Lễ  Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời – Cha Vương

Lễ  Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời

Chúc bình an, hôm nay Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Lễ trọng. Ước mong một ngày nào đó Bạn sẽ đạt tới nơi mà Đức Mẹ đã tới.

Cha Vương

Thứ 2: 15/08/2022

TIN MỪNG: Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con… (Khải Huyền 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab)

SUY NIỆM: Ngày 1 tháng 11 năm 1950, qua Hiến chế Munificentissimus Deus Đức Giáo hoàng đã công bố chân lý đức tin sau đây: “Đức Maria vô nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau cuộc sống trần gian, đã được cất nhấc cả hồn và xác về vinh quang trên trời”. Chân lý đức tin này cũng được nhắc lại trong Sách Giáo Lý Công Giáo số 966: “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (x. LG 59). Được lên trời cả hồn và xác, Đức Ma-ri-a tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Ki-tô hữu khác: Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh; khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ thế gian. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và giờ đây trở về với Thiên Chúa nguồn sống, xin cầu cho linh hồn chúng con được thoát tay tử thần (Phụng vụ By-dan-tin, điệp ca lễ Đức Mẹ an nghỉ ngày 15 tháng 08) Biến cố này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và bảo đảm cho sự thánh thiện riêng của Bạn. Nếu đấng quyền năng đã làm cho Mẹ những điều vĩ đại thì Ngài cũng sẽ làm những điều vĩ đại tương tự như thế cho Bạn. Vậy Bạn hãy áp dụng liệu pháp “3 T.T.” (Thánh-Thiện, Thành-Tâm, Tin-Tưởng) vào thực tiễn để sống Thánh-Thiện,Thành-Tâm, và Tin-Tưởng hơn mỗi ngày nhé!

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay của Ðức Ma-ri-a hồn xác về trời, xin cho lòng con bừng cháy lửa mến yêu và luôn luôn hướng về Chúa.

 LẮNG NGHE: Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. (Luca 1:50)

 THỰC HÀNH: Làm một quyết định cho chính bản thân bạn: ngày hôm nay tôi sẽ…

  1. Sống Thánh-Thiện hơn ngày hôm qua
  2. Sống Thành-Tâm hơn ngày hôm qua
  3. Sống Tin-Tưởng hơn ngày hôm qua

 From: Đỗ Dzũng

MỘT ĐIỀM LẠ VĨ ĐẠI 

MỘT ĐIỀM LẠ VĨ ĐẠI 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời!”  Hôm nay, thế giới Công giáo chiêm ngưỡng và ca tụng một điều kỳ diệu.  Ngay từ thuở sơ khai, các tín hữu Kitô đã nhận ra, người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải huyền là Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Đức Giêsu thành Nagiarét.  Kể từ sau Công đồng Êphêsô (431), ngày lễ Đức Mẹ an nghỉ (Dormition de Marie) đã được cử hành tại nhiều nơi, nhất là trong các Giáo Hội Đông phương.  Tuy vậy, phải đợi gần 20 thế kỷ sau, tín điều Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời mới được Giáo Hội công bố chính thức.  Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác.”  Trong lời tuyên tín long trọng trên đây, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới cả 4 đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, tức là ơn vô nhiễm nguyên tội; ơn trọn đời đồng trinh, ơn làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được về trời cả hồn và xác. 

Đức Maria là một điềm lạ không phải chỉ ở thời điểm Mẹ được đưa về trời, nhưng suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã trở nên một điềm lạ cho cả lịch sử.  Điềm lạ là điều người ta rất ít thấy, hoặc là điều không thể có trong thế giới tự nhiên.  Quả vậy, mọi người sinh ra đều mắc tội tổ tông truyền, riêng có Trinh nữ Maria thành Nagiarét được Chúa gìn giữ cách đặc biệt ngay từ khi được thụ thai trong lòng thánh Anna.  Vì vậy, Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, là hậu quả do Ađam và Evà đã phạm ở đầu lịch sử.  Cũng vậy, theo lẽ thông thường, chẳng có phụ nữ nào đã sinh con mà lại còn trinh khiết.  Đức Mẹ được ơn trinh khiết trọn đời, trước, trong và sau khi sinh Đức Giêsu.  Có một thời, người ta bận tâm tranh luận về Đức đồng trinh của Đức Mẹ, nhưng nếu đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì như Sứ thần Gabrien nói với Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin: đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được.  Và sau cùng, là danh hiệu Mẹ Thiên Chúa.  Đức Mẹ chỉ là một tạo vật, mà lại tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa.  Bởi lẽ Đức Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, nên Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ Thiên Chúa. 

Đức Maria vẫn đang là điềm lạ cho chúng ta.  Mẫu gương của người Công giáo không phải là một con người trần thế, dù đó là một vĩ nhân hay một lãnh tụ.  Lý tưởng của chúng ta là Đức Giêsu, Con Người Hoàn Hảo.  Đức Maria cũng là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Đức tin.  Bà Elisabeth đã ca ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”  Chính Đức tin và niềm tín thác của Đức Mẹ đã làm cho Đức Mẹ được tôn vinh.  Dù đã về trời, Đức Mẹ vẫn hiện diện giữa Giáo Hội để dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta trong hành trình Đức tin.  Có Đức Mẹ dẫn đường, chúng ta sẽ không sợ lạc lối.  Đức Mẹ được ví như Sao Biển, giúp người vượt biển lựa chọn hướng đi và cập bến bình an.  Giáo Hội hân hoan mừng lễ hôm nay, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai.  Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ). 

Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại bài ca Tạ ơn (Magnificat) của Đức Trinh nữ Maria.  Trinh nữ có ý lên đường để kể cho người chị họ những điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Ngài, thì bà Elisabeth đã biết hết những gì đã xảy ra, và bà nói: “Bởi đâu tôi được thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”  Trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời vì cảm nhận được bàn tay Chúa thương yêu dìu dắt, Trinh nữ đã hát lên bài ca cảm tạ.  Nội dung bài ca diễn tả lịch sử của dân tộc, với những đau thương và hạnh phúc đan xen, nhưng trên tất cả, đó là quyền năng yêu thương của Thiên Chúa.  Ngài không bỏ rơi dân riêng Ngài chọn, nhưng luôn nâng đỡ chở che và chăm sóc giữ gìn. 

Nếu Đức Trinh nữ Maria là một điềm lạ cho thế giới, thì mỗi chúng ta, những người được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy, cũng phải trở nên một điềm lạ cho cuộc sống hôm nay.  Quả vậy, khi chúng ta chuyên tâm thực hiện giáo huấn của Chúa, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh và sự thánh thiện của Người lan tỏa trong môi trường sống của chúng ta, và nơi chúng ta, những người khác sẽ nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời (x. Mt 5,16). 

Nếu thánh Gioan Tông đồ đã nhìn thấy “Đền thờ Thiên Chúa trên trời mở ra,” thì Thánh Phaolô lại nói với chúng ta: “Đức Kitô đã trỗi dạy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (Bài đọc II).  Vâng, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, trời đã mở ra, con người có thể lên trời.  Giấc mơ ngàn đời của nhân loại đã thành hiện thực.  Đức Maria là tạo vật đầu tiên được qua cánh cửa Đền thờ Thiên Chúa trên trời.  Chúa Giêsu đã hứa cho tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được vào Đền thờ Thiên Chúa.  “Lòng các con đừng xao xuyến.  Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… ” (Ga 14,1-2). 

Giữa biết bao khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy đến với Đức Trinh nữ Maria, xin Mẹ che chở và gìn giữ chúng ta.

 TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

TẠI SAO THÁNG NĂM LÀ “THÁNG ĐỨC MẸ”

TẠI SAO THÁNG NĂM LÀ “THÁNG ĐỨC MẸ”

 Đây là lý do tháng Năm được dành riêng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Với những người Công Giáo, tháng Năm được biết tới như là “tháng Đức Mẹ,” một tháng đặc biệt trong năm với những thực hành đạo đức đặc biệt được diễn tả trong việc tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.

