Phạm Đoan Trang nhận thêm giải trong lúc chưa được đi Mỹ tỵ nạn

Ba’o Dat Viet

April 12, 2024

Phạm Đoan Trang đang thụ án 9 năm tù

“Chính phủ Việt Nam đã đàn áp và bỏ tù bà Trang nhằm mục đích bóp nghẹt tiếng nói của bà. Bà đã hy sinh sức khỏe và sự tự do của mình để theo đuổi công lý. Bất chấp sự đàn áp của chính phủ đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động tích cực, những lời nói mạnh mẽ của bà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân trên khắp Việt Nam và trên toàn thế giới”.

Tổ chức Văn Bút Mỹ sẽ trao giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey năm nay cho tác giả-blogger-nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, ghi nhận những đóng góp quý báu của bà trong lĩnh vực sáng tác và tự do biểu đạt. Bà Trang đang thụ án 9 năm tù ở Việt Nam.

Giải thưởng về tự do viết sách báo này được trao hàng năm cho một nhà văn có tâm bị bỏ tù. Năm nay, Văn Bút Mỹ (PEN America) trao giải thưởng này cho nữ tù nhân người Việt đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam giam cầm.

“Bà Phạm Đoan Trang đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam thông qua các bài viết về dân chủ, nhân quyền, suy thoái môi trường và trao quyền cho phụ nữ”, bà Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành Văn Bút Mỹ, cho biết trong một thông báo hôm 11/4.

“Chính phủ Việt Nam đã đàn áp và bỏ tù bà Trang nhằm mục đích bóp nghẹt tiếng nói của bà. Bà đã hy sinh sức khỏe và sự tự do của mình để theo đuổi công lý. Bất chấp sự đàn áp của chính phủ đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động tích cực, những lời nói mạnh mẽ của bà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân trên khắp Việt Nam và trên toàn thế giới”, bà Nossel nhấn mạnh.

Bà Trang bị bắt vào tháng 10/2020 sau nhiều năm bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu, và hiện đang thụ án tù 9 năm với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”, Văn Bút Mỹ viết trên trang X.

Bà Trang, 45 tuổi, đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có “Chính trị của một Nhà nước Công an” và “Chính trị bình dân”.

Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa của bà Trang, và bà Trần Quỳnh Vi, bạn của bà, cũng là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV), sẽ thay mặt bà nhận giải trong buổi dạ tiệc thường niên của PEN vào ngày 16/5, theo hãng tin AP.

Giải thưởng Tự do Sáng tác PEN/Barbey là một công cụ mạnh mẽ trong nỗ lực của Văn Bút Mỹ nhằm chấm dứt đàn áp các nhà văn và nhà bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tính đến hết năm 2022, hơn 311 nhà văn trên toàn thế giới đã bị cầm tù và 800 người khác bị chính quyền áp bức ở 80 quốc gia đàn áp, theo Chỉ số Tự do Viết sách báo năm 2023 của Văn Bút Mỹ.

Giải thưởng này được xem là bệ phóng cho sự vận động của Văn Bút Mỹ đối với các tác giả mà tổ chức này vinh danh. Trong số 53 nhà văn bị bỏ tù đã nhận được giải thưởng kể từ năm 1987, có 46 người đã được trả tự do một phần do nhận thức và áp lực mà giải thưởng tạo ra.

(Theo VOA)


 

Lại đua đòi ‘khổng lồ,’ Hưng Yên làm bánh chưng, bánh giầy 12 tấn

Ba’o Nguoi-Viet

April 11, 2024

HƯNG YÊN, Việt Nam (NV) – Sau vài năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, tỉnh Hưng Yên ở Việt Nam vừa tái diễn thói đua đòi làm bánh chưng, bánh giầy “khổng lồ” để “gây tiếng vang.”

Theo báo Thanh Niên hôm 10 Tháng Tư, một cái bánh chưng nặng đến 10 tấn và cái bánh giầy 2 tấn vừa được nấu trong năm ngày tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Lượng gạo nếp, thịt, đậu xanh để làm bánh chưng nặng 10 tấn và bánh giầy 2 tấn. (Hình: Thanh Niên)

Vụ nấu bánh “khổng lồ” được giải thích là nhân dịp “lễ hội truyền thống chùa Hoàng Xá và đền Quốc Mẫu Âu Cơ” vào Tháng Ba Âm Lịch hằng năm.

Bản tin cho biết, kinh phí mua gạo nếp, thịt, đậu xanh, lá dong và 50-70 tấn củi là do người dân, Phật tử đóng góp.

Ông Lã Văn Lưu, chủ tịch xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên, nói rằng cái bánh chưng năm nay nặng “gấp đôi” cái bánh chưng 5 tấn nấu hồi năm 2014 cũng tại địa phương này.

Sau khi được luộc chín, do bánh rất nặng nên được đặt tại vị trí ban đầu ở sân đền Quốc Mẫu Âu Cơ và được làm lễ dâng bánh từ ngày 14 đến 18 Tháng Tư.

Ông Lưu nói thêm: “Nhiều người lo ngại với trọng lượng bánh chưng, bánh giầy lên tới 12 tấn sử dụng không hết sẽ gây phí phạm. Tuy nhiên, sau khi làm lễ xong, bánh sẽ được chia cho toàn bộ nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dự lễ hội. Chúng tôi bảo đảm sẽ không còn miếng bánh nào dư thừa.”

Vụ Hưng Yên cho nấu bánh chưng “khổng lồ” khiến người ta nhớ lại chuyện tỉnh Nghệ An mấy năm trước thường tổ chức lễ dâng cặp bánh chưng nặng 7 tạ tại mộ bà Hoàng Thị Loan, mẹ ông Hồ Chí Minh, vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hằng năm.

Sau khi bị công luận chỉ trích vì sự phí phạm thực phẩm, chính quyền tỉnh này đã ngưng làm bánh chưng “khổng lồ” và thay bằng hàng chục cái bánh chưng với kích cỡ thông thường.

“Nồi” nấu bánh chưng đỏ lửa trong năm ngày, với 50-70 tấn củi. (Hình: Thanh Niên)

Báo Lao Động hồi năm 2018 từng chỉ trích vụ thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chạy đua làm bánh giầy kỷ lục 3 tấn dâng Vua Hùng là “phô trương, hình thức.”

“Kinh phí dành cho việc dâng bánh ‘khủng’ không phải là quá lớn. Nhưng điều đáng nói là việc làm ấy đã khơi mào cho thói đua đòi theo hư danh, hình thức, lãng phí trong lễ hội quan trọng của quốc gia, trong khi chúng ta đang phát động ý thức cần kiệm, sự thành tâm, chân thật, nhân văn. Việc làm những cái bánh ‘khủng’ không phải chứng minh chúng ta đã giàu có, sung túc hay có tiến bộ về khoa học, công nghệ. Đó chỉ thể hiện tư duy giản đơn, thích ‘chơi trội,’” báo này kết luận. (N.H.K) [qd]


 

Sài Gòn, dư -âm cuối của ngày rời xa-Tác Giả: Phạm Thanh Nghiên

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Phạm Thanh Nghiên

09/04/2024

Ảnh do tác giả cung cấp

(Nhân một năm, ngày bị đẩy ra khỏi quê hương)

Chúng tôi gặp nhau lần cuối vào một ngày Tháng Sáu năm 2022 trước khi Gaetan kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam để về Mỹ. Được biết, đất nước tiếp theo Gaetan sẽ đến là Ba Lan, quê hương của vợ anh. Anh có vẻ háo hức với nhiệm kỳ sắp tới vì Ba Lan là quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc chiến đấu vệ quốc của người Ukraine trước sự xâm lược của quân Nga. Trong số những viên chức ngoại giao nước ngoài quan tâm về những người bất đồng chính kiến mà tôi từng tiếp xúc, Gaetan là người để lại cho tôi nhiều thiện cảm nhất.

Khác hẳn các lần gặp trước với những câu chuyện về bắt bớ, đàn áp nhân quyền hay về các tù nhân lương tâm. Hôm đó, Gaetan không còn giữ vẻ quá trang trọng của một viên chức ngoại giao, anh thể hiện thái độ khá thân thiện, và không ngại bày tỏ cảm xúc trong khi trò chuyện.

“Tôi muốn nói với anh chị rằng, đây là một nhiệm kỳ thất bại của tôi. Có những điều tôi mong muốn đã không xảy ra. Nhiều dự định của tôi đã không thực hiện được trong thời gian ba năm làm việc ở Việt Nam”.

Chúng tôi thật sự bất ngờ và không khỏi bối rối trước lời bộc bạch chân thành của Gaetan.

“Một trong những mong muốn của tôi, đó là được đích thân tiễn anh chị và cháu bé ra tận phi trường để sang Mỹ. Tôi muốn thấy gia đình anh chị được an toàn tại nước Mỹ. Tôi thật sự xin lỗi vì đã không thể làm gì hơn”.

Ngoài những yếu tố nhạy cảm không tiện nói – theo lời giải thích của Gaetan, thì đại dịch COVID-19, việc công an luôn gây trắc trở cho việc làm giấy tờ tùy thân của anh Tú, và kể cả chính sách hạn chế người nhập cư của chính phủ Mỹ thời điểm đó, là những lý do khiến việc ra đi của chúng tôi bị chậm lại.

Trong khi chờ đợi người thông dịch làm công việc của mình, thỉnh thoảng Gaetan lại nhìn chúng tôi mỉm cười. Nụ cười buồn và ánh mắt chất chứa niềm cảm thương.

“Tôi muốn nói rằng anh chị là những người rất dũng cảm và tôi thật may mắn được làm bạn với anh chị. Trước ngày đến gặp anh chị, tôi đã xem lại một bộ phim khá nổi tiếng của Mỹ, nói về Frank Kameny, người đã dũng cảm chống lại chính phủ để đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính”.

Gaetan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Frank Kameny. Ông là một nhà thiên văn học, làm việc tại Cơ quan Bản đồ Quân đội Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Năm 1957, Frank bị sa thải sau khi ông bị phát hiện là người đồng tính. Chính phủ Mỹ cho rằng người đồng tính là mối đe dọa đối với an ninh đất nước. Họ mở một chiến dịch nhằm xác định giới tính của các nhân viên và sa thải bất cứ ai bị nghi ngờ là người đồng tính. Hậu quả của các cuộc săn lùng là hàng ngàn người bị đuổi việc, bị lâm vào cảnh nghèo túng, thậm chí tự sát. Nhưng hầu như tất cả những người bị sa thải đều nghĩ rằng quyết định của chính phủ là đúng, và chấp nhận điều đó.

Frank là người đầu tiên phản đối việc sa thải ông. Frank tìm gặp những người cùng cảnh ngộ, thuyết phục họ đứng lên đòi quyền được trở lại làm việc. Ông đã bắt đầu một cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại chính sách mà ông cho là sai lầm của chính quyền Mỹ, và trở thành người dẫn đầu phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính vào đầu những năm 1960. Cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khổ của ông cuối cùng đã có kết quả. Nhiều người đồng tính đã được gọi trở lại làm việc. Năm 2009 và 2010, Frank Kamely được mời đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Obama ký kết những Đạo luật quan trọng công nhận quyền bình đẳng của người đồng tính.

Sau khi bị sa thải, Frank đã tự đặt câu hỏi rằng chính phủ “sai” hay “đúng”. Anh ấy chỉ mất đúng một giây để tìm ra câu trả lời: anh đúng, chính phủ và xã hội Mỹ sai. Frank đã dũng cảm đứng lên đấu tranh cho điều anh ấy tin là đúng. Giống như những việc làm của anh chị. Rõ ràng là xã hội Việt Nam, nhà nước Việt Nam đã sai và anh chị đã đúng. Có thể bây giờ thì chưa, nhưng tôi tin, vào một lúc nào đó, xã hội và nhà nước Việt Nam sẽ phải thừa nhận những gì anh chị và các bạn của anh chị làm là đúng”.

Tôi đáp lại Gaetan, giọng có chút đanh lại:

“Nhưng chính phủ Việt Nam khác với chính phủ Mỹ. Những người lãnh đạo ở đất nước anh biết lắng nghe, còn ở đất nước tôi thì không”.

Chúng tôi im lặng. Dù rất kiềm chế, nước mắt tôi vẫn ứa ra.

Tôi có tật xấu, gặp chuyện gì cảm động là khóc, bất kể liên quan đến mình hay không.

Tôi cảm động trước câu chuyện và tình cảm của Gaetan dành cho gia đình mình. Nhưng cũng thật cay đắng với suy nghĩ rằng, người đàn ông ngồi trước mặt mình, đến từ một đất nước xa xôi, không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng chủng tộc nhưng lại thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ những việc mình làm. Trong khi đó, những người cai trị đất nước này lại truy lùng, bắt bớ và tìm cách loại bỏ chúng tôi. Những tiếng nói bảo vệ công lý và sự thật, quá cô đơn trên chính quê hương mình.

Trước khi ra về, Gaetan dặn, khi nào đi được thì email báo cho anh biết và gửi cho anh tấm hình chụp ba người chúng tôi trên đất Mỹ để anh vui.

Chín tháng sau ngày chia tay Gaetan, chúng tôi được mời lên văn phòng IOM (Tổ chức Di dân Quốc tế) tại quận Nhất, Sài Gòn. Người phụ trách hồ sơ của gia đình tôi, thông báo:

“Anh chị có thể chọn ngày đi. Nhưng chậm nhất là 30 Tháng Tư anh chị phải rời khỏi Việt Nam”.

Tôi lặng người đi. Ngay tức khắc, một nỗi buồn tê tái siết chặt lấy tâm hồn tôi. Bao nhiêu câu hỏi “tại sao” luẩn quẩn trong đầu, nhưng miệng tôi cứng đơ, không thốt ra được lời nào. Chồng tôi ngồi bên cạnh, cũng lặng im như thế. Thay vì mừng vui, tôi lại thấy thương hại cho chính mình.

Một cảm giác tủi thân đến vô cùng. Tôi sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Máu thịt tôi ở đây, hồn vía tôi ở đây. Tôi thuộc về nơi này và nơi này thuộc về tôi. Thế mà bây giờ, tôi “phải rời khỏi Việt Nam chậm nhất là ngày 30 Tháng Tư”. Những người đồng bào Miền Nam của tôi đã phải lũ lượt, lầm lũi ra đi sau cái ngày 30 Tháng Tư năm 1975 nghiệt ngã ấy. Lẽ nào, sau gần 50 năm trường, cái biến cố thảm thương ấy vẫn siết chặt lấy thân phận người Việt, trong đó có gia đình tôi, như một thứ định mệnh bi đát không thể nào thoát ra được.

Người ta cho tôi hạn chót để rời bỏ quê hương, nhưng ngày về thì không ước hẹn. Bao giờ….bao giờ…., biết đến bao giờ…?

Phạm Thanh Nghiên (Facebook) 


 

 Ký ức 30-4: Giấc mộng kinh hoàng

Ba’o Nguoi-Viet

April 7, 2024

Phan Đức Minh/SGN

Một triết gia đã nói: Nhìn lại quá khứ gian lao để biết yêu quý hiện tại và tin tưởng ở tương lai…

Ba hồi kẻng báo thức vang lên, tôi bật dậy như cái máy.

Suốt cuộc đời ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh, từ lúc 15 tuổi bỏ trường học đi kháng chiến, đánh Tây, chui hầm, rúc hố, hai lần bị Tây bắt nhốt vào tù, rồi 23 năm lính, hơn 12 năm tù cải tạo, phiêu bạt giang hồ qua bao nhiêu trại giam, toàn là rừng với núi âm u, hiểm hóc, giáp biên giới Lào, bao phen chết lên chết xuống, cho tới lúc này, 90 tuổi rồi, đang sống ở Mỹ, tôi vẫn không ghét cái gì bằng ghét những tiếng kẻng báo thức ác ôn, khốn nạn đó.

Nó báo hiệu bắt đầu một ngày lao động kinh khủng trong cái đói khát, khổ sở, nhọc nhằn đến tận cùng của cuộc đời.

Tất cả chung quanh đều tối om. Ngọn đèn dầu duy nhất là chiếc lọ đựng thuốc, đốt bằng dầu cặn, lớn cỡ quả trứng gà, thường treo ở góc tường phía trước cầu tiêu cuối phòng đã tắt ngủm từ lúc nào vì lượng dầu không đủ cho một đêm thắp sáng. Có tiếng la chí choé vì thằng nọ đái vào thằng kia.

Vì tên ngồi trên bồn cầu tiêu chưa kịp lên tiếng thì đã bị thằng đứng phía dưới, kẹt quá… đi một đường vòng, tưới ướt sũng từ cổ trở xuống. May mà tay kia vì ngồi trên cao cho nên mắt mũi, mồm miệng chưa phải lãnh cái thứ nước ghê gớm đó của tù cải tạo, tích tụ cả đêm.

Cảnh náo loạn này thường xuyên xảy ra vì tay nào cũng khôn ngoan, kinh nghiệm đầy mình, cứ thức dậy sớm hơn người khác một tí là phải lò mò, rón rén trong cái tối đen như mực Tầu, lần vào cái cầu tiêu duy nhất ở cuối phòng…

Nếu không, khi kẻng báo thức vang lên là gần một trăm tên tù cải tạo của nhà 10, cái nhà nhốt những tên bị coi là “ác ôn côn đồ thượng hạng”: chức vụ cao, có thành tích “chống phá cách mạng,” nhiều phen bị nhốt chuồng cọp vì đủ thứ việc… sẽ đổ xô vào cái nhà cầu chỉ có hai bàn cầu dành cho việc “đại sự,” còn “tiểu sự” thì cứ tưới xuống cái rãnh trước bồn nước, do tên tù trực phòng gánh nước giếng đổ vô đó từ chiều hôm trước.

Đèn điện bật sáng 10 phút cho đám tù dọn dẹp đủ thứ trên cái “lãnh thổ” dành cho mỗi tên: chiều dài hai mét theo bệ xi-măng, chiều ngang đo đúng ba gang tay của tôi. Khi ngủ mà nằm ngửa là đụng hoặc đè lên đứa bên cạnh cho nên ban đêm chỉ có cách nằm nghiêng mà thôi.

Cái bệ xi-măng làm giường ngủ là ở trình độ cao cấp nhất, do công an “phát minh” ra. Những năm đầu, quân đội nhân dân quản lý tù, người ta cho tù ngủ trên những cái sạp đan bằng nứa, tre rừng hoặc cây nhỏ. Xài kiểu giường này, dân tù nhà ta dù có đập chết vẫn tìm cách giấu giếm, gùi nhét đâu đó vài ba mẩu giấy linh tinh, mấy thứ đồ “quốc cấm, nguy hiểm, bí mật”. Công an phát minh giường bằng bệ xi-măng thì tù chỉ còn có nước… khóc mà thôi, nhét cái gì xuống bệ xi-măng được bây giờ?

Tíếng khóa mở cửa, rồi tiếng kéo cây sắt chặn ngang bên ngoài kêu rầm rầm. Tên tù trong Ban trật tự trại (có gốc con ông, cháu cha nón cối, hay có dây mơ rễ má với cán bộ của trại) quát to: “Nhà 10 ra tập họp điểm danh, mau lên!”.

Những con người vọt ra, đứng sau hàng rào kẽm gai, vặn mình vặn mẩy, vung tay vung chân cho khỏi mỏi sau một đêm ngủ theo cái kiểu co quắp, úp thìa (xếp muỗng) vì vùng núi ban đêm thường lạnh. Mùa đông thì thôi, lạnh khỏi nói, lạnh muốn chết luôn.

Ba hồi còi rít lên, tất cả dân tù ngồi chồm hỗm xuống đất, mười tên một hàng cho cán bộ trực trại điểm danh, ghi sổ. Xong màn điểm danh, một số chạy vô trong nhà lo dọn dẹp, chuẩn bị lãnh khoai sắn, đồ đem theo đi lao động. Riêng tôi, cái bao cát có quai đeo, của vợ con gửi cho khi “thăm nuôi” đã sống chết theo sát bên tôi bao nhiêu năm rồi, không nhớ nữa. Công an mà nghe nói “thăm nuôi” là có chầu bị “hỏi thăm sức khoẻ” vì Đảng và Nhà Nước có để cho ai đói đâu mà phải “nuôi”, phải nói là “đi thăm” mới đúng chính sách.

Trong túi là phần khoai sắn ăn trưa nhét trong cái lon ghi-gô đen sì, nham nhở vì đã qua nhiều phen “trận mạc, khói lửa”. Đó là cái lon đựng sữa bột Guigoz cho con nít trước 1975 được tôi dùng làm nồi niêu, soong chảo, nấu nướng đủ thứ trên đời, bất cứ thứ gì kiếm được và ăn được.

Ngoài ra trong cái bao còn có bi đông nước, lãnh theo tiêu chuẩn nhà bếp, uống cho một ngày, một túi ni lông để nếu hoàn cảnh cho phép thì “cải thiện” tức là kiếm chác tí rau hoang, cà dại, con cóc, con nhái bỏ vô, đến trưa nghỉ giải lao, tìm cách xoay sở biến thành thức ăn bồi dưỡng, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, miễn sao đừng ngộ độc là được rồi!

Một số anh em vọt ra phía cầu tiêu công cộng, có khi để “giải quyết bầu tâm sự” mà cũng có khi liên lạc, trao đổi dấm dúi cái này cái nọ với bạn bè ở nhà khác hay với đám tù hình sự… Phải đóng tuồng cho khéo, kẻo công an hay đám ăng-ten (bọn tù được công an tuyển chọn, cho hưởng đặc ân: lon gạo, miếng thịt, miếng cá mỗi tháng để giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo về mọi hành động lén lút, vi phạm nội quy) biết được thì cuộc đời khốn nạn ngay.

Rồi một hồi kẻng dài điểm thêm ba tiếng kẻng đằng sau là chúng tôi ào ra cổng trại, ngồi chồm hổm trên cái sân đất rộng, xếp hàng điểm số, đi lao động. Tên công an trực trại, ngồi trong “lô cốt” dò sổ rồi kêu: Nhà 10! Chúng tôi bật dậy, ra cổng, thứ tự hàng một theo sự điều khiển của tên tù Đội Trưởng hay Đội Phó (được công an tuyển theo tiêu chuẩn của chúng), đếm số rồi bước ra khỏi cổng.

Mấy tên trực dụng cụ chạy vào kho nhận và vác theo mấy bó dao đi rừng. Hôm nay, Nhà 10 chúng tôi có nhiệm vụ đi lấy mây, tiêu chuẩn tối thiểu 70 cây, dài hai mét. Nghe qua thì coi bộ ngon ăn, nhưng tìm cho ra khu rừng nào có mây hay còn mây sau hàng chục năm bị tù càn lui, quét tới, quả thực không phải chuyện dễ.

Dao rừng phải cột lại thành từng bó, tới địa điểm do công an quyết định mới được tháo ra, phát cho từng người. Phát trước, sợ tù dùng làm vũ khí… “hỏi thăm sức khỏe” bọn công an áp giải. Trại của chúng tôi đã có một vụ âm mưu nổi loạn, cướp súng, giết công an, đốt trại rồi kéo nhau qua biên giới Lào, ngay sau vụ Trung Cộng kéo quân sang đánh phá sáu tỉnh miền Bắc hồi đầu năm 1979 (vì Trung Cộng muốn dạy cho Hà Nội “một bài học” khi dám theo đuôi sư phụ Liên Xô đem quân sang Căm-Bốt oánh cho bọn cầm quyền Khờ-Me đỏ, con đẻ của Trung cộng, rách như cái mền).

