4 nhân vật dân sự xuất sắc của Việt Nam Cộng hòa có thể bạn chưa biết

4 nhân vật dân sự xuất sắc của Việt Nam Cộng hòa có thể bạn chưa biết

Khi nhắc đến các nhân vật chính trị hàng đầu của Việt Nam Cộng hòa, bạn có thể đang nghĩ đến một vị tướng lãnh nào đó. […] Việc tập trung vào những nhân vật này làm cho bức tranh về chính trị Việt Nam Cộng hòa có phần không hoàn chỉnh. Nhấn mạnh quá nhiều vào các nhóm quân sự kiểm soát chính quyền khiến góc nhìn về chính thể và môi trường chính trị của nền cộng hòa miền Nam Việt Nam có phần không lành mạnh, dễ bị bóp méo. Từ đó, bài viết, tư liệu dành cho các lãnh đạo dân sự thật sự của Việt Nam Cộng hòa cũng không còn bao nhiêu. Dưới đây là bốn cái tên bạn có thể cân nhắc cho các đối thoại chính trị mới mẻ hơn về Việt Nam Cộng hòa.

Bắt giữ Phạm Thái Hà, ‘tay hòm chìa khóa’ của Vương Đình Huệ

Ba’o Nguoi-Viet

April 21, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vào trưa 22 Tháng Tư, các báo ở Việt Nam đồng loạt đưa tin về vụ bắt ông Phạm Thái Hà, 48 tuổi, trợ lý Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, kiêm phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội CSVN.

Theo tờ Tuổi Trẻ, ông Hà bị bắt với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” do liên quan vụ án tập đoàn Thuận An.

Ông Phạm Thái Hà, trợ lý ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, khi bị bắt. (Hình: Tuổi Trẻ)

Chi tiết về cáo buộc nêu trên không được làm rõ.

Vụ bắt giữ mới nhất cũng xác nhận tin đồn trước đó trên mạng xã hội rằng ông Hà bị đã bắt ngay tại phi trường Nội Bài hôm 12 Tháng Tư, sau khi đi cùng chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ.

Việc Bộ Công An CSVN bắt giữ cán bộ hoặc đầu mối liên quan cán bộ cao cấp rồi nhiều ngày sau mới công bố đã có tiền lệ.

Đơn cử là vụ bắt ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch tập đoàn Thuận An, và được cho là “sân sau” của ông Huệ, xảy ra từ một tuần trước khi Bộ Công An chính thức công bố hôm 15 Tháng Tư.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Thái Hà từng trải qua các chức vụ: thư ký Tổng Kiểm Toán Nhà Nước, thư ký bộ trưởng Tài Chính, hàm vụ trưởng, thư ký của trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, trợ lý phó thủ tướng, trợ lý bí thư Thành Ủy Hà Nội.

Ông Hà được xem là người thân tín, “tay hòm chìa khoá” của ông Vương Đình Huệ vì ông Huệ lần lượt giữ các chức vụ là sếp trực tiếp của ông Hà, trước khi ông Hà được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội kiêm trợ lý ông Vương Đình Huệ từ hồi Tháng Năm, 2022.

Theo giới quan sát, vụ bắt ông Phạm Thái Hà là nước cờ “chiếu bí” của Bộ Công An nhắm vào ông Vương Đình Huệ, để tạo áp lực khiến ông này phải làm đơn “xin thôi chức vụ,” tương tự kết cục của ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước, hồi tháng trước.

Vài ngày trước khi Bộ Công An xác nhận vụ bắt ông Hà, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng số tiền mà ông này nhận hối lộ và có thu nhập bất chính từ tập đoàn Thuận An lên đến “một ngàn tỷ đồng” ($39.3 triệu) và ông Vương Đình Huệ không thể nào “vô can” trong sai phạm của thuộc cấp thân cận.

Vụ bắt ông ông Phạm Thái Hà diễn ra trong bối cảnh Quốc Hội CSVN loan báo lịch nhóm họp dự trù từ ngày 20 Tháng Năm đến 28 Tháng Sáu, cùng lúc Sài Gòn và các tỉnh, thành khác xác nhận “rà soát” những hợp đồng thầu liên quan đến tập đoàn Thuận An.

Ông Phạm Thái Hà (trái), cùng ông Vương Đình Huệ (ngồi phía sau), trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này. (Hình: Đại Biểu Nhân Dân)

Nhiều khả năng tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc Hội sẽ phải bầu hai trong số chức danh “tứ trụ” là chủ tịch nước và chủ tịch Quốc Hội theo chỉ định ghế của đảng.

Hiện chưa rõ ứng viên nào sẽ được chọn vào ghế trống của ông Thưởng và cả ông Huệ, nếu như ông này chính thức mất chức. (N.H.K)


 

VinFast và cuộc đua xe điện-Nguyễn Huy Vũ

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Huy Vũ

22-4-2024

Cuộc đua xe điện ở Trung Quốc đang tới hồi khốc liệt. Tesla đã giảm giá xe, đưa mẫu Model 3 bán ở Trung Quốc xuống còn 32.000 đô la Mỹ. Trong khi đó, Xiaomi cũng vừa cho ra mắt mẫu xe điện mới của mình SU7 dựa theo mẫu xe sang của Porsche Taycan, với giá dưới 30.000 đô la Mỹ. Một lần sạc của SU7 được quảng cáo có thể đi tới 800 cây số.

Mẫu xe SU7 được giới thiệu có những tính năng ngang ngửa với các xe điện mạnh nhất thế giới hiện nay. Số vòng trên phút (RPM) là 21.000; hai mô tơ tạo ra từ 299 cho tới 374 mã lực, mô men xoắn có thể đạt tới 635 Nm, tốc độ cao nhất, tuỳ mô hình, có thể đạt từ 210 Km/h cho tới 265 Km/h.

Với mức giá này Xiaomi có thể không có lời, nhưng họ chấp nhận bán lỗ để giới thiệu mẫu xe đến với khách hàng. Họ làm được vậy vì Xiaomi có tiền để chi và cũng vì họ đã có sẵn thương hiệu. Xiaomi cũng đã lên kế hoạch để cho ra một mẫu xe mới V8 vào năm sau 2025, với tầm hoạt động 1.200 cây số cho mỗi lần sạc.

Trong khi đó, mẫu xe rẻ nhất của VinFast là VF6 giá hiện tại là từ 30.000 đô la Mỹ, tức gần ngang ngửa Tesla Model 3, và cao hơn cả Xiaomi SU7. Mẫu xe đắt tiền nhất của VinFast là VF9 với mức giá từ 81.000 đô la Mỹ.

Mẫu xe VF6 của VinFast dù có giá đắt hơn Xiaomi SU7 nhưng chất lượng máy móc thì rất thấp, ít nhất là theo quảng cáo. Cụ thể là quãng đường hoạt động của VF6 chỉ 400 cây số cho mỗi lần sạc, tức chỉ bằng một nửa của Xiaomi SU7. Động cơ của VF6 cũng chỉ có 174 mã lực, tức khoảng chừng một nửa của SU7. Còn momen xoắn của VF6 chỉ có 250 Nm, tức chưa tới một nửa của Xiaomi SU7 với 635 Nm.

Hơn nữa, Xiaomi SU7 còn cung cấp một loạt các tính năng lái tự động kèm hệ thống camera độ phân giải cao, cảm biến siêu âm, cảm biến Lidar, định vị, hơn hẳn VF6.