Tại sao thế?  Tháng Năm được liên kết với Đức Mẹ như thế nào?

Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần tạo nên sự liên kết này.  Trước hết, ở Hy lạp và La Mã xưa, tháng Năm được dành để tôn kính các nữ thần ngoại giáo vốn liên hệ tới sự phong nhiêu và thời gian của mùa xuân (đặc biệt là thần Artemis và Flora).  Vốn được kết hợp với những nghi thức khác của người Âu Châu để kỷ niệm mùa xuân mới, ý nghĩa này đã dẫn tới việc nhiều nền văn hóa phương Tây nhìn nhận tháng Năm như là tháng của sự sống và tình mẫu tử.  Quan niệm này có trước đó rất lâu so với sự hình thành “ngày của Mẹ”, dẫu cho dịp lễ hiện đại này liên hệ khá gần gũi tới khát khao sâu xa để vinh danh tình mẫu tử trong suốt những tháng mùa Xuân.

Vào thời Giáo Hội sơ khai, có dấu vết về một dịp lễ lớn kính Đức Trinh Nữ Maria được cử hành vào ngày 15 tháng Năm hàng năm, nhưng mãi cho tới thế kỷ 18, việc tháng Năm có một sự liên kết đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria mới được công nhận rộng rãi.  Theo cuốn Bách khoa Toàn thư Công Giáo, “Sự tôn kính Tháng Năm như hiện tại bắt nguồn từ Rôma, khi ấy vào cuối thế kỷ 18 cha Latomia thuộc Học viện Roma của Dòng Tên đã thực hiện một lời khấn để dâng tháng Năm cho Đức Mẹ để chống lại sự bất tín và thiếu đạo đức giữa những sinh viên.  Từ Rôma, thực hành này lan rộng ra những học viện khác của Dòng Tên và sau đó phổ biến gần như mọi nhà thờ Công Giáo thuộc nghi lễ Latin.”

Tuy nhiên, việc dâng kính trọn một tháng cho Đức Mẹ không phải là một truyền thống mới, vì đã tồn tại một truyền thống trước kia trong việc dành 30 ngày cho Đức Mẹ được gọi là Tricesimum, cũng còn được biết tới như “tháng Đức Bà.”

Những thực hành đạo đức riêng tư khác nhau đối với Mẹ Maria nhanh chóng phổ biến trong suốt tháng Năm, như được ghi lại trong bản Raccolta (bộ sưu tập) – một ấn bản những lời cầu nguyện, được phát hành vào giữa thế kỷ 19.

Tháng Năm này thật là một tháng đặc biệt để dành riêng kính Mẹ Maria rất thánh, tháng đẹp nhất và rực rỡ nhất trong toàn bộ các tháng trong năm.  Lòng sùng kính này đã từng thịnh hành trong toàn các nước Kitô giáo, và giờ đây phổ biến nơi Rôma này, không chỉ trong những gia đình riêng lẻ nữa, nhưng như là một tháng đặc biệt phổ biến trong rất nhiều nhà thờ.  Để khơi dậy nơi mọi người Kitô hữu thực hành lòng sùng kính nhẹ nhàng và thành tâm đối với Đức Nữ Trinh đầy ơn phước, và suy xét vì lợi ích thiêng liêng lớn lao cho họ,  Đức Giáo Hoàng Piô thứ VII đã ban hành một bản Rescript of the Segretaria of the Memorials, vào ngày 21tháng ba năm 1815 đối với mọi tín hữu trong thế giới Công Giáo, những người cách công khai hay riêng tư, nên tôn kính Đức Nữ Trinh Đầy Ơn Phúc với một số lời cầu nguyện sốt mến và tôn kính hay những thực hành nhân đức khác.

Vào năm 1945, ĐTC Piô thứ XII đã khẳng định tháng Năm như tháng Đức Mẹ sau việc thiết lập ngày lễ kính Đức Maria Nữ Vương vào ngày 31 tháng Năm.  Sau Công Đồng Vaticanô II, dịp lễ kính này được dời vào ngày 22 tháng 8, trong khi 31 tháng 5 trở thành ngày lễ kính Đức Mẹ Thăm Viếng.

Tháng Năm có một truyền thống phong phú và là một thời gian thật đẹp trong năm để tôn kính Mẹ Thiên Đàng của chúng ta.

Tác giả:  Philip Kosloski

Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J

Nguồn: https://aleteia.org/2018/05/02/why-is-may-marys-month/

From: Langthangchieutim

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc

Trời Houston hôm nay gió lạnh, chúc bạn một ngày thật ấm áp dưới tà áo của Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 14/01/2022

TIN MỪNG: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (Lc 1:48)

SUY NIỆM: 

2/ Không tả được Đức Mẹ coi ơn [Vô Nhiễm Nguyên Tội] này trọng đại chừng nào! Người hằng bày tỏ ơn trọng ấy trước mặt như sự khôn ngoan vua Sa-lô-môn xưa ở trước con mắt vua vậy. Từ trước vô cùng Chúa đã ban cho Đức Mẹ lấy ơn vĩ-đại này làm cao trọng hơn mọi của trên đời. Thật ra Chúa đã ban cho Đức Mẹ nhiều ơn riêng; song ơn trọng này quí báu hơn các ơn khác muôn phần, vì làm cho Đức Mẹ được đẹp lòng Chúa hơn. Bởi thế, trót đời Người luôn luôn tỏ lòng biết ơn Chúa.

3/ Hỡi con, khi chịu phép Rửa-tội, con cũng được ơn thánh hoá, như khi Đức Mẹ mới chịu dựng thai trong lòng bà thánh Anna. Mà vì ơn trọng ấy nên con được gọi Đức Chúa Trời là Cha, Chúa Giê-su là Anh và được hưởng phần gia tài cùng Chúa Giê-su trên thiên-đàng. (Rom 8:17), (x. Gương Đức Mẹ, Q1:2:2,3)

❦ “Ôi Mẹ, Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được đặc ân vinh hiển là làm cho những kẻ tội lỗi nặng nề trở lại cùng Chúa: vì lời Mẹ cầu bầu không thể không được chấp nhận, bởi Chúa luôn luôn xử với Mẹ như Mẹ thật vẹn tuyền”. (Thánh Germanô)

LẮNG NGHE: Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, Mẹ thật diễm phúc, với trọn niềm tin tưởng, mến yêu, con phó thác cho Mẹ thế giới này, đất nước con, gia đình con, bạn bè thân bằng khuyến thuộc của con, và cả những người tội lỗi đang làm Mẹ đau lòng. Xin Mẹ hãy đồng hành với con hôm nay để yêu thương, chăm sóc và dẫn dắt con sống theo ý Chúa. Xin giúp con hết lòng yêu Mẹ bằng tình con thảo hiếu.

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn trở lại.

From: Đỗ Dzũng

MỘT PHÉP LẠ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP DÀNH CHO TÔI

MỘT PHÉP LẠ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP DÀNH CHO TÔI

Hôm nay là Lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Tôi yêu mến và sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mỗi khi có chuyện gì, nhất là những chuyện khó khăn và đau buồn, tôi luôn chạy đến xin Đức Mẹ cứu giúp tôi.

Hồi mới sang Roma, giấy tờ cư trú chưa có, thẻ bảo hiểm y tế cũng không; Cha Bề Trên Giám Tỉnh và Cha Bề Trên tu viện cũng đi Paraguay, tu viện chỉ còn hai cha già gần chết và mấy thầy trẻ.

Đúng lúc đó tôi bị đau lưng. Không hiểu vì nguyên nhân gì mà đau dữ thế! Đau không ăn không ngủ được. Một tuần tôi sụt hơn 3 kg. Mặt mũi hốc hác tiều tụy. Tôi lo và anh em trong nhà ai thấy cũng lo cho tôi.

