang diễn ra như sau:

Thứ nhất, bạn tôi từ thời trung học người rất khỏe, ăn nói hoạt bát, thể dục đều đặn và thường xuyên khuyên tôi phải ăn thứ này phải uống thứ nọ cho khỏe. Bỗng có một thời gian chừng hơn hai tháng không gặp nên tôi lái xe đến nhà thăm thì biết anh đột quỵ nhẹ và đã chữa khỏi hoàn toàn, sức khỏe bình thường trở lại. Nhưng anh cho biết là vợ con của anh không cho anh lái xe nữa! Anh rất buồn. Tôi hỏi “mày còn lái được hay không?”. Anh trả lời: Được chứ sao không! Tao vẫn còn khỏe mà…”. Vài lần tôi khuyên chị vợ nên để cho anh tiếp tục lái xe, chỉ lái vòng vòng gần nhà nhưng chị bảo con chị đã giấu chìa khóa xe. Anh ta than với tôi về điều này và từ đó anh chỉ loanh quanh trong nhà, thỉnh thoảng con cái đến rước đi ra ngoài ăn uống rồi thảy lại về nhà. Chuyện đã hơn ba năm và mỗi lần tôi ghé thăm anh mừng lắm và chuyện trò vui vẻ. Như tôi đã đoán là anh sẽ lâm tình trạng “trầm cảm” nếu vợ con anh cứ nhất mực nhốt anh ở nhà. Mới đây tôi ghé thăm anh. Thấy lưng anh khòm, bước đi chậm chạp hẳn, giọng nói yếu ớt… Hỏi đến đâu anh trả lời đến đó, tôi gợi lại vài chuyện xưa, anh cũng nhớ. Nói xong anh ngồi im, quay mặt đi chỗ khác, mặt đờ đẫn trông rất tội nghiệp… Trường hợp thứ hai, tôi chơi rất thân với một anh bạn vong niên. 90 tuổi nhưng anh vẫn khỏe mạnh, thường lái xe đi đường xa đường gần và có mặt trong các cuộc sinh hoạt với bạn bè. Thế mà vào mùa xuân năm nay (2023) anh cho biết là đôi chân của anh tự dưng yếu hẳn, không bước đi được mà phải chống gậy “bước từng bước thầm” trong nhà. Anh không lái xe được nữa! Anh yêu cầu tôi nếu có gặp gỡ bạn bè trong nhóm thì ghé nhà chở anh đi. Tôi đã làm theo lời yêucầu của anh lâu nay.

Trường hợp thứ ba. Bạn tôi là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, trước ở Sacramento, sau dời về Houston. Chúng tôi thường gặp nhau trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, đi cắm trại…mặc dầu đôi chân của anh yếu, phải có gậy chống mỗi khi đi ra ngoài. Anh không còn lái xe được nữa! Thế rồi một hôm – anh kể – mở cửa bước đi thì bị vấp té – lý do là mắt anh không còn thấy rõ nữa. Tôi ghé thăm và thấy anh mò mẫm viết trên những trang giấy không hàng không lối. Con anh chở đi bác sĩ suốt cả năm trời nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Anh rất buồn và mỗi lần muốn gặp bạn bè thì tôi ghé nhà chở anh đi. Cách nay hai năm anh di chuyển về tiểu bang North Carolina để tiếp tục điều trị nhưng, theo lời anh “mắt không bớt mù mà lại còn mù thêm! Tôi có hỏi “thị lực” của anh bây giờ ra sao? Anh cho biết “khoảng chừng 20 đến 25 phần trăm”. Vào thượng tuần tháng 11 vừa rồi anh gọi điện thoại cho tôi và báo:”Tôi đã đi được nửa đường”. Tôi hỏi: “Nửa đường là sao? Anh trả lời” “tôi đang trên đường về lại Houston…đi bằng Greyhound…”. Hôm sau tôi ghé nhà con anh để đón anh đi uống cà phê. Anh nói ở bên đó (North Carolina) buồn quá nên về lại đây thỉnh thoảng gặp anh em cho vui. Anh kể cho tôi nghe anh nghĩ ra cách để xử dụng bàn phím computer để tiếp tục viết truyện. Anh đã hoàn thành truyện ngắn “Người Mù” và về Houston anh sẽ tiếp tục viết và đặc biệt viết về đề tài “Mù”.

Do “Duyên”, tôi đã trở thành tài xế Uber cho ba người bạn của tôi. Tôi thương và quý trọng họ. Ngày nào tôi còn lái xe được, tôi vẫn đến đón họ – âu đó cũng là một việc Thiện mà trong Hướng Đạo dùng hai chữ “Giúp Ích”.