Với mức định giá như vậy, trên cơ sở uy tín chưa có và khả năng hậu mãi vẫn còn là một câu hỏi, thì rõ ràng xe của VinFast không thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Giá của cổ phiếu VinFast hiện ở mức 2,5 đô la Mỹ và giá trị thị trường ở mức 5,9 tỉ đô la Mỹ. Đó là một mức giá vẫn còn quá cao. Nếu giá trị của VinFast là 1 tỉ đô la thì giá cổ phiếu của VinFast sẽ chỉ ở mức 40 cents. Với một chiến lược kinh doanh như hiện nay, có lẽ sang năm sau giá trị cổ phiếu của VinFast sẽ đạt đến ngưỡng đó. Và sau đó là nó có thể sẽ bị rút khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trước khi đóng cửa.

______

Hình ảnh tác giả kèm theo bài viết:

Vinfast VF6

Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Bơm đến bao giờ? Cứu được không? Ai sẽ nhận được tiền?

Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Bơm đến bao giờ? Cứu được không? Ai sẽ nhận được tiền?

11:20 | Posted by BVN4

BBC – 20 tháng 4 2024

Chính phủ Việt Nam đã bơm 24 tỷ USD để cứu SCB sau khi khách hàng ồ ạt tháo chạy khỏi ngân hàng này. Tiền gửi của SCB hiện đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ USD. Liệu nhà nước có tiếp tục bơm tiền để SCB không sụp đổ? Nếu ngưng bơm tiền thì kịch bản có thể xảy ra là gì?

Chụp lại hình ảnh: Khả năng hồi phục của ngân hàng SCB được đánh giá là “rất thấp”.Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES, BBC

Việc Ngân hàng Nhà nước bơm 24 tỷ USD cho SCB được coi là “vô tiền khoáng hậu” do khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của vụ việc và mức độ tác động hiện tại cũng như tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Reuters là hãng tin tung ra thông tin và số tiền vụ giải cứu, trích từ các báo cáo mà hãng tin này có được.

Về việc cung cấp tiền để cứu SCB, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, nói với báo giới hôm 19/4 rằng “đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này”.

Ông Tú không nói về con số cho SCB vay, mà chỉ nói: “Cho vay thì phải đảm bảo thu hồi nợ”.

‘Xe tải chở tiền’ đi cứu ngân hàng

Chụp lại hình ảnh: Bức ảnh ngày 10/1/2024 chụp y tá Nga (tên đã thay đổi để bảo vệ danh tính nạn nhân), một người đã nghỉ hưu nằm trong số 42.000 nạn nhân của vụ bê bối lừa đảo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Từng có các vụ bơm tiền giải cứu trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, dù với quy mô nhỏ hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng có 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại Mỹ và Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã chứng kiến hai trường hợp nhà nước bơm tiền cứu ngân hàng theo nhiều cách.

“Năm 2012, Ngân hàng ACB lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lúc đó có tin tổng giám đốc ACB trốn qua Mỹ. Rất nhiều người đã đến ACB để rút tiền. Tại thời điểm đó, tôi có mặt ở Việt Nam và đã thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng xe tải đem tiền mặt đến ACB để giúp ngân hàng này trả tiền cho khách”, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC từ Hà Nội.

“Lần thứ hai là năm 2015, lúc đó tôi là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đó cũng là thời điểm NHNN mua lại ba ngân hàng, gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ocean Bank (OCB) và GP bank (GPB).

“Trường hợp này nhà nước không bơm tiền mặt để cứu ba ngân hàng mà dùng biện pháp thâu tóm với giá 0 đồng. Sau đó, NHNN giao ba ngân hàng này cho những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam và có vốn nhà nước, trong đó có Vietcombank và BIDV, tiếp quản.

“Cho đến bây giờ, sau 9 năm, ba ngân hàng này vẫn đang hoạt động nhưng trong tình trạng hết sức ngặt nghèo”.

Về khả năng các ngân hàng hoàn tiền cho nhà nước, Tiến sĩ Hiếu nói rằng ông không có thông tin cụ thể số tiền đã bơm là bao nhiêu và có trả không, khi nào. Nhưng ông nhận định khả năng cao ACB đã trả hết vì ngân hàng này đã hồi phục sau đó và hiện là một trong những ngân hàng làm ăn hiệu quả.

Với ba ngân hàng được mua lại, ông cho biết là “tình trạng tài chính tới nay ngày càng suy sụp”.

Bơm tiền cho SCB đến bao giờ?

Chụp lại hình ảnh: Bà Trương Mỹ Lan bị buộc tội đóng vai trò chính trong vụ rút ruột hơn 12 tỷ USD từ SCBNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Hiện nợ xấu của SCB đã lên tới 97%. Nếu không có nguồn thu, SCB sẽ không có khả năng trả lại tiền gửi cho khách hàng, với số tiền hiện còn phải trả là 6 tỷ USD – chiếm hơn 1% GDP Việt Nam năm 2023.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu nhà nước tiếp tục bơm tiền vào để trả thì khách hàng tiền gửi của SCB may mắn.

Nhưng nếu nhà nước, vì lý do nào đó, ngưng bơm tiền, thì số phận 6 tỷ USD tiền gửi này “rất mong manh”.

“Dự trữ ngoại hối quốc gia của chúng ta có đâu đó 100 tỷ thôi. Và bây giờ phải dùng 6 tỷ USD để thanh toán cho tiền gửi của SCB.

Mặc dù không dùng ngoại tệ để mà thanh toán, nhưng số tiền mà chúng ta phải thanh toán lên đến 6% trên tổng dự trữ ngoại hối của nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích khi được hỏi về việc NHNN có thể bơm tiền cho SCB đến khi nào.

Chụp lại hình ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàngNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Khả năng nhận lại tiền của khách hàng SCB ‘rất mong manh’

Trong trường hợp ngân sách cạn kiệt hoặc vì lý do nào đó nhà nước phải ngừng bơm tiền cho SCB, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có ba kịch bản chính.

Một là nhà nước có thể in thêm tiền để tiếp tục bơm cho SCB. Trong trường hợp này, dòng tiền đi vào lưu thông sẽ gây lạm phát, nợ công cao.

Thứ hai, chính phủ Việt Nam sẽ phải làm “việc chẳng đặng đừng” là đưa SCB ra tòa để mở thủ tục phá sản. Như vậy, ngoài khoản bảo hiểm tiền gửi mà mỗi khách hàng có thể nhận được là 125 triệu đồng, khách sẽ phải đợi tòa phán quyết về số phận ngân hàng này.

Nếu tòa tuyên SCB phá sản và yêu cầu SCB trả nợ các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên thì khách gửi tiền mới có cơ hội được trả lại tiền, còn nếu không, hoặc mất trắng, hoặc phải đợi cho đến khi nào tất cả tài sản của SCB được thanh lý.

“SCB cũng chẳng còn bao nhiêu tài sản để thanh lý. Do đó, ngoài bảo hiểm tiền gửi là khoản 125 triệu đồng thì tôi nghĩ khả năng khách hàng nhận được phần tiền gửi còn lại là rất thấp”,Tiến sĩ Hiếu nhận định.

Việc này, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC, làm ông “thực sự đau lòng”, vì “rất nhiều người gửi tiền tại SCB là những người về hưu, gia đình thu nhập thấp và các doanh nghiệp”.