Xem trong danh sách các linh mục tu sĩ Việt Nam đang sống ở Roma tôi thấy có một dì phước là lương y thì tôi liên lạc xin giúp đỡ, nhưng dì trả lời là dì đang đi phục vụ dịp hè ở Miền Bắc nước Ý nên không giúp gì tôi được.

Hết đường tôi chạy đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để xin Đức Mẹ cứu chữa. Tôi đi với ý nghĩ nếu Đức Mẹ không chữa lành tôi, thì đấy là dấu muốn tôi trở về Việt Nam sớm. Tôi quỳ cầu nguyện khá lâu ở trước linh ảnh Đức Mẹ.

Thấy có Cha Bruno người Ý, Giám đốc Đền Thánh, đang trực giải tội, tôi đến xin ngài giúp đỡ. Tôi quỳ trước cung thánh nơi có linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, trong khi ngài đặt tay trên đầu tôi và khẩn cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chữa lành tôi.

Được khoảng 5 phút. Ngài nhấc tay tính thôi! Tôi bảo: “Không! Con còn đau lắm! Xin cha tiếp tục!” Mấy phút sau ngài lại muốn bỏ! Tôi lại bảo: “Không! Con vẫn chưa khỏi! Cha làm ơn cầu nguyện nữa! Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chữa lành con!”

Vài phút sau đó, bỗng dưng tôi cảm thấy có cái gì đó như một dòng điện chạy rất nhanh từ đỉnh đầu xuống xương sống. Một cảm giác nóng ran và tiếp theo là một cảm giác mát lạnh. Tôi thấy người nhẹ bẫng, rất dễ chịu. Tôi khỏi bệnh tức thì. Hoàn toàn không còn đau đớn gì!

Tôi tin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chữa lành tôi! Cũng như tôi tin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã dẫn đưa tôi vào Dòng Chúa Cứu Thế và đã giúp tôi giải gỡ bao nhiêu khó khăn, vượt qua bao nhiêu thử thách để tiếp tục là một thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế cho đến ngày nay.

Tạ ơn Đức Mẹ.

27.06.2021

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

CÓ MẸ MARIA YÊU THƯƠNG TRONG ĐỜI NHƯ MẸ HIỀN THÌ CON CÒN LO LẮNG CHI

CÓ MẸ MARIA YÊU THƯƠNG TRONG ĐỜI

NHƯ MẸ HIỀN THÌ CON CÒN LO LẮNG CHI

Tuyết Mai

Có khôn ngoan lắm thay cho tất cả mọi người con cái Chúa hiện sống ở trần gian này luôn cần biết sống bám thật chặt vào Mẹ Maria của mình, đến không rời nửa bước!?. Y như con trẻ cần bám vào mẹ mình thế nào thì chúng ta cũng cứ bám vào Mẹ Maria thế ấy!

Bởi ai cũng hiểu biết rằng Mẹ Maria thì chẳng bao giờ rời xa hay bỏ bất cứ con cái nào của Mẹ mà không là tìm cách để cho người con hư hỏng có cơ hội trở về cùng Chúa và Mẹ. Thưa nhất là trong thời buổi mà lương tâm của số đông con người bị ma quỷ chúng làm cho đui mù qua những hưởng thụ cái thân xác hay chết này, dần làm chết mất linh hồn – là Đền Thờ của Thiên Chúa.

**

Ở đời thì công nhận có rất nhiều khó khăn, gánh nặng và trách nhiệm mà chúng ta (già, trẻ) từng ngày cần phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những người thân tín nhất; trong gia đình, họ hàng và linh mục trong giáo xứ. Đòi hỏi sự kiên nhẫn và cố gắng không ngừng nghỉ, để sống được an yên với đời …

Thì lẽ nào chúng ta lại bỏ qua cơ hội ngàn vàng là không chạy đến cùng Đức Mẹ Maria rất dấu yêu để tha thiết dâng lên Mẹ lời cảm ơn chân tình hay trải lòng ra tâm sự cùng Mẹ; cùng giãi bầy những khó khăn từng ngày qua mà chúng ta gặp phải.

**

Có thế thì Mẹ Maria sẽ cảm thấy gần gũi với con cái của Mẹ nhiều hơn nhất là Mẹ sẽ quan tâm và gìn giữ xác, hồn của tất cả những ai siêng chạy đến Mẹ. Rồi Mẹ sẽ giúp chúng ta luôn sống trong sự có chuẩn bị để ở cuối đời linh hồn của chúng ta (hằng luôn khao khát) muốn được đến Lâu Đài hạnh phúc Nơi có Chúa, có Mẹ ban cho hết thảy cuộc sống trong hoan lạc, hạnh phúc viên mãn … ở đời sau. Một Nơi sẽ không còn tham, sân, si và không còn sinh, bệnh, lão, tử nữa.

**

Hơn bao giờ hết nhất là trong thời buổi của dịch bệnh Covid-19 đang cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng con người ta như bên Ấn Độ hiện nay. Nên cần lắm sự liên kết chặt chẽ giữa Mẹ Maria và con cái với nhau để được Mẹ thương yêu, chăm sóc, canh giữ xác hồn, an ủi và giúp chúng ta xa tránh được mọi sự cám dỗ, mọi sự dữ trên trần đời.

Vì có đáng không nếu chúng ta có cả và thế gian mà để chết mất linh hồn thì cả là một điều đáng tiếc, đáng buồn và đáng trách vô cùng vì đã hoài công Thiên Chúa tác thành ra từng người chúng ta và ban cho sự sống tự do. Vả không ai mà không biết đến chuỗi kinh Mân Côi Mẹ Fatima đã ban tặng cho hết thảy con cái trên trần đời …

**

Chuỗi kinh Mân Côi là sợi dây liên lạc nhanh chóng nhất khi chúng ta cần đến Mẹ cứu giúp. Là giây điện thoại vô hình trực tiếp chuyển đến Mẹ những lời khẩn cầu, nguyện xin và cảm ơn Mẹ đã hằng cứu giúp con cái Mẹ thoát khỏi những tai họa của kẻ thù vô hình luôn bủa giăng.

**

Chúng con nguyện dâng lên Mẹ Maria tất cả tấm chân tình là hương hoa lòng riêng biệt của chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con siêng năng tìm đến Mẹ luôn vì chỉ có Mẹ mới có thể giúp chúng con đến gần với Thiên Chúa ngày một hơn.

**

Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh! Mẹ chính là Nữ Vương, là Trạng Sư, là Mẹ con. Con dâng Mẹ đây tâm hồn, đây trí khôn. Cả dĩ vãng, cả hiện tại, tới tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới. Cúi xin Mẹ là gương mẫu của đời con … Amen.

**

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

12 tháng 5, 2021

***

Xin bấm vào mã số dưới đây để cùng hát:

https://www.youtube.com/watch?v=dYhH7HMzaJU

(Chào Đức Nữ Đồng Trinh Maria)

MẸ MARIA TÌNH MẸ DẠT DÀO BAO LA

MẸ MARIA TÌNH MẸ DẠT DÀO BAO LA

(Tâm tình mùa Vọng)

Tuyết Mai

Hầu hết các bà mẹ trần gian khi mang con trong dạ thì luôn đếm từng ngày để chờ cho con trẻ chào đời. Một sự chờ đợi hẳn vui mừng khôn tả vì gia đình từ nay sẽ có thêm một em bé; sẽ mang lại cho gia đình niềm vui khó tả mà không chữ nghĩa nào tả xiết và làm cho gia đình thêm thắm thiết gần gũi yêu thương nhau hơn.