Cần nói thêm việc người già và thuốc men. Dĩ nhiên bịnh là phải uống thuốc. Đối với tôi, tôi thi hành khá đứng đắn việc uống thuốc, nhất là các loại thuốc nằm trong nhóm “ba cao”: máu – mỡ – đường. Nếu chỉ tính từ ngày qua Mỹ đến nay là 32 năm, mỗi ngày uống một viên thuốc cao máu, cho đến nay tôi đã ních hết 11,650 viên. Thuốc cao mỡ mỗi ngày 4 viên, 32 năm xơi đủ 46, 600 viên. Thuốc trị cao đường mới uống 22 năm, tính ra tổng cộng là 8,030 viên nằm trong bụng! Chưa kể những loại thuốc khác để trị các bịnh loại linh tinh như nhức xương, đau khớp, đau vai, đau bàn tay, nhức đầu sổ mũi hay bệnh gout…tổng cộng sơ sơ cả ngàn viên. Tạm đúc kết cho đến nay khi đang ngồi gõ gõ trên máy tôi đã nhét vào trong bao tử 86,280 viên thuốc đủ các loại! Riêng về món thuốc trị gout, theo chỉ dẫn của đốc tờ thì mỗi ngày ních một viên. Dĩ nhiên tôi thi hành đúng khi hai ngón chân đang quằn quại. Sau một tuần hết đau thì tôi ngưng uống thuốc một thời gian khá lâu, chừng cả năm. Sau đó tôi bắt đầu uống lại dù bịnh chưa tái phát nhưng chỉ uống hai viên mỗi tuần. Tôi tự giải thích như sau: vì tôi khoái xơi món phở bò và thích uống rượu vang là hai món giúp làm tăng lượng Acid uric trong máu nên phải uống cầm chừng cả vài năm nay, thấy cũng phê! Phở bò là món “quốc hồn quốc túy” khó mà từ bỏ được. Còn món rượu vang thì theo nhà báo Lê Văn là “Món Quà Của Thượng Đế”. Thượng Đế đã ban cho nhân loại mà không nhận hưởng thì khi chết xuống địa ngục hay leo lên được Thiên đàng e rằng khó trả lời với Ngài…

Trở lại chuyện của tôi “đáng ghét”. Trước ngày lễ Tạ Ơn vừa qua trong khu vực tôi ở “Berkshire Community” có tổ chức “Chạy bộ” và “Đi bộ”. Để rà soát sức khỏe của mình nên tôi liều ghi danh môn “Chạy bộ”. Chạy hai miles. Đi bộ chỉ một mile. Khoảng ba mươi người chạy bộ đủ lứa tuổi già trẻ lớn bé nam nữ. Tôi chạy theo đám đông và không thể nào theo kịp mấy ông Mỹ ông Mễ nhưng cố bám sát, có lúc phải bước sãi rồi lại lết tiếp cho đến khi về đến đích. Đến nơi ban tổ chức tròng vào cổ tôi một chiếc Medal. Tối hôm đó nằm ngủ nghe hai bắp vế đau nhức dữ dội nên hôm sau lái xe vào Gym ngồi trong Spa cho nước nóng nựng hai bắp đùi. Liên tục ba ngày thấy hết đau hết nhức. Gặp bạn bè, người quen ai cũng bảo sức khỏe tôi tốt! Mừng ghê đi! Năm tới tôi sẽ bước lên bục tuổi tám bó…

Phong Châu
Tháng 12 – 2023

From: NGOC PHAN & KimBang Nguyen


 

Trung Quốc tử hình đôi tình nhân ném 2 đứa nhỏ từ lầu cao xuống đất

Ba’o Nguoi-Viet

February 1, 2024

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc hôm Thứ Tư, 31 Tháng Giêng, thi hành án tử hình đôi tình nhân ném hai đứa nhỏ, là con riêng của một trong hai người, từ lầu cao xuống đất, vụ án từng làm chấn động cả nước này, theo CNN.

Ông Zhang Bo và cô Ye Chengchen bị kết tội sát hại hai đứa con riêng của ông Zhang với vợ trước bằng cách dàn cảnh vô tình té lầu ở thành phố Trùng Khánh, miền Nam Trung Quốc, để họ có thể sống chung với nhau.