Trong trường hợp SCB không làm thủ tục phá sản, kịch bản thứ ba là NHNN có thể chỉ định chuyển giao SCB cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam, sau khi kết thúc giai đoạn kiểm soát đặc biệt, theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhưng việc này diễn ra như thế nào thì phải đợi tới ngày 1/7/2024, khi luật này có hiệu lực.

“Vấn đề nằm ở chỗ, với số nợ khổng lồ và nợ xấu tới 97% của SCB, hiện không có ngân hàng nào sẵn sàng tiếp quản. Trong trường hợp bắt buộc phải chuyển giao, thì tương lai của cả ngân hàng nhận chuyển giao và ngân hàng bị chuyển giao là SCB có lẽ không sáng sủa lắm.

“Vì ngân hàng được chuyển giao thường không có khả năng trả nợ nên sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho các ngân hàng được chỉ định tiếp nhận”.

“Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng tới toàn xã hội, vì các ngân hàng lớn có số lượng khách hàng rất lớn và tổng tài sản lớn. Ví dụ bốn ngân hàng Vietcombank, Citibank, BIDV và Agribank chiếm 40% tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy khi các ngân hàng này chịu thiệt hại do phải gánh thêm ngân hàng thua lỗ thì sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Thời điểm này, Tiến sĩ Hiếu cho rằng chính phủ Việt Nam không muốn để SCB phá sản, do có nguy cơ xảy ra tình trạng khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng, đưa cả hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khủng hoảng.

Do đó, khả năng cao là chính phủ Việt Nam sẽ chọn cách chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn được chỉ định.

‘Nguy cơ một SCB khác trong tương lai’

Là một chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Hiếu nói ông thấy đây là một trường hợp “vô tiền khoáng hậu” mà sau 15 năm từ Mỹ về Việt Nam làm việc, ông chưa từng thấy.

“Chúng ta cần phải can đảm rút kinh nghiệm từ trường hợp của bà Trường Mỹ Lan, vụ Vạn Thịnh Phát và SCB. Với tôi, đây là một bài học rất lớn.

“Có rất nhiều vụ kiện, nhiều đại án trong ngành ngân hàng trong khoảng chục năm qua, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào lớn như vụ này, kéo dài cả chục năm như vụ này. Chúng ta phải nhìn thấy một điều là chúng ta đã nhắm mắt là ngơ cho một tình trạng như vậy kéo dài rất lâu, ở một mức độ rất lớn”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng cần minh bạch ai là người chịu trách nhiệm trong việc để một vụ việc như vậy kéo dài.

Ông cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm của “lợi ích nhóm”, trong đó các đại gia bất động sản như bà Trương Mỹ Lan thường nắm những vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng, sau đó dùng quyền lực để thao túng và lũng đoạn.

“Nếu nền tài chính Việt Nam, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn bị tác động bởi lợi ích nhóm, trong đó có lợi ích nhóm bất động sản, thì tôi e rằng có thể chúng ta sẽ có một SCB khác trong tương lai.

“Tôi mong rằng đây là thông điệp mà tôi muốn gửi cho Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC.

Nguồn: BBC Tiếng Việt


 

Trại giam An Điềm ngược đãi tù nhân lương tâm-Đỗ Thị Thu

Ba’o Tieng Dan

Đỗ Thị Thu

21-4-2024

Chuyến thăm gặp chồng tôi Trịnh Bá Phương ngày 21/4/2024: Hiện tại chồng tôi và một số các anh đang bị đối xử tồi tệ, hà khắc và anh Hoàng Bình bị biệt giam.

Bắt đầu từ ngày 8/4, trại giam An Điềm không mở cửa như trước kia, đóng cửa buồng 24/24, mọi thư từ, đồ ăn, rồi lấy nước sôi đều qua khe cửa. Và việc đóng cửa trại giam, phía trại An Điềm không đưa ra một nguyên nhân, lý do nào. Nhốt giam y như trại tạm giam Hoả Lò. Và chồng tôi khẳng định đây chẳng khác nào một hình thức biệt giam tra tấn tinh thần các anh em trong trại giam.

Phía trại giam An Điềm cũng tịch thu một số đồ dùng của các anh em trong tù và trả lại cho gia đình (đùa chứ em mang về còn nhiều hơn mang đi). Và cũng chính vì việc tịch thu đồ không có nguyên nhân này mà anh Hoàng Bình và phía trại giam xảy ra cãi nhau vậy nên phía trại giam đã biệt giam anh. Ngày đầu biệt giam, anh Hoàng Bình bị xước hết chân vì bị cùm chân tỳ vào.

Và cũng ngày 8/4 chồng tôi, chồng tôi có gửi cho tôi bức thư gồm 4 trang, nói về việc trại giam An Điềm xâm phạm quyền con người và kêu gọi quốc tế can thiệp và đồng hành trong thư có ý kiến của anh Hoàng Bình, Thái Bình và anh Hải. Và cũng trong ngày hôm đó, bốn người bắt đầu tuyệt thực hơn ba ngày để biểu thị sự phản đối xâm phạm quyền con người. Và chồng tôi đã sút bốn cân. Hiện tại tôi vẫn chưa nhận được bức thư nào.

Hiện nay anh Hoàng Bình không được khỏe. Anh bị đau lưng, đau xoang, mất khứu giác và bị đau tim. Anh Hoàng Bình có xin phía trại thuốc đau tim nhưng trại không cho.

Trong một năm nay, chồng tôi không có nhận đồ ăn trại phát như thịt, cá… vì đồ ăn ở đây không sạch sẽ và làm rất mất vệ sinh, có lần chồng tôi ăn và bị tiêu chảy cấp, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải xin thuốc uống. Nguồn nước thì bị ô nhiễm, chồng tôi bị viêm da, chồng tôi sục rửa bể nước thấy rất nhiều các con cá con và các con nòng nọc bị chết.

Hiện nay phía trại giam An Điềm đang đối xử rất tồi tệ với các anh em tù nhân lương tâm trong trại giam An Điềm. Rất mong cộng đồng và quốc tế nên tiếng về việc trại giam An Điềm đã và đang đối xử ngược đãi các tù nhân lương tâm.

Xin chân thành cảm ơn.


 

Cổ phiếu VinFast về 2 đô, nhà máy ở North Carolina bị đình trệ

Ba’o Dat Viet

April 18, 2024

Cổ phiếu Vinfast đang về 1 đô la

Việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang North Carolina theo kế hoạch của VinFast bị đình trệ sau 9 tháng kể từ ngày động thổ ở gần thị trấn Moncure và hãng đệ trình kế hoạch mới lên chính quyền Quận hạt Chatham trong bang, theo đó sẽ giảm 20% diện tích móng.

Mỗi cổ phiếu của VinFast chỉ bằng 2,72 đô la, thấp nhất từ lúc lên sàn đến nay, khi thị trường Nasdaq ở Mỹ chốt phiên giao dịch hôm 17/4. Cùng ngày, một số trang tin Mỹ cho hay việc xây nhà máy của VinFast ở bang North Carolina bị đình trệ, hãng tính thu nhỏ quy mô.

So với ngày hôm trước, cổ phiếu mã VFS của VinFast mất đi hơn 11% giá trị và là phiên thứ tư liên tiếp bị giảm điểm.

Hôm 11/4, VFS vẫn còn ngấp nghé ngưỡng 4 đô la/cổ phiếu, như vậy, chỉ sau vài ngày ngắn ngủi đã bay hơi gần 33%. Tỷ lệ mất giá lên đến gần 67% nếu tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm nay, theo thông tin mà VOA có được.