–*–

Cùng với sự vui mừng khôn tả ấy thì Đức Trinh Nữ Maria cũng có chung niềm vui với các bà mẹ đang có mang. Nhưng niềm vui của Mẹ hẳn vui hơn gấp bội lần những phụ nữ khác vì Mẹ được cưu mang trong dạ một Con Thiên Chúa mà con người trần gian đã và đang rất trông chờ.

**

Nhưng xin thưa niềm vui của Mẹ Maria đã không cho phép Mẹ có thời giờ để suy nghĩ nhiều mà Mẹ chỉ biết giữ kín trong Mẹ và ngẫm suy trong lòng. Vì Mẹ và Thánh Cả Giuse phải lên đường lánh nạn cho đến khi Giờ của Chúa Con cần phải đến và được chào đời. Mà thời xa xưa khi mọi vận chuyển chỉ là lạc đà hay bằng lừa mà thôi. Và Thánh Cả Giuse đã tìm được cho Mẹ Maria con lừa vừa đủ sức để cho Mẹ và Chúa Con nằm trong dạ, để đi suốt chặng đường dài xa xôi không dễ đi ấy nhưng cả hai cũng phải cố gắng mà vượt qua.

**

Nên cuộc hành trình vô cùng khó khăn mà hai Đấng chỉ biết phó dâng cho Thiên Chúa mà thi hành theo mệnh lệnh cũng là nguồn an ủi thật nhiều cho các bà mẹ trần gian khi gặp những khó khăn, những bất trắc, khổ đau và những tình cảnh không được xuông xẻ trong thời gian chờ sanh nở thì hãy tưởng nhớ, bắt chước gương Đức Mẹ Maria, Chúa Con Giêsu và Thánh Cả Giuse cũng đã chịu cảnh chạy lánh nạn khổ cực mà không buông một lời than thở nào.

–*–

Mẹ Maria đã cho tất cả các bà mẹ trần gian bài học can đảm, kiên nhẫn chịu đựng và lòng quyết liệt. Vì có phải con trẻ và tình mẫu tử thiêng liêng luôn làm cho các bà mẹ cố gắng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, vượt qua tất cả mọi nghiệt ngã của cuộc đời? Nhờ do lòng kính sợ Thiên Chúa và lòng quả cảm của Mẹ Maria nên Chúa Giêsu mới được giáng sinh để cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ được thể hiện qua Chúa Con Giêsu. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

12 tháng 11, 2020

MỪNG SINH NHẬT MẸ MARIA

MỪNG SINH NHẬT MẸ MARIA

Tuy các tài liệu lịch sử về Đức Maria rất hiếm, nhưng bên cạnh đó lại có nhiều truyền thuyết chung quanh cuộc đời Đức Mẹ, cũng tương tự như đối với Chúa Giê-su.  Các sách Tin Mừng hầu hết đều chú trọng đến hoạt động công khai của Đức Ki-tô, đặc biệt là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người.  Cũng nhằm đáp ứng óc hiếu kỳ của độc giả nói chung – các tín hữu nói riêng – nhiều truyền kỳ đã được soạn với những chi tiết liên quan đến gia thế và thời thơ ấu cũng như hành trình Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Người.  Đó là nguồn gốc các sách được gọi là “ngụy Phúc Âm” soạn theo thể văn của Tin Mừng chính hiệu.  Các sách này xuất hiện từ thế kỷ thứ II trở đi.

Mỗi lần đi tìm gia thế của Đức Giê-su, thì lại bắt gặp những truyền kỳ về Đức Maria, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Proto-Evangeliun Jacobi – Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê” (1).  Tác phẩm này được soạn từ một người tự xưng là Gia-cô-bê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giê-su (tức là con riêng của Thánh Giu-se với người vợ trước).  Tác phẩm “Proto-Evangeliun Jacobi” cũng được gọi là “De Nativitate Mariæ” (việc sinh hạ Đức Maria).  Dựa theo tác phẩm này, người đọc được biết quý danh song thân Đức Maria là ông Gioakim và bà Anna.  Sách gồm 24 chương chia làm ba phần:

* Phần I (16 chương đầu) kể lai lịch, thời thơ ấu của Đức Maria.

* Phần II (5 chương từ 17 tới 21) thuật lại các phép lạ xung quanh việc sinh hạ Đức Giê-su.

* Phần III (3 chương cuối: 22-24) kể chuyện vua Hê-rô-đê tàn sát các thiếu nhi ở Bê-lem.

Trước hết, xin tìm hiểu ý nghĩa cụm từ “ngụy Phúc Âm” trong những bản dịch tiếng Việt của HĐGMVN.  Mới nghe tiếng “ngụy” thì giật mình, vì nó mang một ý nghĩa xấu (Ngụy thư: ngụy là sai trái, giả tạo; thư là sách báo, văn thư).  Từ điển Hán Nôm của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa Ngụy thư là “Loại sách sai lầm, vô giá trị – Loại sách giả mạo, không phải thật do đời xưa truyền lại.”  Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì định nghĩa Ngụy thư (偽 書) là: 1- Sách mạo danh người xưa viết ra, không phải thật của tiền nhân truyền lại.  2- Ngụy tạo văn thư.  Nếu khách quan nhận xét thì có thể coi Ngụy Phúc Âm “Proto-Evangeliun Jacobi” theo nghĩa 1 của Từ điển Thiều Chửu (vì chính tác giả đã mạo danh Thánh Gia-cô-bê Tông đồ, người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Giê-su).

Tuy nhiên, nếu tìm về nguyên bản La-tinh thì có thể hiểu rõ hơn: Danh từ “Apocrypha” (Việt Nam dịch là Ngụy thư) phát xuất từ tiếng Hy Lạp “apokryhos” nghĩa là “ẩn giấu” hay “bí mật.”  Danh từ này được dùng để chỉ các tác phẩm được viết “bên lề” và thường có liên hệ ít nhiều với các sách Thánh Kinh.  Theo nghĩa thứ hai, đây là các sách không có nguồn gốc rõ ràng, không chính thống, nội dung chứa đựng những điểm kỳ bí, mặc dù ban đầu “Apocrypha” là một danh từ mang nghĩa tốt, đáng tôn trọng.  Theo ý kiến của ông Rhodes Montague (người Pháp), các Ngụy Thư là loại sách “linh thánh và bí ẩn nên không thể truyền bá đến tay mọi người, vì thế phải được dùng riêng trong số các tín hữu đứng đầu, bộ phận vòng trong của các tín hữu.” (ý muốn nói sách này được dùng riêng cho các giáo phụ)

Wikipedia tiếng Việt giải thích khá chi tiết và rõ ràng: “Ngụy thư Gia-cô-bê” hay “Tin Mừng của Gia-cô-bê” còn được gọi là “Tin Mừng Thời thơ ấu của Gia-cô-bê” hoặc “Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê” (Protoevangelium Jacobi), là một Tin Mừng có lẽ được viết vào khoảng năm 145, trình bày một câu chuyện liên quan đến sự ra đời và sự dạy dỗ của Đức Mẹ Maria.  Nó là nguồn gốc lâu đời nhất để khẳng định sự đồng trinh của Đức Maria không chỉ có trước, nhưng cả trong và sau sự ra đời của Chúa Giê-su.  Các bản thảo cổ xưa còn lưu lại về cuốn sách có tiêu đề khác nhau, bao gồm “Sự ra đời của Đức Maria”, “Các câu chuyện về sự sinh ra Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa” và “Các khải huyền của Gio-an.”

Ngụy thư này xứng đáng được gọi là “Phúc Âm Đức Maria” vì là “văn phẩm Ki-tô giáo đầu tiên quan tâm đặc biệt về cuộc đời Đức Maria.”  Nhiều chi tiết của tác phẩm này còn là tiền đề được khai triển trong các nghệ phẩm và văn chương Thánh Mẫu qua nhiều thế kỷ như: “Đức Maria thuộc dòng dõi vua Đa-vít”, “Việc ra đời kỳ lạ của Mẹ Maria” và “biến cố Truyền Tin cho Đức Maria” xảy ra tại Giê-ru-sa-lem; kể cả cuốn sách “Các anh em của Chúa” (là con của Thánh Giu-se với người vợ trước).  Tác phẩm “Proto-Evangelium Jacobi” cũng đã mở đường cho việc thiết lập ba lễ: Đức Maria Đầu Thai, Sinh Nhật Đức Maria, và Lễ Đức Maria dâng mình vào đền thờ.