Âm mưu nổi loạn ở trại bị bại lộ, cộng sản đã lập “Tòa án nhân dân” ngay tại trại, xử tử hình tay sĩ quan cầm đầu, còn lại thì lãnh án từ 15 năm tù trở lên cho đến chung thân khổ sai.

Tôi nhớ trung úy Nguyễn Văn Sĩ, Biệt Động Quân, Trưởng Ban tuyên truyền, khi bị bắt đã không khai ra tôi, chắc nó thương tôi, chớ không phải nó quên. Vì quên làm sao được khi có tin tức chi, công việc ra sao, nó cũng chớp nhoáng cho tôi hay để lo liệu, ở ngay góc đống rác cạnh hàng rào kẽm gai ngăn Nhà 10 của tôi với Nhà 11 của nó, khi chập choạng tối, sau khi điểm danh và trước khi tù phải vào phòng để khoá cửa sắt…

Ít lâu sau nó được thả ra, về Sài Gòn rồi cưới vợ, cưới cô con gái thương yêu nó hết mình. Chưa cưới hỏi chi cả mà cứ sáu tháng một lần, cô ấy từ Sài Gòn ra Trung, lên núi thăm nó, mối tình sao mà cao đẹp đến thế! Vậy mà khi điều tra ra, nó bị công an Sài Gòn bắt lại, từ giã người vợ thương yêu, bị đưa về trại cũ, đánh đập, tra khảo tàn nhẫn, bắt khai ra số người đã liên lạc với nó, nhưng nó đã không khai tôi vào số đó.

Tôi chỉ biết thầm cảm ơn và cầu xin trời đất phù hộ cho nó mà thôi vì sau đó, nó bị tống vô xà-lim. Tôi chẳng bao giờ gặp nó nữa, trừ một lần cuối cùng nó bị điệu ra trước “Tòa án nhân dân” lập ngay trong trại, xét xử theo “luật rừng”.

Mỗi khi lên rừng lấy mây, tôi thường đi đôi với thằng bạn thân, đại úy H. trước làm ở Tiểu khu Quảng Nam. Nó ít tuổi hơn tôi, cấp chức cũ cũng nhỏ hơn nên nó gọi tôi là bác. Còn tôi cứ gọi hắn bằng tên cho thân mật. Thằng bạn này thuộc loại “số đỏ” bởi vì có hai vợ mà khi đi tù, cả hai bà đều “nhất trí cao” coi nhau: vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Hai bà vẫn một lòng chia sẻ với nhau anh chồng chung như thuở nào, thay phiên đi thăm nuôi đàng hoàng.

Bữa nay, anh bạn đại úy H. bị đau, ói mửa cả đêm. Trạm y tế cho nằm nhà, nhưng phải quét dọn vệ sinh trong phòng và chung quanh. Cán bộ bảo “Đi học tập cải tạo là không được phép đau. Mà nếu đau thì cũng phải cố gắng lao động nhẹ, chớ nằm một chỗ là con người hư hỏng, bết bát rồi chết luôn”.

Nói đến H, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về hai người bạn hay đi lao động cùng toán với tôi:

– Anh thứ nhất: to cao, có lòng giúp đỡ bạn bè, khi đi nhổ sắn, về gần đến cổng trại, anh thường dúi vào gánh của tôi vài củ sắn, cho… đạt chỉ tiêu. Lại nhớ có một hôm anh em đeo ba-lô đi gùi những mảnh sắt thép tại một địa điểm có vài chiếc xe của quân đội miền Nam cũ phá bỏ, nằm ụ đống. Công an cho một nhóm tù có tay nghề tới tháo, cưa kéo thành những mảnh nhỏ rồi gùi, cõng về trại để thợ rèn làm thành những con dao đi làm rừng. Một bữa đi cõng sắt vụn về trại, dọc đường hắn thấy tôi mệt muốn lè lưỡi, bèn ghé sát cạnh tôi mà phán: “Coi bộ ngài quan tòa nhà ta sắp xụm bà chè mất rồi. Thôi! Để mình gùi bớt cho một mảnh!

– Anh thứ hai: một bữa đi nhổ sắn, lúc gánh lên đỉnh đồi, ngồi nghỉ, lấy sức xuống dốc, tìm gói đồ ăn quý hóa gia đình gửi cho, buộc ở thắt lưng bằng dây rừng, thì gói đồ ăn đã rơi đâu mất tiêu. Chắc là mất trong khi len lỏi trong rẫy sắn, chặt cây, nhổ gốc, chặt củ, xếp vô quang gánh đầy ụ, gần 50 kílô, ngày làm hai chuyến.

Bọn chúng tôi ngồi quanh đó phải bóp mồm, bóp miệng, mỗi đứa góp cho cậu ta miếng khoai, miếng sắn để “cứu nguy dân tộc”. Buồn quá, anh ta bèn hát mấy câu đầu của bài “Quốc Tế Ca”: “Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…”. Vậy mà tối về trại, công an quản giáo lôi anh ra hỏi tội: “Tại sao anh lại hát như thế?”…

Ấy chết! Đang nói chuyện lên rừng lấy mây. Thằng bạn đau nằm nhà, tôi lên rừng một mình theo hướng đi thường lệ. Bắt đầu tới con suối nhỏ, tôi quan sát thấy mấy đám cát trắng bên bờ giáp bìa rừng có vô số dấu chân thú rừng, ban đêm mò xuống suối uống nước.

Theo kinh nghiệm của dân vùng núi mà tôi học được thì dấu chân hầu hết là của bầy heo rừng, nhưng cũng có cả dấu chân của “ông Ba Mươi” tức là Cọp. Tôi hơi ngán, nhưng hoàn cảnh này không ai cho phép ngán cả. Tôi leo lên núi, đi dọc theo con suối chừng gần cây số, ngó lên cao thấy có bóng dáng lá mây quen thuộc.

Tôi dừng lại ở điểm đó, không vào sâu nữa, rồi leo ngược dốc đi thẳng lên, lấy tiếng suối róc rách làm hướng cho khỏi lạc, thỉnh thoảng vung con dao rừng chặt một mảng vỏ thân cây lớn đánh dấu đường đi, để còn biết đường mà ra. Càng leo lên núi cao, cây cối càng chằng chịt, nhưng như thế mới dễ có mây. Trời đất không nỡ hại tôi, một vùng mây chằng chịt hiện ra trước mắt.

Mây nằm la liệt dưới mặt đất, mây leo lên tuốt cây cao, toàn mây là mây thôi. Đúng là “kho vàng của Hoàng đế Salomon thời Cổ La Mã rồi!”. Tôi mừng hết lớn, bèn ngồi xuống hòn đá to bự để thở. Bỗng có tiếng sột soạt càng lúc càng rõ ở hướng trước mặt tôi. Chết! Thú dữ đuổi theo con mồi nào đó! Tôi núp vào sau một thân cây to, dựa lưng vào cây, thủ con dao rừng thật chắc trong tay, sẵn sàng liều mạng. Tôi chợt thoáng nhớ tới câu “Plutôt souffrir que mourir – Thà khổ cực còn hơn là chết” của La Fontaine thì phải, trong bài thơ “La Mort et le bûcheron” (“Thần chết và người tiều phu đốn củi”), coi bộ thích hợp trong hoàn cảnh này.

May quá, con thú dữ đuổi mồi đã vòng theo hướng khác, xa dần… Tôi ra khỏi chỗ núp, quan sát rồi bắt đầu lấy mây. Với con dao rừng, tôi rút những sợi dây mây nằm ngổn ngang dưới đất, lẫn lộn với lá rừng đã khô, mục nát vì mưa gió, róc bỏ vỏ ngoài, chặt một đoạn dài 10 gang tay, tức là dài hai mét đó.

Đo đạc kiểu tù mãi cũng quen và chính xác đáo để! Cứ kéo rồi róc vỏ và chặt một hồi, vứt mỗi chỗ mươi đoạn, tôi đoán chừng đã được già nửa số ấn định. Đói và mệt quá, tôi tìm một hòn đá ngồi thở ra và lôi mấy miếng sắn luộc lạnh ngắt, thâm sì trong lon ra ăn, không có nó thì chỉ có nước chết mà thôi.

Thấy đã hồi sức, tôi lại rút mây, lấy dao róc vỏ khô và chặt tiếp. Khi kiểm lại thấy đủ số, tôi chặt dây rừng, buộc chặt làm ba bó nhỏ rồi cứ vác từng bó phóng dần xuống phía chân núi, nghe loáng thoáng có tiếng nước suối chảy róc rách. Có bó theo dốc trượt xuống ngon lành từng quãng. Có bó mắc dịch, mới trượt được vài mét đã mắc kẹt vào cây chằng chịt, làm tôi lại phải tới nơi, lôi ra và phóng xuống.

Hình ảnh những anh hùng vị quốc vong thân, đặt tại đài tưởng niệm trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ. (ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Con suối đây rồi! Ba bó mây nằm ba chỗ, chênh vênh trên những mỏm đá. Đồng hồ đeo tay đã bị công an tịch thu khi mới vô trại cho nên tôi không đoán rõ được giờ giấc, chỉ biết… cố gắng phấn đấu di chuyển từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, gom ba bó mây lại, cột chung thành một bó to bự, cột chặt hai đầu, thêm vòng dây cột ở khúc giữa cho chắc ăn.

Nghỉ một lát lấy sức tôi thả bó mấy bự xuống suối cho dòng nước đẩy đi và chỉ việc giữ cho chắc hai sợi dây rừng để điều chỉnh cho bó mây trôi xuôi, ra ngoài rừng. Thật là khó khăn, trơn trợt với mấy mỏm đá rêu xanh, lắm lúc muốn té ngữa.

Mấy miếng sắn luộc thâm sì, lạnh ngắt, chua lè được đưa vào bao tử hẳn hoi, đàng hoàng mà sao lúc này chúng nó đi đâu mất. Đói lại hoàn đói, đói muôn năm… Ngó quanh, ngó quẩn chẳng thấy có giống chi ăn được, tôi bẻ đại một chùm trái cây lạ hoắc sà xuống bờ suối, trái to bằng đầu ngón tay. Tôi làm thử một trái rồi nghe ngóng. Làm tiếp trái thứ hai, trái thứ ba… chẳng chết thằng Tây đen nào cả sau vài ba phút. Tôi dư biết là dù có chết, cũng chưa đủ thời gian để cho cái chết nó tới. Cái đói nó xúi tôi: cứ ăn đại, ăn tới đi, đói chịu chi cho nổi, ra khỏi rừng còn phải vác bó mây dài, to tổ bố về trại nữa mà. Thế là tôi làm luôn một bụng…

Hình như tất cả mọi sự học hành lẩm cẩm ở nhà trường ngày xửa ngày xưa, chỉ có hai điều giúp ích cho tôi trong cuộc sống trong các trại tù cải tạo của bọn nón cối, dép râu. Đó là cái “Principe d’Archimède – Nguyên Lý Archimède” cuả môn Physique – Vật lý ở bậc trung học. Nó chỉ cho tôi biết cách lợi dụng sức nước đẩy lên đối với một vật được thả xuống nước.

Do đó, khi di chuyển cây cối làm cột nhà hay di chuyển bó mây dài và to bự như thế này, mà cứ vác trên vai, đi suối, đi rừng, rồi hàng chục cây số, không nhờ tới nước suối giúp đỡ để nâng lên và đẩy đi, kéo được quãng nào hay quãng đó, thì chắc là tôi đã chết quách từ lâu rồi.

Điều thứ hai là cái bài học “Dilatation des corps – Sự giãn nở của các chất”. Nhờ cái này mà tù chúng tôi, khi làm đường, làm nhà, chỉ bằng chân tay, với con dao, con rựa, cái búa, cái liềm mà có thể phá tan những tảng đá to như một cái xe hơi. Tù chúng tôi chất cây khô chung quanh tảng đá, tìm cách đốt lửa lên. Đốt cho… đã đời ông địa thì tảng đá cũng phải giãn nở ra chớ! Coi bộ được rồi, tù nhà ta lấy thùng gánh nước suối tới, đứng xa xa một tí rồi hiên ngang, anh dũng hắt vào tảng đá. Thế là đá cứ việc tự nhiên mà nứt, mà bể ra, kêu đôm đốp! Tù cứ việc dọn dẹp, gồng gánh cho đến khi tảng đá bự chảng biến mất.

***

Tôi giật mình thức dậy, hai tay quờ quạng chung quanh. Cái giường nệm êm êm, rộng rãi, cái mền ấm áp, chớ không phải sàn tre, sàn nứa, không phải bệ xi-măng của những trại tù cải tạo hơn 12 năm kinh khủng đã đi sâu vào dĩ vãng… Miền Nam sụp đổ, tôi cũng như hàng triệu người khác, trong hàng ngũ chống cộng sản đã bị đẩy vào những trại tù cải tạo như thế.

Không ai thoát, chỉ có kẻ lâu, người mau, về hay chết luôn trên rừng trên núi mà thôi. Lâu lâu, tôi lại thấy cái cảnh lao động khổ sai kinh hoàng và cuộc sống thua kém cả súc vật vẫn trở lại với tôi trong những giấc ngủ không mấy ngon lành.

Tôi đã 90 năm được sống làm người rồi còn chi! Khi thức giấc, thấy mình đã thoát khỏi cảnh kinh hoàng ghê gớm đó, thấy mình đang sống trong khung cảnh tự do trên đất Mỹ, không còn bị cảnh đói khát, rét mướt cắt da, mưa nắng dãi dầu, lao động quá sức chịu đựng, không còn bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, hết bị những cặp mắt cú vọ của công an và cả một số bạn bè bị công an tẩy não, hù dọa, biến thành “ăng-ten, do thám”, tôi lại âm thầm cảm tạ Thượng Đế đã cho tôi sống, cho tôi cơ hội dạy học trở lại suốt năm năm chờ đi định cư nước ngoài, không phải tiếp tục lao động khổ sở để kiếm sống như một số bạn tù cũ của tôi.

Tôi cảm ơn vợ con, gia đình, bạn bè, đã tiếp cho tôi nghị lực, thức ăn, đồ uống, niềm hi vọng, để đủ sức mà sống trong những ngày tháng đó, dù nhiều phen tôi thật sự vô cùng tuyệt vọng.

Khi tôi từ giã rừng núi trở về, mọi người thân yêu còn đủ, không mất vợ, mất con, gia đình tan nát như một vài người bạn bất hạnh khác. Con cái tôi ngoan ngoãn, hiếu thảo, một lòng gắn bó, chung sức với mẹ để cùng gánh vác gia đình trong những tháng ngày ba chìm, bảy nổi.

Tôi cảm ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi là những người tị nạn cộng sản, cho thế hệ chúng tôi được sống yên lành những ngày còn lại, trước khi tàn lụi và qua đi, nhường lại cho thế hệ con cháu cơ hội sống, làm người, hữu ích cho Quê Hương Đất Nước Việt Nam mai sau, cho xã hội loài người văn minh, tiến bộ, tốt đẹp hơn trên con đường tương lai.

(San Diego, California)


 

NGÀY 30/4/1975 – TIỂU TỬ

TIỂU TỬ

Năm nay tôi 80 tuổi. Vợ tôi thường nói với mấy con: ” Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá ! Bây coi: ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua! Chi vậy hổng biết? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ! Trời đất ! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam … ”

Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút – một chút thôi – đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về…

Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình: ngày nầy, năm 1975 ! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ “cái ngày đó” nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già, tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại…

* * *

…Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu miền nam, từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè…

Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè!

Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có bày ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời: ” Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút ! “. Tôi quen ông nầy – tên W, thường được gọi là ” Xếp ” – nhờ hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói :” Bonjour! çà va ?” ( Chào ông ! Mạnh hả ?)

Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa !

Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết: “Rất tiếc ! Chúng tôi không giúp được ! Thôi! Chúng tôi về! “. Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp: “Allez vous en ! ” (Ông hãy đi, đi !) Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng ” Allez vous en !  (Ông hãy đi, đi!) …

Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì ” họ ” dán… đầy đường cái nhãn ” hai bàn tay nắm lấy nhau” để chứng tỏ sự thật tình “khắn khít”, rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng ” thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình “!

Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng: “Chánh quyền Mỹ từ chối !”. Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu: “Không có hộ tống “. Họ trả lời ngay: ” OK ! Good Luck!” ( Nhận được ! Chúc may mắn ! ) Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót !

Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên: “Sao về vậy anh? “. Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc: “Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! ”

Ngày đó, tháng tư năm 1975…Đúng là ngày nầy !

Tiểu Tử


 

 Miền Bắc sau 1954-Tác Giả: Nguyễn Văn Lục

 Tác Giả: Nguyễn Văn Lục

Ba’o Dan Chim Viet

08/04/2024

Quân Việt Minh qua phố Hàng Đào Hà Nội (1954) – Hà Nội chuyển mình Nguồn: Image by © Bettmann/CORBIS

Tôi viết lại bài này như một hồi ức đau buồn đã qua. Nó cũng giống như ngày nào “ Miền Nam sau ngày giải phóng”. Bởi vì Đảng vĩ đại ngay cả trong những sai lầm của họ.

________________________________________________

Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

(Trích bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần sáng tác năm 1955, đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân 1956)

Trần Dần năm 28 tuổi (1926-1997)
Nguồn ảnh: TL gia đình

Bài thơ của Trần Dần là hình ảnh tóm gọn đầy đủ về Hà Nội sau 1954. Không ai có thể nói hơn được Trần Dần qua bốn câu thơ đó. Nhưng cũng vì bốn câu thơ này đã làm ông lao đao suốt cả đời. Kể từ đó, không ai viết về Hà Nội như thế được nữa.

Đó là Hà Nội thật. Hà Nội đổi chủ. Hà Nội sau 1954.

Phải đợi đến Nguyễn Ngọc Lan, sau 1975, ra thăm miền Bắc về viết bài: Hà Nội tôi thế đấy trên tờ Đứng Dậy. Thế đấy là thế nào? Là nghèo nàn, đói rách, tả tơi? Nguyễn Ngọc Lan không nói, để tự người đọc hiểu thế nào thì hiểu. Nhưng Hà Nội hiểu Nguyễn Ngọc Lan xỏ xiên. Không lâu sau 1975 thì đến lượt Nguyễn Ngọc Lan lại bị thất sủng. Viết bài này, tôi nhớ đến hai người ấy.

Bốn giờ sáng ngày 9 tháng 10 năm 1954. Ngày đáng ghi nhớ. Ngày mà còn nhiều cán bộ nhớ lại là trên đường về Hà Nội: “Tôi nhớ chuyến xe hôm ấy về Hà Nội, hành khách đua nhau hát suốt dọc đường.” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 37)

Những ngày đầu phấn khởi

Nhà thơ Trần Dần hơn ai hết đã ghi lại trong nhật ký những ngày đầu tiếp thu Hà Nội với niềm tự hào và tin tưởng. Trần Dần, Ghi 1954-1955 như sau.

“Từ ngày hôm qua sang ngày hôm nay là chuyển hẳn từ hai chữ Chiến Tranh sang hai chữ Hoà Bình. Những tiếng đồng hồ này có một giá trị đặc biệt. Dần dần, người ta mới thấy giá trị của những tiếng đồng hồ đó. Số mệnh, nhiệm vụ của hằng triệu con người thay đổi hẳn… Nhưng (…) sự thay đổi nó dần dà, góp gió, góp gió mãi, tôi đợi một cơn Bão chưa lên.

Hôm nọ có bà bảo tháng 10 thì vui thế. Ngày 10 tháng 10 là ngày tiếp quản Hà Nội. Một phút mà cách nhau hai chế độ mấy trăm năm”.

Đó là cảm nhận kỳ diệu của thời gian của một kiếp người. Một phút trước là nô lệ, một phút sau là con người của tự do.

Ngày ấy người ta say mê, đầy tương lai trong người. Có cán bộ hay nhắc lại những ngày đó. Cho là dân chóng quên. Không thấy hạnh phúc của mình. Hoài Thanh diễn thuyết ở đảng xã hội cũng nói vậy. Chúng ta chóng quên. Quên mất hạnh phúc lớn của mình. Tôi cũng đồng ý là nên nói như vây.Với điều kiện là phải nghĩ rằng:

chúng ta không thể ăn được bằng dư vị bữa tiệc tháng 10 ấy.

Hà Nội với rừng cờ, biển người

Trong một bài viết trước đây của tôi, tôi cũng chia xẻ tâm tình của người Hà Nội những ngày tháng 10, 1954 như sau:

Rừng cờ, rừng người, một rừng cánh tay giơ lên. Thật khó diễn tả cho hết những gì người ta nhìn thấy. Trong rừng người tiến vào thành phố, thật khó để biết ai là sĩ quan chỉ huy. Chẳng ai có thể nhận ra những đồng chí như Bùi Quang Tạo, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm. Người ta nhốn nhác tìm bóng dáng ông Giáp hay ông Hồ nhưng không thấy. Vài ngày sau, qua báo chí, người dân Hà Nội được biết các ông ấy đã về tới Hà Nội, nhưng ở đâu thì không ai hay.”

Hà Nội đã thay đổi diện mạo. Với rừng cờ đỏ. Ở đâu ra mà sẵn vậy?

Đâu đây, người ta thấy một tấm biểu ngữ lớn với hàng chữ thô kệch văn chương lắm:

Cùng nhau múa hát mấy bài
Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang

Người ta nhận thức ngay được phải ứng xử thế nào trong hoàn cảnh mới. Có một chút nhạy bén và sức lan truyền đến lạ lùng trong đám thị dân năm thành phần được cách mạng công nhận là thợ thuyền, nông dân, binh sĩ, tiểu tư sản và tiểu tư sản yêu nước. Các cô gái con nhà, yểu điệu thục nữ, mượt mà, quần lụa trắng, áo dài mà mỗi bước đi cố gắng vắt xéo đôi chân từ bên này qua bên kia nay áo cánh nâu, quần đen, tay cầm lá cờ đỏ.

Đôi guốc son thời con gái nay đổi ra đôi dép cao su, hiệu con hổ mầu trắng. Những cô gái áo dài quần lụa trắng vắng bóng dần.

Thay vào đó là những áo cánh nâu chật chội với những thân hình con gái vạm vỡ, lực lưỡng như những lực điền, đi đứng huỳnh huỵch. Những ông công chức với thói quen complet, cravatte, giầy da, mũ phớt lọt thỏm trong đám đông người với những mũ tai bèo.

Nó báo hiệu một thời đã hết. Bời vì lúc ấy nghèo là một chứng chỉ tốt, giầu chỉ thêm mối lo. Vì thế, cũng không thiếu người đã “giả nghèo” chẳng khác gì “giả câm, giả điếc”, “giả ngu ngơ”.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ, nó có sự ngược chiều vô lý. Người Hà Nội “giả đi xuống”, che dấu đủ thứ. Người mới tới lại thích phô ra. Họ săm săm đi tìm những phế thải lỗi thời còn để lại. Một anh cán bộ vẫn mũ tai bèo, nhưng gắn thêm đôi kính râm vào mặt, chiếc bút máy parker gài trên túi. Chiếc đồng hồ đeo tay phô ra. Trông anh lố bịch thêm. Nhiều anh không ngại ra tiệm trồng răng gắn thêm hai chiếc răng vàng để cười cho sang. Ở nhà thì ráng mua cho bằng được cái màn tuyn nằm cho thoáng, bõ những ngày muỗi cắn, đi ra đi vào súng sính trong bộ pyjama. Hứng quá, thoải mái quá. Mặc luôn bộ đồ ngủ đi ra ngoài đường cho tiện.