Quốc kỳ Trung Quốc bên ngoài Bộ Ngoại Giao ở Bắc Kinh. (Hình minh họa: Greg Baker/AFP via Getty Images)

Ông Zhang dan díu với cô Ye, và lúc đầu, ông giấu chuyện ông đã lập gia đình và có con, nhưng sau đó, cô Ye biết được, và ông Zhang ly dị vợ, theo Tối Cao Pháp Viện Trung Quốc.

Cô Ye coi hai đứa con của ông Zhang là “trở ngại” cho việc họ cưới nhau và là “gánh nặng khi họ sống chung với nhau trong tương lai,” theo tòa án. Cô Ye liên tục hối thúc ông Zhang giết hai đứa nhỏ, đồng thời dọa chia tay nếu ông không giết.

Sau khi bàn mưu với cô Ye, Tháng Mười Một, 2020, ông Zhang ném con gái 2 tuổi và con trai 1 tuổi của ông từ tầng 15 chung cư xuống đất khi hai đứa bé đang chơi cạnh cửa sổ phòng ngủ, làm cả hai đứa thiệt mạng, theo tòa án.

Năm đó, ông Zhang khai ông đang ngủ thì hai đứa con “bị té,” và tiếng la hét của người ta dưới đất làm ông thức giấc.

Ông Zhang và cô Ye bị kết án tử hình hồi Tháng Mười Hai, 2021. (Th.Long) [qd]


 

 CÁC ANH SẼ …. KHỔ!

 Đọc bài này PĐ thấy buồn !     Vì cung cách của khá nhiều người Việt chúng ta là như thế.
Ở bên quê nhà — làm như vậy ! Sang đến nước ngoài …. cũng vẫn làm thế !  thì ….

Tôi có nghe một số em — sang đây du học — đã khoe với tôi là :
Đi xe bus — trốn mua vé rất dễ dàng ! Một cô gái khác thì khoe …. thường lấy stickers  giá của “món hàng rẻ” + dán vào “món hàng đắt tiền hơn” —để mua được “hàng tốt”  mà không phải trả nhiều tiền.

Họ có biết đâu …. hành vi ấy đã gây tiếng xấu cho cả dân tộc Việt + làm cho người nước ngoài — họ kỳ thị + coi thường dân tộc mình.

Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ !

Một công nhân làm cho một công ty Nhật ở Việt Nam đã kể lại :
▪️Trước khi, một kỹ sư Nhật về nước — ông ấy đã không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam rằng :
“Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ ! Đấy là vì …. các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân — mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”.

Rồi viên kỹ sư kể :
➖ “Một cái ỐC-VÍT :
chúng tôi phải mang từ Nhật sang — giá = 40.000đ / 1 con — mà rơi xuống đất thì …. công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên / hoặc đá lăn đi mất.
Vì nó không phải là của các anh !
Nhưng nếu các anh đánh rơi 1 điếu thuốc lá (đang hút dở) — giá 1.000đ / 1 điếu thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp — cho dù nó đã bị bẩn ….
Chỉ vì – nó là của các anh !

➖ Hay như CUỘN CÁP ĐIỆN  Chúng tôi nhập về — giá = 5  triệu / mét — nhưng các anh cắt trộm — bán được có vài trăm nghìn / mét.
Tất cả những việc làm đó đã  mang lại chút lợi lộc cho các anh — nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Vì chúng tôi phải nhập bổ sung / hoặc nhập thừa — so với lượng cần thiết”.

➖ Còn tài xế của viên kỹ sư đó thì …. được nghe ông ấy tặng quà có giá trị và đã được nghe ông ấy “tâm sự” như sau:
▪️“Tôi rất cảm ơn — anh đã lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi — nên anh làm gì tôi cũng chiều. Nhưng anh đừng tưởng …. anh làm gì sai mà tôi không biết !

Anh đưa đón tôi ra sân bay —  quãng đường chỉ dài hơn 30 km — anh đã khai là hơn 100 km tôi cũng ký. Anh khai tăng giá tiền mua xăng + thay dầu …. tôi cũng ký — là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn.
Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là => các anh “khôn vặt” được người Nhật.
Các anh nên biết rằng :
▪️Lẽ ra, chúng tôi có thể trả lương cao hơn / hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh.
Như …. đáng ra – phải tăng lương cho các anh 500.000đ thì chúng tôi chỉ tăng 200.000đ. Còn 300.000đ chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt / hay phá hoại của các anh.

Cuối cùng là => tự các anh hại các anh thôi !
Còn chúng tôi — cũng chỉ là   lấy của người Việt = cho người Việt!
Chứ chúng tôi chẳng mất gì

From: giang pham &KimBang Nguyen