Căn cứ vào “Proto-Evangeliun Jacobi”, thì không thấy nói đến ngày sinh của Đức Maria.  Theo dự đoán của các Giáo phụ, có lẽ lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ bắt nguồn từ Giê-ru-sa-lem: Vào thế kỷ V, một nhà thờ được xây cất tại khu đất theo tục truyền là nơi bà Anna đã sinh con, mà người ta suy đoán ngôi thánh đường này được cung hiến vào ngày 8/9, nên lấy ngày đó là ngày sinh của Đức Mẹ.  Dưới khía cạnh thần học, có thể tìm được 2 khía cạnh chủ yếu:

1- Liên quan đến bản thân Đức Maria: Từ lễ sinh nhật Đức Mẹ, Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội – tức là lễ bà Anna thụ thai, chín tháng trước đó – vào ngày 8/12.

2- Liên quan đến lịch sử cứu độ: Lời nguyện Phụng vụ lễ Sinh nhật Đức Mẹ (“Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giê-su Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an.  Chúng con cầu xin,  nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.”) đã chúc tụng Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc nhân loại.  Kế hoạch này được tiền định từ trước vô cùng, nhưng được thực hiện tiệm tiến qua dòng lịch sử: Ngày sinh của Đức Mẹ kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho biến cố Nhập Thể của Đức Ki-tô, bây giờ chỉ còn chờ đón ngày ra đời của Đấng Cứu Tinh.

Hội Thánh chỉ mừng kính 3 lễ “sinh nhật”: Ngày sinh của chính Đức Giê-su, của Đức Trinh nữ Maria và của Thánh Gio-an Tẩy Giả.  Ngoài ra, Giáo hội không mừng ngày sinh của các thánh, vì ngày sinh của con cháu A-đam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt do cái di sản tội lỗi mà con người mang theo khi vào đời (vì tội Nguyên tổ, con người chỉ chào đời bằng tiếng khóc chớ chưa thấy ai cười khi được sinh ra).

1- Sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả: Vì được thánh hóa từ trong lòng mẹ, nên việc chào đời của Thánh Gio-an Tiền Hô là một biến cố vui mừng đặc biệt.

2- Riêng với lễ sinh nhật của Đức Mẹ: Giáo hội hân hoan ca tụng vì nhờ có Mẹ làm cầu nối đem hồng ân cứu rỗi đến cho trần gian.

 3- Người đem hồng ân đó chính là Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: Ngày sinh của Người tràn đầy niềm vui trong tiếng hoan ca của các thiên thần (“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”).

Vì thế, ngay từ thế kỷ VI, cả Giáo hội Đông phương và Tây phương đều đã cử hành lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ.  Đến thế kỷ X, lễ mừng được phổ biến khắp nơi và trở thành một trong các lễ trọng mừng kính Đức Mẹ.  Vào thế kỷ XII, lễ này còn kéo dài thành tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức Hồng Y họp mật nghị bầu Giáo hoàng.  Các Nghị phụ hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật để tạ ơn Đức Mẹ, nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng.  Đức Giáo Hoàng Cê-les-ti-nô IV đắc cử chỉ trị vì được có 17 ngày (25/10/1241 – 10/11/1241) nên chưa thực hiện được lời hứa.  Mãi đến giữa thế kỷ XIII, Đức Giáo Hoàng In-nô-cen-tê IV (1243-1254) đã hoàn thành lời hứa này.

Mừng kính sinh nhật Mẹ, người Ki-tô hữu hãy tuyên tín rằng Đức Maria là Người Mẹ đích thực của chúng ta, còn hơn gấp bội phần người mẹ sinh ra phần xác của chúng ta nữa.  Mẹ chính là Mẹ của những người mẹ trên thế gian.  Đức Ki-tô Thiên Chúa đã ban Mẹ cho chúng ta qua đại diện là môn đệ yêu dấu Gio-an trong hy tế thập giá.  Vì là hiền mẫu, Mẹ Maria yêu thương chúng ta một cách trìu mến nhất: Mẹ bảo bọc và gìn giữ, lo liệu và giúp đỡ chúng ta trong mọi tình huống, cả tinh thần lẫn vật chất.  Hãy thử nghĩ xem Thiên Chúa muốn con cái Người phải yêu một người mẹ như vậy với một tình yêu thế nào?

Trong 10 điều răn Thiên Chúa đã truyền dạy, thì có 3 điều “mến Chúa” và 7 điều “yêu người”, và trong 7 giới răn “yêu người” thì điều răn đứng hàng đầu là “Hãy thảo kính cha mẹ.”  Điều đó cho thấy Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu mến, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào.  Với cha mẹ phần xác còn như vậy, huống hồ là đối với Người Mẹ trên hết các người mẹ ở thế gian này.  Vì thế, hãy xác tín rằng Thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta hãy phụng sự, tôn vinh, và yêu mến Mẹ Maria bằng tất cả tâm hồn, sức lực và trí khôn, đồng thời hãy học theo Mẹ sống đức tin bằng hai tiếng “xin vâng” đối với Thiên Chúa và bằng cả tấm lòng thương yêu với tất cả mọi người.  Càng yêu mến Mẹ, chúng ta càng làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó là điều tất yếu.

Ôi!  Mẹ tuyệt mỹ, Mẹ tuyệt vời, Mẹ là kỳ công của sự cao sang, của sự vĩ đại, chúng con vui mừng xiết bao vì Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên phẩm tước cao trọng nhường ấy!  Mẹ thật xứng đáng được mọi thế hệ ca ngợi là người diễm phúc, mọi miệng lưỡi hoan ca chúc tụng, mọi thân thể phủ phục tung hô, và mọi dân nước mến yêu, kính trọng.  Từ ngai tòa Nữ Vương cao sang Mẹ đang ngự trị, xin Mẹ ghé mắt nhân từ đoái thương cứu giúp đàn con nơi cõi trần chất ngất đau thương.  Cúi xin Mẹ hãy bảo bọc, chở che, cứu giúp, đỡ nâng, và cầu bầu cùng Trưởng Tử Giê-su Ki-tô cho chúng con được hưởng nhờ những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, để chúng con đời sau cũng được vui hưởng ánh sáng huy hoàng của vinh quang Mẹ cho đến muôn muôn đời.

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh tìm được sức mạnh trong thánh lễ chúng con đang cử hành.  Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”  (Lời nguyện nhập lễ lễ “Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria”).  Xin tất cả hãy cùng “xin vâng” như Mẹ:

XIN VÂNG

Ôi! Hôm nay là ngày sinh của Mẹ,

Thần học tìm được hai sự liên quan:

Là hai khía cạnh mang tính liên hoàn,

“Bản thân Mẹ” và “Hồng ân Cứu Độ”.

Mẹ hoàn toàn không nhiễm tội Nguyên tổ,

Hồng ân đổ tràn cung lòng Anna.

Một thai nhi tên là Maria.

Thánh danh bao hàm lịch trình cứu thế.

Lời nguyện Phụng vụ lễ sinh nhật Mẹ,

Chúc tụng Thiên Chúa cứu chuộc muôn dân,

Đức Giê-su xuống thế làm người trần,

Chịu đòn, chịu chết trong tay quân dữ.

Ôi!  Lạy Mẹ!  Khi nghe lời Thiên sứ,

Mẹ “xin vâng như lời sứ thần truyền”,

Đã tượng thai trong lòng Mẹ trinh nguyên,

Chính bào thai là Ngôi Lời Nhập Thể.