Các nữ cán bộ thì một chút thoang thoảng môi son, chút má hồng. Đủ để cho người ta biết người mình thơm tho. Nhưng lộ liễu quá thì chưa tiện. Và tại sao chối từ một chút nước hoa thay cho mùi ngai ngái của mồ hôi, mùi tóc muối lâu ngày.

Cứ như thế mà cuộc đấu tranh ai thắng ai trong mỗi con người cứ lớn dần lên.

Người ta cảnh cáo cẩn thận hiện tượng mất bản chất.

Nhà văn Vũ Thư Hiên kể cho tôi nghe, về Hà Nội là rủ nhau đi mấy quán ăn ngon cho đỡ thèm. Cũng bị bá cáo và cảnh cáo.

Cảnh cáo cho có lệ. Nhưng chắc chẳng ai thèm nghe.

Phải chăng đó là những sự thay đổi tận gốc rễ của người Hà Nội và cả của người mới tới?

Các bà mệnh phụ trước đây cứ một bước lại ngồi xe tay nay lạch bà lạch bạch ráng theo đoàn người đi tới. Mọi người hình như bằng mọi cách khuôn ép, tự sắp xếp mình vào năm thành phần trên. Đường phố vốn nhỏ hẹp nay chật cứng người như nêm cối. Như tự phát, từng đám người như thế lũ lượt như những đám rước trên đường phố hết đám này đến đám khác.

 Trong đám đông ai đó hô Hồ chủ tịch muôn năm! thế là cả cái cỗ xe người đồng lượt vung cánh tay hô theo.

Họ ùn ùn kéo đến Nhà Hát Lớn, đi qua rạp chiếu bóng Eden, nhà in Viễn Đông, còn được gọi là nhà in Ideo, hướng về phía vườn hoa Con Cóc rồi Bắc Bộ phủ. Nổi bật là những đám thanh thiếu niên, không biết bằng cách nào và từ bao giờ, ăn mặc như hướng đạo mà mỗi em đều quàng một chiếc khăn quàng đỏ.

Hình như cả thành phố chỉ có dân chúng chứ chưa có bóng dáng người lãnh đạo.

Vậy mà cái guồng máy đó chạy đều, nhịp nhàng hăm mươi bốn trên hai mươi bốn. Thành phố như vô chủ, chỉ có đám đông, chỉ có người gặp người, người nhìn người, đi ngược, đi xuôi.

Gặp nhau có lối chào mới: giơ nắm tay đồng loạt hô to. Muôn năm, muôn năm!!

Chẳng có gì có thể tả hết được cái ngày như thế, cái khung cảnh như thế, cái vận hành, cái chuyển đổi, lột xác như thế.

Những đoàn người cuồn cuộn như dòng nước lớn không dứt, hết đám này đến đám khác cho mãi đến nửa khuya và bắt đầu lại vào sáng sớm ngày mai.

 Chính quyền mới trong một tích tắc đồng hồ đã biến đổi đám người trước đây có thể là tiểu thương, viên chức của Pháp, nếu không nói là theo Tây, Việt gian của Tây trở thành một đám quần chúng hăng say mà không mất một ngày tập huấn.

Trong số ấy, có nhiều nhà tư sản kinh doanh hăng say nay muốn hiến hết cho chính quyền tài sản, cơ nghiệp. Họ phải tự giác, tự làm đơn chờ đợi xem có được chính quyền chấp nhận hay không, chấp nhận thành kẻ hợp doanh với nhà nước. Đó là một vinh dự cho họ được cải tạo từ chủ nhân nay trở thành người lao động.

Sau khi được chấp nhận rồi, họ cất được cái mũ “phớt” tư sản để đội cái mũ” tai bèo”, để hội nhập xã hội mới với những tước danh mới như công thương gia yêu nước, kỹ nghệ gia tiên tiến hay cao hơn nữa được gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc và may mắn hơn, xúc động đến oà nước mắt nếu được “xuống” làm phó giám đốc xí nghiệp.

Nhưng thay đổi một cái mũ có đủ để thay đổi được cả một cuộc đời không?

Sau đó thì họ trắng tay, nhưng ngược lại họ trở thành nhân vật được mọi người kính nể. Họ là những người yêu nước tiêu biểu như các ông Ngô Tử Hạ, ông Nguyễn Sơn Hà, ông Bùi Hưng Gia, ông bà Trịnh Văn Bô. (Xem Mặt Thật, Thành Tín, trang 84)

Ở miền Nam sau này cũng như thế, nhưng ở mức quy mô và lớn gấp 10 lần. Họ tất cả đều hoan hỉ hiến cho chính quyền mới. Các vua kẽm gai, vua sắt, vua máy cầy, vua hãng dệt nay xuống thành thứ dân vô sản. Ôi, hạnh phúc biết bao, vì đã được đổi đời?

Trong số những nhân vật uy tín này, người viết có vinh dự được nghe danh ông Ngô Tử Hạ, người đã có công với cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến bằng cách in ấn các truyền đơn cho cách mạng và bây giờ hiến toàn bộ cơ sở nhà in, ấn loát cho chính quyền mới.

Nhưng giả dụ, ông Ngô Tử Hạ đã không hiến trước thì liệu ông có giữ được sản nghiệp không và liệu người ta có để yên cho ông làm ăn hay không? Nhưng không ai dám nêu câu hỏi vớ vẩn đó ra nên cũng không bao giờ có câu trả lời.

Tuy vậy, những ngày tháng ấy kéo dài chẳng được bao lâu, vì người ta phải đương đầu với thực tế trước mặt. Người ta dần dần thất vọng. Trong đó có Trần Dần. Và ông đã viết như sau:

“Tháng 10 là bữa tiệc lớn cho nhân dân thủ đô. Nhưng bây giờ là tháng 3.1955. Người ta phải ăn bằng những bữa cơm hằng ngày”…

Không thể ăn bằng ký ức một bữa tiệc từ năm ngoái

Câu hỏi được đặt ra saụ 5 tháng sống dưới chế độ mới. Người ta được gì?

Nỗi mừng, niềm vui qua mau và bây giờ là cuộc sống cơm áo với trăm điều phải lo.
Nay thì lo là chính, lo lấn át tất cả. Mừng là phụ.

Nỗi mừng nay biến thành nỗi lo và cả miền Bắc đều lo như vậy.

Bức màn tre phủ xuống trên toàn miền Bắc

Một bức “màn tre” đã phủ xuống trên toàn miền Bắc. Chữ bức “màn tre” lần đầu tiên được người ta dùng để thay thế cho chữ bức “màn sắt” quen thuộc để chỉ các nước cộng sản như Liên Xô hoặc Đông Âu.

Ngữ nghĩa chữ bức màn tre là chỉ thị một chế độ độc tài, khép kín, bưng bít che đậy không để lọt ra thế giới bên ngoài những gì đang xảy ra bên trong đó.

Trong vòng 20 năm, bức màn tre ở miền Bắc đã xảy ra 3 điều cực kỳ quan trọng là: Một là về chính trị, họ tiến hành chiến tranh nhằm xâm chiếm miền Nam. Hai là, về xã hội, khi cuộc di cư vừa chấm dứt thì vào khoảng tháng 5/1955, chính quyền miền Bắc quay trở lại chính sách Cải cách ruộng đất đã thực hiện từ 1953, sau đó tiến hành Hợp tác hóa nông nghiệp. Ba là, về văn hóa, trấn áp giới văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn giai phẩm.

Cả ba vụ việc đó đều dùng Bạo Lực “cách mạng” để đạt được mục đích bằng sự hy sinh xương máu của người dân theo đúng tinh thần của Các Mác: Bạo lực là bà đỡ của Cách Mạng.

Sau này liên lạc giữa hai miền Nam Bắc ngăn cách bởi bức màn tre này thành hai thế giới và sự liên lạc giữa hai miền giới hạn vào những tấm thư bưu phiếu. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi mất hẳn. Số phận những người chọn ở lại hay bất đắc dĩ phải ở lại sau bức màn tre đó ra sao? Không còn ai biết được nữa.

Bài viết sau đây dành chọn để ghi lại hoàn cảnh miền Bắc sau 1954 với tất cả những trớ trêu lịch sử oan khiên và những hệ lụy từ chế độ đó mà ra.

Xin ghi tiếp phần nhật ký 1954 của Trần Dần để thấy được những thực trạng Hà Nội sau 1954 và những đổi thay, chuyển biến tâm trạng của nhà thơ Trần Dần.

Nhà thơ viết tiếp những suy tư của mình:

Về Hà Nội được đúng 10 ngày. Hà Nội ít thay đổi. Gặp bố. Anh Đường. Cháu Hà. Anh Lan. Gặp bạn. Trần Mai Châu. Một số người không gặp.

Nay thì những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó.Tôi bị bao vây. Chặt quá, ép quá… Tôi muốn gạt những núi định kiến mà ngoi lên thở.. Nhưng sao buồn thế? Khổ thế ? Nhiều lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời rồi.

Tay buông xuôi. Chân duỗi thẳng. Tôi buồn như người đã chết.
Cái màn biểu diễn giáng xuống đầu tiên là việc đổi tiền từ tiền Đông Dương sang tiền cụ Hồ. Trong vụ đồi tiền này, người dân tự nhiên mất 2/3 tài sản của mình. Cụ thể là một bát phở trước đây giá là 3 đồng bạc Đông Dương. Mọi người đều bị móc mất số tiền ở trong túi. Nay muốn ăn một bát phở như thế, phải trả là 10 đồng,

Người cộng sản quả là có tài tạo ra sự khan hiếm y trang miền Nam sau này.

Muối, đường, vải vóc tự nhiên trở thành khan hiếm.

Và người ta kháo với nhau rằng, nếu cộng sản làm chủ sa mạc thì chẳng bao lâu, cát sẽ trở thành khan hiếm, phải xếp hàng mới mua được.

Cuộc sống kể từ ngày hôm nay báo hiệu những ngảy đen tối sắp tới.

20/01/1955

Những ngày cuối năm.

Tết năm nay ở Hà Nội. Ít cành đào quá. Hoa thủy tiên cũng hiếm. Hàng sách chưa thấy những bìa xanh đỏ. Phố Hàng Mã có ít hoa giấy. 10 giờ, phố xá đóng im ỉm. Vắng tanh vắng lạnh. Những dãy phố Bà Đanh này phản ảnh tình hình chính trị kinh tế bây giờ. Còn thiết quân luật. Những ngày đầu tiên của Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Nạn đói khu tư. Nạn di cư miền công giáo. Khu 4. Vụ Ba Làng nổi loạn. Hải Phòng phá giá đồng bạc. Các ổ Mỹ, Ngô Đình Diệm phá hoại hòa bình, kều người đi Nam. Đô la Mỹ vẫn làm người ta tốt mắt. Chính nghĩa thì nghèo.

Kinh tế ta vừa thoát khỏi nanh vuốt Mỹ Pháp, còn non yếu, như đứa bé sơ sinh đỏ hon hỏn. Cán bộ máy móc. Vụ thuế công thương gây một panique lớn. Các rạp hát ế khách. Các hiệu ăn chuyển sang phở nhiều. Giá hang đắt lên. Tiền Đông Dương ăn hơn 70 rồi. Nhiều người thất nghiệp. 6 vạn công nhân. 3 vạn cán bộ miền Nam. 30 vạn đồng bào miền Nam phải xếp việc. Trí thức không có việc. Nghệ sĩ chưa tìm được cách sống cho bằng trước. trường tư sụt đi nhiều. Báo chí bán rẻ, ế. Khả năng mua sách của Hà Nội sụt đi. Hiệu cúp tóc vắng. Cyclo bí, cơ quan cán bộ không đi. Lạp sường lồ mát phàn một đêm khéo lắm bán đưuợc cho hai người…

Đúng vây. Kẻ tà có đô la. Chính nghĩa không có tiền. Tùy từng người chọn đường.

(Trích Trần Dần, Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập Văn Nghệ phát hành)

Đấy là bức tranh toàn cảnh đời sống miền Bắc sau 1954 được Trần Dần ghi lại đầy đủ và trung thực sau khi hòa bình trở lại. Bức tranh đó nhắc nhở người ta nhớ câu nói của Tacite xưa như sau:”

“Ils firent un désert et l’appelèrent Paix”. (Họ xây dựng nên một sa mạc và gọi đó là Hoà Bình).

Những suy nghĩ của Trần Dần viết ra là rất nhân bản, rất gần gũi và hơn 25 năm sau, tháng 10, 1991, một Trần Dần thứ hai xuất hiện. Sâu sắc hơn, cay đắng hơn, “tàn bạo” hơn. Đó là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh khi ông viết về cuộc sống của ông, đúng hơn về tiểu đoàn 27 mà cho đến 75 chỉ còn sống sót 10 người trong số 500 người lúc đầu:

”Đến bây giờ, lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến? Nền hoà bình này…Hừ hình như tôi thấy các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra”.

Dưới mắt Trần Dần quả thực Hà Nội đã không còn như trước nữa.
Nạn đói đe dọa là có thực.

Nạn đói đe dọa

Khu tư đã rơi vào cảnh đói kém, mất mùa như trong phúc trình của đại sứ Ba Lan. Trong bản báo cáo tháng gửi về nước ông, ông đại sứ viết:” Thị trường cần cung cấp thêm lúa gạo và các nông sản khác đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cần phải ngăn ngừa nạn đói có thể xảy ra ở khu bốn là nơi hội đủ những triệu chứng như: hạn hán, ruộng đất bị bỏ hoang. Nếu Việt Nam không nhận được viện trợ to lớn về lúa gạo thì tình hình sẽ trở thành nguy ngập và cuộc bầu cử sẽ hết sức bấp bênh. Báo cáo của đại sứ Ba Lan tháng 3 như sau: “Một trong những khó khăn nhất mà các đồng chí của chúng ta gặp phải là nguy cơ xảy ra nạn đói… Hiện nay viện trợ của CHNDTQ đã tới nơi, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu. Vụ mùa tháng 5 không khả quan vì hạn hán kéo dài. May thay, nhờ có viện trợ Trung Quốc nên tháng 5, năm 1955, VNDCCH đã tránh được nạn đói”. Theo báo cáo của đại sứ Ba Lan:

“Cuối tháng tư tình hình được cải thiện một chút nhờ gạo, gà và khoai lang gửi từ Trung Quốc đã sang tới nơi ”. (Báo cáo của đại sứ Pietka, Hà Nội, ngày 2/5/1955)

Không có viện trợ thực phẩm của Trung Quốc thì đói to.Tình trạng lương thực ở miền Bắc rất đáng lo ngại mà theo cách tính sơ khởi là mức tiêu thụ gạo không quá 250kg/ mỗi đầu người/ năm (1955 là 286kg/người. 1957 là 285.7kg/người).

Người Pháp cuốn gói ra đi

Nạn đói kém xảy ra phần lớn là do hậu quả sau chiến tranh và sự ra đi của người Pháp cuốn gói theo họ tất cả những gì có thể chở đi được. Người Pháp trù liệu chuyển vào Nam qua tầu chiến Mỹ toàn bộ xe cộ, xe tăng, thiết giáp, súng ống, đạn dược. Trong đó 200.000 tấn đã được dự liệu đưa vào miền Nam. Thêm vào đó là máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liêu (raw materials) kho hàng, tất cả đã được chở vào miền Nam. Tính ước lượng trị giá bằng tiền vào khoảng 2000 triệu francs…Cũng vậy, có 29 trên 30 các xưởng kỹ nghệ của Pháp được tháo gỡ, chuyển vào Nam.

Vì thế, chính quyền mới sau khi tiếp quản các cơ sở kỹ nghệ phải đương đầu với tình trạng bất khả dụng hay khiếm dụng. Chẳng hạn, nhà máy xi măng Hải Phòng, chỉ sản xuất được bằng phân nửa so với trước đây. Sau này nhà máy được xây dựng lại do sự giúp đỡ của Liên Xô từ tháng 9-11/1955 và hoạt động 24/24 với 3 tốp thợ, mỗi tốp 2000 người. Tuy nhiên, cho đến 1956, nó cũng chỉ đạt được 61% tổng sản lượng của năm 1939. Sản lượng xi măng của nhà máy Hải Phòng là 400.000 tấn/năm, trước 1954 đủ cung cấp cho nhu cầu xi măng của miền Bắc.

Nhưng tệ hại nhất vẫn là mỏ than Hòn Gai, trước đây mỏ than Hòn Gai được trang bị máy móc của Mỹ. Năng xuất dĩ nhiên là cao. Nay người Pháp đã tháo gỡ trở đi thứ gi cần phải tháo gỡ, thứ gì dùng được và ngay cả thứ gì xét ra không dùng được, nhưng nếu có thể làm trở ngại cho việc sản xuất thì cũng không từ.

Đó là tình trạng Sabotage, phá hoại trước khi bỏ đi. Ấy là chúng tôi không muốn nhắc tới sự phá hoại trực tiếp (sabotage) của nhóm tình báo của đại tá Lansdale vào những ngày cuối cùng của thời hạn 300 ngày theo Hiệp định Genèva.

Vì vậy, việc sản xuất than ở Hòn Gai đã phải quay trở lại thời kỳ tiểu công nghệ lấy sức của người lao động làm chính. Sẽ bốc dỡ than bằng tay, khuân vác bằng sức người. Bao nhiêu công việc nặng nhọc trước đây do máy làm thì nay con người phải lấy sừc người ra mà làm.

Từ đào bằng máy chuyển sang đào bằng tay, sự vận dụng sức người ờ đây phải được kể là vô cùng khó khăn và vất vả cho người lao động. Và chính quyền mới đã bắt đầu làm lại như thế đấy. Nghĩ tới mà khiếp sợ. Và nên nhớ rằng: với sức người, sỏi đá cũng thành cơm.

Nhà máy sợi Nam Định cũng chỉ hoạt động bình thường sau khi Trung Cộng tặng cho 500 máy dệt tự động vào đầu năm 1957. Nhà máy bột giấy (paper mill) cũng được Trung Cộng trang bị lại máy móc và nay hoạt động lại ở Thái Nguyên.

Nhưng quan trọng nhất là nhà máy cơ khí ở Hà Nội được Liên Xô tài trợ và bắt đầu xây cất vào tháng 12/1955. (Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, Volume 1, trang 262-263)

Con đường xây dựng Xã Hội chủ nghĩa từ 1954 đến 1975 và từ 1975 đến nay đã đi được bao nhiêu đoạn đường và còn cần thời gian là bao nhiêu năm nữa?

Ruộng đất bỏ hoang

Lý do thứ hai gây khó cho chính quyền mới là ruộng đất bị bỏ hoang. Nhiều ruộng đất lúc chiến tranh đã bị bỏ hoang và chiếm 7% số ruộng đất canh tác ở miền Bắc. Ruộng đất và làng mạc của nông dân các vùng xôi đậu đã bị máy bay Pháp bỏ bom, hoặc nã đạn pháo mỗi ngày, đúng giờ, khoanh vùng tình nghi như một vùng khủng bố trắng “white zone”, giống như No man’s land của người Mỹ sau này.

Nhiều khi, nông dân phải cầy cấy ban đêm vì sợ máy bay, sợ bị đạn pháo. Hơn nữa, cho dù có cầy cấy được thì đất canh tác thuộc vùng Trung Châu Bắc Việt vốn là vùng đất rice- deficit, năng xuất thấp, không đủ cung cấp cho cư dân Bắc Việt, hoặc chỉ là độc canh nên quanh năm thiếu hụt cần sự cung cấp lúa gạo từ trong Nam ra mỗi năm.

Nay tất cả nguồn cung cấp ấy không còn nữa.

Những ruộng đất ấy đã được canh tác cả hàng ngìn năm. Đất đã hẹp, mật độ dân số đông, ruộng đất bị khai thác triệt để như cấy hai mùa, cấy xen kẽ.

Đất không được nghỉ ngơi.

Mỗi mùa, cần đào sâu thêm để được đất mầu, đất tốt. Đào sâu thì chỉ gặp đất thịt, đất đen, mầu mỡ không cò. (Xem thêm Nông dân Bắc Việt, Nguyễn Văn Canh, trang 134)

Nạn lụt, hạn hán và giông bão gây mất mùa

Nếu chúng ta còn thuộc một vài câu ca dao còn sót lại để mô tả cái lo lắng của người nông dân miền Bắc, đã hẳn may ra hiểu đuợc hoàn cảnh của họ. Đó là hoàn cảnh bất lực của con người trước thiên nhiên với đủ thứ lo lắng:

Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông Trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng, mới yên tấm lòng

Cho nên, kẻ thù truyền kiếp của người nông dân vẫn là thời tiết

Chẳng hạn như các vùng đất tân bồi chung quanh tỉnh Nam Định thường gặp thiên tai mỗi năm. Không lụt thì bão tố, không bão tố thì hạn hán.

John Klein
Nguồn: John Klein

John Kleinen, trong bài viết Access to Natural Resources for whom? Aquaculture in Nam Dinh, Viet Nam liệt kê các vùng như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ninh Cơ là vùng đất tân bồi với đụn cát, đất bùn, rộng 72.000 mẫu tây mà người ta chỉ có thể trồng trên đó những cây phi lao. Các vùng đó luôn bị lụt và bão có khi là cấp số 8-9/ giờ. Vì thế, người ta phải nhiều lần đắp các đê biển (sea dykes) từ những năm 1892-1900, 1934-1939 và sau này 1957-1962 và 1962-1971 để ngăn lụt và chống bão. Đê biển ở các vùng trên chạy dài đến 80 kilômét với mật độ dân số rất cao, trên 1000 người/km2.

Cho nên lụt cũng chết mà hạn hán cũng chết. Vụ mùa tháng 5.1954 thì hạn hán. Nhưng tháng 12, 1954 thì bị lụt. Lụt và hạn hán quanh năm làm khổ người nông dân miền Bắc. Sau này cũng vậy, vào năm 1959, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã ra trước Quốc Hội cho biết kết quả việc thu hoạch năm vừa qua là thảm bại: Trung bình thu hoạch chỉ là 1,4 tấn/mẫu. Ruộng tốt, trung bình có thể thu hoạch được từ 4 đến 5 mẫu.Vì thế, tổng cộng chỉ thu hoạch được 1,161,000/ tấn. Thiếu hụt 34,3 % của một mùa gặt bình thường.

Vậy mà nạn lụt đã xảy ra vào tháng 12/1954, ngay khi vừa tiếp quản xong Hà Nội. Đã lụt còn rét căm căm. Đói cộng lạnh là hai nỗi khổ của nông dân miền Bắc.

Đã thế, 90% đê điền ở miền Bắc cần phải được tu sửa. Trong lúc chiến tranh, máy bay đã phá hủy 8 hệ thống đập nước dung để tưới tiêu cho 252.000 mẫu ruộng. Sự sống còn của nông dân tùy thuộc vào sự sửa chửa tức thời hệ thống đê điền này nên chỉ trong vòng một năm 2 triệu 68 vạn ngày công đã dùng để sửa chữa hệ thống đê điền và sửa chữa 2750 kilômét bờ đê để tránh nạn lụt.

Lại một lần nữa cho thấy sự vận dụng sức người ở đây là ngoài sức tưởng tượng được.

Chính quyền mới bắt buộc phải nhập 150.000 tấn gạo từ Miến Điện mà mức thiếu hụt là 200.000 tấn/ năm. (Trích tóm lược Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam. Vol 1, Ken Post, trang 262).