Mức vốn hóa thị trường của hãng xe ngày càng co lại, rớt xuống thấp kỷ lục vào ngày 17/4, chỉ còn là gần 7,2 tỷ đô la.

Con số đó thể hiện cú rơi tự do tới 92% kể từ ngày đầu tiên hãng lên sàn vào tháng 8/2023, với mức giá chốt phiên hôm đó là hơn 37 đô la/cổ phiếu và vốn hóa đạt khoảng 85 tỷ đô la. Khi đó, nhiều tờ báo, trang tin Việt Nam ca ngợi hãng xe non trẻ của ông Vượng “vượt qua” cả những hãng xe lâu đời, danh tiếng của Mỹ và thế giới.

Đà đi xuống của VFS diễn ra trong bối cảnh có nhiều thông tin không thuận lợi gồm nhu cầu chung về xe điện toàn cầu chậm lại, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc tăng hoạt động ở Việt Nam, bản thân VinFast lỗ và nợ nhiều tỷ đô la và ít nhất 5 công ty luật Mỹ theo đuổi vụ kiện VinFast.

Giờ đây lại có thêm tin là việc xây nhà máy của hãng ở Mỹ bị đình trệ và hãng tính thu nhỏ quy mô.

Hai trang The News&Observer và WRAL, đều có trụ sở tại bang North Carolina, đưa tin hôm 17/4 rằng việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang này theo kế hoạch của VinFast bị đình trệ sau 9 tháng kể từ ngày động thổ ở gần thị trấn Moncure và hãng đệ trình kế hoạch mới lên chính quyền Quận hạt Chatham trong bang, theo đó sẽ giảm 20% diện tích móng.

Phần móng mới sẽ rộng gần 7,3 hectare so với mức ban đầu lên đến hơn 9,2 ha được duyệt hồi tháng 7/2023, theo The News&Observer và WRAL.

Hai trang tin Mỹ mô tả rằng ở thời điểm hai ngày 16 và 17/4, dường như không có gì được hoàn tất thêm tại địa điểm xây nhà máy kể từ lễ động thổ. Quận hạt Chatham nói rằng không có hoạt động xây dựng nào được tiến hành cho đến khi có giấy phép mới cấp cho việc điều chỉnh móng.

(Theo VOA) 


 

 Phụ nữ Việt vượt biên vào nước Anh để trồng cần sa, bán dâm

Ba’o Dat Viet

April 20, 2024

Một thuyền chở di dân lậu đi qua Eo biển Manche

Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.

The Daily Telegraph đăng bài trong các ngày từ 15-19/4 trích dẫn các nguồn thuộc Bộ Nội vụ Anh và phát biểu từ người phát ngôn của thủ tướng nói rằng người Việt đi lậu qua con đường nguy hiểm chiếm số lượng nhiều nhất, vượt qua cả các nhóm người Afghanistan – đông nhất năm 2023 – và Iraq, Iran.

Tuy nhiên, các báo Anh viết rằng các nguồn tin tại Bộ Nội vụ không đưa ra con số cụ thể và rằng phải đến tháng 5 bộ mới công bố thông tin.

Theo The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph, con số di dân Việt đi lậu vào Anh là 505 người hồi năm 2022 nhưng đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái thành 1.323 người và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm nay.

Còn trong 5 năm từ 2018 đến hết năm 2023, dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy 3.356 người Việt đến Anh bằng thuyền nhỏ, đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu các quốc gia có di dân bất hợp pháp vào Anh bằng phương thức nguy hiểm này.

Trong tuần lễ tính đến ngày 19/4, tờ The Sun và The Times nói rằng phần lớn những di dân lậu người Việt là phụ nữ, trái ngược với xu thế của các nhóm quốc tịch khác có tới 3/4 là nam giới.

The Times viết rằng số di dân lậu người Việt tăng vọt được cho là có liên quan đến việc Việt Nam và Hungary ký kết hiệp định mới về visa, giúp người Việt nhập cảnh dễ dàng hơn vào Hungary, nước thành viên của Vùng Schengen vốn cho phép các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) được qua lại nhau một cách tự do.

Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.

Họ bị các nhóm tội phạm bóc lột và phải làm việc như nô lệ để trả dần các món nợ mà họ đã vay để trang trải cho hành trình vượt biên từ Việt Nam qua các nước Đông Âu như Ba Lan hay Hungary để đến Anh.

Việt Nam có bãi biển tuyệt vời và phong cảnh đẹp, kinh tế tăng trưởng tới 6%, với nhiều nhà máy của các hãng lớn trên thế giới và được cho là sẽ trở thành một con hổ về kinh tế…, nhưng vẫn có nhiều người chưa thoát cảnh nghèo đói và bị những kẻ buôn người dụ dỗ, lừa phỉnh, do đó liên tục có nhiều người bất chấp hiểm nguy, kể cả nguy cơ mất mạng, vẫn đi lậu sang Anh, các báo của nước này viết.

The Sun và Daily Mail phỏng vấn những người nắm vấn đề, trong đó có ông Dan Barcroft thuộc Cục Tội phạm Quốc gia Anh và bà Mimi Vũ, chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại ở Việt Nam, và họ xác nhận rằng phần lớn những người đó ra đi là vì lý do kinh tế.

Bà Mimi Vũ nói với The Sun và Daily Mail rằng những tay môi giới ở địa phương bên Việt Nam thu phí cho hành trình vượt biên có khi lên tới 43.000 bảng Anh/người (hơn 53.000 đô la Mỹ, hay hơn 1,3 tỷ đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là khoảng hơn 94 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, các di dân lậu không có sẵn số tiền nêu trên nên họ phải vay nặng lãi và trở thành nạn nhân bị bóc lột, các báo Anh viết, dẫn lời các chuyên gia.

Hồi năm 2019, đã xảy ra thảm kịch trong đó 39 người Việt đi lậu bị thiệt mạng trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, Anh, nhưng sự kiện đau lòng này không hề làm giảm làn sóng vượt biên trái phép.

Anh và Việt Nam mới đây ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và ngăn chặn người Việt mạo hiểm tính mạng khi vượt Eo biển Manche để vào Anh.

(Theo VOA)


 

 Bà Trương Mỹ Lan bị án tử, hệ thống quan chức CSVN chột dạ

Ba’o Nguoi-Viet

April 19, 2024

Văn Nam/SGN

Trong câu chuyện tỷ phú Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì đã gian lận chiếm số tiền tương đương 3% GDP Việt Nam, Hà Nội nói án tử này là để làm gương, thế nhưng các đối tác từ Liên Minh Châu Âu lại lên tiếng chỉ trích.

Nhà phân tích thời sự Việt Nam, David Hutt, nhận định trên tờ DW rằng có cái gì đó cần phải được nhìn rõ hơn trong vụ án này.

Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong phiên tòa xử vụ án Vạn Thịnh Phát vừa diễn ra tại Sài Gòn. (Hình: ZNews)

Bà Trương Mỹ Lan, 67 tuổi, bị kết án tử hình do cáo buộc tham ô khoảng $12.5 tỷ (11.7 tỷ euro), tương đương khoảng 3% GDP năm 2022 của Việt Nam, toàn bộ rút ra từ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB).

Bà Lan cũng nợ bất hợp pháp phần lớn cổ phần của ngân hàng, và bị kết tội cho phép các khoản vay dẫn đến khoản lỗ 25.2 tỷ euro.