Toàn nhân loại Nhờ Mẹ và Với Mẹ,

“Đem Vầng Đông rực rỡ xuống gian trần” (2),

Con Chúa Trời giáng thế cứu phàm nhân,

Chính là Mẹ sẽ đạp đầu rắn dữ (St 3, 14-15).

Chính là Mẹ hạ sinh một Trưởng Tử (Rm 8, 29),

Là Con Một Thiên Chúa xuống cõi trần,

Đấng Thiên Sai – Đấng Cứu Độ muôn dân,

Khỏi tội lỗi từ muôn đời muôn thủa.

Chính là Mẹ hiệp công cùng Thiên Chúa,

Trong chương trình giải thoát cả loài người,

Để giờ đây hưởng hạnh phúc tuyệt vời,

Cả Hồn Xác được vinh thăng Thiên Quốc.

Chính là Mẹ được muôn vàn ơn phước,

Từ nguyên sơ không mắc tội tông truyền,

Hạ sinh Con Trời, Mẹ vẫn trinh nguyên,

Để hiệp cùng Con đồng công cứu chuộc.

Ôi!  Lạy Mẹ!  Dưới cõi trần nhơ nhuốc,

Ngước nhìn lên ngai toà Mẹ Từ Nhân,

Con khấn xin khi rũ sạch bụi trần,

Được cùng Mẹ hưởng Thánh nhan Thiên Chúa.

Lam Thy ĐVD

—————————————

Chú thích:

1) Các sách Thánh Kinh nói về Đức Maria rất sơ lược, trong khi đó cuốn “Proto-Evangeliun Jacobi” (Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê) cũng được gọi là “De Nativitate Mariæ” (việc sinh hạ Đức Maria) lại nói khá chi tiết về tiểu sử Đức Mẹ.  Vì thế các giáo phụ đã sử dụng sách này mỗi khi nói đến Đức Maria, thậm chí còn dùng tác phẩm này mở đường cho việc thiết lập ba lễ: “Đức Maria Đầu Thai”, “Sinh Nhật Đức Maria” và Lễ “Đức Maria dâng mình vào đền thờ.”  Duy chỉ có điều tác giả sách này không công khai xuất hiện, mà núp dưới danh hiệu “Gia-cô-bê” – người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giê-su (tức là con riêng của Thánh Giu-se với người vợ trước) – nên sách này bị coi là “ngụy thư”.

Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia thì nhân vật tên Gia-cô-bê trong Thánh Kinh có tới 4 người: Gia-cô-bê hay Gia-cơ (tiếng Anh: James, tiếng Pháp: Jacques, tiếng Tây Ban Nha: San Tiago) có thể đề cập tới:

a- Gia-cô-bê Công chính, anh em của Đức Giê-su, được cho là tác giả “Thư của Gia-cô-bê” thuộc Tân Ước, giám mục tiên khởi Giê-ru-sa-lem.

b- Gia-cô-bê, con của Dê-bê-đê, Tông đồ, cũng gọi là Gia-cô-bê Tiền, anh trai của Tông đồ Thánh sử Gio-an.

c- Gia-cô-bê, con của An-phê, Tông đồ, đôi khi được xác định là Gia-cô-bê Công chính.

d- Gia-cô-bê Hậu, con của bà Maria Clô-pát và ông An-phê; thường được xác định là Gia-cô-bê con của An-phê (trong trường hợp này, An-phê có tên khác là Clô-pát, hoặc ít nhất là chồng của Maria Clô-pát), hoặc được xác định là Gia-cô-bê Công chính.

(2) “Đem Vầng Đông rực rỡ xuống gian trần: Hymne Ave Regina Cælorum” (Đây là lời Giáo hội hát mừng Đức Maria, sau khi Mẹ “xin vâng như lời sứ thần truyền” hoàn tất mầu nhiệm Nhập Thể).

Birthday Mary.jpg

QUÀ MỌN DÂNG MẸ MARIA TRONG NGÀY SINH NHẬT CỦA MẸ

QUÀ MỌN DÂNG MẸ MARIA TRONG NGÀY SINH NHẬT CỦA MẸ

Tuyết Mai

— Lạy Mẹ Maria, Mẹ Nhân ái luôn yêu thương con cái Mẹ dưới gầm trời này – Dù chúng con có hư đốn, có đủ thứ tội lỗi nhưng rồi đâu đó trong quãng đời Mẹ lại có cách mang chúng con trở về bên Mẹ, bên Chúa Đấng vô cùng quyền năng nhưng rất yêu thương, rất trông chờ chúng con.

— Hôm nay là ngày Sinh Nhật của Mẹ Maria mà toàn thế giới dâng tiến lên Mẹ mọi thứ quà rất đẹp đẽ, rất sang trọng và rất có ý nghĩa … như mang quà đến chia sẻ ít nhiều cho anh chị em khốn cùng ở vùng xa, vùng sâu. Hay có người chỉ có thể dâng lên Mẹ những hy sinh bé nhỏ nhất, việc làm hèn mọn nhất có thể vì sức khỏe yếu kém.

— Ai có gì thì dâng nấy phải không thưa Mẹ yêu?. Như chúng con đây ngày ngày chẳng đi đến đâu (nhất là trong thời bệnh dịch Covid-19 này) ngoài 4 bức tường yên lặng nhưng đối với chúng con là một khoảng trời hạnh phúc như được viết tâm thư dâng lên Mẹ với tất cả tấm chân tình, hết cả trái tim & và hết cả khả năng mà chúng con có.

— Chúng con là những người con từ nhỏ đã sống thiếu tình yêu thương của mẹ đẻ nhưng có phải Mẹ đã từng hiện ra qua người này, người nọ để nuôi chúng con khôn lớn hay không?. Cho chúng con có trái tim được bình thường và học cách để biết tha thứ.

— Chúng con tiếp tục được Mẹ an ủi cũng như đem lại cho gia đình mọi điều bình an, tốt lành mà có nhiều khi tưởng chừng chiếc thuyền của gia đình nó không qua khỏi những lần bão tố đánh cho tan tành. Nhưng rồi nhờ Mẹ cũng đã hàn gắn lại mọi sự hiểu lầm, mọi xung khắc trong gia đình và mọi sự dữ xâm chiếm tâm hồn của chúng con.

— Ngay cả trong thời điểm này đây thì hình như gia đình nào cũng rất cố gắng sống trong hy sinh, thay đổi ít nhiều gì chăng nữa nhưng cũng luôn bị cám dỗ Mẹ Maria ơi!. Nhất là tuổi trẻ, tuổi của con cái và cháu chắt của chúng con. Nhưng thưa Mẹ chúng con vẫn cố gắng một lòng bám vào Mẹ luôn mãi vì hiểu rằng cuộc đời mà không có Mẹ ở cạnh bên thì chắc rằng không ai mà giỏi để thoát được sự cám dỗ vô cùng nguy hiểm của chúng quỷ được đâu.

— Chúng nó biết được lòng dạ con người thì luôn mê đắm. Đàn ông thì thường bị dính vào tứ đổ tường (Rượu chè, cờ bạc, hút sách và trai gái). Còn đàn bà thì mê mua sắm, mê kiếm tiền mà bỏ mặc con cái cho người lạ trông nom. Chúng con đã học được bài học từ kinh nghiệm sống của chính đời mình nên tự hứa với lòng là cố gắng sống gần với con cái, luôn cho chúng tình yêu thương của cha mẹ và dạy cho chúng những điều rất căn bản trong cuộc sống.

— Là yêu thương gia đình vì “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; là quan tâm cho nhau chớ không thể nào lấy người ngoài mà thay thế cho người trong gia đình được cả. Chúng con không biết lấy lời gì hơn để chúc cho Mẹ Maria, Mẹ của chúng con trong ngày Sinh Nhật của Mẹ cho xứng với tình yêu thương dạt dào Mẹ luôn dành ban cho chúng con từ trước tới nay.