Nạn thất nghiệp

Tính đến tháng 12/1954, nghĩa là sau hai tháng tiếp quản Hà Nội. Có 6000 cửa tiệm đóng cửa. Trước đây, các khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Than, trước cửa chợ Đồng Xuân, lúc nào cũng tấp nập kẻ buôn người bán. Nay chủ hoặc vào Nam hoặc tạm đóng cửa. Nhiều cửa hàng ăn lớn nay đổi ra tiệm phở. Gần 9000 chị em bán hàng rong hết đi rong. Không ai có tiền để ăn quà sáng, quà chiều nữa. 4000 thợ tiểu công nghệ như thợ may, thợ bạc phải đổi nghề, hoặc về quê làm ruộng. Chưa kể 20.000 thợ thuyền đủ loại không có công ăn việc làm.

Hà Nội vắng hoe vì thiếu những người bán hàng rong

Sư đoàn 308, Sư đoàn/Đại đoàn Quân Tiên Phong, vào Hà Nội (15/10/2008)
Nguồn: Image by © Bettmann/CORBIS

Trần Dần đã thấy một Hà Nội vắng bóng người. Bởi vì thiếu những người bán lẻ, lưu động. Những người bán hàng rong vốn là nét sinh hoạt cá biệt, sinh động của Hà Nội. Cái làm nên Hà Nội là Hà Nội. Đó là những “cửa hang lưu động” vốn liếng chỉ là quảy đôi quang thúng, hay đôi khi chỉ là một cái thúng đội đầu. Sang ra thì cửa hàng được thiết kế đằng sau chiếc xe đạp như các cửa hàng bán cá giống, bán chim cảnh, bán đồ chơi cho trẻ con, “ciné lưu động”, bán kẹo, nhất là kẹo kéo, bánh bao v.v… Nhiều cửa hàng này đi đến đâu được trẻ con bu lai chung quanh như coi phim (phim thường thường có bón lỗ để nhòm hai bên, phim câm, các loại phim thời đó như Zôrô bịt mặt, hay phim Tarzanv.v…) xem cá cảnh, bán kẹo kéo. Những tiếng rao hàng đủ loại từ sáng đến tối. Tiếng gõ “tục tắc” vui tai đến tiếng lè nhè ”phá xang” nay không còn nữa.
Hà Nội im lặng như Trần Dần mô tả.

Những cửa hàng “lưu động” như gánh phở, cà phê buổi sáng, rất hương vị, mùi cà phê, mùi phở buổi sang bay tỏa thơm đến thèm thuồng.

Đó là những hương vị Hà Nội hay miếng ngon Hà Nội rất ấn tượng làm nên Hà Nội nay cũng không còn nữa.

Hà Nội “chết” theo cái nghĩa ấy. 9000 người trong số họ phải đổi nghề.

Những người như Trần Dần khi về Hà Nội thèm những hương vị ấy và thấy tiếc nuối cái không khí Hà Nội trước 1954.

Gạo ăn chỉ còn đủ cho 3 tháng. Xăng dầu cạn kiệt chỉ đủ cho một tháng.

Nhất là chính phủ hoàn toàn bất lực trong việc kiểm soát giá cả. Vải một mét trước 1954 là 350 đồng/mét, bây giờ là 495 đồng/mét. Đường 570đồng/kilô nay nhảy vọt lên 2900 đồng/kilo. Xăng dầu 310/lít nay là 1630/lít.

Sự trì trệ và xuống cấp thê thảm của sinh hoạt kinh tế miền Bắc

Kể từ 1955, miền Bắc chỉ giao thương với 7 nước trong khối xã hội chủ nghĩa và 3 nước ngoài khối. Việc xuất cảng nguyên liệu vốn là huyết mạch của kỹ nghệ miền Bắc như than đá, quặng sắt, kẽm.Nhưng mặc đầu còn đói kém, vậy mà lần đầu tiên 1957, ngoài Bắc đã có thể cho xuất cảng bột gạo, sắn, hoá chất Cronit và khoáng chất apatit mà tổng sản lượng lên đến 60% hàng xuất cảng. Việc nhập cảng với các nước anh em chìếm tỉ lệ 52% mà đến 54,6% hàng nhập cảng vào năm 1955 là để đổi lấy sản phẩm tiêu dùng mà miền Bắc chưa sản xuất được . Nhưng sang đến năm 1957, hàng nhập cảng đã tụt xuống còn 32% vào năm 1957. (Trích VNA reports, 18 and 21 June 1956, BBC 572, 26 June 1956, p.25)

Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền mới đã không làm được những điều đáng lẽ cần phải làm. Hoặc làm chưa đến nơi, đến chốn. Ông Dương Quang Đông, một đảng viên ở miền Nam đã có lúc phải thốt ra như thế này trên báo Nhân Dân:

Từ mười một năm nay, đảng tỏ ra không có khả năng cung cấp cho dân một hạt gạo nào, một miếng thịt nào, một giọt nước mắm nào và cũng không có khả năng ỗn định về giá cả. Dân khổ quá. Biện pháp tốt nhất là đảng nên để cho dân được tự do sản xuất, tự do sinh sống, tự do học hành.”

(Trích Việt Nam 1920-1945, Cách Mạng và phản cách mạng thời đô hộ thuộc địa, tác giả Ngô Văn, trang 367)

Xin trích dẫn nhận xét của Ken Post trong chương Crisis in the north về tình trạng miền Bắc vào giữa năm 1954:

“By mid-1954 the economy of Bac Bo and northern Trung Bo had suffered a serious decline in productive forces as a direct or indirect effect of the fighting. An area of riceland estimated at between 138.800 and 143.000 hectares, some 7 per cent total, had gone out of cultivation, mostly in so-called “white zones” where the French army had followed a shoot-on-sight policy. On the surface, this was not a large proportion, but it must be remembered that what had now become the” northern regroupment zone” of the new Viet Nam had always been a rice-deficit area in the colonial period, needing to import annually from Cochichina. Hence, any decline in production whilst the new” southern regroupment zone” was politically unstable and under continuing French and increasing US influence was a serious threat.”

(Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, volume 1, Kent post, trang 262)

Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong dịp phát biểu tại quốc hội, tháng 3. 1955 cho rằng: Hòa bình đã trở lại, cần có lãnh đạo tập trung, thống nhất và mạnh… để đáp ứng được những nhu cầu của chính phủ. Cần tăng gấp 80% viên chức nhà nước trong 3 năm.

Khi người Pháp ra đi, còn để lại 7000 viên chức trong số 20.000 người từng làm việc trong chính phủ Liên Hiệp Pháp. Những người ở lại làm việc theo cung cách cũ, thiếu nhiệt tình và tinh thần hy sinh.

Về lương bổng của những viên chức từng làm cho người Pháp, để lưu dụng họ, chính quyền mới cho họ vẫn giữ bậc lương cũ thời Pháp. Gọi là bậc “lương lưu dung”.Trong khi những người từng đi chiến đấu trở về thi thiếu kiến thức và năng lực chuyên môn nên ăn theo lương” kháng chiến”. Trái khoáy là lương một ông thư ký thời Pháp cao gấp đôi lương một ông Chánh án của chính quyền mới.

Vào khoảng cuối năm 1960, các viên chức ngưới Pháp mới tự nguyện xin rút lương và ăn theo lương như các cán bộ chính quyền mới.

Phải chiều lòng viên chức trong chính quyền người Pháp vì thiếu chuyên viên. Cụ thể như ở mỏ than Hòn Gai khi được chuyển giao cho chính quyền mới. Dưới thời quản lý của người Pháp thì có 21 kỹ sư và 62 chuyên viên, sau này chỉ vỏn vẹn còn 30 chuyên viên. Nhà máy dệt Nam Định đã không còn một kỹ sư nào ở lại. Để bù khuyết khoảng trống đó, từ 1955-1960 có sự chi viện lệ thuộc vào 3600 chuyên viên người Tầu, 1400 Liên Xô và 1000 người của các Quốc gia Đông Âu.

Cũng vậy, trong ngành giáo dục, các giáo chức trước đây dạy ở các trường công và trường tư vẫn được lưu dụng. Các trường như Chu Văn An, Nguyễn Trãi vẫn như cũ. Ngay các trường tư như trường Dũng Lạc, trường tư của Thiên Chúa giáo, nằm bênh cạnh nhà thờ Lớn Hà Nội vẫn được tiếp tục mở cửa. Đặc biệt không ngờ là trường Albert Sarrault của Tây cũng vẫn còn, vẫn dạy tiếng Pháp, chỉ có thay đổi là hiệu trưởng là người Việt.

Trong khi đó, ngân sách từ các năm 1955 đến 1957 đã dành 26.5% cho Quốc Phòng, Xây dựng 24.4 , hành chánh 14.5%. Cộng chung ba bộ này chiếm 65%. Phần còn lại dành cho kỹ nghệ có 2.7%, y tế 1.9% và giáo dục có 2.9%. (Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, Volume 2, Viet Nam Divided, Ken Post, trang 52-55)

Với một ngân sách lệch như thế, chú trọng quá nhiều vào Quốc Phòng, đất nước làm sao khá lên được? Một ngân sách nghiêng về Quốc Phòng như thế, bởi vì kể từ năm 1958, đảng Lao động Việt Nam nhằm hai muc tiêu chiến đấu: chiến đấu xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến đấu hoàn thành cuộc gìải phóng miền Nam.

Sau này thì không phải chỉ có hơn 3000 chuyên viên Trung Quốc nữa.

Biên giới phía Bắc được mở rộng để đón tiếp hàng nhập cảng từ Trung Quốc như một “con đường tơ luạ mới của thế kỷ này” cộng với đường biên giới mới của bản đồ được vẽ lại. Con đường tơ lụa nay được ủi phẳng mở đường cho xa lộ kéo dài từ Thái Nguyên, Việt Trì đi thẳng tới Hải Phòng, Hà Nội. Nhất là Khu kỹ nghệ Việt Trì (Viet Tri complex) trong kế hoạch 3 năm mà phần lớn vốn liếng do Trung Cộng đầu tư vào như đập thủy điện, nhà máy giấy, nhà máy mỳ chính, nhà máy thuốc trừ sâu, nhà máy cơ khí, nhà máy đường.Từ đó kích cầu các cơ xưởng kỹ nghệ địa phương, với 854 cơ sở, với đủ các nhà máy cùng với trang bị kỹ thuật, vốn liếng xuất phát từ Trung Quốc trải dài xuống các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn v.v… Người Pháp vừa xuống tàu về nước thì lại có người láng giềng đến thế chỗ. Bài hát 1000 năm đô hộ Tàu nay phải đổi lời lại như thế nào cho thích hợp? (Xem thêm Mặt Thật, Thành Tín, trang 15).

Tính chung đến thámg 7, 1955, nước anh em Trung Cộng đã giúp đỡ chính quyền mới về thực phẩm và trang thiết bị trị giá 325 triệu Mỹ Kim. Và Liên Xô là 150 triệu Mỹ kim. Không kể một vài nước anh em nhỏ khác như Tiệp Khắc, Đông Đức. (Trích Võ Nhân Trị, Croissance économique, 1967, trang 262). Sau này, trong việc quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học”, Đặng Tiểu Bình mở chiến dịch vì cho rằng Việt Nam đã “vô ơn trước sự giúp đỡ trước đây”. Dĩ nhiên, mọi người hiểu rằng đây chỉ là một cái cớ.

Đã thế, sau chiến tranh và hòa bình đã trở lại, nhưng những viên chức cán bộ trong chính quyền mới đổ đốn ra làm việc còn nặng tính cách quan liêu, cửa quyền, bàn giấy. Họ chẳng khác gì những cán bộ trong chính quyền Xô Viết vào những năm 1925-1930. (Xem thêm Cuộc Cách mạng bị phản bội, L.Trôt-Ski, tủ sách nghiên cứu 1993, trang 12)

Đó là một thứ lạm phát chữ nghĩa do tuyên truyền cộng với lạm phát quyền lực do một thiểu số nắm giữ, lạm phát kinh tế do tham nhũng.

Tất cả các thứ lạm phát đó là một thứ thuế trực tiếp đánh trên đầu trên cổ giai cấp giới lao động và dân nghèo

Như Chế Lan Viên cuối đời thú nhận rằng, ông vẫn thường chỉ ăn bánh vẽ và tiếp tực ăn như thế. Bà Vũ Thị Thường, vợ nhà văn đã công bố bài thơ Bánh vẽ của ông có những câu như sau:

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối.

Hà Nội với nạn nhà cửa chật hẹp

Ở Hà Nội, sau 1954, ăn đã là một vấn đề nan giải, nhưng ở còn khổ bội phần. Hà Nội thời trước 1954 chỉ có hơn nửa triệu dân. Nhưng Hà Nội vẫn được coi là quá chật chội, không có chỗ ở. Những người làm phu lao động, buôn thúng bán mẹt không thể tìm một chỗ nào để trú ngụ. Đó là những người dân thường như bán hàng rong, những người buôn thúng bán mẹt, những công nhân làm vệ sinh, đổ thùng, quét đường, hốt rác. Hầu hết họ đều ở ngoại ô Hà Nội. Những nhà vườn trồng rau, trồng hoa cung cấp cho Hà Nội cũng tập trung ở khu Ngọc Hà.

Họ phải ra ngoài thành phố về phía Bắc, phía bên kia cầu Paul Doumer hay xuống phía Gò Đống đa, đường đi về Hà Đôngvv. Chỉ trừ một vài thành phần du thủ, du thực bám lấy Hà Nội bằng cách lấy các gầm cầu làm chỗ ở qua đêm.

Sáng họ vào Hà Nội, tối họ đi ra. Có những buổi sáng tinh mơ, phu đổ thùng từng đoàn nối đuôi nhau, gánh kĩu kịt những gánh phân đem theo những xú uế của Hà Nội ra ngoài và ngược chiều, những đoàn người đem vào những tốt tươi, thơm tho của đất trời như rau tươi, hoa quả. Nhất là hoa đủ loại như thể đó là lẽ tuần hoàn của trời đất.

Tôi nghĩ rằng sau 1954, sẽ không còn được trông thấy những cảnh tượng như thế nữa.
Cho nên, người Hà Nội thường là thứ “nguyên gốc”, không pha trộn. Phần đông thuộc thành phần tiểu tư sản, có ăn học. Tất cả các gia đình buôn bán của các phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang đều ít nhiều có gốc gác, lập nghiệp lâu đời. Sau này Bà Susan Bayly có viết cuốn Asian Voices in a Post- Colonial Age, trong đó bà đi tìm lại những người Hà Nội trí thức, có truyền thống gia đình, có thể từ thời 1946-1954.

Và những người Hà Nội có một nếp sống tiểu tư sản thành thị thông qua tiếng nói và cách ăn mặc. Tiếng nói của dân Hà Nội không pha trộn, khác biệt với dân Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và cũng khác biệt ngăn hẳn với dân ở các tỉnh miền xuôi như Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.

Tiếng nói người Hà Nội thanh lịch trong giọng nói và kiểu cách trong trao cách trao đổi, đối đáp, thưa gửi. Nhưng khéo quá đôi khi không tránh được tác phong phong kiến, kiêu kỳ, phỉnh phờ, không thật lòng giả dối, nịnh bợ cũng có. Nhất là những tiếng danh xưng vừa có ý trân trọng người đối thoại vừa gián tiếp tự đề cao chính mình. Chẳng hạn, khi nào thì gọi là Quan đốc? cụ đốc, cụ lớn, cậu đốc, anh đốc, chú đốc cháu, bác đốc cháu hay bác đốc nhà tôi? Cả một vấn đề, tùy theo tình huống mà có thể trở thành phức tạp, tế nhị, mát mày mát mặt, nhạy cảm, phiền toái, cầu kỳ, rắc rối, bi kịch, giận hờn, thù oán.

Nhưng đó là nếp sống văn hoá nói Hà Nội. Như một cơn bão nhỏ. Sau 1954, những chữ đó và hằng trăm chữ khác tự động biến mất.

Chữ nghĩa có cái thời của nó, thời để sống và thời để chết.

Cả một nếp sống văn hóa tiêu biểu của Hà Nội không cánh mà bay đi và không bao giờ còn như thế nữa.

Cũng kể từ 1954, một số không nhỏ, khoảng 200.000 người Hà Nội đã rời bỏ thành phố di cư vào miền Nam. Chỗ trống ấy có người lấp ngay. Phần là dân tập kết trong Nam ra. Phần bộ đội và cán bộ vào thành. Phần này là đông nhất. Trong đó không thiếu những người gốc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nay là cán bộ kéo vào biến tiếng nói của người Hà Nội thành ọ ẹ. Phần nữa là dân chúng bỏ nhà quê lên tỉnh.

Cho nên, nay mà nói đến dân Hà Nội chính cống, đi tìm một người nói tiếng Hà Nội gốc thì quả thật không dễ, vì họ chỉ chiếm hơn 10% dân số thủ đô. Tôi đã ra Hà Nội và chỉ có thể gặp lại những người họ hàng, bà con mới còn giữ được tiếng nói của người Hà Nội xưa. Đặc biệt là tiếng nói đó không the thé, eo éo như bây giờ.

Cho dù muốn đi tìm lại những ngưòi Hà Nội cũ đi nữa, cho dù tìm được. Họ cũng không còn là họ nữa.

Dân số Hà Nội đã tăng 3, 4 lần sau 1954. Diện tích ở của mỗi đầu người tính ra được 4, 5 mét vuông. Những căn nhà có ngõ dài hun hút, sâu chừng 4,5 chục mét là thường, ở trong các khu phố cổ là vô cùng chật chội, vì một nhà nay phải chứa thêm 4,5 hộ, có khi đến 10 hộ gia đình.

Nếu các gánh hàng rong là mặt ngoài của Hà Nội thì Ngõ là mặt trong của Hà Nội.

Ở đó có những cảnh đời tăm tối tranh nhau, chen chúc nhau từng phân tấc, từng gáo nước, dòm ngó, kèn cựa từng ly từng tý một.

Tôi không nói sai, nói thêm cho người Hà Nội. Quả tình thật là như thế. Đến như có thể nói đến một thứ sinh hoạt văn hoá Ngõ. Người ta phải dựa vào nhau để mà sống, phải nhịn nhục nhau mà sống, phải chấp nhận nhau để mà sống hết năm này qua năm khác. Có khi từ bé tới lớn, tới già. Đó là những nỗi khổ ở đời, nỗi khổ sinh ra làm người, bên cạnh cái khổ túng thiếu, nghèo đói.

Trường hợp ông Nguyễn Đăng Mạnh sau này được xum họp ở Hà Nội. Hãy nghe ông tả oán:

“Năm 1971, vợ chồng tôi mới được phân phối cho một gian nhà lá, nền đất trong một dãy nhà gọi là K2. Bốn người, hai vợ chồng, hai đứa con, có khi lại thêm bà Nhạc đến chơi, ở chen chúc trên mười mấy mét vuông. Mùa hè nóng quá, có khi phải kê giường ngủ ngoài hè. Sách vở đặt trên những xích đông làm bằng tre nứa”.

(Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 53)

Đó là hỏa ngục trần gian thu hẹp lại.

Nhưng nếu người Hà Nội bây giờ chỉ chịu khó đi dọc con đường Hoàng Diệu sẽ nhìn thấy những căn biệt thự kín cổng cao tường dành cho các quan cán bộ cao cấp.

Nhìn những căn biệt thự uy nghi và đồ sộ ấy, chúng ta sẽ thấy rằng, sẽ không bao giờ có Thiên đường Xã Hội chủ nghĩa ở đời này.

“Các nhà chính trị ở Hà Nội thường nói đến đồng cam, đồng khổ giữa đồng chí và đồng bào, thế nhưng trong vấn đề nhà ở làm sao có thể coi là đồng cam, đồng khổ giữa một ông lớn ở nhà cao cửa rộng hàng 100, 200 mét vuông với một viên chức cán bộ trung cấp, một đại úy hay thiếu tá ở một buồng con 9 thước vuông cùng vợ và 2 hoặc ba con”… Có vị tướng có đến hai ba nhà, giữ cho vợ và con, sang tên một cách mờ ám để chiếm nhà của nhà nước…Cán bộ cao cấp có mức sống cao vượt lên cán bộ trung cấp, cho nên trên thực tế, tỉ lệ chênh lệch 1/7 trở thành 1/50, 1/100 hoặc hơn rất nhiều nữa Có lúc ông viết 1/1000… Có khi họ phải chờ đợi hàng chục năm mới được phân phối một phòng rộng hơn 4 mét vuông, 6 mét vuông sau khi đẻ 2, 3 con…”

Hệ lụy của chính sách Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở miền Bắc tháng 5, 1955

Bài viết này không nhẳm trình bày đầy đủ về chính sách cải cách ruộng đất, nhưng chỉ đưa ra một vài nhận xét tiêu biểu về sự sai lầm nghiêm trọng của chính sách này về mặt thực tế, pháp lý vv.

Tiêu biểu sai lầm nhất của chính sách CCRĐ là đã không tìm ra được kẻ thù đích thực là: Bọn địa chủ.

Ai là địa chủ?

Chính quyền cộng sản lúc bấy giờ chia ra 6 loại địa chủ: Địa chủ phản bội như phục vụ thực dân Pháp, địa chủ phản động tham gia đảng phái như Quốc Dân Đàng, địa chủ gian ác hà hiếp dân lao động, địa chủ kháng chiến có công với kháng chiến, địa chủ thường có từ 3 đến 5 mẫu ta, không giàu và địa chủ khác là các ông đồ nho có chút dư giả. (Trích Nông dân Bắc Việt những năm 1945-1970, Nguyễn Văn Canh, trang 19)

Phân chia ra như vậy, nhưng lúc thi hành thì lại khác.

Nạn nhân đầu tiên: Bà Nguyễn Thị Năm

Ngay đợt đầu cải cách diễn ra ở Thái Nguyên, đã có việc đánh nhầm đối tượng là bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ có đồn điền, có công với kháng chiến, đã từng nuôi đưỡng chứa chấp những người như Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Bà lại có hai con trai tham gia kháng chiến từ đầu, có công với kháng chiến trong việc chống Pháp. Thí điếm cải cách ruộng đất đầu tiên, Pilot land reform, diễn ra ở 6 làng thuộc tỉnh Thái Nguyên từ tháng 12, 1953 đến tháng 3, 1954, Bao gồm 10.792 người trong đó có nạn nhân là bà Năm.

Trong một Hồi ký rất nên đọc, Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn, nguyên phó thủ tướng, ông Đoàn Duy Thành viết về vụ bắn bà Năm như sau:

Đánh một địa chủ ủng hộ kháng chiến, một địa chủ hiến ruộng, địa chủ kiêm công thuơng là ba cái sai lầm. Bắn một địa chủ là nữ, không phải là cường hào gian ác sẽ trái đạo lý thông thường của người Việt Nam. Sau này được biết, khi chuẩn bị bắn, bác Hồ can thiệp và nói đại ý: Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao? Nhưng cán bộ thừa hành bá cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là:” Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả. Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm”

Theo Thành Tín, theo luận điệu của đội CCRĐ là:

“Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối, nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ Cách Mạng để phá hoại. Hồ Chí Minh sau khi nghe Hoàng Quốc Việt chạy về bá cáo vụ bà Nguyễn Thị Năm nói: Không ổn, không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ sung vào một phụ nữ và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính ủy Trung đoàn quân đội nhân dân đang tại chức”.

Thế nhưng sau đó, không có gì động đậy cả, ông Hồ giữ im lặng, không can thiệp. (Trích Mặt Thật, Thành Tín, trang 38-39) Hồ Chí Minh biết việc đấu tố và tử hình bà Năm, nhưng ông đã không can thiệp gì cả. Theo nhà văn Vũ Thư Hiên trả lời một câu hỏi về trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong chính sách này, ông trả lời: “Hồ Chí Minh phải là người trách nhiệm chính vì ông đã ký sắc lệnh Cải Cách ruộng đất, dù người thực hiện là ông Trường Chinh”.