Tòa án TP.HCM cho rằng án tử là đích đáng, vì hành động của bà “làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cầm quyền.” Đại diện Viện Kiểm Sát cho rằng Lan phải bị ‘tẩy chay khỏi xã hội mãi mãi.”

Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh án tử hình này. Tường Vũ, giáo sư kiêm giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ-Việt tại đại học Oregon of University, cho biết Đảng Cộng Sản muốn gửi thông điệp tới xã hội Việt Nam rằng họ “nghiêm túc trong việc chống tham nhũng,” và muốn nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp rằng những sai phạm đang bị che giấu, đừng ảo tưởng mọi thứ có thể thoát khỏi sự điều tra của chính quyền.

Tuy nhiên, một thành viên cấp cao của cộng đồng doanh nghiệp Âu châu tại Việt Nam yêu cầu giấu tên cho biết, việc tuyên án tử hình Trương Mỹ Lan thật sự là một “con dao hai lưỡi.”

Người này nói: “Một mặt, điều đó cho thấy Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết nạn tham nhũng, và điều đó đáng được hoan nghênh. Nhưng từ quan điểm tình cảm của người Âu châu, dùng án tử hình là điều khó chấp nhận được.”

Người phát ngôn của EU, Peter Stano, từng nói với tờ DW rằng Brussels phản đối mạnh mẽ án tử hình vào mọi lúc và trong mọi trường hợp. Ông cho biết thêm, EU kêu gọi Việt Nam “đưa ra lệnh tạm dừng áp dụng hình phạt tử hình nhằm xóa bỏ hình phạt tử hình.”

Còn ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao tại Chương Trình Nghiên Cứu Việt Nam của Viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore, cho biết có thể tòa phúc thẩm sẽ hủy bỏ bản án tử hình.

Ông lưu ý, trước đây các tòa án đưa ra các bản án tử hình để gây áp lực buộc các bị cáo phải tiết lộ thêm thông tin về tội của họ, giúp nhà nước bù đắp những tổn thất.

“Nếu bà Lan hợp tác hơn, có thể mức án của bà ấy có thể được giảm xuống còn chung than,” ông Hiệp nói.

Các nhà phân tích cũng cho rằng Đảng Cộng Sản phải cân bằng giữa việc đề nghị khoan hồng để có thêm thông tin về nơi ở của tài sản bị đánh cắp, từ yếu tố răn đe rõ ràng của bản án tử hình dành cho bà Lan.

Việt Nam mở rộng mạng lưới chống tham nhũng

Năm 2016, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản phát động một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, dẫn đến việc sa thải hoặc bỏ tù hàng ngàn quan chức đảng và lãnh đạo doanh nghiệp.

Hai chủ tịch nước, trong đó có ông Võ Văn Thưởng vào tháng trước, từ chức vì bị cáo buộc có dính líu tham nhũng.

Bà Lan và gia đình bà kiếm được một khối tài sản nhỏ trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng trong những ngày đầu của chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát vào những năm 1990, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam áp dụng nền kinh tế thị trường vào năm 1986.

Năm 2001, bà đứng đầu việc sáp nhập giữa SCB đang bị bao vây và hai tổ chức cho vay khác. Các công tố viên, những người được cho là cung cấp hàng tấn tài liệu in làm bằng chứng, khẳng định bà Lan đã sử dụng ngân hàng làm máy rút tiền cá nhân của riêng mình.

Theo cơ quan công tố, bà Lan mua khoảng 90% cổ phần của SCB thông qua các công ty vỏ bọc và các công ty ủy quyền, bất chấp luật pháp Việt Nam cấm các cá nhân nắm giữ hơn 5% cổ phần của bất kỳ ngân hàng nào.

Nhưng cách rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan không mới, mà tin đồn về sự tham nhũng của bà Lan xì xầm trong nhiều năm, đặc biệt qua các dấu hiệu bà và các cộng sự thân cận mua rất nhiều bất động sản đắc địa ở TP.HCM.

Chồng của bà, ông Eric Chu Nap-kee, quốc tịch Hong Kong, bị kết án 9 năm tù vì vai trò của ông trong vụ bê bối, trong khi cháu gái của bà bị phạt 17 năm tù. Bốn giám đốc điều hành, bao gồm cả cơ quan quản lý ngân hàng trung ương, bị tuyên án chung thân.

Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Saigon Times)

Những lo ngại về ngành ngân hàng Việt Nam

Trong những năm gần đây, chiến dịch chống tham nhũng được gọi là chiến dịch “đốt lò” của Việt Nam ngày càng nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tài chính.

Chiến dịch này tạo ra hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang cố làm sạch nạn tham nhũng tràn lan ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhưng Chỉ số Cảm Nhận Tham Nhũng năm 2023 của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế, dành cho Việt Nam chỉ giảm từ 42 xuống 41 trên thang điểm 0-100, trong đó 0 có nghĩa là tham nhũng cao.

Bên cạnh đó, quy mô các vụ án tham nhũng bị phát hiện trong những năm gần đây đặt ra câu hỏi về mức độ tham nhũng còn tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam, mà vụ án bà Lan chỉ là một trong vô số điểm tù mù đáng lo ngại của ngành ngân hàng và tài chính Việt Nam lúc này.

Người ta nhìn thấy sự yếu kém về quản lý, đặc biệt qua sự kiện bà Lan và các cộng sự có vẻ dễ dàng ăn cắp hơn $12 tỷ từ một ngân hàng tư nhân.

Phiên tòa xét xử một vụ lừa đảo quy mô lớn khác trên thị trường chứng khoán liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, nguyên chủ tịch Tập Đoàn Bất Động Sản FLC, nhiều khả năng sẽ bắt đầu trong năm nay. Các công tố viên đang tìm cách kết án ít nhất 51 người liên quan đến vụ bê bối này, sau khi cuộc điều tra kết thúc vào Tháng Hai.

Những nỗ lực chống tham nhũng đang ảnh hưởng rõ đến việc ra quyết định hoạt động ở cấp địa phương. Đây thật sự là con dao hai lưỡi.

Các quan chức nhà nước chột dạ trước án tử của ba Lan, và được cho là ngày càng lo sợ sẽ bị buộc tội làm sai, đến mức giờ đây họ ngần ngại đưa ra những quyết định có tính rủi ro, đặc biệt là ký hoạt động đối với các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết. Vì một quyết định sai lầm có thể khiến họ phải chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến việc họ bị buộc tội thất thoát tiền, và cả chuyện vào tù.


 

Vài Câu Hỏi Nhức Nhối Ngày 30 Tháng 4 – Từ Thức

Từ Thức

48 năm !

Gần một nửa thế kỷ trôi qua, vết thương vẫn chưa lành. Và chắc sẽ không bao giờ lành đối với hàng triệu gia đình, trong khi có những người khác, đứng đầu là nhà nước, có cơ hội “hát trên những xác người” để ăn mừng chiến thắng. Có cơ hội để khoe khoang, đánh bóng quá khứ, để dân quên thực tại đất nước không có gì đáng kiêu hãnh.

Vài câu hỏi nhức nhối nhiều người đặt ra, hay tự hỏi.

Thứ nhất, có nên tổ chức tưởng niệm ngày 30/4, nửa thế kỷ sau?

Thứ hai, có nên tiếp tục hoạt động chống Cộng, trong khi “càng chống, Cộng sản càng mạnh?”