— Vì cả triều thần Thiên Quốc từ Thiên Chúa Cha đến Chúa Con và Chúa Thánh Thần tất cả làm yến tiệc thết đãi Mẹ mà không nơi nào trên trần gian này có thể có được. Chúng con mong Mẹ nhận lấy lời thành kính cùng những công việc hằng ngày rất nhỏ nhặt, rất khiêm nhường như dần từ bỏ thói hư tật xấu.

— Chúng con thể hiện quà dâng lên Mẹ Maria bằng những lời kinh Mân Côi mà Mẹ yêu thích nhất. Sau cùng thì hết thảy chúng con chúc Mẹ Maria ngày sinh nhật vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc trên Thiên Đàng và cùng chung vui với chúng con dưới trần – Mẹ Maria hiền mẫu của chúng con nhé!. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

8 tháng 9, 2020

ĐAM MÊ CỦA THÁNH AUGUSTINO

ĐAM MÊ CỦA THÁNH AUGUSTINO

  EYMARD An Mai Đỗ O. Cist.

  1. Wide đã khẳng định: “Mỗi vị Thánh có một quá khứ, mỗi tội nhân có một tương lai.”  Câu nói này được áp dụng triệt để cho cuộc đời của Thánh Augustino, một con người sống với nhiều nỗi đam mê.Có những đam mê đã kéo theo một đời sống lệch lạc và truỵ lạc, cũng có những đam mê giúp ngài sống thật và sống thánh.  Tất cả được bộc bạch trong cuốn Tự Thuật, một trước tác của ngài.

Lược qua tác phẩm, chúng ta ghi nhận hai điểm nổi bật nơi đam mê của thánh nhân: danh vọng và sắc dục.  Thông thường, chỉ có những đau khổ hay mất mát lớn lao cách nào đó mới khiến con người giảm trừ hay chấm dứt đam mê quá đà hoặc bất chính; thánh nhân cũng không phải trường hợp ngoại lệ.  Nhưng với ơn Chúa, ngài đã “lột xác” trải qua một cuộc biến đổi ngoạn mục mà đó cũng là một phần thao thức ngài muốn trình bày trong tác phẩm Tự thú này.

Trước tiên, chúng ta bàn đến đam mê danh vọng nơi ngài.  Đam mê này được chính thánh Augustino nhìn nhận, thích trổi vượt hơn người khác, vì vậy vinh dự của ngài là làm đẹp lòng người khác[i] .  Thật ra, nếu ngài có trí khôn và tài giỏi thì việc trổi vượt hơn người hay được người khác khen ngợi, đó là điều chính đáng.  Nhưng ngài đã lừa dối giáo sư, giấu giếm cha mẹ vì ham chơi, say mê những vở kịch nhảm nhí, điên cuồng; bắt chước các trình diễn đó rồi sinh ra kiêu hãnh, tìm tiếng khen…  Chúng ta nghe chính ngài tự thú: “Về các loại cám dỗ khác, còn có một cách nào đó dò xét được mình, còn về loại này (đam mê danh vọng), thì hầu như không có cách nào cả”[ii].  Nói như thế, ngài tỏ ra bất lực nhưng kỳ thực với ơn Chúa, ngài nỗ lực rất nhiều.  Ngài ý thức đam mê này quá quy về bản thân nên ngài hướng ra tha nhân, ngài viết: “Con thấy rõ là các tiếng khen của người ta đã làm cho con chăm chú đến lợi ích của con”[iii] .  Điều này được chứng thực qua việc ngài dùng tài hùng biện để thuyết phục người khác tìm đến chân lý.

Quả thật, với vinh dự sinh viên thủ khoa môn này, ngài nhanh chóng trở thành nhà hùng biện.  Đam mê này đã khiến ngài tìm đến Cicéron là tác giả cuốn Hortensius.  Chính tác phẩm này làm thay đổi nguyện vọng và ước muốn của thánh nhân, muốn quay về sự khôn ngoan bất tử.  Bắt đầu ngài tìm đọc Kinh Thánh nhưng cảm giác vô vị.  Có thể nói, đây chỉ là một cảm xúc nhất thời vụt tắt.  Nhưng dù sao, ngài cũng biểu hiện một cảm thức đam mê đi tìm Chân, Thiện, Mỹ.

Đam mê chân lý là một điều đáng ước ao nhưng chân lý là một thực tại không dễ thủ đắc vì lý trí đã ra tối tăm vì “vết thương tội lỗi.”  Một khi lý trí sai lầm, chân lý ấy biến thành một loại nguỵ biện.  Do đam mê hiếu tri đi tìm chân lý, thánh Augustino vương phải bè rối mà ngài ví như người có cặp mắt mù tối vướng phải cạm bẫy giăng trên đường.  Bè rối ấy âm mưu đẩy khoa học lên đến đỉnh điểm để loại tôn giáo khỏi đời sống con người.  Sự thể càng thêm trầm trọng khi một Giám Mục tên là Faustus cũng theo bè rối này.  Với tài hùng biện và lối nói dí dỏm đã làm say mê thánh nhân khiến ngài càng xác tín về những “chân lý” sai lầm; dầu là những gì thánh nhân tiếp xúc chỉ là nguỵ biện.  Nhưng điều tệ hại là một khi nhổ hết cỏ mọc hoang, mảnh đất tâm hồn trở nên trống rỗng vì không có một giáo lý lành mạnh khác trồng vào cho đến khi ngài gặp được Giám mục Ambrôsiô, từ những bài giảng hùng hồn và không kém phần hùng biện của Đức Cha này, ngài đã nhận ra được chân lý mình phải tin nhận.

Nhưng cuộc trở về của ngài không phải một sớm một chiều.  Chúng ta nghe ngài tâm sự: “Sự xấu kinh niên có sức mạnh trên con hơn là sự lành mới mẻ đối với con.  Cái giây phút mà con sẽ được thay đổi càng gần tới, thì làm cho con càng sợ hãi; nó không làm cho con lùi bước, cũng chẳng đổi chiều, nhưng là lưỡng lự.  Đây là một cuộc chiến giằng co nội tâm nhưng “giờ Chúa đã đến.”  Ngài tỏ ý muốn bằng chính dấu chỉ bên ngoài.  Ngài viết: “Việc dạy học quá vất vả đã làm cho phổi con yếu đi, con khó thở và sự đau ngực chứng tỏ có vết thương” [iv].  Nỗi đau này đồng nghĩa với việc từ bỏ nỗi đam mê hùng biện là mối cản trở lớn khiến ngài không thể hợp nhất với Giáo Hội.  Thêm một dấu lạ khác nữa, “Chúa hành hạ con với cái bệnh đau răng nguy kịch đến nỗi làm cho con không nói được nữa.  Trong lòng con nảy ra ý nghĩ là kêu gọi các bạn có mặt tại nhà, cầu xin Chúa cho con…  Nhưng chúng con vừa quỳ gối để khẩn khoản cầu xin thì cơn đau biến mất… Và tự đáy lòng, con cảm thấy một sự khuyến cáo của Chúa và vui vẻ trong đức tin”[v].

Từ những lời tự thuật trên, chúng ta có thể xác tín rằng đức tin là hồng ân Chúa ban và “giờ Chúa đến” thì không ai có thể ngăn cản được!  Vì ý muốn của Chúa là ý muốn quyền năng, nghĩa là muốn gì thì được vậy!