Theo ông Hoàng Tùng xác nhận, vụ án Bà Nguyễn Thị Năm đã được bộ chính trị họp và quyết định. Riêng ông Nguyễn Minh Cần, Phó chủ tịch Hà Nội than:

Những người đứng đầu chính phủ đã từng được bà che dấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm chủ tịch nước, Tổng Bí Thư. Ủy viên ban chấp hành, Thủ tướng, phó thủ tướng đã lạnh lùng chuẩn y một bản án tử hình như vậy. Phát súng đầu tiên của CCRĐ đó tự nói lên nhiều điều về các lãnh tụ cộng sản. Nó báo trước những tai họa không lường cho dân tộc”.

(Trích Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác nửa thế kỷ trước.)

Tổng kết các đợt CCRĐ theo Hồ Việt Thắng

Hồ Việt Thắng là cánh tay mặt của Trường Chinh, được cho đi học ở Trung Cộng về CCRĐ, về phương pháp đấu tố để đem về áp dụng tại Việt Nam. Có tất cả 5 đợt Cải cách và một đợt thí điểm lúc ban đầu ở Thái Nguyên.

Đợt thí điểm tiến hành trong: 6 xã và 10.792 nhân khẩu

Đợt 1: 53 xã và 109.675 nhân khẩu
Đợt 2: 210 xã và 480.563 nhân khẩu
Đợt 3: 466 xã và 1.207.294 nhân khẩu
Đợt 4: 859 xã và 2.564.105 nhân khẩu
Đợt 5: 1732 xã và 6.140.127 nhân khẩu

(Trích Nhận xét về CCRĐ, đợt 5, Hồ Việt Thắng, Talawas,30/09/2005)

Theo bảng tổng kết trên, các đợt CCRĐ đã thực hiện trên 3267 xã trên toàn miền Bắc và ảnh hưởng tới 9.512.556 người. Tức 2/3 dân số miền Bắc. Và theo Hồ Việt Thắng, có hơn 6 triệu nông dân lao động miền Bắc đã thoát khỏi cảnh lầm than, giành lại được ruộng, để vươn mình và đã thật sự làm chủ nông thôn.

Từ nay, quyền chiếm hữu ruộng đất phong kiến bị xóa bỏ vĩnh viễn.

Cũng kể từ nay, mỗi cố nông có 4 sào ruộng, mỗi bần có 4 sào 2 thưóc và mỗi trung nông có 4 sào 12 thước. (Ở miền Nam, mỗi đồng bào di cư ở vùng Cái Sắn được cấp 3000 mét vuông, tương đương 3 mẫu tây)

Và cũng theo Hồ Việt Thắng viết:

Những bần cố nông trước đây không tấc đất cắm dùi hoặc thiếu ruộng, quanh năm lĩnh canh, cày thuê cuốc mướn, sống lam lũ tối tăm, luôn luôn bị đói rét, nợ nần, roi vọt và chết chóc đe dọa, ngày nay đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân chính đáng của đồng ruộng”.

Kể từ nay, họ bước vào cuộc đời mới.

Những sai lầm trong CCRĐ

Chúng ta không thể căn cứ trên tài liệu chính thức của cộng sản để nêu ra được những sai lầm trong CCRĐ. Chằng hạn, tài liệu của Trường Chinh với nhan đề: Sửa sai và tiến lên. Hay là những bài tham luận viết trên báo Quân Đội Nhân dân: “Chính trong sai lầm mà nhân dân ta càng vĩ đại, đảng ta càng thêm vĩ đại” Hay bài viết của Trung Anh: Suy nghĩ về vấn đề viết về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, báo Văn Nghệ, 16/11/1956, Lại Nguyên Ân biên soạn)

Phải chịu khó lọc để tìm ra được đôi chút sự thật như các bài viết của Trần Huy Liệu: Xét lại Hồ sơ của giai cấp địa chủ. Hay Thư của Đặng Thái Mai gửi Trường Chinh ngày 19/06/1953

Sai lầm thứ nhất: Về diện tích đất đai

Miền Bắc rộng có 63.000 dậm vuông mà đến 2/3 là núi rừng, phần còn lại là miền Trung du và châu thổ sông Hồng Hà mà trên 90% làm nông nghiệp. Có nghĩa là khoảng 13,5 triệu dân làm nghề nông.
Diện tích đất đai miền Bắc là quá hẹp, thế mà trong đó phân nửa thuộc ruộng công thổ và ruộng của giai cấp Trung nông (Trung nông không là đối tượng truy sát của Cải cách ruộng đất) Phân nửa diện tích còn lại, địa chủ chiếm bao nhiêu diện tích đất? Và trung bình mỗi điạ chủ có bao nhiêu mẫu ruộng để bị đưa ra đấu tố?

Tính số ruộng ở miền Bắc được chính người cộng sản phân phối theo tỉ lệ như sau: Thực dân chiếm 1%. Tôn giáo chiếm 1,5%, Công điền, công thổ chiếm 25%, địa chủ chiếm 24.5 %, Phú nông 7.1%, Trung nông chiếm 29%, Bần nông 10%, Cố nông1%, những người khác 0,8%. (Trích Nông dân miền Bắc, Nguyễn Văn Canh, trang 19)

Như thế, cố nông (nghèo, không ruộng, không nhà cửa, đi làm thuê, bị địa chủ bóc lột) và bần nông (khá hơn, có thể có nhà cửa, có vài sào ruộng, nghèo, phải đi cấy rẽ hoặc cấy thuê cho địa chủ) chiếm 61% dân số, nhưng tỉ lệ chiếm hữu đất đai chỉ là 11.1% trong khi đó 5% phú nông (Có từ vài ba mẫu ruộng, có trâu cầy, nhưng mỗi mùa có thể phải thuê mướn vài người đế giúp cấy, gặt) và địa chủ. (Có nhiều ruộng hơn phú nông, không tự làm lấy đuợc, phải thuê người, hay cho thuê ruộng, cho vay tiền hay thóc, sống bằng sức lao động của người khác) thì chiếm 24.5%%.

Số ruộng của phú nông và địa chủ cộng lại mới đạt 31%. Số ruộng còn lại hơn 50% là thuộc đất công điền và Trung nông. (Trung nông là những người có từ 3 mẫu ta trở xuống, tự canh tác lấy và không thuê mướn người nên không không bóc lột ai cả) Số ruộng hơn phân nửa là ruộng công điền và trung nông, có nghĩa diện tích ruộng này không do địa chủ bóc lột.

Số ruộng còn lại do địa chủ nắm giữ là 24%. Nhưng nếu căn cứ vào thành phần địa chủ ác ôn mới là đối tượng bị đấu tố? Vậy thì số ruộng lấy lại từ địa chủ loại ác ôn là bao nhiêu?

Căn cứ theo bảng thống kê của Hồ Việt Thắng thí mỗi bần cố nông nay được làm chủ vỏn vẹn có 4 sào ruộng. 4 sào ruộng này có đủ để nuôi sống một gia đình nông dân không? Có đáng làm cuộc CCRĐ với đấu tố không?

Sai lầm thứ hai: Quá tả khuynh trong việc đánh địa chủ

Ngay từ tháng 3, 1954, Trần Huy Liệu đã viết một bài về: Xét lại “Hồ sơ” của giai cấp địa chủ gửi cho Hoàng Quốc Việt, một nhân vật chủ chốt trong CCRĐ sau Trường Chinh. Trần Huy Liệu cho rằng khác với Trung Quốc, địa chủ của ta đa số là trung và bậc tiểu mà phần đông lại là thành phần yêu nước, vì vậy cần có sách lược đối xử đúng mức.
Thật vậy, ruộng ít mà đa số ruộng thuộc đất công điền và thuộc trung nông. Tự nhiên, ruộng ít thì địa chủ phải ít.

Trong khi đó, các đội cải cách được lệnh truy lùng bọn địa chủ trong các làng phải đạt chỉ tiêu là 5% địa chủ. Không có thì phảì đi “bắt rễ”, phải tự “đi tìm nghèo, hỏi khổ” cho bằng được, phải đôn, phải kích cả những thành phần phú nông đến trung nông và họ trở thành nạn nhân. Ngay cả trường hợp họ đã chết thì vợ con vẫn bị đưa ra xét sử trước tòa án nhân dân và tịch thu tài sản.

Trong Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh đưa ra cùng nhận xét: “Bắt oan, giết oan hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều thế? 5%? Làm sao mà Quốc Dân Đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập khuôn theo Trung Quốc một cách cực kỳ ngu xuẩn”. (Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 41)

Đó là trường hợp xã Sơn Trung, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, một xã có chừng 1500 hộ gia đình với 7000 dân. Xã này có 20 gia đình bị quy vào thành phần địa chủ, cường hào, gian ác (tử hình) và 30 gia đình khác bị tù, 1955. 20 gia đình trong số 1500 gia đình thì chưa đủ tiêu chuẩn 5%. Vì thế, sang 1956, các đội được lệnh phải kích một số gia đình phú nông lên thành địa chủ để đạt được 5% địa chủ (Trích Nông Dân Bắc Việt những năm 1945-1970, Nguyễn Văn Canh, trang 44).

Cũng lại theo hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh:

Nguyễn Đăng Mạnh
Nguồn: RFI

Nhưng riêng xã tôi thì tìm mãi không ra thằng nào gian ác đáng xử bắn. Đoàn ủy liền cử người về chấn chỉnh. Tôi nhớ anh cán bộ đoàn tập hợp toàn đội lại ở một chái nhà dân quanh một cáí cối giã gạo. Anh ta xỉ vả chúng tôi một trận thậm tệ:” Không bắn thằng nào thì quần chúng còn bị nó khống chế, đến bao giờ mới ngóc đầu lên được. Lập trường giai cấp để đâu? Hữu khuynh nghiêm trọng. Đảng nuôi cho các anh ăn để ngồi chơi à? Phải kiểm điểm nghiêm khắc, rồi đi sâu, đi sát, tìm thằng đầu xỏ để bắn.Thế là lãnh đạo đội đêm ngày tìm ra thằng đầu xỏ phản động. Họ nghĩ đến một người tên là Cớt, bí thư chi bộ đảng, và gợi ý mớm lời cho cốt cán phát hiện ra những hoạt động của bọn Quốc Dân Đảng đội lốt cộng sản. Lập tức hồ sơ tội trạng của Cớt ngày càng dày lên, và bí thư chi bộ cộng sản thành bí thư chi bộ Quốc dân đảng. Dĩ nhiên là Cớt bị bắt giam và không tránh khỏi sẽ bị xử bắn. Nhưng phúc đời cho Cớt, cuối đợt cải cách có lệnh sửa sai. Các đội được lệnh triệu tập để nghe ông Hoàng Quốc Việt về nói chuyện. Tất cả các tù nhân ở các trại giam được thả ra hết…

(Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 41)

Đây là sự bắt chước thô bạo và thiển cậnTrung Cộng. Các địa chủ ở Trung Quốc không phải chỉ có vài chục mẫu ruộng mà có từ vài trăm lên đến vài ngàn mẫu ruộng. Dưới tay họ, có hàng ngàn nông dân làm quần quật, bị bóc lột, bị đối xử như người nô lệ. Đó là một chế độ phong kiến, địa chủ đủ tầm cỡ, đã “chín mùi” để đáng làm một Cuộc Cách mạng Cải cách ruộng đất.
Ông Nguyễn Đăng Mạnh cũng cùng nhận xét như sau:

Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tàu đối với Việt Nam về chính trị và văn hóa.”

(Trích Hồi ký của Nguyẽn Đăng Mạnh, trang 42). Còn ở Việt Nam, một gia đình trung lưu có từ 10 đến 20, 30 chục mẫu ruộng thường tự canh tác, hoặc thuê mướn người quen, người cùng làng hay họ hàng. Họ tương trợ, đùm bọc nhau mà làm, có ơn nghĩa, có tình xóm làng hoặc tình nghĩa họ hàng.

Cái tương quan thuê mướn đó không thể máy móc xếp vào loại tương quan bóc lột được. Đôi khi còn mang ân nghĩa suốt đời không chả được.

Cho nên không thể mang áp đặt chế độ phong kiến, địa chủ bóc lột bên Trung Quốc áp dụng vào Việt Nam được. Chính vì thế, các đội cải cách chẳng những gặp khó khăn trong việc truy lùng địa chủ, nó còn gặp trở ngại là làm thế nào thuyết phục những nạn nhân chịu đứng ra “đấu tố” những người mà họ coi là ân nhân của mình.

Việc đấu tố trở thành màn kịch giả dối,oan uổng, ép buộc vì nhiều người “chưa đủ tiêu chuẩn” là địa chủ, hay chưa xứng đáng là địa chủ. Đấu tố như thế thí phải bịa đặt, khai gian, bịa ra nhiều điều không có thật nên phải chuẩn bị trước, phải học thuộc lòng, phải tập dượt trước.

Những người được cử ra đấu tố nạn nhân, chính họ lại trở thành nạn nhân của một màn lừa bịp trong đó con nuôi, con dâu, chú cháu, vợ lẽ muối mặt tố cáo người thân thuộc bằng những lời chứng bịa đặt.

Và trích dẫn một số nhận định sau đây đủ thấy tính tàn ác của Hồ Chí Minh như thế nào, ông Hồ tuyên bố:”Phương châm của cải cách ruộng đất là: phóng tay phát động quần chúng nông dân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 509)

Ông Nguyễn Văn Trấn, đại biểu Quốc Hội Khóa 1 giải thích “phóng tay” của Hồ Chí Minh là cứ làm mạnh thả cửa. Ông Nguyễn Minh Cần giải thích “phóng tay” là: làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không khoan nhượng, không thuơng xót, cho dù quá trớn, quá tả cũng không đáng sợ”.
Một nhận xét nữa của Hồ Chí Minh về CCRĐ như sau: Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó cũng giẫy lên trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế. (Trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang, 358, Trích lại trong Nguyễn Quang Duy trong bài: Vai trò của Hồ Chí Minh trong cải cách ruộng đất, Talawas 25.1.2007)

Hay ông Hồ so sánh như thế này: Khi uốn thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tý và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra thì nó mới thẳng được,” Ông Nguyễn Văn Trấn than rằng:” Trời ơi, Đảng của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật lại giết chết bao nhiêu vạn sinh linh. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và Quốc Hội, Văn Nghệ, USA, 1997)

Trong phim: Chúng tôi muốn sống, sau 1954, được chiếu ở miền Nam, đã gây nên những xúc động mạnh mẻ trong dân chúng về cảnh dã man của việc đấu tố ở miền Bắc. Cuốn phim diễn lại cái cảnh tượng gia đình địa chủ Nguyễn Văn Long đã có công ủng hộ kháng chiến, con trai là đại đội trưởng Vinh lập nhiều thành tích chống Pháp. Họ vẫn bị lôi ra đấu tố. Những kẻ bị ép buộc ra đấu tố ông bà Long là anh Cu Tý, chăn trâu, anh con nuôi, chị láng giềng. Ngay cả Lan, người yêu của Vinh cũng buộc ra đấu tố bố mẹ chồng. Kết quả là ông bà Nguyễn Văn Long bị kết án tử hình. Chính sách này gây ra những hậu quả tai hại là phá vỡ toàn bộ tương quan xã hội và gia đình. Tình nghĩa máu mù, ruột thịt, bà con họ hàng, tình nghĩa xóm làng không còn nữa.

Mỗi người trở thành kẻ thù của mọi người. Đó là một xã hội băng hoại và tan rã, bật gốc rễ và mất hết các giá trị cổ truyền, truyền thống trong nếp sống, nếp nghĩ ở đời.

Cuối cùng thì người nông dân vẫn là kẻ chịu thiệt thòi nhất như nhận xét của ông giáo sư Tương Lai viết: ”Nông dân Việt Nam là người chịu trên vai gánh nặng nhất của đất nước. Nhưng về sau, bản thân người nông dân lại phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi và ông đúc kết ra những cái thiệt thòi nhất của người nông dân là: Cống hiến nhiều nhất, hy sinh lớn nhất là thứ hai. Hưởng thụ ít nhất là thứ ba. Thứ tư là họ được giúp kém nhất. Thứ năm là họ bị đè nén thảm nhất. Thứ sáu là họ bị tước đoạt nặng nhất. Thứ bảy, họ cũng là người cam chịu nhất lâu dài nhất. Nhưng thứ tám, họ là người tha thứ cao cả nhất.”

Sau hơn 60 năm, sau cải cách ruộng đất và người cày có ruộng, xem ra Việt Nam vẫn cần tìm ra câu trả lời cho những vấn đề công bằng xã hội ở nông thôn mà quan trọng vẫn là vấn đề ruộng đất. Đất nông nghiệp nay được chuyển thành đất xây cất đô thị và công nghiệp. Người ta lấy hằng trăm hecta ruộng của nông dân và không có đến bù xứng đáng.

Bất công vẫn hoàn bất công. Người cộng sản có thể tự hào về nhiều thứ lắm. Nhưng chỉ có một điều họ không thể tự hào được là người nông dân từ hơn nửa thế kỷ này, chưa có một ngày mà họ cảm thấy mình hạnh phúc. Đến năm 1860, còn ăn độn 20%. Nhưng sang đến năm 1966, đã phải ăn độn tới 60%.

Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất đi vào đợt 4 thì đảng quyết định sửa sai xem ra đã trể, vì đã có một số nạn nhận chết qua các các đợt cải cách. Đảng cho lệnh ngưng lại.

Nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế?

Số nạn nhân bị giết trong cải cách ruộng đất

Thật ra không có cách nào để tìm ra con số nạn nhân đã chết trong CCRĐ. Tôi không tìm ra được số liệu đích xác về số người chết là bao nhiêu? Nhưng điều chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ tìm ra được.

Cùng lắm, nếu chúng ta căn cứ trên tỉ lệ 5% mà chính quyền cộng sản yêu cầu, rồi căn cứ vào số xã đã được các đội cải cách đến bắt rễ và phát hiện các địa chủ. Con số khiêm tốn nhất theo thống kê nội bộ mà ông Bùi Tín tiết lộ cho biết thì có:

* Số địa chủ thường: 82.777, số bị quy sai là 51.480 người. Tỉ lệ sai là: 62%

* Số địa chủ kháng chiến: 586. Số quy sai là: 290, tỉ lệ sai là: 49%

* Số địa chủ cường hào ác bá là: 26.453. Số bị quy sai là: 20.493, tỷ lệ sai: 77%.

Như vậy là có hơn 80 ngàn gia đình địa chủ bị bắt bớ hành hạ. Mỗi gia đình lại có trung bình 4,5 người liên quan nên số bị nạn lên đến trên 400 ngàn người. Họ mất nhà, mất tiền của… một số tự sát… Nếu còn sống cũng đói khổ, ốm đau, suy kiệt. Nhiều gia đình bị tan vỡ, con cái thất học, bơ vơ. Chưa kể 84.000 đảng viên bị xử trí, bị tù, bị tra tấn. (Trích Bùi Tín, Nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất, Talawas1.11.2006).

Món nợ này đảng cộng sản trả bao giờ cho hết?

Và còn phải nói tới mối liên hệ gia đình như vợ con, anh em bà con, dòng họ. Tất cả những người còn sống có mối liên hệ huyết thống với tên địa chủ bị loại trừ khỏi làng xã. Họ không được học hành, bi khinh miệt, tẩy chay trong việc lấy vợ, lấy chồng. Biết bao nỗi khổ và nỗi nhục chồng chất đến đời con cháu. Như lời nhận định của Hồ Việt Thắng:” Đối với các chính sách của Đảng và chính phủ, vì không phổ biến sâu rộng trong nhân dân và địch cố xuyên tạc phá hoại, nên quần chúng cũng có nhiều thắc mắc. Đồng bào công giáo thì lo mất cha, mất đạo. Người trước đi làm ngụy quân, nguỵ quyền hoặc có tên trong các tổ chức khác của địch, thì sợ bị trừng trị. Nhà có người đi Nam sợ “bị liên lụy”. Rất nhiều người sợ bị liên quan với địa chủ, đế quyốc và phản động”. (Trích Hồ Việt Thắng, Nhận xét vế cải cách ruộng đất, đợt 5, trích Talawas,30/09/2005)

Nạn nhân “bất đắc dĩ” của CCRĐ

Anh “Nhân” hay anh “Thận”, bí danh của Trường Chinh là người mông muội, sùng bái “Mặt trời Phương Đông”, đọc thuộc lòng tư tưởng Tri Cửu Chiến hay Tân Dân Chủ Luận của Tàu đến mê muội quá mức. Ông là người đã đứng ra phát động chiến dịch cải cách ruộng đất vào tháng 11, 1953 với phụ tá là Hồ Việt Thắng. Thắng là người được đưa sang Trung cộng học về Cải cách ruộng đất, học phương pháp đấu tố rồi về áp dụng ở Việt Nam. Họ chỉ biết học thuộc lòng, cưỡng hiếp oan uổng thực tế Việt Nam bằng bạo lực duy ý chí sao cho phù hợp với sách vở giáo điều. Trường Chinh trước sau cũng chỉ là con vật tế thần của Hồ Chí Minh. Do những sai lầm quá lớn của CCRĐ cũng như số nạn nhân bị giết trong cải cách đã dẫn đến việc Trường Chinh bị mất chức Tổng Bí Thư trong kỳ Hội thứ 10 của ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam.

Hoàng Quốc Việt Lê Văn Lương bị loại ra khỏi bộ Chính Trị. Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban chấp hành Trung Ương.

Tội của bọn họ như thế mà chi bị mất chức thì kể là quá nhẹ.

(Từ phải) Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh (học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh), Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc
Nguồn: Trích Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trường Chinh của Ban Tư tưởng – Văn hóa TW

Một người không phải địa chủ, không ruộng nương, không bóc lột ai, nhưng trở thành nạn nhân cuối cùng của CCRĐ là một trí thức. Người dám đứng ra sửa sai đảng là luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong bài Tham luận đọc tại Hội nghị Mặt Trận Trung Ương ngày 30/10/1956, tại Hà Nội. Bài chỉ đúng 4 trang rưỡi giấy ấy đòi phải đặt pháp lý hoá trong những vụ xử án. Kết quả ông đã không đòi được những điều ông không thể đòi: 40 năm còn lại, ông bị trù dập và “ngồi chơi xơi nước”. Ông bị trù ếm lâu nhất so với bất cứ loại địa chủ nào chỉ vì muốn đứng về phía lẽ phải, pháp luật. Ông chỉ quên một điều: Đảng vĩ đại nhất ngay cả trong những sai lầm của họ.

Người miền Nam có thể không biết, hoặc biết mà không nhớ là vào thời điểm 1955-56, bên bờ phía Nam của sông Bến Hải, chính quyên ông Diệm có căng một tấm biểu ngữ lớn ghi mấy câu cho người phía bên, phía Cửa Tùng, Vĩnh Linh đọc: Ở đâu con tố cha, vợ tố chồng?

Chính sách Hợp tác hoá nông nghiệp và những hậu quả của nó

Người nông dân như bần cố nông vừa mới được hưởng ân huệ 4 sào ruộng vì người cầy có ruộng thì nay nhà nước đưa ra chính sách Hợp tác hoá nông nghiệp. Việc sửa sai CCRĐ chưa xong, nhà nước đã ép nông dân đi vào đường tập thể hóa nông nghiệ theo đường hướng của Stalie và Mao Trạch Đông. Nông dân từ nay phải làm việc tập thể. Theo nguyên tắc: có làm mới có ăn, dưới sự lãnh đạo và theo kế hoạch của nhà nước. Nông dân sẽ bị tập thể hóa từ bậc th lên trên, từ xã lên toàn xã theo kiểu công xã nhân dân Trung Quốc.