Thứ ba, mỗi người, dù chân yếu tay mềm, dù không phải là anh hùng, có thể làm gì, đóng góp gì cho công cuộc chung? (1)

  1. CÓ NÊN TƯỞNG NIỆM MỖI NĂM?

Có người nghĩ nửa thế kỷ sau, có lẽ nên quên chuyện cũ, để hướng về tương lai.

Trái lại, muốn chuẩn bị tương lai, phải ôn lại quá khứ.

Một cộng đồng, một dân tộc không có quá khứ, sẽ không biết mình là ai, không biết phải đi ngả nào. Không có quá khứ, sẽ không có hiện tại, không có tương lai. Ôn lại quá khứ, rút tỉa những kinh nghiệm xương máu, để tìm đường đi cho mình và cho thế hệ sau.

Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư để không quên hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên rừng, trên đường mòn biên giới, trên biển cả với hy vọng được sống tự do.

Quốc gia văn minh nào cũng tưởng niệm những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế chiến, hay xa hơn nữa, bởi vì người chết bị quên lãng sẽ chết lần thứ hai.

Forgive, but not forget. Có thể tha thứ, không có thể quên.

Người Việt có phong tục rất hay, là cúng giỗ. Đặt bàn thờ, hương hoa, hay cả thức ăn, không phải là dấu hiệu của mê tín dị đoan, trái lại, là một cách rất văn minh, để chứng tỏ người chết vẫn ở đâu đó, bên cạnh. Người chết không bao giờ thực sự chết.

Ngày 30/4 là ngày giỗ của hàng triệu gia đình.

Người ta hy vọng, nhưng chắc khó toại nguyện, trong khi hàng triệu đồng bào của mình đang khóc những người chết oan, tức tưởi, những người khác, nhất là những người cầm quyền, không nên nhẫn tâm reo hò, nhẩy múa. Đó là một thái độ man rợ nhất.

Dù hăng say chiến thắng tới đâu, vẫn còn 364 ngày mỗi năm, để tha hồ reo hò, mạ lỵ, chửi rủa, đấu tố, oán thù.

Một lý do nữa để tưởng niệm ngày 30/4: nhắc lại cho thế hệ sau những gì đã xẩy ra nửa thế kỷ trước, cho gia đình, cho cha mẹ của họ.

Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển, với cái hy vọng mơ hồ là trôi dạt đến một nơi nào đó có tự do.

Bỏ nước ra đi là một chuyện kinh thiên, động địa với một dân tộc gắn liền với đất nước – đất và nước – đa số chưa hề rời làng mạc, khu phố mình đã sinh ra, lớn lên.

Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.

Người Cộng Sản, sở trường trong việc viết lại lịch sử, đã bôi nhọ những người ra đi là chạy theo Mỹ, và sau đó, khi cần tiền họ gởi về, thân ái phong cho họ là những “khúc ruột ngàn dậm”.

Howard Zinn nói “khi những con thỏ chưa có sử gia, lịch sử sẽ được viết bởi những người đi săn”.

Tưởng niệm ngày 30/4 là nhắc lại sự thực lịch sử. Lịch sử của chiến tranh, lịch sử của một trong những cuộc di cư lánh nạn khủng khiếp, kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

  1. CÓ NÊN TIẾP TỤC TRANH ĐẤU CHO TỰ DO?

Nhiều người tự hỏi: có nên tiếp tục tranh đấu chống Cộng hay không, bởi vì nửa thế kỷ sau, Cộng sản vẫn còn đó, hung hăng, tàn bạo? Chưa thấy một hy vọng tự do nào le lói cuối đường hầm.

Điều đó khó chối cãi.

48 năm sau, xã hội VN băng hoại hơn bao giờ hết.

Biển đảo bị chiếm đóng, môi trường bị huỷ hoại, bất công tràn lan, tham nhũng khủng khiếp, khiến người Việt, sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, “tự do, dân chủ, cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc”, chỉ hy vọng được trốn ra nước ngoài, để lấy chồng, để trồng cần sa, bán dâm, để làm nô lệ.

Trong bối cảnh đó, người Việt hoàn toàn thụ động.

Sau nửa thế kỷ cai trị miền Nam, 3 phần tư thế kỷ miền Bắc, Cộng Sản đã thành công trong công cuộc “thụ nhân” (trồng người), đào tạo một thế hệ vô cảm.

Một mặt, sự đàn áp dã man, chà đạp nhân quyền, ngồi xổm trên những quyền tự do tối thiểu của con người, chế độ đã tạo một dân tộc biết sợ. Và trên cả cái sợ, cái cùm tự kiểm duyệt, coi như đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống

Mặt khác, kinh tế phát triển nhờ nhân công rẻ, ngoan ngoãn, trong một thời đại hoàn cầu hoá, nhờ hàng chục tỷ dollars của các “khúc ruột ngàn dậm” đổ về, nhờ tiền xuất cảng lao động, xuất cảng phụ nữ, VN biến thành một xã hội tiêu thụ.

Một số người được tiêu pha, chơi bời thả cửa, có ảo tưởng được tự do, hài lòng với thân phận của mình, chấp nhận hay ủng hộ chế độ. VN trở thành một nhà tù lộ thiên, trong đó tù nhân không muốn vượt ngục nữa (2).

Trong bối cảnh đó, những phong trào tranh đấu cho tự do, dân chủ yếu dần.

Trong nước, những người tranh đấu bị đàn áp dã man; 10, 15 năm tù, cái án dành cho những người cướp của giết người ở những nước bình thường, chỉ vì đã lên tiếng chống cướp nhà, cướp đất, hay đòi quyền thở, quyền sống.

Ở đây, phải bày tỏ sự khâm phục đối với những người vô danh, hay nổi tiếng, đã can đảm tranh đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt, và nhất là trong sự cô đơn, giữa một biển vô cảm.

Ở hải ngoại, phong trào cũng yếu dần, vì chia rẽ, vì bệnh cá nhân chủ nghĩa, vì cái tôi quá lớn (3), vì tổ chức luộm thuộm, khái niệm rất mơ hồ về dân chủ, rất mơ hồ về sự hữu hiệu của mỗi hành động.

Nhiều người cho cảm tưởng họ chống nhau, hơn là chống Cộng. Sẵn sàng chụp mũ nhau là Cộng Sản, chỉ vì một câu nói vụng về, một câu trích khỏi một bài, trái hẳn với ý của người viết. Đôi khi chỉ vì tỵ hiềm cá nhân, vì ganh ghét, vì độc ác. Trong khi đó, Cộng Sản gộc, thứ thiệt, ngang nhiên mua nhà cửa, họp hành, ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình, lộng hành trước mắt bàn dân, thiên hạ, ngay giữa cộng đồng tỵ nạn.

Nhiều khi những người chống Cộng hăng say chống nhau, quên cả chống Cộng.

Quả thực là tình trạng đáng ngao ngán, khiến nhiều người muốn bỏ cuộc.

Nhưng suy nghĩ lại, có quả thực là các hoạt động có hoàn toàn vô bổ không ?

Nếu Việt Nam chưa phải là Bắc Hàn, bởi vì CS không muốn đóng cửa để mất nguồn ngoại tệ khổng lồ, nhưng cũng bởi vì có những người kiên trì tranh đấu ở hải ngoại, tiếp tay với những người tranh đấu trong nước, lên tiếng tố cáo các chính sách đàn áp, các hành động đàn áp dã man của nhà nước.