Hành trình đi đến đức tin của thánh nhân còn nếm trải một nỗi đam mê chết người là đam mê sắc dục.  Có thể nói, nó chi phối toàn bộ cuộc sống của ngài.  Augustino đã tự thú: “Con không biết phân biệt sự sáng sủa của tình yêu và sự tối tăm của nhục dục.  Cả hai tình yêu đều bốc cháy lẫn lộn trong con, lôi kéo tuổi xuân khờ dại của con qua những ghềnh dốc đam mê và dìm con xuống vực thẳm các nết xấu…  Sự dâm đãng đã làm con dao động và xiêu té, phung phí và tiêu tan sức lực” [vi] Ngài và các bạn của ngài ganh đua nhau không phải tập tành nhân đức hay nghiên cứu tri thức mà lại so kè xem ai làm chuyện xấu xa đồi bại hơn.  Có lúc, vì muốn hơn chúng bạn, ngài phải nói dối, ngài tâm sự: “Con sợ bị khinh thị vì vô tội, bị coi hèn hạ hơn vì trong sạch”[vii].

Ngài mô tả đam mê nhục dục: “Chúng xuất hiện lờ mờ trước mặt khi con tỉnh thức, nhưng trong giấc ngủ, chúng gợi lên không những cảm giác thú vui, mà còn sự ưng thuận và như có cả hành động nữa”[viii].  Ở đây, có sự can dự của tiềm thức; những hình ảnh đập vào mắt, chúng ám ảnh toàn diện con người nên dịp tội và ưng thuận là khoảng cách mong manh.  Đến nỗi, khi nghĩ về những điều này, ngài thốt lên: “Trước thánh nhan Chúa, con là một bí mật cho con và đó chính là sự yếu đuối của con” [ix].  Quả thật, đam mê nào cũng đi kèm với khoái lạc, mà đam mê nhục dục chi phối toàn bộ sinh hoạt con người nên khi muốn từ bỏ ngay đối tượng đam mê, khoái lạc lại khuấy động, cảm xúc trào dâng, giác quan dễ tìm lại cảm giác cũ.  Với những nguy hiểm rình chờ, ngài chỉ còn cách kêu cầu Chúa: “Con đã nói cho Chúa nhân lành biết hiện trạng yếu đuối của con: con vui mừng mà run sợ về những ơn Chúa đã ban, con khóc lóc về những  thiếu sót trong con, con hy vọng Chúa sẽ hoàn tất nơi con lòng thương xót của Chúa, cho tới sự bình an trọn vẹn, mà mọi quan năng bề trong bề ngoài của con được hưởng nơi Chúa”[x].

Chúng ta vừa lược qua những đam mê của thánh Augustino, xem ra rất con người xác thịt nhưng nhờ ơn Chúa, ngài đã chuyển hướng biến nó thành phương tiện mang ơn cứu độ.  Chắc hẳn, đây sẽ là sứ điệp về niềm hy vọng cho mỗi chúng ta, rằng: chúng ta vẫn sống hoài nỗi đam mê mà không làm nguôi ngoai khát vọng nên thánh.  Một hành trình đến đức tin, một hành trình dài nên thánh đòi buộc ngài phải xét mình luôn, ngài tâm sự: “Con thường xuyên kiểm điểm về cái yếu đuối tội lỗi của con dưới những hình thức đam mê”[xi].  Và xác tín như thánh Phao lô: chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh.

Phải chăng chính khi ngài trải qua những đêm tối lầm lạc, đam mê nhiều phen mà Giáo hội đã có một hướng nhìn đúng đắn và cởi mở từ học thuyết đam mê của ngài?

 EYMARD An Mai Đỗ O. Cist.

[i] X. Thánh Augustino, Tự Thuật, QI, XIX, 30.

[ii] Sđd, QX, XXXVII, 60.

[iii] Sđd, Q X, XXXVII, 62.

[iv] Sđd, Q IX, II, 4.

[v] Sđd, Q IX, IV, 12.

[vi] Sđd, Q II, II.

[vii] Sđd, Q II, III,7.

[viii] Sđd, Q X, XXX, 4.

[ix] Sđd, Q X, XXXIV, 50.

[x] Sđd, Q X, XXX, 42.

[xi] Sđd, Q X, XLI, 66.

 From: Langthangchieutim

Augustine.jpeg

ĐỨC MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

ĐỨC MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

(15 tháng 8)

Tuyết Mai

— Lạy Mẹ Maria, Mẹ của toàn thể nhân loại! Chúng con cảm tạ Mẹ đã luôn gìn giữ xác, hồn chúng con cùng luôn chăm sóc cho được hằng ngày dùng đủ. Dạy cho chúng con biết nhiều điều để học biết mà tránh xa làm những điều xấu có hại cho bản thân, cho gia đình và cho anh chị em cùng có hại cho linh hồn sống đời của chúng con nữa. Xin Mẹ không để cho sự dữ hãm hại chúng con trong cuộc sống ngày qua ngày mà chúng con không hề hay biết.

— Trong ngày Lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời chúng con hết thảy dâng kinh Mân Côi hướng lên Trời cao cùng chúc khen Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương cách rất đặc biệt. Bởi chính Người đã tác tạo ra Mẹ cách riêng để Mẹ được chọn làm Mẹ của Chúa Con Giêsu, Con Thiên Chúa Cha. Vì Mẹ thật xứng đáng được Chúa tôn vinh, được cho nên cao cả trên Nước Trời.

— Chẳng những chúng con vui mừng hát khen ca tụng Mẹ, dâng lên Mẹ kinh Mân Côi thay cho những cành hoa muôn màu sắc thắm và mỗi loài hoa đều có một hương thơm riêng biệt. Đồng thời thì chúng con rất hãnh diện vui sướng vô cùng vì có được Mẹ là Mẹ của chúng con được mọi người khắp nơi trên toàn Thế Giới biết đến dù họ là người của tôn giáo nào.

— Còn gì an toàn hơn cho bằng khi biết rằng Mẹ luôn ở gần và gìn giữ chúng con ngày đêm, chẳng xa rời nửa bước vì chúng con luôn làm những chuyện ngu khờ và dại dột. Có Mẹ thì chúng con vô cùng an tâm khi biết rằng chung quanh chúng con ngày đêm luôn bị quỷ dữ rình rập, cám dỗ và gài bẫy. Có Mẹ bên cạnh thì chúng không dễ dàng để hãm hại chúng con cho được.

— Chúng con biết cuộc sống trần gian này thì đầy dẫy những đam mê tội lỗi, ảo tưởng do chúng quỷ tinh vi gọi mời mà con người tham lam của chúng con thì rất dễ bị ngã lòng, sa ngã và không khó để ngả theo chúng như chúng trẻ dễ bị dụ vào băng đảng mà khi vào rồi thì làm gì có cửa ra?. Nếu chúng có thả ra thì chỉ còn là thân tàn ma dại chớ không làm được gì, ngay cả nuôi bản thân.

— Chúng con van xin Mẹ chớ bỏ chúng con là những người con mang chứng bệnh ung thư tâm hồn; còn nguy hiểm hơn gấp bội lần những người có bệnh nơi thân xác (vì trong thân xác có bệnh nó đã hạn chế nhiều không có thể làm hại ai được) vì chúng con là thành phần mạnh khoẻ nên chúng quỷ luôn thích chiêu dụ để dùng chúng con cho kế hoạch thâu nhiều linh hồn về cho chúng. Làm chúng con lồng lộn lên như người bị nghiện thuốc phiện đá để giết hại lẫn nhau … cho đến khi Trái Đất này sẽ phải nổ tung lên và chết hết.

— Cúi xin Mẹ Maria tiếp tục gìn giữ chúng con vì Mẹ biết rất rõ tất cả những thói hư, tật xấu của chúng con như tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen và nhất là kiêu ngạo. Đầy lòng hận thù, luôn tự ái vì thiếu tự tin; luôn ghen ăn tức ở làm cho đầu óc trở thành đê tiện và trở thành nguy hiểm cho xã hội. Xin Mẹ Maria gìn giữ chúng con luôn nhất là trong giờ Lâm Tử. Amen.

Y tá con của Chúa,
Tuyết Mai
14 tháng 8, 2020