95% diện tích đất đai từ nay trở thành của HTX, 5% còn lại để cho nông dân tự canh tác lấy.

Mãi cho đến năm 1986, HTX mới bị giải thể. Từ đó nông dân được tự do sản xuất trên ruộng đất của mình. Ngay đó năng xuất gạo tăng vọt đến có thể dư thừa, sau đó, xuất cảng gạo trên thị trường thế giới.

Từ nay, người dân phải làm đơn để hiến số ruộng mình có, hiến nông cụ, trâu bò của mình cho HTX. Sự bồi hoàn tính ra thành những phần hùn, những ngày công được giảm. Nhưng giả dụ có đi ra khỏi HTX thì không được quyền lấy lại.

Việc làm của xã viên được tính theo công điểm. Thóc của Hợp tác xã làm ra được quy định là nghĩa vụ lương thực đối với nhà nước.

Thực tế trước mặt

Tư lợi vẫn là yếu tố thúc đẩy một quá trình sản xuất. Khì không còn tư lợi, sản xuất sẽ bị trì trệ, ít còn trách nhiệm. Làm cho mình thì người ta có thể sẵn sang hy sinh công sức, ngày giờ, tiền Nhưng khôn ai dại gì bỏ công sức ra làm việc cho HTX, vì chẳng được thêm bổng ra ngoài. Người ấy nhất định nhảy xuống ruộng vá bò ruộng làm thoát nước. Nhưng nếu đấy là ruộng HTX thì người ấy có chịu lảm như vậy không? Chắc là không?

Điều đó cắt nghĩa được HTX tại sao ít năng xuất, tại sao thu hoạch kém, tại sao không bao giờ đạt được đúng chỉ tiêu? Và tại sao thất thu, tại sao cả nước vẫn chưa khá lên được?
Đất nước vẫn chưa ra khỏi cảnh nghèo túng, lạc hậu, vẫn chưa xoá được đói, giảm được nghèo suốt từ 1954 đến 1985.

Khi có nạn thiếu hụt lương thực thì người nông dân có thói quen dự trữ gạo cho họ. Một thứ Self-protection đồng thời họ còn hy vọng kiếm lợi nhuận qua số lúa gạo dự trữ thặng dư. Phần chính quyền mới, không tận thu được, chỉ thu đạt được 82.2% mục tiêu mà họ đề ra. Nhiều tỉnh còn tệ hơn nữa, chỉ thu được 60% như các tỉnh Kiến An, Quảng Bình, hoặc thu chưa được một nửa như các tỉnh Hải Phòng.

Chính quyền mới nghĩ đến việc ép dân vào các tổ hợp lao động (collective labour) với các Hợp Tác Xã mà mục tiêu nhằm tới là giới nông dân. Nhưng đã hẳn công việc hợp tác hóa đã không đạt được yêu cầu như mong đợi của chính quyền Cộng Sản. Trường Chinh chủ trương phải làm thế nào đưa được 70 đến 75% nông dân vào các Hợp tác xã, nhất là tầng lớp nông dân trung lưu. Theo như nhận xét của Ken Post như sau:

The last point strongly indicates that peasants were not settling easily in to the new organizations. This was bound to become worse as the officially estimated 30 percent of “ordinary” and “upper, middle” were enrolled. (Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam. Volume 2, Ken Post, trang 258).

Phần những người sống ở thành thị như công chức, bộ đội, công an, cán bộ, nhất là cấp cán bộ lãnh đạo cao cấp vốn không sản xuất ra lúa gạo thì cần tỗ chức sổ gạo, chế độ tem phiếu để có thể phân phối thực phẩm đến tay họ. Xã hội từ nay bị phân hóa ra nhiều thành phần, nhiều cấp bậc như thời phong kiến, măc dầu không còn có vua. Chênh lệch xã hội ngày càng lớn. Kẻ có vây cánh và thần thế chiếm giữ đặc quyền. Nhiều tầng lớp nhân dân bất mãn với chế độ như trong Ký 54-55 của Trần Dần đã ghi lại.

Chế độ sổ gạo và tem phiếu đã gây ra không biết bao nhiêu bất công, phiền nhiễu, mất thì giờ và cảnh khổ chờ đợi cũng như phẩm chất yếu kém của các món hàng do Hợp Tác Xã bán ra. Dân gian có thói quen gọi XHCN là Xếp hàng cả ngày chắc hẳn là đúng.

Tiêu chuẩn gạo cho quân đội là 18 kí lô/một tháng, người lớn là 13 kílô/tháng. Học sinh 14 ki lô/ tháng. Gạo như thế trở thành món ăn chính. Với số lượng gạo trên, ăn dè mới đủ. Nhiếu nhà, đến ngày 20 mỗi tháng là trong nhà không còn gạo mà ăn nữa. Tiêu chuẩn gạo phân phối như thế đối với một thiếu niên mới lớn thật không cách nào đủ được. Ai cũng phải ăn cả. Không lẽ quân đội thì được ăn nhiều và đầy đủ hơn một người dân thường?

Chưa kể là mua về phải gạo xấu, gạo mốc, gạo mọt, gạo xen cám, xen tấm, xen trấu. Mua về phải sàng lại, phải đãi lọc. Ai trách nhiệm về phẩm chất gạo đây? Kêu ai đây? Trong khi đó, muốn ăn gạo ngon thì cỡ nào cũng có, giá nào cũng có với điều kiện phải mua chợ đen.

Chưa kể là phải chen chúc, cãi cọ, phải chờ đợi, xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng để khi cửa hàng mở thì được mua trước. Con cái, vợ chồng phải dạy sớm, thức đêm thức hôm, chầu chực.

Tình cảnh ấy, không thiếu người đã trải qua và cảm nhận được cái vô lý đến phẫn hận của đời sống trong Xã hội chủ nghĩa.

Xin dẫn một chứng từ của ông Nguyễn Đăng Mạnh:

“Ngày 30/04/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là những ngày rất vui. Tuy nhiên về đời sống vật chất thì vẫn khổ, có khi còn khổ hơn cả thời kỳ chiến tranh. Vẫn cơm độn mì hay bo bo. Vẫn xếp hàng chầu chực từ rất sớm để mua gạo mậu dịch. Mì để lâu bị mọt, sinh ra dòi bọ. Tôi đã thấy một lần như thế trong bát cơm của mình. Sợ quá… Làm gì cũng phải xếp hàng, phải chầu chực. Quyền thế nhất lúc bây giờ là bà chủ kho gạo, là cô hàng mậu dịch. Đây là lúc Hoàng Ngọc Hiến từng phát biểu một câu rất tội: Đi đường thấy một xu ai đánh rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ”.

(TríchHồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 55)

Gần đây nhất, tôi có trong tay tờ Công An, thành phố Hồ Chí Minh, bộ mới, số 164, số ra ngày 21/05/2005. ngay trang nhất, tờ báo cho in một câu: Hộ Khẩu. Chưa thể bỏ.

Đã nửa thế kỷ, người dân Việt Nam vẫn còn chịu cảnh sống dưới chế độ Hộ Khẩu.

Có lẽ nhà báo Bùi Tín là người hiểu rõ tất cả guồng máy chính trị cũng như những lắt léo, lạm dụng của cán bộ lãnh đạo cộng sản. Những tiết lộ sau đây của ông Bùi Tín là những tiết lộ “động trời” mà người dân thuờng không bao giờ biết được.

Gạo cho các vị đã có cửa hàng gạo riêng ở đường Ngô Quyền, cùng đường với tòa nhà Bắc bộ phủ cũ cung cấp. Gạo ở đây là gạo hảo hạng. Thành ủy Hà Nội đã giao cho hai hợp tác xã ờ hai huyện Quốc Oai và huyện Từ Liêm dành riêng ra 100 hedta cấy lúa dự và tám thơm cho các “cụ”. Các thửa ruộng đặc biệt này được được chăm sóc và quản lý đặc biệt, cứ như ruộng để lấy gạo tế trời và để vua “ngự” thời trước vậy.

Các thửa ruộng ấy đều được giữ giống lúa thuần chủng, không xen lẫn với các thứ lúa khác, được chăm sóc đạc biệt, không dung thuốc trừ sâu”.

(Trích Mặt Thật, Thành Tín, trang 265)

Đời sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa là như thế. Người ta nói về nó quá nhiều rồi. Vậy mà nó vẫn tồn tại. Cho nên, muốn giữ cho xã hội khỏi bất mãn, khỏi nổi loạn, nhà nước đã xây dựng một bộ máy công an, một nhà nước chuyên chế và cứ thế, một chính quyền độc đoán đã hình thành. Cho mãi đến bây giờ, bộ máy chính quyền quan liêu phong kiến của chính quyền Hà Nội vẫn lội bì bõm trong ảo tưởng một thứ chủ nghĩa xã hội mà thực tế, họ chưa bao giờ thực hiện được lấy một lần. Đã hơn thế nửa thế kỷ trôi qua kể từ năm 1954, họ vẫn không ngừng hô to tiến lên, tiến lên chủ nghĩa xã hội bất kể bảng chỉ đường của thế giới nói chung tiến về đâu? Và hơn nữa, bất kể phần lớn các nước cộng sản đẵ khước từ nhãn hiệu thế giới đại đồng? Nhưng họ vẫn phải giả dối coi đó như một khúc quanh tạm thời và vẫn không ngừng đem chủ nghĩa Mác ra tuyên truyền và nay cộng thêm tư tưởng Hồ Chí Minh mà trong thực tế, không một ai trong bọn họ, từ cấp Trung Ương đến địa phương hiểu được tư tưởng đó là tư tưởng gì?

Thay một lời kết

Trung Cộng đã đi trước chính quyền cộng sản miền Bắc trong vấn đề Cải Cách ruộng đất. Họ đã trả giá. Cộng sản VN máy móc, mù quáng làm theo và vẫn chưa một lời xin lỗi các nạn nhân trong vụ CCRĐ.

Cho đến nay, 750 chục triệu người nông dân ở bên Tầu: Ruộng vẫn chưa về tay người cày. Hiện nay, bài toán của Trung Cộng hiện nay vẫn là vấn đề: ĐẤT. Phải triệt để giải quyết theo công bằng và theo pháp lý để quyền lợi đất đai của người nông dân được bảo đảm. Bảo đảm theo nghĩa có quyền sở hữu được canh tác, được cho thuê và được phép bán.

Bài toán nan giải của Việt Nam bây giờ là giải quyết vấn đề đất đai cho người nông dân khỏi bị thiệt thòi và không còn có cảnh đi khiếu kiện nữa.

Nhìn lại hơn 50 năm miền Bắc dưới chế độ cộng sản, người viết chỉ có thể thở dài và nghĩ mình còn may mắn – May mắn vì đã không phải sống dưới chế độ bạo tàn đó.
Vâng, phải nói là may mắn.


 

 

Quá trình dỡ bỏ tượng Lenin ở Đông Âu

Ba’o Tieng Dan

Cù Tuấn

7-4-2024

Việc dỡ bỏ các tượng đài Lenin ở Đông Âu là vấn đề phức tạp, nhiều mặt, gắn liền với bối cảnh lịch sử, chính trị của khu vực này. Trong những năm gần đây, đã có một nỗ lực mới nhằm lật đổ những tượng đài cuối cùng còn sót lại, không chỉ Lenin, mà là của quân đội Liên Xô được xây dựng trong thời kỳ các Đảng Cộng sản Đông Âu nắm quyền.

  1. Ukraine

Việc dỡ bỏ tượng đài này một phần được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, dẫn đến sự tập trung quan tâm mới vào vai trò của binh lính Liên Xô trong khu vực trong Thế chiến thứ hai. Ở Ukraine, việc phá hủy các tượng đài Lenin, được gọi là “Leninopad”, bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2013 và được đẩy mạnh sau các cuộc biểu tình ở Euromaidan.

Chính phủ Ukraine đã tích cực khuyến khích việc dỡ bỏ các tượng đài liên quan đến thời kỳ cộng sản, và vào năm 2015, Verkhovna Rada của Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ đạo luật bắt buộc chính quyền địa phương phải dỡ bỏ tượng đài các nhân vật cộng sản trên lãnh thổ Ukraine.

Việc tháo dỡ các tượng đài Lenin ở Ukraine bắt đầu từ thời Liên Xô sụp đổ và tiếp tục ở một mức độ nhỏ trong suốt những năm 1990, chủ yếu ở một số thị trấn phía tây Ukraine. Tuy nhiên, đến năm 2013, hầu hết tượng Lenin ở Ukraine vẫn còn đó. Tượng đài Lenin lớn nhất tại lãnh thổ Ukraine chưa bị Nga chiếm đóng, từng nằm ở Kharkov, cao 20,2 m. Bức tượng Lenin này ở Kharkov đã bị lật đổ và phá hủy vào ngày 28 tháng 9 năm 2014.

Sự khởi đầu của “Leninopad” trên quy mô lớn được khởi đầu bằng việc phá hủy tượng đài Lenin ở Kyiv trên Quảng trường Bessarabian. Sự kiện diễn ra vào khoảng 6 giờ chiều ngày 8 tháng 12 năm 2013. Nhiều người Ukraine bắt đầu phá hủy ồ ạt các tượng đài về quá khứ của Liên Xô sau khi có báo cáo về các nhà hoạt động Euromaidan bị cảnh sát chống bạo động ở Kyiv đánh đập vào năm 2013.

Vào tháng 1 năm 2015, Bộ Văn hóa Ukraine tuyên bố sẽ khuyến khích tất cả các sáng kiến công cộng liên quan đến việc dọn sạch các biểu tượng và tượng đài của Liên Xô tại Ukraine. Bộ Văn hóa Ukraine đã khởi xướng việc loại bỏ khỏi Sổ đăng ký Nhà nước về Di tích Bất động sản của Ukraine tất cả các di tích liên quan đến thời kỳ Xô Viết.

Theo Bộ trưởng Văn hóa Vyacheslav Kyrylenko, bộ của ông sẽ bắt đầu loại bỏ tất cả các di tích liên quan đến thời kỳ Xô Viết khỏi Sổ đăng ký Nhà nước về Di tích Bất động sản của Ukraine. Ông nói: “Nhà nước sẽ không phản đối, mà ngược lại, sẽ ủng hộ bằng mọi cách có thể tất cả các sáng kiến công nhằm đấu tranh để thanh lọc Ukraine khỏi những di tích của quá khứ toàn trị”.

Vào tháng 4 năm 2015, Verkhovna Rada của Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo luật “Về việc lên án các chế độ toàn trị cộng sản và Đức Quốc xã ở Ukraine và cấm tuyên truyền các biểu tượng của họ“. Đặc biệt, luật này sẽ bắt buộc chính quyền địa phương phải dỡ bỏ các tượng đài về các nhân vật cộng sản trên lãnh thổ Ukraine. Các tượng đài cộng sản bị lật đổ trong đợt Euromaidan, với việc những người biểu tình đã lật đổ một số bức tượng của Vladimir Lenin ở các thành phố của Ukraine. Một số ước tính cho biết có hơn 90 bức tượng Lênin đã bị lật đổ trong giai đoạn này. Vào tháng 12 năm 2015, Tuần báo Ukraine tính toán rằng, 376 tượng đài Lenin đã bị dỡ bỏ hoặc phá hủy vào tháng 2 năm 2014.

  1. Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia

Ở Ba Lan, việc dỡ bỏ tượng đài Lenin bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 1989, khi đất nước này giành lại độc lập từ Liên Xô. Chính phủ Ba Lan nhanh chóng lật đổ tượng đài Felix Dzerzhinsky, một quý tộc Ba Lan, người đã tổ chức lực lượng cảnh sát mật Liên Xô sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917. Dưới sự cai trị của ông, Cheka, tiền thân của KGB, chịu trách nhiệm về làn sóng khủng bố người Ba Lan.

Năm 2016, Ba Lan ban hành luật xóa bỏ văn hóa cộng sản, kêu gọi thanh lọc các biểu tượng và tên tuổi gắn liền với thời kỳ Đảng cộng sản nắm quyền. Tuy nhiên, một số thành phố không có đủ tiền cho việc đó nên Viện Tưởng niệm Quốc gia đã vào cuộc để giúp đỡ. Kể từ tháng 2 năm 2022, viện Ba Lan đã xác định được 60 di tích cần dỡ bỏ và đã lật đổ hơn 20 di tích.

Ở Latvia và Estonia, nơi có cộng đồng người Nga thiểu số khá lớn, việc dỡ bỏ các tượng đài của Liên Xô đã gây ra những cảm xúc phức tạp hơn, khiến người dân địa phương và chính phủ Nga coi đây là hành vi xúc phạm đến những anh hùng chiến tranh của họ. Ở Latvia, việc dỡ bỏ một tấm bia tưởng niệm của Hồng quân ở thủ đô Riga đã nhận được sự cổ vũ của dân chúng, nhưng ở Estonia, một bản sao xe tăng Liên Xô có hình ngôi sao màu đỏ đã được dỡ bỏ bằng cần cẩu và được chở đến một bảo tàng thay vì phá bỏ.

Ở Litva, một số đài tưởng niệm còn sót lại của Liên Xô đã bị dỡ bỏ kể từ khi quốc gia này giành được độc lập mà không phải chịu sự phản đối.

Ở Ba Lan, việc dỡ bỏ các tượng đài Hồng quân đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Một số người coi đây là một bước cần thiết để xóa bỏ các biểu tượng của sự áp bức trong quá khứ, trong khi những người khác lo sợ sự xóa bỏ ký ức lịch sử hoặc coi đó là sự sỉ nhục đối với tổ tiên của họ, những người đã chiến đấu bên cạnh các Hồng quân Liên Xô.

Trong một số trường hợp, người dân địa phương ủng hộ việc giữ lại các đài tưởng niệm Hồng quân vì vai trò của họ trong việc đánh bại Đức Quốc xã. Tại thành phố Gdansk phía bắc Ba Lan, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về biểu tượng xe tăng T-34 của Liên Xô trên Đại lộ Chiến thắng và thành phố này đã quyết định không dỡ bỏ nó. Chỉ huy xe tăng này là một trung úy người Ba Lan, và binh lính Ba Lan đã đóng vai trò then chốt trong việc giải phóng thành phố này, tên cũ là Danzig, khỏi Đức Quốc xã.

  1. Tóm tắt:

Việc dỡ bỏ tượng đài Lenin ở các nước Đông Âu phản ánh mối quan hệ phức tạp và thường xuyên gây tranh cãi giữa quá khứ và hiện tại của khu vực này. Đó là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải đối mặt và giải quyết các di sản của quá khứ, đồng thời tìm cách tưởng nhớ và ghi nhớ các sự kiện và trải nghiệm đã định hình nên lịch sử của khu vực trên.


 

 Viết về một ngày đen tối, với một ước vọng bình minh

Ba’o Nguoi – Viet

April 7, 2024

Kathy Phạm/SGN

Tôi có ký ức tuổi thơ khá loáng thoáng và mờ nhạt về đất nước Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên những ký ức ít ỏi này vẫn ở mãi trong trí nhớ của tôi cho đến ngày hôm nay.

Tôi còn nhớ rõ vào năm 1975, gần một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ chín của tôi, má tôi dự tính mua cho tôi một cái áo mới để đi học và nấu một nồi chè đậu xanh nước dừa để mừng sinh nhật đứa con gái út lên chín tuổi.

Nhưng ngày vui đó không được thực hiện như tôi mong đợi. Lý do vì ngày đó đã xảy ra sự kiện đánh dấu một biến cố lịch sử đau thương cho đất nước và dân tộc Việt Nam: ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ đó cho đến hôm nay, mỗi năm đến ngày sinh nhật, riêng với cá nhân tôi, đều gợi lại những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui.

Nhà tôi ở trong khu xóm lao động gần chợ Bàn Cờ. Ba tôi là công chức làm việc tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Ba tôi thường xuyên nghe các đài BBC và VOA hàng đêm để biết thêm tin tức thời sự tại Việt Nam và trên thế giới.

Vì là con gái út trong bảy anh chị em, nên tôi thường đeo sát bên Ba và nằm kế bên bộ ván gỗ mỗi khi Ba nghe radio. Tôi còn nhớ rõ, mỗi khi có tình hình chiến sự sôi động tại các chiến trường, như mặt trận Quảng Trị, Huế, Kom Tum, Bình Long, An Lộc, Xuân Lộc…, thì các anh chị lớn tôi đến ngồi nghe ké tin tức cùng Ba, với vẻ mặt lo âu hiện rõ trên khuôn mặt mọi người.

Mùa Hè đỏ lửa 1972 thật sự là một biến động lớn cho gia đình tôi. Anh Hai tôi là sinh viên đang học năm thứ ba Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Sài Gòn. Vì tình hình chiến sự sôi động tại các tỉnh miền Trung do Cộng quân nổi lên đánh phá, anh phải tạm ngưng việc học, theo lệnh tổng động viên lên đường gia nhập quân đội khóa 6/1972 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Bộ Binh Thủ Đức, năm anh vừa tròn 21 tuổi.

Sau khi khóa huấn luyện kết thúc, má và ba có cho tôi đi theo dự ngày lễ tuyên thệ mãn khóa sinh viên sĩ quan của anh Hai. Tôi còn nhớ trong buổi lễ, các tân sĩ quan đứng nghiêm xếp hàng, với bộ quần áo đại lễ của quân đội thật trang trọng, đẹp và oai hùng. Các anh đứng nghiêm trang dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước gió, làm lễ chào quốc ca VNCH, và đọc lời tuyên thệ trung thành với đất nước, với quốc gia dân tộc. Trong niềm tự hào và xúc động, tôi đã hát theo bài Quốc ca VNCH mà tôi đã thuộc lòng và thường xuyên cùng các bạn hát vào dịp lễ chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần tại sân trường tiểu học.

Sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức, anh Hai đã nhận tờ “Sự Vụ Lệnh” bổ nhiệm về Tiểu đoàn II thuộc Sư Đoàn Công Binh Chiến Đấu. Kể từ sau khi anh Hai vào lính, các dịp Tết của những năm 1973, 1974 và 1975, anh không bao giờ được có mặt ở nhà, giống như lời bài hát “Xuân Này Con Không Về.”

Đơn vị anh phải cắm trại 100% trong dịp Tết. Đôi lúc, khi có được 24 giờ phép về Sài Gòn thăm nhà, lúc nào anh cũng mặc bộ quần áo lính trên người, với nón sắt và cây súng lục trong bao da đeo bên thắt lưng phải, và trên cổ áo anh mỗi bên có một bông mai màu đen. Một lần tôi tò mò hỏi anh rằng: “Sao cổ áo của anh Hai có cặp bông mai đen thui vậy, em thấy người ta đeo bông mai vàng mà?”.

Anh mỉm cười nói: “Đơn vị anh xây dựng các căn cứ quân sự và các cây cầu cho xe nhà binh chạy qua để đưa chiến sĩ ra mặt trận, do làm việc ngoài trời nên bông mai phải được nhuộm đen để không bị mặt trời làm chiếu sáng và tránh bị Việt Cộng bắn lén”. Lúc đó trí óc trẻ thơ của tôi mới hiểu rằng cái bông mai đen hay vàng là có gắn liền với sự sống chết hàng ngày mà anh Hai phải đối diện.

Những khi được về phép, lúc rảnh, anh Hai thường ôm cây guitar hát lại những bài ca quen thuộc, lời lẽ của bài nhạc mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ, như là “Từ khi anh thôi học, lòng thương biết mấy cho vừa…”, hay “Đất biển mặn nuôi lớn khôn tôi, nên năm 21 tuổi tôi đi vào quân đội…”. Lời bài nhạc đơn giản nhưng thật thiết tha, diễn tả được hết tình cảm, tâm tư của người lính xa nhà.