Cộng sản chùn tay, không phải vì muốn được kính trọng đôi chút, nhưng bởi vì còn muốn làm ăn, buôn bán với thế giới bên ngoài.

Những hoạt động hải ngoại, dù chưa đạt kết quả mong muốn, dù có nhiều khuyết điểm, vẫn chứng tỏ có những người không bỏ cuộc, nửa thế kỷ sau ngày 30/4/75.

Tại sao không thể bỏ cuộc lúc này. Bởi vì cuộc chiến trở thành một mặt trận văn hoá. Ai cũng nghĩ và mong có thay đổi chính trị ở VN, bởi vì một nhóm người cai trị gần 100 triệu dân, vô thời hạn, là một chuyện quái đản ở thế kỷ 21.

Nhưng chỉ có thay đổi nếu hội đủ 2 điều kiện.

Thứ nhất, người dân ý thức mình đang sống trong một nhà tù không tường, mặc dù được hưởng những tự do phù phiếm như ăn chơi, tiêu thụ. Thứ hai, mọi người nghĩ những thay đổi sẽ có hậu quả tốt cho chính mình, cho gia đình mình.

Dân chủ đối với đa số vẫn còn là một ý niệm mơ hồ, nếu không phải là đề tài để nhạo báng. Đa số vẫn chưa ý thức rằng tất cả những vấn đề của VN, từ bất công khủng khiếp, tới tham nhũng kinh hoàng, giáo dục bế tắc sẽ không bao giờ giải quyết được, nếu không có một thể chế dân chủ.

Việc thuyết phục người đồng hương là chuyện của mỗi chúng ta, mỗi ngày.

  1. MỖI NGƯỜI CÓ THỂ LÀM GÌ?

Không phải ai cũng là anh hùng, không phải ai cũng là những nhà hoạt động, sẵn sàng hy sinh. Nhưng mọi người đều có thể đóng góp.

Khi tôi gỉải thích cho con cháu lịch sử cận đại của VN, tôi đóng góp cho việc chống lại âm mưu viết lại lịch sử của tập đoàn cầm quyền.

Khi tôi kể cho bạn bè trong nước những sinh hoạt dân chủ nơi tôi đang sống, tôi đóng góp vào việc phát triển ý thức, và kiến thức dân chủ.

Khi tôi liên lạc với các giới chức, các hội đoàn nơi tôi đang sống, hay với những du khách tới VN, để nói về những vi phạm nhân quyền, tôi đóng góp vào việc cho thế giới bên ngoài biết về thực trạng VN.

Đó chỉ là những thí dụ. Còn hàng ngàn những chuyện khác, mọi người có thể làm. Nếu một triệu người làm những việc nhỏ, kết quả sẽ rất lớn.

Một câu nói nổi tiếng mà người ta gán cho Lão Tử: Hãy thắp một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Đôi khi chúng ta quên cả nguyền rủa bóng tối, vì còn say sưa nguyền rủa nhau.

Những khuyết điểm, những sai lầm của những người chống Cộng đã khiến hai chữ “chống Cộng” mất dần ý nghĩa.

Nhiều người xa lánh, không muốn liên luỵ tới những chuyện đánh phá cá nhân, bè phái.

Albert Camus nói cuộc đời là những cuộc tranh đấu, nếu không tranh đấu cho lẽ phải, không nổi giận trước những bất công, cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng Camus nói thêm: nổi loạn, hay phẫn nộ phải có đối tượng, không bao giờ mù quáng, vô vạ, miễn phí (la révolte est ciblée, jamais aveugle ni gratuite).

Chống Cộng, nửa thế kỷ sau, không phải vì oán thù, không phải vì bị cướp nhà cướp đất, nhưng bởi vì nghĩ rằng, biết rằng chế độ Cộng Sản đưa tới bế tắc cho dân tộc. Bế tắc và diệt vong.

Tôi chống Cộng bởi vì không muốn nước tôi không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ; không có văn hoá, chỉ có tuyên truyền; không có quyền làm người, chỉ có quyền tuân lệnh; không có quyền suy nghĩ, chỉ có quyền ăn chơi.

Hiểu theo nghĩa đó, chống Cộng là một nghĩa vụ trong sáng nhất, khẩn cấp nhất. Không phải là chuyện phù phiếm, như nhiều người nghĩ. Có người thành thực nghĩ như vậy, có người mượn đó là một cái cớ để buông tay, hay đồng loã với cái ác.

TỪ THỨC

tuthuc-paris-blog.com

(1) Bài này ghi lại và bổ túc bài nói chuyện trong cuộc hội luận ngày 29/4/2023 do Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Tự Do tổ chức, tại Paris, Pháp.


 

Nắng nóng lan rộng từ Nam ra Bắc, Tây Nguyên cạn nước, cây trồng chết khô

Ba’o Nguoi-Viet

April 18, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo Trung tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, nắng nóng sẽ lan ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sau đó đến Đông Bắc Bộ. Trong khi khu vực miền Trung và Tây Bắc Bộ dự báo có nơi nắng nóng trên 39 độ C.

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin cho hay dự báo bắt đầu từ ngày mai 19 Tháng Tư, thời tiết mưa mát ở Bắc Bộ sẽ nhanh chóng kết thúc thay bằng thời tiết nắng nóng mở rộng ra toàn khu vực phía Đông Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Từ ngày mai, nắng nóng lan rộng ra miền Bắc, miền Trung Việt Nam có nơi nóng trên 39 độ C. (Hình: C.Tuệ/Tuổi Trẻ)

Ông Nguyễn Đức Hòa, phó trưởng phòng Dự Báo Khí Hậu, Trung Tâm Dự Báo Thủy Văn Quốc Gia, cho biết trong vòng một tháng tới, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Đối với khu vực Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng gay gắt hơn. Dự báo có nơi nắng nóng “đặc biệt gay gắt” với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Trong khi đó, khu vực Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

“Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới,” cơ quan khí tượng dự báo.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên – Nam Bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu và khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Nhiều vùng trồng cà phê, hoa màu của người dân các tỉnh Tây Nguyên đã cháy sém, nông dân gồng mình trong nắng nóng, tìm nước tưới cho cây trồng.

Theo Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Đắk Lắk, đến nay đã có hơn 2,000 hécta cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước tưới và dự báo trong thời gian tới, sẽ tăng lên từ 5,000-8,000 hécta do thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Đáng lo ngại, hiện tại có 44/619 hồ chứa đã cạn kiệt nước. Số hồ chứa còn lại lượng nước cũng chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. Trong khi nguồn nước trên các sông, suối, đang tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Tương tự, theo Sở Nông Nghiệp Tỉnh Đắk Nông, đến nay có gần 10,000 hécta cây trồng trong tỉnh thiếu nước tưới đứng trước nguy cơ giảm năng suất, chết cây. Trong khi cả tỉnh có 255 hồ chứa nhưng đến nay có 31 hồ đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Rất nhiều hồ chỉ còn dung tích 30%-50% và sẽ cạn trong 1-2 tuần tới.

Nhiều hồ chứa nước ở tỉnh Đắk Nông trơ đáy. (Hình: Đức Lập/Tuổi Trẻ)

Hiện nay tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục bơm nước từ những khu vực ao hồ, sông suối về vùng hạn nhưng “nước xa, khó cứu hạn gần,” nếu thời tiết nắng nóng vẫn kéo dài.

“Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn trung bình tại các khu vực trên phạm vi cả nước, do đó nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao, đặc biệt khu vực Tây Nguyên-Nam Bộ,” ông Hòa cảnh báo. (Tr.N)


 

Phần cuối án tử hình Trương Mỹ Lan, sẽ lộ mặt Lê Thanh Hải?

Ba’o Nguoi-Viet

April 17, 2024

Nam Việt/SGN

Ngay trước khi kết thúc phiên xử sơ thẩm, người nhà bà Lan nói với hãng tin Reuters rằng luật sư sẽ nộp đơn kháng cáo.

Có nghĩa là trước khi có kết quả phán quyết, bà Lan và luật sư đã chuẩn bị nội dung sẵn để kháng cáo, như một nước cờ được tính trong cuộc chơi với luật pháp Việt Nam, mà bà Lan lúc này phải một mình gánh tội thay cho những bóng đen đứng sau cánh màn nhung sự nghiệp của mình.

Có rất nhiều nhà bình luận thời sự nhấn mạnh rằng, trong một nền kinh tế chỉ huy của nhà nước cộng sản, những kẽ hở trục lợi chỉ có thể được tạo ra bởi các quan chức, và phối hợp bên ngoài để làm giàu. Một mình bà Trương Mỹ Lan có tài thánh đến đâu cũng không thể tự mình mở lối đi từ địa phương đến Trung Ương thành tập đoàn như hôm nay, và cuối cùng, là người kinh tài cho nhóm cộng sản miền Nam.

Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS – Yusof Ishak Institute), ít nhất một lần nhắc đến khái niệm “bảo trợ chính trị” cho sự hình thành quy mô làm ăn của bà Lan. Còn nói toẹt ra, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A khẳng định “trong cơ chế nhà nước này, một mình bà Lan không thể nào làm nên chuyện như vậy được.”

Sự có mặt không quá nổi bật của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhiều năm trước, nhưng luôn hiện diện bên cạnh các quan chức miền Nam, cũng tạo nên lời xì xầm về một hệ thống kinh tài, nối dài đến Hong Kong, Trung Quốc, nuôi lớn những con cá mập gian tham, đứng đầu là ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư TP.HCM trong suốt nhiều năm.

Ông Hải có nụ cười hiền lành nhưng nham hiểm tột cùng. Trong chiến dịch đốt lò của Trọng, Hải liên tục đẩy đàn em ra chịu đòn, còn mình vẫn an toàn sau những cú đánh chí tử.

Từng làm ủy viên Trung Ương Đảng 3 khoá, trong đó có 2 khóa là ủy viên Bộ Chính Trị, nên ông Hải hiểu rõ mọi chuyện, và có đủ hồ sơ “đen” của những kẻ muốn hại mình, để tung ra khi cần thiết, vào ván cờ cuối.

Cụ thể một trong những bê bối năm 2006, vẫn được dân Hà Nội thì thào nói với nhau chuyện bí thư Hà Nội Nguyễn Phú Trọng là làm biến mất 3,000 tỷ đồng ngân sách, và món quà căn nhà trị giá cả triệu đô từ tập đoàn Ciputra, mà sau đó bán gấp để xóa dấu vết.

Ông Trọng cũng không phải sạch sẽ gì khi nắm toàn quyền, nên hiểu rõ ai là người nhìn thấy vết của mình, và thận trọng trong từng bước đi. Dĩ nhiên, ông Hải biết rõ và có lẽ cũng tạo điều kiện cho ông Trọng biết là mình có đủ hồ sơ. Chính vì vậy, trong cuộc chinh phạt “đốt lò” vinh quang của mình, ông Trọng không dám nhắc gì đến ông Hải. Nhưng cay thì chắc là rất cay.

Thói thường của hậu trường chính trị, khi biết ai nắm thóp của mình, tức kẻ đó phải bị tiêu diệt. Ông Trọng không muốn để yên cho ông Hải, và cũng muốn có một cước phá đảo, chiếm lấy lực lượng kinh tài cho phe cộng sản miền Nam, mà rành rành là bà Trương Mỹ Lan cùng tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chính vì vậy, vụ cướp đất Thủ Thiêm được ông Trọng cho mở lại, siết chặt ông Hải vào những sai phạm mà người dân ở vùng đất này bị màn trời chiếu đất mấy mươi năm, nguyền rủa và quyết đòi cho bằng được.

Đòn quyết định của Tổng Trọng đưa ra vào Tháng Ba 2020, là lúc cho Bộ Chính Trị khóa 12 xem xét kỷ luật đối với ông Hải, mức cao nhất mà ông Hải nhận được chỉ là “cách chức bí thư Thành Ủy” đã kinh qua.

Ngày 20 Tháng Ba 2020, tại trụ sở Trung Ương Đảng, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách chức nguyên bí thư thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 của ông Lê Thanh Hải. (hình: Facebook)

Chính ông Trọng cũng bất ngờ vì nghĩ rằng mình đã hạ được con cáo già này, nhưng ông Hải khéo léo “lobby” đủ từ trên xuống dưới, khiến cả hội nghị lúc đó, không ai đồng ý mức án cao hơn, mà vốn ông Trọng từ đầu nhắm tới là khai trừ Đảng và khởi tố.

Để bảo đảm sự an toàn cho mình, ông Hải chạy kiếm cái vé vinh danh 55 tuổi Đảng vào năm 2023, để ràng chặt sự nghiệp đen tối của mình với hình ảnh đảng cầm quyền. Đồng thời lúc đó, ông quyết định “bán” người bạn, vốn thân thiết như chị em – là bà Trương Mỹ Lan cho cuộc thâu góm của Trọng, để có thể an tâm rút về làm “người tử tế,” theo sách lược từng thỏa thuận của ông Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Trọng.

Chuyện bán Trương Mỹ Lan cho ông Trọng là phương án phòng thân của ông Hải. Phía tay chân của bà Lan cũng báo động những giả định sự gian ác của Hải, nên từ năm 2014, gia đình bà đã vài lần định thôi quốc tịch Việt Nam, nhằm chuẩn bị mọi bước rút nhanh khi Hải trở mặt.

Người trong cuộc giấu tên nói “Hải đã nói với bà Lan là: tui còn ở đây, chị không phải lo gì cả, bộ chị không tin tui sao?” Nghe thuyết phục nhiều lần, bà Lan cũng chần chừ cho đến khi ý định bí mật rời khỏi Việt Nam bị lộ, Hải là người báo cho Tô Lâm bắt, chận lại mọi thứ.

Việc chận bắt diễn ra ngay trên đường đi, chứ không phải tại nhà, và cũng bắt trước hai ngày theo tin công an đưa ra cho báo chí.

Giờ đây, khi án tử hình gọi tên bà Trương Mỹ Lan, mà không thấy bất kỳ sự vận động hay ra mặt nào của Hải, có thể phần kháng cáo của bà Lan sẽ vô cùng hấp dẫn với những tin tức mới mà chính Đảng Trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng muốn nghe, là cơ hội để làm bàn đạp quét sạch ông Lê Thanh Hải và đám cộng sản Miền Nam.

Còn chưa biết phiên phúc thẩm của bà Lan sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nếu bà chết, sẽ không chọn chết một mình. Và những giờ phút này, ông Hải đang toát mồ hôi lạnh từng ngày, chạy đôn chạy đáo để tìm một sự bảo đảm cho số phận của mình, cũng như có thể đang lên kế hoạch bịt miệng bà Lan, chẳng hạn như một cái chết bất ngờ trong trại?