Một hình ảnh nữa trong trí nhớ là tôi được Ba dẫn đi xem cuộc diễn binh nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực VNCH năm 1973. Tôi nhìn thấy được hình ảnh trang nghiêm và hào hùng của từng đoàn chiến sĩ VNCH thuộc các binh chủng, trong đó có mặt anh Hai trên đoàn xe Sư Đoàn Công Binh Chiến Đấu diễn hành qua đại lộ Trần Hưng Đạo của Thủ đô Sài Gòn.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Ba tôi càng thường xuyên nghe các chương trình radio hơn, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ đêm, để theo sát tin tức chiến sự hàng ngày. Cho đến buổi trưa ngày 30-4-1975, cả nhà tôi đều ngồi bên chiếc radio và sau khi nghe lệnh quân lực VNCH phải buông súng, ba tôi im lặng, hai tay ôm đầu buồn bã, còn má tôi thì nước mắt chảy dài trên khuôn mặt lo âu. Đây cũng chính là lý do tại sao ngày sinh nhật của tôi đã không thể tổ chức như dự tính.

Sau biến cố 30-4-1975, vì ba tôi là công chức VNCH nên bị buộc phải đi “học tập cải tạo tại chỗ” trong vòng ba ngày. Còn anh Hai, lúc đó vừa tròn 24 tuổi, là sĩ quan thiếu úy, thì được chính quyền Việt Cộng thông báo (ma giáo) phải “Đi trình diện, và chuẩn bị lương thực trong vòng 10 ngày để tập trung “học tập cải tạo” ở vùng ngoại ô Sài Gòn.”

Còn các ông già, bà lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi cũng phải họp mỗi tuần để gọi là “học tập” đường lối, chánh sách…

Cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau. Ba tôi có lúc đi làm cho tiệm điện và có lúc thì làm cho tiệm cơ khí. Má và chị tôi phải bươn chải ra chợ bán chuối chiên, rau cải, để phụ nuôi sống cả gia đình. Má tôi cũng dành ra chút ít tiền để mua đường, đậu, khô mắm… để mỗi năm đi thăm nuôi anh Hai đang “học tập cải tạo” tại các trại tù Suối Máu, Hàm Tân.

Sau ba năm, vào cuối năm 1978, anh Hai được thả về với gia đình vì bị bệnh gần chết. Khi vừa từ trại tù về nhà, lập tức anh được đưa ngay vào bệnh viện Chợ Quán để chữa bệnh. Sau bốn tuần, anh Hai xuất viện về nhà, thân thể vẫn gầy gò với bộ xương biết đi. Nhìn cảnh đó làm cho dòng nước mắt của tôi tự nhiên tuôn trào.

Hơn hai năm sau, năm 1980, anh Hai quyết định đi vượt biên để thoát khỏi cảnh bị kỳ thị và phân biệt đối xử tàn tệ dưới chế độ độc tài Việt Cộng. Rất may mắn, anh đi thoát được sau hai lần vượt biên, và được định cư ở Mỹ theo diện sĩ quan quân lực VNCH. Anh vừa đi làm vừa học lại college ở San Jose, California, anh luôn giúp đỡ gia đình còn ở VN và sau đó bảo lãnh cho cả gia đình định cư tại Mỹ.

Đến nay, anh Hai không còn nữa nhưng anh đã có được hậu duệ là ba đứa con thành đạt, gồm con gái lớn và con trai kế, đều tốt nghiệp MBA cao học quản trị kinh doanh đang làm việc tại thành phố San Jose, còn đứa con trai út vừa tốt nghiệp dược sỹ năm 2019 và đang làm việc cho CVS tại Las Vegas.

Bản thân tôi, sau biến cố 30-4-1975, tôi tiếp tục đi học, nhưng phải học theo cách thức của chế độ Việt Cộng. Việt Cộng tuyên truyền nghe rất lý tưởng, nào là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, giàu mạnh…, nhưng nhìn lại thực tế hoàn cảnh sống của gia đình và mọi người xung quanh, tôi thấy hoàn toàn trái ngược.

Từ những năm đầu thập niên 1980, khi bắt đầu vào học lớp 10 trường trung học Gia Long tại Sài Gòn, sau này bị Việt Cộng đổi tên là Minh Khai, tôi  bắt đầu tìm hiểu và so sánh thế nào là xã hội dân chủ và xã hội độc tài. Tôi may mắn là được nghe kể lại nhiều câu chuyện trước và sau 1975 từ ba, má, các anh chị, người thân quen và bạn bè, cộng thêm nghe tin tức từ BBC, VOA…, cho nên tôi cũng có được những nhận thức căn bản về đời sống.

Sự so sánh về xã hội dân chủ và độc tài càng được chứng minh rõ ràng, khi tôi chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh tại Đông Đức năm 1989 và sự sụp đổ của cái gọi là “nhà nước công nông đầu tiên của giai cấp vô sản” trên thế giới: Liên Xô – vào năm 1991.

Từ năm 1991, khi gia đình định cư tại Mỹ, tôi được học hỏi thêm nhiều về các mặt sinh hoạt xã hội tại Mỹ, tôi càng hiểu biết về sự cần thiết của hệ thống xã hội “Tam quyền phân lập”: Lập pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, cộng thêm quyền thứ tư là tự do báo chí và ngôn luận. Sự cân bằng và phối hợp của “đệ tứ quyền” giúp cho xã hội các nước được phát triển, trong khi cộng sản luôn phủ nhận và cho rằng bốn quyền nầy chỉ là đồ trang trí ở các nước tư bản mà thôi.

Tôi tin rằng, nếu không có biến cố 30-4-1975, VNCH đã có thể phát triển ngang hàng mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống xã hội như Nam Hàn ngày nay. Trước và sau năm 1975. Việt Cộng thường tuyên truyền rằng Nam Hàn và VNCH là “tay sai của đế quốc Mỹ” nhưng chỉ hơn 20 năm sau thì chính Việt Cộng lại ve vãn Nam Hàn để xin nhận đầu tư và viện trợ nhân đạo.

Nếu có thể đặt ra câu hỏi cho người Nam Hàn rằng: “Bạn có muốn được thống nhất đất nước Nam và Bắc Hàn theo kiểu của Bắc và Nam Việt Nam vào năm 1975 hay là theo kiểu của Đông và Tây Đức năm 1989?” thì tôi tin rằng câu trả lời sẽ hết sức nhanh gọn là chỉ muốn được theo mô hình năm 1989 của Đức mà thôi.

Hơn 46 năm, kể từ biến cố 30-4-1975, Việt Cộng vẫn gian xảo và tàn ác, dùng bạo lực để cai trị sắt máu đối với nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ VNCH, tượng trưng cho dân chủ và tự do của người Việt Nam đã và vẫn tồn tại, vẫn tung bay trên khắp các thành phố có cộng đồng Việt Nam sinh sống tại các đất nước dân chủ, từ Âu châu đến Úc châu qua Mỹ châu.

Chúng ta luôn mong ước rằng trong một ngày không xa, VNCH với ngọn cờ chính nghĩa ấy sẽ hội tụ về quê hương Việt Nam để xây dựng một đất nước thật sự có Dân Chủ, Tự Do, Văn Minh, Pháp Quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.

(Garden Grove, CA, ngày 5 tháng 4, 2021)


 

 Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Trung Tá Kimberly M. Mitchell hay chính là
Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng
của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Kính chuyển tiếp DĐQGHCTC để gợi nhớ biến cố đau buồn 30-04-1975: “Trung Tá Kimberly M. Mitchell hay chính là Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972”


Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Em bé ngày xưa, nay là Trung Tá Kimberly M. Mitchell
Feb 18, 2014
Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.

Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.

Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.

Khi đơn vị ông đến cầu Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì nơi đây là phòng tuyến cuối cùng của VNCH để ngăn chặn quân Bắc Việt tràn xuống phía Nam. Ông đã chỉ huy 20 quân xa GMC thực hiện cấp tốc cuộc di tản suốt ngày. Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều ông Trần Khắc Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người đang ôm chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông định chạy qua giúp người này nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 TQLC đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn:

                                         ông Trần Khắc Báo trong ngày hội ngộ
“Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”
Ông cố nài nỉ:
“Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.”

Và ông chạy đến đưa người này qua cầu. Thấy người này đi không nổi, thất tha thất thểu mà tay còn cố ôm vòng chiếc nón lá, Thiếu Úy Báo nói đùa:

“Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”

Người ôm vòng chiếc nón lá nói:
“Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm này, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá mang đến đây trao cho Thiếu Úy, xin ông ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này.”

Nói xong anh ta trao chiếc nón lá có em bé cho thiếu úy Báo.

Ngừng một chút, ông Báo nói với chúng tôi:
“Mình là người lính VNCH, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần ‘Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm’ nên lúc đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lo cho dân nên tôi nhận đứa bé và nói với người lính Quân Cụ: ‘Thôi được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn.’”

Sau đó, người sĩ quan TQLC ôm em bé leo lên chiếc xe Jeep chạy về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số. Trên đường đi, ông Báo cảm thấy rất bối rối vì em bé khóc không thành tiếng vì đói, khát mà ông thì còn là một thanh niên trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) chưa có kinh nghiệm gì nên ông hỏi người tài xế, bây giờ phải làm sao? Người tài xế tên Tài trả lời:
“Ông thầy cho nó bú đi! Ông thầy không có sữa thì lấy bi đông nước chấm đầu ngón tay vào nước để vào miệng nó cho nó bú.”

Ông Báo làm theo lời chỉ và em bé nín khóc rồi nằm im cho đến khi ông đưa em vào Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn TQLC. Tại đây, gặp Thiếu tá Nhiều, Trưởng Phòng 4 TQLC, ông trao em bé cho Thiếu tá Nhiều và nói:

“Thiếu tá, tôi có lượm một em bé ngoài mặt trận, xin giao cho Thiếu tá.”

Ông này nhìn ông Báo cười và nói:
“Mày đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”

Ông Báo thanh minh:
“Không! Tôi lượm nó ngoài mặt trận; nó đang nằm trên xác mẹ nó.” Thiếu tá Nhiều bảo:

“Thôi, đem em bé giao cho Phòng Xã Hội để họ làm thủ tục lo cho nó.” Sau đó, ông Báo đưa em bé cho một nữ quân nhân phụ trách xã hội. Cô này nói với ông:

“Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và tên họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”

Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.

Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị bắt làm tù binh. Mãi đến năm 1981 ông được thả về. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico…

EM BÉ MỒ CÔI GẶP MAY MẮN
Em bé Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc. Số hồ sơ của em là 899.

Một hôm có ông Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell vô Cô Nhi Viện xin nhận một trong các em tại đây làm con nuôi. Em Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.

Sau khi rời khỏi binh chủng Không Quân, ông James Mitchell trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1972. Ông quyết định mang theo đứa con nuôi Trần Thị Ngọc Bích, lúc đó em mới được 6 tháng.

Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được bố mẹ nuôi rất thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ?

Khi đã có trí khôn, Kimberly Mitchell nhận thấy mình không phải người Mỹ như bố mẹ, không phải con lai, không phải người Tàu. Cô không biết mình là người nước nào và cứ mang cái thắc mắc đó mãi mà không ai có thể trả lời cho cô.

Một hôm, Kimberly Mitchell đánh bạo hỏi bố:
“Con muốn biết con người gì, nguồn gốc con ở đâu? Tại sao con lại là con bố mẹ?”

Bố nuôi James giải thích cho cô:
“Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ trong viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”

Ngay từ khi Kimberly còn học lớp ba, bố nuôi em đã muốn sau này cho Kimberly gia nhập Không Quân nhân khi cô được chọn tham dự hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo dành cho những học sinh xuất sắc. Nhưng rồi định mệnh xui khiến, cô lại theo Hải Quân. Trong thời gian theo học, Kimberly Mitchell phải bỏ học một năm vì bố nuôi qua đời năm 1991 trong một tai nạn tại trang trại của gia đình. Sau đó cô trở lại trường và tiếp tục học. Năm 1996 cô tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bậc Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.

Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương với tư cách một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại người thân. Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết:

“Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”

Kimberly không biết gì hơn và cô quay trở lại Mỹ. Sau khi đã biết mình là người Việt Nam, thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình.

GẶP LẠI CỐ NHÂN
Ông Trần Khắc Báo đưa cho chúng tôi xem một số hình ảnh, một số báo tiếng Việt và mấy tờ báo tiếng Anh đăng hình cuộc gặp gỡ giữa gia đình ông và cô Trần Thị Ngọc Bích, và nói:

“Sau khi ra tù Việt Cộng, tôi cũng cố tìm hiểu xem em bé Trần Thị Ngọc Bích nay ra sao, kể cả người lính Quân Cụ năm xưa, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Đọc xong tôi rất xúc động pha lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt tên cho cô.”

Sau đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life, có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm kiếm Mitchell. Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.

Theo ông nghĩ, có thể cô Mitchell bán tín bán nghi, không biết chuyện này có đúng không hay là chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ” như ông cha mình thường nói. Nhưng sau khi nói chuyện với ông Trần Khắc Báo, Mitchell quyết định tổ chức một cuộc hội ngộ trước các cơ quan truyền thông. Cô xin phép đơn vị và mời được 7 đài truyền hình cùng một số phóng viên báo chí từ Washington, D.C cũng như nhiều nơi về tham dự.

Cuộc hội ngộ, theo ông Báo cho biết, hoàn toàn do cô Kimberly Mitchell quyết định, địa điểm là trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico vào Thứ Sáu, ngày 29.8.2012. Cô đến phi trường vào tối Thứ Năm 28.8, gia đình ông Báo ngỏ ý ra phi trường đón nhưng cô cho cô Đào Thị Lệ biết là cô không muốn gia đình đón ở phi trường cũng như đưa vào khách sạn. Cô muốn dành giây phút thật cảm động và ý nghĩa này trước mặt mọi người, đặc biệt là trước mặt các cơ quan truyền thông, và cô muốn ông Báo mặc bộ quân phục TQLC như khi ông tiếp nhận cô đưa đến Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC cách nay 41 năm.

ông Trần Khắc Báo và Kimberly Mitchell

GIÂY PHÚT XÚC ĐỘNG

Gia đình ông Trần Khắc Báo gồm vợ và con gái cùng có mặt. Khi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hỏi cô Kimberly Mitchell:

“Cô đến đây tìm ai?”

Cô trả lời:
“Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.”

Vị Chủ Tịch quay sang ông Báo đang mặc quân phục và giới thiệu:

“Đây là ông Trần Khắc Báo.”
Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.

Giây phút xúc động qua đi, cô Kimberly hỏi ông Trần Ngọc Báo:
“Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”

Ông Trần Khắc Báo nói :
“Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.”
Và Kimberly Mitchell đã gọi “Tía”.

Ông nói với chúng tôi:
“Bấy giờ tôi thực sự mãn nguyện.”

Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Khắc Báo cho biết, cô Kimberly chưa lập gia đình và cô có hứa sẽ thường xuyên liên lạc với gia đình ông. Ông có nhắc cô Kimberly điều này, rằng cô không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô đã được những người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm cứu sống trên bụng mẹ cô đã chết, và chính ông đã đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích. Ông cũng mong rằng sau này, cô có thể trở lại Quảng Trị, may ra có thể tìm ra tung tích cha cô hoặc người thân của mình. Ông Trần Khắc Báo cũng cho biết, ông mất liên lạc với người lính Quân Cụ từ lúc hai người giao nhận đứa bé đến nay.

Trong cuộc hội ngộ, trả lời câu hỏi của các phóng viên Hoa Kỳ, nữ Trung Tá Kimberly Mitchell cho biết, cô có hai cái may. Cái may thứ nhất là cô được tìm thấy và mang tới trại mồ côi. Cái may thứ hai là được ông bà James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các Sơ rằng, ông muốn nhận em bé này làm con nuôi.”

Câu chuyện sau 41 năm kết thúc tốt đẹp, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng như ý nguyện của người đã cứu mạng em, vì chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ, một quân lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.

Người quân nhân binh chủng Quân Cụ và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH, luôn đặt Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm trên hết.

THANH PHONG
Nguồn: THỜI BÁO (The Vietnamese Newspaper)

From: giang pham & Kim Bang Nguyen


 

 Cuba kiệt sức khi đã chạm tay vào CNXH, còn CSVN?

Ba’o Dat Viet

April 3, 2024

Nguyễn Phú Trọng từng than thở “không biết 100 năm nữa chúng ta thấy được chủ nghĩa xã hội hay chưa.” Nếu ông sang Cuba sống với người dân tại đây, mà không bị chính quyền che mắt thì có lẽ ông sẽ mừng rỡ la lên: “A! Đây rồi, niềm mơ ước của chúng ta đang hiện diện tại Cuba!”

Biểu tình làm rung chuyển cái nôi cách mạng Cuba khi mất điện và khan hiếm lương thực. Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập vào ngày 17 Tháng Ba tại công viên Carretera Del Morro của Santiago, hô vang “điện và thực phẩm.”

Đây có lẽ là lần biểu tình hiếm hoi tại một đất nước mà chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện và nằm đó suốt từ ngày Fidel Castro lên cầm quyền. Ước mơ của nhà cách mạng Cuba này đã thành hiện thực khi đất nước của ông ta đạt được những thành tựu nhất định, mà mục tiêu của chủ nghĩa xã hội nhắm tới.

Người Việt trong nước, nhất là ở miền Bắc có cảm tình với đảng, khi nhắc tới Cuba thì hình ảnh Fidel Castro lại xuất hiện trong tâm trí với những câu chuyện thú vị về cách mạng Cuba do ông ta lãnh đạo, cộng với những trợ giúp mà Cuba đã gửi gắm cho Việt Nam trên bước đường chống Mỹ. Ngược lại, người Việt sống ở nước ngoài khi nhắc tới hai chữ Cuba thì hầu như ngay lập tức câu tuyên bố của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết lại hiện lên: “Có người ví von, Việt Nam-Cuba, như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ.”

Bản chất của cộng sản là nói lời không thật, ông Triết sang Cuba chắc thấy rất rõ đời sống của người dân tại đây, nhưng vẫn buông lời dối trá, khoác lên chiếc áo lộng lẫy cho người dân nước này khi thực tế họ đang sống trong chế độ bao cấp như Việt Nam trước năm 1975. Hoàn cảnh bi đát của người dân Cuba thì ông Triết là người hiểu hơn ai hết, họ bất hạnh hơn Việt Nam khi sống dưới sự cai trị của một gia đình trị, vì sau Fidel Castro là em trai của ông này, Raul Castro, tiếp tục đè đầu người dân Cuba xuống đất với mục tiêu tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội mà nước này phát động từ năm 1950.

Thành tựu lớn nhất của Cuba là có tỷ lệ trẻ em biết đọc biết viết thuộc hạng cao nhất thế giới khi có tới 99.7%. Thành tựu thứ hai là số lượng bác sĩ của đảo quốc cũng không hề thua kém tỷ lệ biết đọc biết viết. Theo The Economist, Cuba là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ cao nhất trên thế giới, với khoảng 8.4 bác sĩ/1,000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 2.6 hay, tại Italia là 4.1.

Tuy bác sĩ là mũi nhọn xuất khẩu của Cuba, nhưng trong lĩnh vực kinh tế người dân sống chủ yếu vào kỹ nghệ mía đường. Trong thời kỳ Liên Bang Xô Viết, Cuba đã được viện trợ bao cấp cho rất nhiều máy móc để sản xuất nên đường là vật phẩm quan trọng giúp Cuba sống còn. Trong những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam, Tố Hữu từng ca ngợi Cuba như một quốc gia đáng sống và tươi đẹp đến nỗi Việt Nam phải mơ ước: “Em ạ Cu Ba ngọt lịm đường/mía xanh đồng bãi hết đồi nương/cam ngon xoài ngọt vàng nông trại/ong lạc đường hoa rộn bốn phương!”

Những tưởng chủ nghĩa xã hội trong tầm tay, nhưng khi Liên Xô sụp đổ cũng là lúc Cuba đổ nhào theo. Máy móc công nghiệp không có, mía trồng ra không nơi chế biến thành đường, dầu khí ngày càng cạn kiệt, kỹ nghệ xuất cảnh bác sĩ chững lại, vì giá cả quá thấp khiến Cuba ngày càng mất phương hướng.

Tuy nhà nước vẫn bao cấp từ lon gạo ký muối cho tới bao thuốc lá cục xà phòng… người dân Cuba ngày một tuột xuống cùng cực của đói nghèo lạc hậu. Những chiếc xe sản xuất từ thập niên 40 của thế kỷ trước chạy lộc cộc trên đường phố, trông giống như đang triển lãm loại xe cổ điển không làm cho Cuba hiện đại hơn, nhưng có thể hấp dẫn khách ngoại quốc khi nhìn quốc gia này qua lăng kính một đất nước còn nghèo đến khó tin trong thời đại con người đang tính tới chuyện lên mặt trăng lập nghiệp. Ý tưởng mở cửa cho du khách nhằm cứu vãn tình trạng xuống cấp kinh tế đã nổi lên khi Tổng Thống Barack Obama tỏ thiện chí với nước này, và cho phép công dân Mỹ du lịch Cuba vào năm 2014, mặc dù ba năm trước đó muốn du lịch Cuba phải đi theo đoàn.

Tuy nhiên, khi du lịch được mở cửa thì lại nảy sinh một vấn đề khác khiến xã hội Cuba bị chia rẽ trầm trọng hơn. Khách du lịch mang đô la vào Cuba nhưng lại đòi hỏi việc phục vụ nhằm đổi lấy nó. Những ai phục vụ trong ngành du lịch sẽ kiếm được tiền nhiều hơn những người nằm bên ngoài. Lương bác sĩ $40 một tháng, trong khi một bồi phòng khách sạn có thể kiếm tới $100. Những dịch vụ làm ra tiền nằm lọt trong khu vực du lịch và người dân bên ngoài chỉ biết đứng nhìn và mơ ước, chứ không thể tham gia vì số khách du lịch vẫn còn hạn chế.

Tới khi Fidel Castro mất thì sự phân hóa càng lên cao. Cái chết của lãnh tụ trong lúc nước Mỹ thay chủ đã kéo Cuba về vị trí trước đó. Tổng thống Donald Trump có lẽ là người làm cho Cuba ngày càng tiến gần hơn đến giấc mơ xã hội chủ nghĩa khi ông công khai tuyến bố về Fidel Castro như sau: “Hôm nay, thế giới đánh dấu sự qua đời của một tên độc tài tàn nhẫn đã đàn áp chính người dân của mình trong gần sáu thập niên. Di sản của Fidel Castro là những cuộc hành quyết, bòn rút, khổ đau không tưởng, nghèo đói và sự đàn áp quyền con người. Trong khi Cuba vẫn còn là một hòn đảo phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Tôi hy vọng rằng, ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến xa khỏi sự kinh hoàng mà người Cuba đã phải chịu đựng trong một thời gian quá lâu để hướng tới một tương lai, mà nhân dân Cuba cuối cùng có thể được sống một cuộc sống tự do mà họ vô cùng xứng đáng.”

Và việc gì tới đã tới, dưới thời ông Trump, Cuba lùi về thời gian trước khi Fidel còn sống. Người dân Mỹ không còn được phép du lịch Cuba, mặc dù hai nước chỉ cách nhau 213 cây số tính từ bờ biển Miami tới La Habana. Cuba bị Mỹ từ chối gỡ bỏ lệnh cấm vận khi Liên Hiệp Quốc có được 180 phiếu thuận vào Tháng Mười Một, 2022.

Ngày càng lún dần vào nghèo đói và khó khăn, người dân Cuba lây lất sống, lây lất chờ người thân vượt biên sang Mỹ gửi tiền về nuôi cũng ngày càng kiệt sức. Xã hội lầm than đến nỗi không còn sức sống. Những khu phố vắng lạnh, những căn nhà bỏ hoang hàng cây số. Những building từ thời cách mạng không được tu bổ, chống chỏi chấp vá như bản thân người dân Cuba ngày nay.

Vì cách xa Cuba bởi một rào cản chính trị của nước này, nên chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra điều tệ hại nhất, nhưng mới đây một người Mỹ gốc Việt đã sang Cuba vào năm ngoái quay lại những thước phim mô tả đời sống của người dân Cuba một cách chi tiết nhất. Trang Youtube của Ser Andy quay năm 2023 cho thấy, toàn bộ cảnh quan của thành phố Havana. Video clip có tên “Cuba Đổ Nát, Hoang Tàn – Người Dân Sống Trong Nước Mắt – Ký Sự Cuba 2023.”

Nguyễn Phú Trọng từng than thở “không biết 100 năm nữa chúng ta thấy được chủ nghĩa xã hội hay chưa.” Nếu ông sang Cuba sống với người dân tại đây, mà không bị chính quyền che mắt thì có lẽ ông sẽ mừng rỡ la lên: “A! Đây rồi, niềm mơ ước của chúng ta đang hiện diện tại Cuba!”

Kim Ngữ/Người Việt


 

Lập tài khoản giả MAGA, Trung Quốc đang phá hoại bầu cử Mỹ

Ba’o Nguoi-Viet

April 2, 2024

Nguyễn Cao/SGN

Theo các nhà nghiên cứu và giới chức chính phủ Mỹ, Trung Quốc đang tung ra loạt tài khoản ma, mạo danh người Mỹ ủng hộ Donald Trump, quảng bá thuyết âm mưu, gây chia rẽ nước Mỹ và tấn công Tổng thống Joe Biden…, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu nóng hực.

Sự việc báo hiệu một thay đổi chiến thuật trong cách Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến nền chính trị Mỹ, với việc nhắm thẳng vào các ứng cử viên và đảng phái cụ thể, kể cả đương kim Tổng thống Joe Biden.

Tương tự chiến dịch gây ảnh hưởng và phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ mà Nga thực hiện trước cuộc bầu cử 2016, Trung Quốc đang tận dụng tối đa tình trạng chia rẽ đảng phái để làm suy yếu các chính sách của chính quyền Biden. Trong bài báo ngày 1 Tháng Tư 2024, The New York Times cho biết, một số tài khoản Trung Quốc mạo danh những người hâm mộ cuồng nhiệt Trump đang làm đủ trò, từ việc chế nhạo tuổi tác của Biden đến chia sẻ những hình ảnh giả Biden trong bộ đồ tù. Có tài khoản thậm chí nói Biden là một con quỷ Satan ấu dâm!

Elise Thomas, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Đối thoại Chiến lược (Institute for Strategic Dialogue), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự trước đây.”

Elise Thomas, cùng các nhà nghiên cứu, đã liên kết hoạt động mới này với một mạng tài khoản vốn kết nối sâu với chính phủ Trung Quốc được gọi là Spamouflage. Một số tài khoản trước đây chuyên đăng nội dung ủng hộ Bắc Kinh bằng tiếng Quan Thoại bây giờ tái xuất hiện dưới lớp vỏ là người Mỹ và viết bằng tiếng Anh.

Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) ở Washington DC xác định có 170 trang và tài khoản giả trên Facebook đang thực hiện chiến dịch phá hoại nước Mỹ, từ việc đưa ra các thông điệp chống Mỹ đến những cuộc tấn công bôi nhọ nhằm vào Joe Biden.

Dù các nhà nghiên cứu cho rằng khuynh hướng chính trị tổng thể của chiến dịch tranh cử vẫn chưa rõ ràng và chưa chắc Donald Trump thắng cử, nhưng Bắc Kinh dường như đang đặt cược vào Trump. Bất luận Trump luôn mồm đe dọa Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn muốn một người tính khí bất thường như Trump ngồi ghế tổng thống.

Tháng Hai 2024, Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia đưa ra báo cáo cho biết, Trung Quốc bắt đầu mở rộng chiến dịch gây ảnh hưởng để “gieo rắc nghi ngờ về giới lãnh đạo Mỹ, hạ thấp giá trị nền dân chủ đồng thời mở rộng và nêu bật tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.” Báo cáo bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh sử dụng các phương pháp ngày càng tinh vi để tác động đến cuộc bầu cử Mỹ.

Elise Thomas, người có kinh nghiệm nghiên cứu các hoạt động thông tin của Trung Quốc trong nhiều năm, cho biết nỗ lực mới này cho thấy một cách tiếp cận tinh vi và phức tạp hơn các chiến dịch trước đây. Bà Elise Thomas nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên bà thấy những tài khoản Trung Quốc giả làm người Mỹ ủng hộ Trump với thể hiện rất thuyết phục, y như thật, và quan trọng nhất là chúng có thể lôi kéo dư luận Mỹ.

Cho đến nay, nỗ lực Trung Quốc nhằm thúc đẩy hệ tư tưởng của họ ở phương Tây vẫn gặp khó khăn trong việc giành được sự chú ý, dù Bắc Kinh không mệt mỏi thúc đẩy tuyên truyền về tính ưu việt của Trung Quốc, từ văn hóa đến kinh tế; bôi nhọ nền dân chủ và khơi dậy tình cảm chống Mỹ. Do đó, Bắc Kinh đổi chiến thuật. Bên cạnh việc tiếp tục tạo ra những câu chuyện “thần thoại” về sức mạnh Trung Quốc, bây giờ là phá hoại nội bộ Mỹ.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, công ty an ninh mạng Mandiant cho biết chiến dịch thông tin Dragonbridge của Trung Quốc đã xoáy mạnh vào sự phân cực chính trị ở Mỹ, đồng thời “xúi” người Mỹ không đi bỏ phiếu. Theo các nhà nghiên cứu, trong chiến dịch Dragonbridge, Trung Quốc đã thử nghiệm chiến thuật giả mạo, tung ra những tài khoản xưng “tôi là người Mỹ.”

Trong các chiến dịch gần đây, người ta thấy có nhiều “tôi là người Mỹ” hơn. Chúng nói về sự chia rẽ hiển hiện trong nền chính trị Mỹ. Chúng “tranh luận” về quyền của người đồng tính, về vấn đề nhập cư và tội phạm…, với quan điểm sặc mùi cực đoan cánh hữu. Chúng chứng minh rằng nước Mỹ hổ lốn đang xuống dốc không phanh…

Tháng Hai 2024, theo Viện Đối thoại Chiến lược, một tài khoản Trung Quốc trên X (Twitter) mạo danh là người Mỹ, thuộc “hệ phái” “MAGA 2024”, đã chia sẻ một đoạn video từ RT (mạng truyền hình Nga do Kremlin kiểm soát), khẳng định rằng Tổng Thống Biden và CIA đã cử một tay đầu bướu tân phát xít (neo-Nazi gangster) đến chiến trường Ukraine (vụ này sau đó bị nhóm điều tra Bellingcat vạch trần).

Tuy nhiên, vấn đề là có không ít người Mỹ tin vào những nguồn vô căn cứ như vậy. Ngay ngày hôm sau, bài đăng trên đã lan rộng, khi Alex Jones, một tay podcaster bẩn chuyên truyền bá tin giả và thuyết âm mưu, chia sẻ nó trên trang cá nhân có 2.2 triệu người theo dõi của mình.

Để tăng độ tin cậy, tài khoản (Trung Quốc) liên quan “MAGA 2024” tự mô tả rằng nó được điều hành bởi một người ủng hộ Trump, 43 tuổi, ở Los Angeles. Tuy nhiên, nó sử dụng ảnh cá nhân lấy từ blog du lịch của một người Đan Mạch! Điều khác thường nữa là dù tài khoản được mở cách đây 14 năm nhưng bài đăng công khai đầu tiên của nó là vào Tháng Tư 2023. Trong bài đăng đó, nó viết Tổng thống Biden có quan hệ với Jeffrey Epstein, một tội phạm nổi tiếng, chuyên “dắt gái” cho giới chính trị gia và dân nhà giàu, bị giam và tự tử chết trong tù năm 2019. Trong thực tế, như nhiều người đã biết, Jeffrey Epstein quen với Donald Trump chứ không phải Joe Biden.

Theo nhà phân tích cấp cao Elise Thomas thuộc Viện Đối Thoại Chiến Lược, ít nhất bốn tài khoản tương tự đang hoạt động mạnh, tất cả đều có quan hệ với lực lượng an ninh Trung Quốc. Một tài khoản trên X có dấu kiểm xanh (trao cho người dùng có danh tính được xác minh; và người dùng phải đóng phí hàng tháng) hiện liên tục chia sẻ các thông điệp ủng hộ Trump, chống Biden, loan tải thuyết âm mưu QAnon và đăng những cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ.

Các bài đăng của nó hô hào “chúng ta phải làm cho mình mạnh mẽ lên, đừng bôi nhọ Trung Quốc và tạo ra tin đồn”. Người ta dễ dàng nhận ra cái đuôi “Tàu” của tài khoản này, bởi nó dùng những cụm từ như “sao dám?” (“how dare?”), thay vì “sao bạn dám?” (“how dare you?”), rồi còn có những dấu hiệu cho thấy trình duyệt web của người dùng được cài đặt sử dụng Quan Thoại chứ không phải tiếng Anh.

Cần nhắc lại, hạ tuần Tháng Ba 2024, Mỹ và Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân và nhóm có nguồn gốc Trung Quốc chuyên phá hoại giới chính trị gia lẫn nhà báo phương Tây, trong chiến dịch gián điệp mạng quy mô do Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc điều hành. Đó là nhóm hack được cộng đồng an ninh mạng biết đến với cái tên Mối đe dọa liên tục nâng cao 31 (Advanced Persistent Threat 31 – APT 31). Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, APT 31, còn được gọi là Zirconium, Violet Typhoon, Judgement Panda và Altaire, được điều hành bởi Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc từ thành phố Vũ Hán.

Nhóm này từng dính vào nhiều vụ tấn công nguy hiểm. Năm 2020, Google và Microsoft cảnh báo rằng APT 31 đã hack vào email cá nhân của các nhân viên chiến dịch tranh cử làm việc cho Joe Biden. The Guardian cho biết thêm, vợ hoặc chồng của các quan chức cấp cao Tòa Bạch Ốc lẫn giới thượng nghị sĩ Mỹ cũng là mục tiêu, cùng với nhân viên tranh cử của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.


 

 Nguyên- nhân VNCH sụp đổ ngày 30-4-1975 (Kỳ 3)-Trương Nhân Tuấn

Ba’o Tieng Dan

Trương Nhân Tuấn

2-4-2024

Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Kỳ 3: VNCH thua vì để mất chính nghĩa

Phe Việt Minh của ông Hồ đứng về phe chiến thắng. Còn phe Quốc gia ở đâu trước sự kiện Đồng Minh thắng Nhật năm 1945?

Về sự kiện vua Bảo Đại “thoái vị”, giao ấn kiếm, biểu tượng quyền uy của Hoàng đế Đại Nam cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu. Sử gia Việt Nam thuộc phe Quốc gia biện hộ rằng, Bảo Đại thoái vị là do các báo cáo sai lạc của Khâm sai Phan Kế Toại (Khâm sai: commissaire impérial, là chức quan do vua phong để làm một phận sự nào đó). Sự kiện này kiểm chứng (từ các tài liệu và nhân chứng lịch sử) là đúng.

Nhưng có hai sự kiện khác quan trọng hơn mà không thấy sử gia nào nói tới.

Một là, đó là lực lượng Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo là “đồng minh của phe Đồng Minh chống Nhật”. Tức phe ông Hồ đứng về bên thắng cuộc Thế chiến thứ II.

Việt Minh do có hợp tác với đội OSS của Mỹ (OSS là tiền thân của CIA, thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược của Mỹ) từ khi Mỹ tuyên bố chiến tranh với Nhật. Đội quân này (có huấn luyện bộ đội Việt Minh) cùng hoạt động trên vùng biên giới Việt-Trung, mục đích yểm trợ các lực lượng chống Nhật ở vùng Hoa Nam.

Thời cơ đưa đẩy, lực lượng Việt Minh của ông Hồ đứng về “phe chiến thắng” trong Thế chiến Thứ hai.

Qua tài liệu phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990), sáng lập đảng Tân Đại Việt, do GS Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason, thực hiện tại Houston, Hoa kỳ năm 1987. Tài liệu này được GS Hùng viết lại và công bố trên trang web cá nhân ngày 24 tháng 6 năm 2022. Nguyên văn dẫn lại như sau:

“Vấn đề quan trọng nhứt là vấn đề Phan Kế Toại. Bởi vì con Phan Kế Toại là phe Cộng Sản. Hai người, tên là Phan Kế Ninh – một người tên Phan Kế Ninh, một người Phan Kế An hay gì tôi không nhớ rõ lắm. Nhưng mà hai người con Phan Kế Toại là cán bộ Cộng Sản, thành ra nó làm cho ông Phan Kế Toại nghĩ là Cộng Sản rất mạnh. Bởi vì nó đã mang những truyền đơn của Việt Minh nó bỏ trong phòng ngủ của ông Phan Kế Toại — là Khâm sai. Mà trong tất cả mấy gian phòng đều bỏ hết. Thành ra ông ông Phan Kế Toại yên trí là Việt Minh trong lúc đó, ông lên văn phòng của ông, ông nói là đến phòng của ông mà nó còn vào được thì nó phải mạnh ghê lắm. Vì thế cho nên ông Phan Kế Toại đã thiên về vấn đề đi theo Cộng Sản từ lúc đó. Và chính cái báo cáo của ông làm cho Bảo Đại phải phải bị lay chuyển mà chấp nhận thoái vị”.

Cũng theo GS Huy (tài liệu đã dẫn): “Báo cáo thiên vị Việt Minh của ông khiến Bảo Đại từ chức, tạo cho Việt Minh tư cách hợp pháp chính trị. Tính cách hợp pháp này và tư cách là “đồng minh của Đồng Minh” làm các đảng phái Quốc Gia bị lép vế trước và sau ngày 19/8. Tư cách này không còn nữa sau khi Pháp trở lại miền Nam”.

Tức là theo GS Huy, nguyên nhân thoái vị của Bảo Đại gồm hai lý do: 1/ Báo cáo của Phan Kế Toạt thổi phồng lực lượng Việt Minh đông đảo hơn phe Quốc gia và 2/ Việt Minh là “đồng minh của Đồng minh”. Tức Việt Minh đứng về “phe chiến thắng”.

So sánh với các nhân chứng là lãnh tụ các đảng chính trị như Việt Nam Quốc Dân đảng và đảng Đại Việt (qua các bản phỏng vấn của GS Nguyễn Mạnh Hùng công bố trên cùng trang web) ta thấy nội dung các điều trên không có sai biệt.

Bản báo cáo của Khâm sai Phan Kế Toại (do con cái đã theo Việt Minh) không đánh giá đúng lực lượng của Việt Minh. Theo GS Huy, cùng thời kỳ lực lượng của Đại Việt mạnh hơn Việt Minh.

Dữ kiện từ bài phỏng vấn GS Huy của GS Nguyễn Mạnh Hùng: “Trường Lục quân Yên Bái do Trương Tử Anh lập với huấn luyện viên người Nhật. Trước ngày khởi nghĩa, ông Anh ra lệnh kéo quân từ Yên Bái về Hà Nội và hẹn với Trần Kim Thành của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội kéo quân từ Móng Cái về. Đến Hưng Yên thì bị vỡ đê, cả hai cánh quân đều không về được Hà Nội. Tới nơi thì Việt Minh đã cướp chính quyền”.

Yếu tố “đê vỡ nên không về được tới Hà Nội” so sánh lại thấy có mâu thuẫn với các nhân chứng khác. Dầu vậy, đây là sự kiện không quan trọng làm thay đổi thời cuộc.

Hai là, theo tôi, khiến các lực lượng quân sự của phe Quốc gia không về Hà Nội để “lấp khoảng trống quyền lực” sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đó là tất cả các phe phái quốc gia đều ủng hộ Nhật.

Sự kiện “vỡ đê” có thể chỉ là cái cớ. GS Huy cũng nhìn nhận rằng, lực lượng của phe Quốc gia không dám chiếm quyền lực là vì lo ngại bị Đồng minh “xử” chung với Nhật.

Tức là phe quốc gia đã chọn đứng về bên thua cuộc.

Nước Ý giờ thứ 25, mặt trận Châu Âu, Đức-Ý đã thua Đồng minh (từ tháng 6-1945) rồi. Nhưng đến tháng 8, thấy Nhật sắp thua, Ý bèn “tuyên bố chiến tranh” với Nhật. Mục đích chỉ để “đứng về phe thắng trận”. Nước Nga cũng vậy. Vấn đề là phe Quốc gia không ai thấy (biết) sự việc này để chọn phe.

Phe quốc gia mất “chính nghĩa” từ thời điểm này.

Về tuyên ngôn độc lập 12-3-1945 của Bảo Đại

Sau khi “đảo chánh” Pháp thì Nhật trả độc lập “Đế quốc Việt Nam” cho Bảo Đại. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại trao “tuyên ngôn độc lập” cho đại diện Nhật là Đại sứ Yokoyama. Nội dung Tuyên ngôn có đoạn:

Chiếu tình hình thế giới nói chung và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ và đất nước thu hồi độc lập chủ quyền quốc gia” (CRVN, page 162).

Câu hỏi đặt ra là, Tuyên ngôn này có “giá trị pháp lý” hay không? Theo tôi, một bên có thể đơn phương hủy bỏ kết ước, vì một lý do nào đó, như vì “hiệp ước bất bình đẳng”.

Trường hợp Việt Nam phức tạp vì hai đế quốc Pháp và Trung Hoa (nhà Thanh), hai đế quốc “bảo hộ” Việt Nam, có ký Hiệp ước Thiên Tân 1885. Nội dung hiệp ước, nhà Thanh đồng ý “nhượng” Việt Nam lại cho Pháp.

Mặt khác, theo các nguyên tắc “debellatio” trong chiến tranh, bên chiến thắng có quyền quyết định mọi tài sản, kể cả lãnh thổ và dân chúng của phe chiến bại.

Sau khi Nhật ký văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật phải tuyên bố từ bỏ tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm đóng trước kia. Ngay cả lãnh thổ nước Nhật cũng phải giao cho Mỹ quản lý. Riêng các chính phủ do Nhật lập nên ở các vùng lãnh thổ (như Bảo đại ở Việt Nam) thì không được nhìn nhận.

Tức là “Đế quốc Việt Nam” của Bảo Đại là một thực thể chính trị không có tính chính danh và không được quốc gia nào nhìn nhận. Điều này khiến cho “danh nghĩa pháp lý”của phe Việt Minh khi nhận chiếu thoái vị của Bảo Đại bị khuyết tật.

Ông Hồ không thể nhận chủ quyền Đế quốc Việt Nam do Bảo đại trao cho. Nguyên tắc luật học “người ta không thể cho cái mà người ta không có”.

Về “giải pháp Bảo Đại”

Một dấu ngoặc nói về thủ tục “thoái vị”. Bảo Đại có thể “thoái vị” và “nhường ngôi” cho một vị hoàng thân quốc thích nào đó của nhà Nguyễn. Nhưng về nguyên tắc thì Bảo Đại không thể đơn phương tự lấy quyết định giao ấn kiếm, biểu tượng quyền lực nhà Nguyễn, giao cho một người hay một tổ chức không thuộc hoàng gia. Nhứt là khi hành vi này kết liễu triều đại nhà Nguyễn. (Tức là Bảo Đại tự kết liễu nền phong kiến chứ không do CSVN đánh đổ như họ đã tuyên truyền).

Tháng 4 năm 1949, Bảo Đại lại nhận lời Pháp, đứng ra lãnh đạo “Quốc Gia Việt Nam – Etat du Viet Nam”. Bảo Đại trở thành người thiếu lương thiện. Đã giao quyền lực “Đế quốc Việt Nam” (tức giao chủ quyền Việt Nam) tháng 8 năm 1945 cho ông Hồ rồi. Lý do gì lại ra lãnh đạo “Quốc gia Việt Nam” tháng 4 năm 1949 để cạnh tranh với ông Hồ?

Bảo Đại tự biện: “Bởi vì từ 1946 đến 1949, đó là sự trống rỗng chính trị toàn diện. Nếu tôi chưa xuất hiện, con người vốn sợ sự trống rỗng, thì nước Việt Nam sẽ đi về đâu?” (Dẫn từ Con Rồng Việt Nam, trang 354).

Bảo Đại làm như Việt Nam hết người. Đây là sự lựa chọn của người Pháp. Còn gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Đơn giản vì Bảo Đại dễ bảo, thiếu kiến thức chính trị và nhứt là “ham chơi” hơn việc “trị quốc”.

Thực tế thì cũng có những giải pháp khác, như giải pháp Bảo Long (với hoàng hậu Nam Phương đóng vai nhiếp chính) hay giải pháp Vĩnh San (vua Duy Tân).

Quốc gia Việt Nam chỉ có một. Quyền lực chủ tể (chủ quyền) của Việt Nam cũng chỉ có một.

Nếu so sánh được, chủ quyền quốc gia Việt Nam như “sổ đỏ”, tờ chứng nhận chủ quyền của triều đại nhà Nguyễn trên ngôi nhà Việt Nam. Bảo Đại đã tự tiện giao “sổ đỏ” này cho Việt Minh rồi (ngày 30 tháng 8 năm 1945). Sau đó Bảo Đại nhận lại “sổ đỏ” chứng nhận sở hữu ngôi nhà Việt Nam khác, lần này do Pháp cấp.

Đã giao cho ông Hồ “Đế quốc Việt Nam” rồi, thì “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại sau này là quốc gia Việt Nam nào?

Hai cuốn “sổ đỏ” phải có một là “giả, ngụy”. Sổ giả là sổ nào?

Vì vậy phía CSVN mới có cớ gọi “quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại là “ngụy”. Các nhà nước VNCH kế thừa Quốc gia Việt Nam sau này, vì vậy cũng đều là “ngụy”.

Phe Quốc gia đã có thể những làm điều gì để “giải Ngụy”?

Không ai phủ nhận cá nhân cụ Trần Trọng Kim cũng như thành quả của chính phủ Trần Trọng Kim sau 6 tháng làm việc. Nhưng càng củng cố tính chính đáng của chính phủ Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam của Bảo Đại thì phe quốc gia càng sa lầy vào vũng bùn “ngụy” do CS gài ra.

Ảnh: Tổng lý Nội các Trần Trọng Kim đọc bản tuyên cáo với quốc dân qua máy truyền thanh. Phía sau là các vị bộ trưởng. Huế ngày 8 tháng 5 năm 1945. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Vấn đề là “giải Ngụy” bằng cách nào? Đến nay, 49 năm lưu vong, vẫn chưa thấy sử gia, nhân sĩ quốc gia nào giải được.

________

(Tác giả Trương Nhân Tuấn đặc biệt gởi lời trân trọng cám ơn đến GS Nguyễn Mạnh Hùng vì các tài liệu đã công bố. Cũng xin cáo lỗi cùng GS Hùng vụ tự tiện dẫn các tài liệu mà không xin phép trước).